OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
YOMEDIA

Soạn bài Người đàn ông cô độc giữa rừng - Đoàn Giỏi - Ngữ văn 7 Tập 1 Cánh Diều

Banner-Video

Qua văn bản Người đàn ông cô độc giữa rừng, tác giả Đoàn Giỏi đã cho người đọc hiểu hơn về con người Nam Bộ với tính cách bộc trực, thẳng thắn, gan dạ cùng thiên nhiên núi rừng trù phú, hùng vĩ. Bài soạn Người đàn ông cô độc giữa rừng - Đoàn Giỏi thuộc sách Cánh Diều dưới đây sẽ giúp các em có thêm nhiều kiến thức về tác phẩm đồng thời có những khám phá mới về đặc điểm thiên nhiên và con người ở các miền tổ quốc. Chúc các em học tập vui vẻ!

ADSENSE/lession_isads=0
QUẢNG CÁO
 
 

 

 
 

1. Tóm tắt nội dung bài học

1.1. Nội dung

Câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ của tía con An với chú Võ Tòng - người đàn ông cô độc giữa rừng. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đó cho người đọc thấy được tính cách, tinh thần kiên cường dũng cảm của những con người trong thời kì đất nước bị xâm chiếm.

1.2. Nghệ thuật

- Ngôi kể: kết hợp ngôi kể thứ nhất với ngôi kể thứ ba → Ngôi kể thứ nhất giúp thể hiện rõ suy nghĩ, tình cảm của nhân vật, qua đó ta hiểu rõ nhân vật hơn

- Ngôn ngữ: đậm chất Nam Bộ

- Từ ngữ Nam Bộ

- Cách miêu tả phong cảnh, tính cách, nếp sinh hoạt của người Nam Bộ

- Kết hợp giữa tự sự với miêu tả và biểu cảm

2. Soạn bài Người đàn ông cô độc giữa rừng - Đoàn Giỏi Ngữ văn 7 tập 1 Cánh Diều

2.1. Chuẩn bị đọc

Câu hỏi: 

Xem lại phần Kiến thức ngữ văn để vận dụng vào đọc hiểu văn bản. 

- Khi đọc truyện, các em cần chú ý: 

+ Tóm tắt được nội dung văn bản (Truyện kể lại sự kiện gì? Xảy ra trong bối cảnh nào?) 

+ Nhân vật chính là ai? Nhân vật ấy được nhà văn thể hiện qua những phương diện nào? 

+ Truyện kể theo ngôi kể nào? Nếu có sự thay đổi ngôi kể thì tác dụng là gì? 

+ Liên hệ, kết nối với kinh nghiệm sống của bản thân để hiểu thêm truyện. 

- Đọc trước đoạn trích, tìm hiểu những thông tin về tác phẩm Đất rừng phương Nam và nhà văn Đoàn Giỏi. 

Trả lời:

- Khi đọc truyện: 

+ Truyện kể lại sự kiện: ông Hai và bé An ghé thăm Võ Tòng; Võ Tòng kể cho 2 cha con ông Hai nghe về vụ giết hổ và giết tên địa chủ; sự việc Võ Tòng làm mũi tên thuốc độc và trao cho ông Hai.

+ Nhân vật chính trong truyện là Võ Tòng được nhà văn thể hiện qua các phương diện: ngoại hình, ngôn ngữ, hành động, suy nghĩ của nhân vật.

+ Truyện được kể theo ngôi thứ nhất là lời của cậu bé An ở phần đầu truyện và ngôi thứ ba khi nói về cuộc đời của nhân vật Võ Tòng. Việc thay đổi ngôi kể như vậy giúp cho việc kể được linh hoạt hơn và nhân vật hiện lên rõ nét hơn, khách quan hơn.

- Tác giả Đoàn Giỏi:  Đoàn Giỏi là một nhà văn hiện đại Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957.   

Đoàn Giỏi sinh ở quê tại thị xã Mỹ Tho, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Ông xuất thân trong một gia đình địa chủ lớn. 

Trong những năm Việt Nam chống Pháp, Đoàn Giỏi công tác trong ngành an ninh, rồi làm công tác thông tin, văn nghệ, từng giữ chức Phó trưởng Ty thông tin Rạch Giá (1949). Từ năm 1949 đến năm 1954, ông công tác tại Chi hội Văn nghệ Nam Bộ, viết bài cho tạp chí Lá Lúa, rồi tạp chí Văn nghệ Miên Nam.

Sau 1954, ông tập kết ra Bắc, đến năm 1955 ông chuyển sang sáng tác và biên tập sách báo, công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam, rồi Hội Văn nghệ Việt Nam. Ông là viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II, III. Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Đoàn Giỏi còn có các bút danh khác: Nguyễn Hoài, Nguyễn Phú Lễ, Huyền Tư. Ngoài truyện, truyện ngắn, ký, Đoàn Giỏi còn sáng tác thơ. 

- Tác phẩm Đất rừng phương Nam:

Đất rừng phương Nam là truyện viết cho lứa tuổi thiếu nhi rất thành công và nổi tiếng của ông. Truyện đã được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài, tái bản nhiều lần, được dựng thành phim và in trong Tủ Sách Vàng của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Đất rừng phương Nam viết về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé An. Em theo cha mẹ chạy giặc Pháp hết từ vùng này tới vùng khác của miền Tây Nam Bộ rồi lạc mất gia đình, trở thành cậu bé lang thang. Trong lúc lưu lạc, An đã gặp và trở thành con nuôi gia đình ông Hai bán rắn, làm an hem với thằng Cò và làm bạn với chú Võ Tòng

Võ Tòng sau này đòi đi giết Việt gian vì định mua chuộc ông Ba Ngù. Trong lần phục kích giặc trên cây Da, Võ Tòng đã giết chết tên Việt gian và một tên lính ngụy. Nhưng cuối cùng, Võ Tòng đã bị mụ Tư Mắm chỉ điểm rồi bị tên tướng bắn chết. Ba Ngù kêu An chỉ mụ Tư Mắm và biết được thói quen là thường đi tắm vào buổi chiều. Nên ông đã núp dưới đám bèo và dùng nỏ bắn chết mụ. Thời gian sau, bọn giặc phải lao đao nhiều lần vì ông. U Minh Thượng đã bị giặc đóng chiếm, gia đình tía nuôi và An rời đi U Minh Hạ sinh sống, gia nhập phường săn cá sấu, sau đó tới Soc Miên, chợ Mặt Trời, Năm Căn. Tại đây An gặp lại dì Tư Béo và rồi An theo các anh du kích.

- Văn bản “Người đàn ông cô độc giữa rừng” thuộc chương 10 của tiểu thuyết Đất rừng phương Nam.

2.2. Trải nghiệm cùng văn bản

Câu 1: Tiếng kêu và hình ảnh của con vượn bạc má trong phần 1 tạo nên cảm giác về một bối cảnh như thế nào? 

Trả lời:

- Tiếng kêu “ché…ét, ché…ét” và hình ảnh của con vượn bạc má “ngồi vắt vẻo, nhe răng” tạo một cảm giác sợ hãi, rợn rợn khó tả và gợi một bối cảnh hoang vu, ảm đạm giữa rừng sông nước.

Câu 2: Những chi tiết về nhà cửa, cách ăn mặc và tiếp khách,…gợi lên ấn tượng gì về chú Võ Tòng?

Trả lời:

Những chi tiết về nhà cửa (lều, cái bếp cà ràng, nồi đất, ngồi bằng gộc cây…), cách ăn mặc (cởi trần, mặc quần kaki mới thắt xanh-tuya-rông, bên hông lủng lẳng lưỡi lê) và tiếp khách (chai rượu vơi và đĩa khô, xưng hô chú em) gợi ấn tượng về chú Võ Tòng: có đôi chút cảm tình xen lẫn với ngạc nhiên hơi buồn cười. 

Câu 3: Chỉ ra dấu hiệu về sự chuyển đổi ngôi kể. 

Trả lời:

Đoạn văn có sự chuyển đổi ngôi kể từ ngôi thứ nhất sang ngôi thứ ba: ở đoạn đầu nhân vật xưng tôi “chắc tôi ngủ một giấc…tôi bước qua mấy bậc gỗ…” sang đoạn thứ ba chuyển đổi sang gã: “không ai biết tên thật của gã là gì”.

Câu 4: Chuyện Võ Tòng giết hổ hé mở điều gì về tính cách, cuộc đời nhân vật?  

Trả lời:

Chuyện Võ Tòng giết hổ gợi cho người đọc một nhân vật có sức mạnh phi thường, tính cách khẳng khái, trượng nghĩa hào hiệp. Tuy nhiên hành động đó cũng hé mở cho người đọc một cuộc đời nhiều sóng gió của nhân vật.

Câu 5: So sánh hành vi chống trả tên địa chủ ngang ngược với việc đánh hổ của Võ Tòng. 

Trả lời:

- Hành vi chống trả tên địa chủ với việc đánh hổ của Võ Tòng có nhiều điểm giống nhau:

+ Giống nhau về nguyên nhân: cái ác đều tự tìm đến với nhân vật: “gã đang ngủ trong lều, có con hổ chúa mò vào”; “tên này bắt gã bỏ mụt măng xuống và vu cho gã lấy trộm măng tre của hắn”.

+ Giống nhau về hành động tiêu diệt cái ác là nhân vật thẳng tay trừng trị cái ác: “gã vớ luôn cái mác…đâm thẳng một nhát vào hàm dưới con hổ chúa”; “nhát dao chém trả vào mặt…nằm gục xuống vũng máu”.

+ Giống nhau về kết quả là cái ác bị tiêu diệt “con hổ lộn vòng rơi xuống đất”, tên địa chủ “nằm gục xuống vũng máu”. Và nhân vật Võ Tòng cũng nhận lại kết quả đau đớn theo suốt quãng đường đời còn lại là “hàng sẹo khủng khiếp chạy từ thái dương xuống cổ”, bị tù mười năm và đứa con trai độc nhất đã chết khi gã còn trong tù.

- Điểm khác nhau trong hành vi chống trả tên địa chủ và giết hổ của Võ Tòng là: khi giết hổ là giết loài vật và là hành động tự vệ bản năng. Khi giết hổ thì thể hiện được sức mạnh và vang danh “Võ Tòng”. Còn khi giết tên địa chủ là giết người và là hành động bảo vệ danh dự “đánh lên đầu là nơi thờ phụng ông bà”. Sau khi hành sự xong thì gã không chốn chạy mà đi đến nhà việc để chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Câu 6: Chú ý cách uống rượu và lời nói của chú Võ Tòng với tía nuôi “tôi”.

Trả lời:

- Cách uống rượu của Võ Tòng: rót rượu ra bát, uống một ngụm, trao bát sang cho tía nuôi tôi. Cách uống rượu từ tốn có chút thận trọng nhưng cũng hết sức gần gũi.

- Lời nói của Võ Tòng với tía nuôi “tôi”: sự so sánh giữa con dao găm, cánh nỏ với cái súng của bọn giặc. Võ Tòng cho rằng súng dở lắm, kêu ầm ĩ và cầm súng là nhát gan vì ở xa cũng bắn được mà. Còn cầm dao và nỏ thì tách một tiếng không ai hay biết. Qua đây người đọc thấy được khí phách kiên cường, bản lĩnh gan dạ dũng cảm của nhân vật Võ Tòng.

Câu 7: Chú ý thái độ của chú Võ Tòng khi tẩm thuốc độc vào tên. 

Trả lời:

Khi tẩm thuốc độc vào tên Võ Tòng có thái độ bình tĩnh có phần nghiêm nghị, điều đó được thể hiện qua hành động rút từng mũi tên nhúng vào thuốc, nheo mắt ngắm, nắn nắn chon gay, làm say sưa không dám thở mạnh.

Câu 8: Chú ý tiếng “cười lớn” của chú Võ Tòng ở đây và phần cuối văn bản. 

Trả lời:

- Tiếng “cười lớn” của Võ Tòng: Chú Võ Tòng chăm chú nhìn tôi một lúc rồi cười lớn: “Chú em nói ngẫm cũng đúng. Nhưng mà…những người nghèo, những người không ăn bậy, ít khi đau mồm và đau dạ dày lắm!”

- Tiếng cười lớn ở cuối bài: “Chú nuôi đầy rừng, muốn con cỡ nào chú bắt cho đúng con cỡ ấy!”, Chú Võ Tòng vẫy vẫy tay, cười lớn một thôi dài.

Câu 9: Câu nói cảm ơn trang trọng của ông Hai và lời đáp của chú Võ tòng thể hiện điều gì? 

Trả lời:

Câu nói cảm ơn trang trọng của ông Hai: “Xin đa tạ chú! Đa tạ chú!”, đây không phải là lời cảm ơn của riêng bản thân ông Hai, mà ông trang trọng nói cảm ơn Võ Tòng thay người dân Nam Bộ nói riêng, nhân dân cả nước nói chung vì đã làm mũi tên để giết giặc. Lời đáp của Võ Tòng “Có gì đâu anh Hai. Vì nghĩa chung mà!” thể hiện chí hướng chung của hai nhân vật là chống giặc cứu nước!

2.3. Suy ngẫm và phản hồi

Câu 1: Văn bản Người đàn ông cô độc giữa rừng kể về việc gì? Đoạn trích có những nhân vật nào? Ai là nhân vật chính? Nhan đề văn bản gợi cho em những suy nghĩ gì?

Trả lời:

- Văn bản Người đàn ông cô độc giữa rừng kể về việc hai cha con ông Hai và An ghé thăm nơi ở của Võ Tòng.

- Đoạn trích có 3 những nhân vật: bé An- nhân vật tôi, ông Hai và Võ Tòng.

- Nhân vật chính: Võ Tòng.

- Nhan đề văn bản gợi cho em suy nghĩ về người đàn ông sống giữa rừng hoang vu hẻo lánh, sống cuộc sống cô độc, lạnh lẽo và hình hài có phần dị dạng.

Câu 2: Đặc điểm tính cách nhân vật Võ Tòng được nhà văn thể hiện trên những phương diện nào? Hãy vẽ hoặc miêu tả bằng lời về nhân vật Võ Tòng theo hình dung của em.

Trả lời:

- Đặc điểm tính cách nhân vật Võ Tòng được nhà văn thể hiện trên những phương diện: nơi ở, cách ăn mặc, lời nói (cách tiếp đãi khách), hành động (giết hổ, giết địa chủ, làm mũi tên).

- Miêu tả bằng lời về nhân vật Võ Tòng theo hình dung của em: Qua việc đọc văn bản, Võ Tòng hiện lên là người có thân hình vạm vỡ, tóc dài, khuôn vặt chữ điền, có vết sẹo dài từ thái dương xuống cổ; chú có ngước da ngăm đen khỏe mạnh; giọng nói của chú trầm và rõ ràng. Đồng thời em cũng thấy được Võ Tòng là một con người nghĩa hiệp, bản lĩnh và yêu nước.

Câu 3: Nêu tác dụng của việc kết hợp giữa lời kể theo ngôi thứ nhất (xưng "tôi") với lời kể theo ngôi thứ ba trong việc khắc hoạ nhân vật Võ Tòng.

Trả lời:

Tác dụng của việc kết hợp giữa lời kể theo ngôi thứ nhất (xưng "tôi") với lời kể theo ngôi thứ ba trong việc khắc họa nhân vật Võ Tòng: giúp cho nhân vật Võ Tòng hiện lên một cách đa chiều, được nhìn nhận trong con mắt của nhiều nhân vật.

Câu 4: Hãy nêu ra một số yếu tố (ngôn ngữ, phong cảnh, tính cách con người, nếp sinh hoạt,...) trong văn bản để thấy truyện của Đoàn Giỏi mang đậm màu sắc Nam Bộ.

Trả lời:

Một số yếu tố mang đậm màu sắc Nam Bộ trong văn bản:

- Ngôn ngữ: sử dụng nhiều từ ngữ vùng Nam Bộ như: xuồng, gộc cây, cà ràng, tẩu, xanh- tuya-rông, nhai bậy….

- Phong cảnh: cảnh sông nước thông qua hình ảnh chiếc xuồng ở đầu và cuối văn bản, cảnh nhà lều với những bếp củi cà ràng giữa nhà…

- Tính cách con người: chân thật, khẳng khái nhưng hết sức tình cảm và hồn hậu. Điều đó được thể hiện rõ nét qua nhân vật Võ Tòng.

- Nếp sinh hoạt: ở trong nhà có bậc thang gỗ, đốt củi, dùng nồi đất, ăn đồ khô (thịt phơi)…

Câu 5: Qua văn bản, em hiểu thêm được gì về con người và thiên nhiên của vùng đất phương Nam? Hãy nêu một chi tiết mà em thích nhất và lí giải vì sao.

Trả lời:

- Qua văn bản, em hiểu thêm về con người và thiên nhiên của vùng đất phương Nam là: 

+ Thiên nhiên được Đoàn Giỏi vẽ lên bằng những màu sắc sinh động, tràn trề sức sống, mở đầu là tiếng kêu “ché…ét, ché…ét” và hình ảnh của con vượn bạc má “ngồi vắt vẻo, nhe răng”, tiếp đó là “tiếng chim rừng ríu rít gọi nhau trở dậy đón bình minh trên những ngọn cây”…

 + Con người Nam bộ chân phác với những nét sắc sảo lạ lùng: ông Hai và Võ Tòng đều không có đất, quanh năm ở đợ, làm thuê cho địa chủ, bị chúng cướp công, cướp người yêu, cướp vợ, họ đã đánh trả và bị tù, chỗ khác nhau là ông Hai bắt rắn đã trốn tù, đón vợ rồi bỏ vào rừng U Minh. Một con thuyền nhỏ, hai vợ chồng, thằng con trai và con chó Luốc đi lang thang kiếm sống bằng đủ thứ nghề: câu rắn, lấy mật, săn cá sấu…còn Võ Tòng một thân một mình trốn vào sâu trong rừng U Minh….

- Chi tiết em thích nhất là chi tiết Võ Tòng giết hổ bởi vì: đó là một hình ảnh đẹp; hình ảnh đó cho thấy sức mạnh phi thường của con người, con người đủ khả năng chống trọi lại mọi khó khan khắc nghiệt của tự nhiên để bảo vệ bản thân. Đồng thời hình ảnh đó cũng cho em thấy được tinh thần tự vệ cao của con người Việt Nam.

Câu 6: Viết một đoạn văn (khoảng 6 – 8 dòng) nêu lên những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của văn bản “Người đàn ông cô độc giữa rừng”.

Trả lời:

Văn bản “Người đàn ông cô độc giữa rừng” là một trong những đoạn văn tiêu biểu trong tiểu thuyết Đất rừng phương Nam. Văn bản sử dụng ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ, thông qua đó người đọc hình dung được phong cảnh thiên nhiên cũng như thói quen sinh hoạt của người dân Nam Bộ. Đoàn Giỏi đã khắc họa thành công nhân vật của mình thông qua việc miêu tả kết hợp kể về hình dáng, lời nói, hành động của nhân vật. Chính những điều đó mà nhân vật của ông mang đậm chất Nam Bộ. Bên cạnh đó, bằng việc thay đổi linh hoạt ngôi kể thứ nhất và ngôi kể thứ ba, nhân vật hiện lên dưới ngòi bút của tác giả rõ nét, trung thực và khách quan hơn.

Nhằm giúp các em hiểu hơn về bài soạn này, các em có thể tham khảo thêm:

3. Hướng dẫn luyện tập

Câu hỏi: Có ý kiến cho rằng văn bản Người đàn ông cô độc giữa rừng - Đoàn Giỏi, SGK Ngữ văn 7 Tập 1 Cánh Diều mang đậm màu sắc Nam Bộ, hãy chứng minh ý kiến trên.

Trả lời:

Văn bản Người đàn ông cô độc giữa rừng - một đoạn trích trong tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi mang đậm màu sắc Nam Bộ. Đầu tiên, tác giả sưr dụng nhiều từ ngữ địa phương như tía, má, khô nai, xuồng,...kết hợp với quang cảnh xuyên suốt tác phẩm là sông nước, rừng hoang sơ. Khi đọc, người ta sẽ hình dung ra những vùng đất bạt ngàn vùng núi rừng U Minh. Nhân vật trong tác phẩm của ông có nếp sinh hoạt đi xuồng, ăn ở phóng khoáng gắn liền với hình ảnh người Nam Bộ. Họ chân phác với những nét sắc sảo lạ lùng: ông Hai và Võ Tòng đều không có đất, quanh năm ở đợ, làm thuê cho địa chủ, bị chúng cướp công, cướp người yêu, cướp vợ, họ đã đánh trả và bị tù, chỗ khác nhau là ông Hai bắt rắn đã trốn tù, đón vợ rồi bỏ vào rừng U Minh. Một con thuyền nhỏ, hai vợ chồng, thằng con trai và con chó Luốc đi lang thang kiếm sống bằng đủ thứ nghề: câu rắn, lấy mật, săn cá sấu. Còn Võ Tòng một thân một mình trốn vào sâu trong rừng U Minh.

4. Hỏi đáp về bài Người đàn ông cô độc giữa rừng - Đoàn Giỏi Ngữ văn 7 tập 1 Cánh Diều

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

5. Một số văn mẫu bài Người đàn ông cô độc giữa rừng - Đoàn Giỏi Ngữ văn 7 tập 1 Cánh Diều

Người đàn ông cô độc giữa rừng - Đoàn Giỏi tái hiện cuộc gặp gỡ giữa tía con An với chú Võ Tòng. Qua lời kể của chú An hiểu hơn về cuộc đời cô độc nhưng gan dạ, dũng cảm của chú. Để cảm nhận được một cách sâu sắc về văn bản này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:

---------------(Đang cập nhật)-----------------

OFF