Đất nước ta có rất nhiều cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, trong bài Hương Sơn phong cảnh, tác giả Chu Mạnh Trinh đã mở ra cho người đọc không gian bình yên và tĩnh lặng của danh thắng Hương Sơn. Bài soạn Hương Sơn phong cảnh - Chu Mạnh Trinh thuộc sách Chân Trời Sáng Tạo được HOC247 biên soạn dưới đây sẽ giúp các em có thêm kiến thức về địa danh này đồng thời bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước của bản thân. Chúc các em học tập vui vẻ!
1. Tóm tắt nội dung bài học
1.1. Nội dung
Tác phẩm thể hiện tình yêu quê hương, đất nước hòa quyện với tâm linh, hướng con người tới niềm tự hào về đất nước.
1.2. Nghệ thuật
- Từ ngữ có giá trị tạo hình cao
- Giọng thơ nhẹ nhàng, sử dụng nhiều kiểu câu khác nhau
- Ngữ điệu tự do phù hợp với tư tưởng phóng khoáng
2. Soạn bài Hương Sơn phong cảnh - Chu Mạnh Trinh Ngữ văn 10 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo
2.1. Chuẩn bị đọc
Câu hỏi: Hãy giới thiệu và chia sẻ cảm nhận về một cảnh đẹp của quê hương, đất nước mà bạn đã có dịp đến thăm hoặc biết qua sách vở.
Trả lời:
- Tây Thiên là một khu di tích nổi tiếng thuộc huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Tây Thiên nằm trong thung lũng lòng chảo của sơn hệ Tam Đảo, có độ cao từ 54m đến 1.100m so với mực nước biển, phạm vi phân bố khoảng 11km vuông với cảnh quan đẹp và hùng vĩ. Tam Đảo dùng để chỉ 3 ngọn núi (trong dãy núi) liền nhau đột ngột nổi lên, bồng bềnh trong mây, tựa như 3 hòn đảo trong biển mây phủ. Khu di tích và danh thắng Tây Thiên là một quần thể di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, bao gồm hệ thống các đình, chùa có giá trị văn hóa và khảo cổ như đền Thượng, đền Thõng, đền Mẫu, đền Cậu, đền Cô... Nơi đây tập trung mật độ lớn dấu vết cũ cũng như các công trình văn hóa, các địa chỉ có giá trị nghiên cứu khảo cổ học nằm ẩn mình dưới những cánh rừng già dọc theo con suối Tây Thiên... Vì thế, đây không chỉ là nơi hấp dẫn du khách đến thưởng ngoạn phong cảnh mà còn là một biểu tượng cho đời sống tâm linh, tín ngưỡng tại Việt Nam. Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên - Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
2.2. Trải nghiệm cùng văn bản
Câu 1: Lưu ý những từ ngữ diễn tả cảm xúc của chủ thể trữ tình khi đến Hương Sơn.
Trả lời:
Những từ ngữ diễn tả cảm xúc của chủ thể trữ tình: Đệ nhất động, ao ước, kìa.
Câu 2: Đoạn này sử dụng các biện pháp tu từ nào để miêu tả vẻ đẹp Hương Sơn? Các biện pháp tu từ đó giúp bạn hình dung phong cảnh Hương Sơn như thế nào?
Trả lời:
- Biện pháp tu từ để miêu tả vẻ đẹp Hương Sơn: điệp từ (này), so sánh (đá long lanh như gấm dệt), các từ láy (chập chờn, long lanh, thăm thẳm)
- Các biện pháp tu từ đó giúp ta hình dung phong cảnh Hương Sơn: Hương Sơn với nhiều động khác nhau, mỗi động mang một nét đẹp riêng. Khung cảnh Hương Sơn tuyệt đẹp, thơ mộng, trữ tình và đa sắc màu.
Câu 3: Chú ý số tiếng trong mỗi dòng, cách gieo vần, ngắt nhịp và cách kết thúc bài thơ.
Trả lời:
- Số tiếng trong mỗi dòng không giống nhau: câu 7 tiếng, câu 8 tiếng, câu 6 tiếng
- Cách gieo vần không cố định, tự do, có gieo vần “ay”, “đây”
- Cách ngắt nhịp tự do, linh hoạt
- Cách kết thúc bài thơ sử dụng cấu trúc “càng...càng” nhằm nhấn mạnh cảm xúc của tác giả trước vẻ đẹp Hương Sơn.
2.3. Suy ngẫm và phản hồi
Câu 1: Xác định bố cục bài thơ.
Trả lời:
- Phần 1 (4 câu thơ đầu): Cái nhìn bao quát của chủ thể trữ tình khi đến Hương Sơn
- Phần 2 (14 câu thơ tiếp): Vẻ đẹp cụ thể của Hương Sơn
- Phần 3 (còn lại): Tư tưởng từ bi bác ái và tình yêu đối với cảnh đẹp đất nước.
Câu 2: Nêu một số từ ngữ để khái quát vẻ đẹp của phong cảnh Hương Sơn được gợi tả qua các đoạn thơ.
Trả lời:
Một số từ ngữ khái quát vẻ đẹp của phong cảnh Hương Sơn được gợi tả qua các đoạn thơ: vẻ đẹp diễm lệ, vẻ đẹp thoát tục, vẻ đẹp diệu kì, vẻ đẹp vĩnh hằng…
Câu 3: Chủ thể trữ tình của bài thơ là ai? Đó là chủ thể ẩn, chủ thể xuất hiện trực tiếp với một đại từ nhân xưng, hay chủ thể nhập vai vào một nhân vật trong bài thơ?
Trả lời:
- Chủ thể trữ tình của bài thơ là tác giả
- Chủ thể đó là chủ thể ẩn và chủ thể nhập vai thể hiện qua từ “khách tang hải”.
Câu 4: Phân tích diễn biến tình cảm, cảm xúc của chủ thể trữ tình trong bài thơ.
Trả lời:
- Bốn câu thơ đầu: thể hiện sựu thành kính ngỡ ngàng, xúc động trước vẻ đẹp toàn cảnh Hương Sơn.
- 14 câu thơ tiếp: Quan sát miêu tả cụ thể từng chi tiết phong cảnh Hương Sơn, say mê với vẻ đẹp thanh khiết trong ngần của thiên nhiên, công trình kiến trúc tài hoa của con người.
- 5 câu thơ cuối: Chủ thể trữ tình bộc lộ trực tiếp tình yêu của mình tước vẻ đẹp của Hương Sơn, sự khóng khoáng, lãng tử qua câu thơ cuối “Càng trông phong cảnh càng yêu”.
Câu 5: Phát biểu cảm hứng chủ đạo của bài thơ. Phân tích hiệu quả xây dựng hình ảnh, sử dụng từ ngữ, biện pháp tu từ đối với việc thể hiện cảm hứng ấy.
Trả lời:
- Cảm hứng chủ đạo của bài thơ: tình yêu thiên nhiên, sự say mê cảnh đẹp và tình yêu đất nước.
- Các từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ trong việc thể hiện cảm hứng là:
Yếu tố |
Ví dụ |
Tác dụng |
Từ ngữ, hình ảnh |
Đệ nhất động |
Từ ngữ thể hiện sự tôn vinh vị thế đặc biệt của Hương Sơn. |
Ao ước, giật mình, khéo họa… |
Từ ngữ thể hiện trực tiếp tình cảm của chủ thể trữ tình |
|
thăm thẳm, long lanh, lối uốn thang mây |
Từ tượng thanh tượng hình, gợi âm thanh, màu sắc sống động nơi Hương Sơn |
|
Biện pháp tu từ |
Non non, nước nước, mây mây… |
Điệp từ thể hiện vẻ đẹp kì vĩ, hài hoà, muôn hình muôn vẻ, muôn màu sắc bày ra trước mắt. |
cá nghe kinh |
Nhân hoá: sự vật có linh hồn, sống động, hoà hợp. |
|
hỏi rằng đây có phải? |
Câu hỏi tu từ: bâng khuâng, mơ màng, hư hư thực thực. |
Câu 6: Nhận xét về vai trò của vần và nhịp trong bài thơ.
Trả lời:
- Vai trò của vần: Tạo nên sự liên kết về mặt âm thanh theo chiều dọc cho bài thơ, vần chân: nay (câu 2), mây mây (câu 3), phải (câu 4), trái (câu 5); kinh (câu 6) kinh (câu 7)...; cần lưng: mây mây (câu 3), đây (câu 4), kình (câu7), mình (câu 8).
- Vai trò của nhịp: Cách ngắt nhịp trong bài thơ theo thể hát nói khá đa dạng. Sự đan xen câu dài, ngắn; cách ngắt nhịp trong mỗi câu thơ, lúc nhanh, lúc chậm, lúc khoan thai, khi gấp gáp như bước chân du khách thưởng lãm phong cảnh núi rừng tươi đẹp, trữ tình, thoát tục, phù hợp với niềm bay bổng của tâm hồn du khách lúc như tỉnh, lại có lúc như mơ.
Câu 7: Hãy chia sẻ cảm nhận của bạn về một cảnh đẹp khác trên đất nước ta mà bạn có dịp đến tìm hiểu qua sách báo hoặc đến thăm.
Trả lời:
Nhắc đến cảnh đẹp của Việt Nam thì không thể bỏ qua cái tên Cát Bà. Đảo Cát Bà nằm ở phía nam vịnh Hạ Long, ngoài khơi thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 30km, cách thành phố Hạ Long khoảng 25km. Đảo Cát Bà là vùng hội tụ đầy đủ cả rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm rong và đặc biệt là hệ thống hang động. Khí hậu trên đảo rất mát mẻ, trong lành, thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng. Ðịa hình vườn đa dạng, chủ yếu là dãy núi đá vôi với nhiều hang động kì thú và xen kẽ là những bãi cát trắng phau. Đến với Cát Bà ta còn được thưởng thức những món ăn đặc trưng của biển, các loại hải sản tươi sống được đánh bắt và dưới bàn tay lành nghề của các đầu bếp nơi đây. Cát Bà có nhiều lễ hội và trò chơi dân gian. Đặc biệt, nếu ai đến thăm Cát Bà vào ngày 1/4 – ngày Bác Hồ về thăm huyện đảo, ta còn được xem lễ hội đua thuyền rồng, các cuộc thi đấu thể thao, văn nghệ, hay các trò chơi dân gian gắn liền với đặc trưng của biển.
Nhằm giúp các em hiểu hơn về bài soạn này, các em có thể tham khảo thêm:
3. Hướng dẫn luyện tập
Câu hỏi: Hãy giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê em.
Trả lời:
Nhắc đến danh lam thắng cảnh, những chốn có non nước hữu tình trên đất nước Việt nam ta khó lòng không nhắc đến vịnh Hạ Long. Cái tên ấy ai là người Việt nam cũng biết đến. Nó không chỉ đẹp trong hiện tại hay tương lai mà nó còn đẹp từ thời xưa trong câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: "Con gà, con cóc quê hương cũng biến Hạ Long thành thắng cảnh". Mới đây vịnh Hạ Long còn dược UNESCO công nhận là một trong bảy kì quan đẹp nhất thế giới. Vậy không biết rằng Hạ Long có những gì mà lại được tôn vinh đến như vậy?
Vịnh Hạ Long còn có truyền thuyết đó là Ngọc Hoàng sai Rồng Mẹ mang theo một đàn Rồng Con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Thuyền giặc từ ngoài biển ào ạt tiến vào bờ vừa lúc đàn Rồng tới hạ giới. Đàn Rồng lập tức phun ra lửa thiêu cháy thuyền giặc, một phần nhả Châu Ngọc dựng thành bức tường đá sừng sững làm cho thuyền giặc đâm phải mà vỡ tan, chặn đứng bước tiến của ngoại bang.
Sau khi giặc tan, thấy cảnh mặt đất thanh bình, cây cối tươi tốt, con người nơi đây lại cần cù, chịu khó, đoàn kết giúp đỡ nhau, Rồng Mẹ và Rồng Con không trở về trời mà ở lại hạ giới, nơi vừa diễn ra trận chiến để muôn đời bảo vệ con dân Đại Việt. Vị trí Rồng Mẹ đáp xuống là Hạ Long; nơi Rồng Con đáp xuống là Bái Tử Long và đuôi đàn rồng quẫy nước trắng xoá là Bạch Long Vĩ (bán đảo Trà Cổ ngày nay, với bãi cát dài trên 15 km).
Lại có truyền thuyết khác nói rằng vào thời kỳ nọ khi đất nước có giặc ngoại xâm, một con rồng đã bay theo dọc sông xuôi về phía biển và hạ cánh xuống ở vùng ven biển Đông Bắc làm thành bức tường thành chắn bước tiến của thủy quân giặc. Chỗ rồng đáp xuống che chở cho đất nước được gọi là Hạ Long.
Trước hết về vị trí của vịnh Hạ Long thì nó nằm ở vùng Ðông Bắc Việt Nam, vịnh Hạ Long là một phần vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển của thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Ðồn. Phía tây nam Vịnh giáp đảo Cát Bà, phía đông là biển, phần còn lại giáp đất liền với đường bờ biển dài 120 km, được giới hạn từ 106058′ – 107022′ kinh độ Ðông và 20045′ – 20050′ vĩ độ Bắc với tổng diện tích 1553 km2.
Tiếp nữa là về đảo ở đây thì có 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên. Đảo nơi đây gồm có hai dạng đó là đảo đá vôi và đảo phiếm thạch tập trung ở Bái tử long và vinh Hạ Long. Ở đây thì chúng ta thấy được hàng loạt những hang động đẹp và nổi tiếng. Vùng Di sản thiên nhiên được thế giới công nhận có diện tích 434 km2 bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với 3 đỉnh là đảo Ðầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam), đảo Cống Tây (phía đông) vùng kế bên là khu vực đệm và di tích danh thắng quốc gia được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng năm 1962.
Đến với Hạ Long thì người ta không thể nào rời mắt khỏi những cảnh vật nơi đây. Nào là núi, nào là nước với những hang động thật sự hấp dẫn người ta muốn đi tới tận cùng để tìm thấy cái hữu hạn trong cái vô hạn của trời nước, núi non ấy. Chúng ta cứ ngỡ rằng ngọn núi kia giống như những người khổng lồ vậy, ngồi trong thuyền mà ngước lên để đo tầm cao của những ngọn núi ấy thật sự là mỏi mắt. Đến đây ta mới biết hết thế nào là sự hùng vĩ, thế nào là sự hữu tình giữa nước và non. Làn nước biển mặn mà vị xa xăm của muối. Hang động với những nhũ đá như sắp rơi xuống nhưng thật chất lại là không rơi. Nó cứ tua tủa như muôn ngàn giọt ngọc dạng lỏng lấp lánh dính vào nhau nhưng không rơi xuống.
Con người nơi đây cũng thật sự là rất đáng yêu đáng quý. Họ không những mến khách mà còn như một người hướng dẫn viên du lịch vừa nói giới thiệu tả cảnh vừa vững tay chèo đẩy lái đến nơi khách muốn qua. Những con người ở đây nồng nhiệt mỗi khi có khách đến và khi khách đi thì để lại những ấn tượng khó phai về những con người miền non nước hữu tình với những tình cảm mặn mà như là muối biển vậy.
Qua đây ta thấy vịnh Hạ Long rất xứng đáng là một trong bảy kì quan của thế giới. Nếu những ai đã được đặt chân đến đây thì chắc hẳn rất ấn tượng bởi cảnh đẹp và con người nơi đây. Còn những ai chưa đến thì hãy nhanh chóng đến mà tận hưởng những gì là tạo hóa ban tặng, những gì là mẹ thiên nhiên.
4. Hỏi đáp về bài Hương Sơn phong cảnh - Chu Mạnh Trinh Ngữ văn 10 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
5. Một số văn mẫu bài Hương Sơn phong cảnh - Chu Mạnh Trinh Ngữ văn 10 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo
Qua văn bản Hương Sơn phong cảnh - Chu Mạnh Trinh giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp kì vĩ của danh thắng Hương Sơn. Qua đó, hiểu hơn về tình yêu và niềm tự hào của tác giả với những cảnh đẹp quê hương. Để cảm nhận được một cách sâu sắc về văn bản này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây: