OPTADS360
NONE
YOMEDIA
Banner-Video
IN_IMAGE

Ôn tập Học kì 2 - Ngữ văn 10 Tập 2 Kết Nối Tri Thức


Ở Học kì 2, các em đã được tiếp cận, trau dồi, bổ sung kiến thức về các tác gia nổi tiếng trong và ngoài nước trong đó phải kể đến Nguyễn Trãi, Thạch Lam, Vích-to Huy-gô,...và các tác phẩm của họ. Đồng thời thực hành sử dụng từ Hán Việt, sử dụng các biện pháp chêm xen, liệt kê, phương tiện phi ngôn ngữ vào các văn bản. Bài học Ôn tập Học kì 2 thuộc sách Kết Nối Tri thức dưới đây nhằm giúp các em học sinh lớp 10 củng cố và ôn luyện lại những kiến thức về văn bản đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt đã học trong Học kì 2. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

ADMICRO/lession_isads=0
 
 

Tóm tắt bài

1.1. Ôn lại kiến thức về văn bản đọc hiểu

- Tác gia Nguyễn Trãi: Văn bản nhằm khái quát những nét khái quá về cuộc đời và sự nghiệp của tác gia Nguyễn Trãi, đồng thời ca ngợi những đóng góp quan trọng của tác giả trong nền văn hoá dân tộc.
- Bình Ngô đại cáo: Bài thơ được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc. Văn bản đã vạch tội ác của kẻ thù xâm lược, đồng thời ca ngợi thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
- Bảo kính cảnh giớiBài thơ thể hiện vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên mùa hè nơi làng quê thanh bình. Đồng thời, qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên và cuộc sống, tấm lòng yêu thương dân tha thiết của tác giả.
- Dục Thúy sơn: Bài thơ đã nói về khung cảnh núi Dục Thúy, một vẻ đẹp hùng vĩ và nó không chỉ để lại cho người đọc những cảm xúc sâu sắc về khung cảnh ấy mà người đọc còn cảm nhận được một tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu đất nước của Nguyễn Trãi.
- Người cầm quyền khôi phục uy quyền - Vích-to Huy-gô: Thông qua hình ảnh Giăng Van-giăng, tác giả thể hiện, quan điểm, tư tưởng, niềm tin vào con đường cải tạo xã hội. Cho dù trong hoàn cảnh nào, con người chân chính vẫn có thể bằng ánh sáng của tình thương đẩy lùi bóng tối của cường quyền và nhen nhóm niềm tin vào tương lai.
- Dưới bóng hoàng lan - Thạch Lam: Thông qua câu chuyện của nhân vật Thanh nhân một lần trở về nhà, thăm bà, gặp lại những người anh luôn yêu thương, tôn trọng. Qua đó thể hiện nỗi nhớ quê hương gợi ra từ cảnh vật bình dị, thân quen và tình cảm gia đình bà cháu thiết tha luôn đau đáu trong lòng nhân vật. 
- Một chuyện đùa nho nhỏ - An-tôn Sê-khốp: Truyện ngắn kể về câu nói đùa của nhân vật tôi với Na-đi-a trong lần trượt tuyết đầu tiên cùng nhau nhưng lại trở thành hồi ức của hai người trong suốt cuộc đời. Thông qua kỉ niệm của tác giả, gợi nhớ lại trò đùa về câu nói “tôi yêu em” như một cách gửi gắm tình cảm của mình đến người con gái ấy.
- Sự sống và cái chết - Trịnh Xuân Thuận: Văn bản cung cấp thông tin về việc bảo vệ sự sống trên Trái Đất, bảo vệ các loài động - thực vật quý hiếm khỏi sự tuyệt chủng. Qua đó rút ra bài học về ý thức bảo vệ Trái đất trước tình trạng môi trường và các loài động – thực vật quý hiếm đáng trên đà tuyệt chủng do tác động của con người.
- Nghệ thuật truyền thống của người Việt - Nguyễn Văn Huyên: Văn bản viết về những nền nghệ thuật truyền thống của người Việt, về những giá trị văn hóa lâu đời được bảo lưu đến ngày nay. Qua đó thể hiện niềm tự hào của tác giả đối với nghệ thuật truyền thống của nước nhà.
- Phục hồi tầng ozone: Thành công hiếm hoi của nỗ lực toàn cầu - Lê My: Văn bản cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích về tầng ozone. Đồng thời nêu lên tác hại của chất CFC và quá trình nỗ lực hành động phục hồi tầng ozone của toàn cầu.
- Về chính chúng ta - Các-lô Rô-ve-li: Văn bản cho người đọc thấy rõ tự nhiên và con người có mối quan hệ gắn bó với nhau không thể tách rời, hai đối tượng có sự ảnh hưởng lẫn nhau. Tự nhiên là nơi con người cư trú, nơi con người khám phá, học hỏi, thỏa mãn cái sự hiếu kì bẩm sinh của mình. Con người không thể sống mà thiếu tự nhiên cũng như con người không thể sống mà không có nhà – nơi để ở.
- Con đường không chọn - Rô-bớt Phờ-rót: Văn bản thông qua việc lựa chọn con đường để đi của nhan vật trữ tình, tác giả thể hiện quan điểm khi đã chọn một con đường nào đó thì việc quay trở lại và chọn lại một con đường khác là một điều khó khăn vì "đường lại đưa đường". Qua đó gửi gắm cho người đọc thông điệp về việc khi đã đưa ra lựa chọn và đã chọn rồi thì phải chấp nhận cả tốt, xấu của lựa chọn đó
- Một đời như kẻ tìm đường - Phan Văn Trường: Văn bản truyền tải đến người đọc rằng trong cuộc đời có nhiều lúc chúng ta phải lựa chọn, lựa chọn đó có thể làm thay đổi cuộc sống của chúng ta hoặc là thành công, hạnh phúc hoặc thất bại, đau khổ và điều đó tùy vào chính tâm trạng của chúng ta.

1.2. Ôn lại kiến thức về tiếng Việt

a. Ôn tập về từ Hán Việt:

- Trong tiếng Việt có số lượng lớn các từ Hán Việt. Tiếng cấu tạo từ Hán Việt gọi là yếu tố Hán Việt

- Phần lớn các yếu tố Hán Việt được kết hợp tạo thành từ ghép, cũng có một số trường hợp được dùng độc lập như một từ

- Cũng như từ ghép thuần Việt, từ ghép Hán Việt có hai loại chính: từ ghép đẳng lập và chính phụ

- Trật tự của các yếu tố trong từ ghép chính phụ Hán Việt:

+ Có trường hợp giống với trật tự từ ghép thuần Việt: yếu tố chính đứng trước, yếu tố phụ đứng sau

+ Có trường hợp khác với trật tự từ ghép thuần Việt: yếu tố phụ đứng trước, yếu tố chính đứng sau

b. Biện pháp chêm xen, biện pháp liệt kê: 

- Biện pháp chêm xen:

+ Chêm xen là xen một từ, một cụm từ vào câu nhằm giải thích, thêm ý cho câu hoặc hướng tới mục đích tu từ.

+ Thường đứng sau dấy gạch nối hoặc trong ngoặc đơn. 

+ Tác dụng: giúp giải thích, bổ sung thông tin cho câu văn, giúp lời văn lời thơ trở nên giàu ý nghĩa, có tính thẩm mĩ.

- Biện pháp liệt kê

+ Liệt kê là nêu một chuỗi yếu tố cùng loại nhằm cung cấp thông tin đầy đủ hơn về đối tượng cần nhấn mạnh trong câu, trong đoạn của văn bản hoặc hướng tới mục đích tu từ.

+ Thông thường các từ liệt kê cách nhau bằng dấu phẩy hoặc chấm phẩy.

+ Tác dụng: giúp cung cấp thông tin, thể hiện cái nhìn, cảm xúc của người viết.

c. Phương tiện phi ngôn ngữ trong văn bản

- Phương tiện phi ngôn ngữ trong văn bản là các số liệu, đường nối, biểu đồ, sơ đồ hoặc hình ảnh. Thông qua đó người viết diễn đạt nội dung thông tin mà mình muốn truyền đạt đến người đọc một cách sinh động, hệ thống và trực quan hơn.

- Tác dụng của các phương tiện phi ngôn ngữ:

+ Các số liệu thường được sử dụng để cung cấp những thông tin cụ thể, chính xác.

+ Các đường nối giữa các hình vẽ thường được dùng để biểu đạt mối quan hệ giữa các thông tin.

+ Các biểu đồ, sơ đồ giúp trình bày thông tin một cách hệ thống.

+ Các hình ảnh làm tăng tính hấp dẫn và trực quan của thông tin,...

- Tuỳ theo mục đích sử dụng mà người viết lựa chọn loại phương tiện phi ngôn ngữ phù hợp.

VIDEO
YOMEDIA
Trắc nghiệm hay với App HOC247
YOMEDIA

Bài tập minh họa

Bài tập 1: Em hãy phân tích bài thơ Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi trong SGK Ngữ văn 10 Tập 2 Kết Nối Tri thức.

Hướng dẫn giải:

- Đọc lại bài thơ Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi trong SGK Ngữ văn 10 Tập 2 Kết Nối Tri thức

- Dựa vào nội dung bài học để lập dàn ý

- Có thể tham khảo một số bài văn mẫu trên sách báo hoặc internet

- Kết hợp hiểu biết cá nhân để viết bài văn dựa trên dàn ý đã lập

Lời giải chi tiết:

Dàn ý

I. Mở bài:

- Giới thiệu về tác gia Nguyễn Trãi: Là nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, tài ba, nhà văn nhà thơ với sự nghiệp sáng tác đồ sộ.

- Khái quát về tác phẩm: Là áng thiên cổ hùng văn, là bản tuyên ngôn hùng hồn của dân tộc.

II. Thân bài:

a. Tiền đề lý luận

* Tư tưởng nhân nghĩa

- “Nhân nghĩa” là phạm trù tư tưởng của Nho giáo chỉ mối quan hệ giữa người với người dựa trên cơ sở tình thương và đạo lí.

- “Nhân nghĩa” trong quan niệm của Nguyễn Trãi:

+ Kế thừa tư tưởng Nho giáo: “yên dân” – làm cho cuộc sống nhân dân yên ổn, hạnh phúc

+ Cụ thể hóa với nội dung mới đó là trừ bạo – vì nhân dân diệt trừ bạo tàn, giặc xâm lược.

→ Với nét nghĩa tiến bộ, mới mẻ Nguyễn Trãi đã bóc trần luận điệu xảo trá của giặc Minh đồng thời phân biệt rõ ràng ta chính nghĩa, địch phi nghĩa.

→ Tạo cơ sở vững chắc cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn – là cuộc khởi nghĩa nhân nghĩa, vì cuộc sống của nhân dân mà diệt trừ bạo tàn.

* Chân lý về độc lập dân tộc

- Nguyễn Trãi đã xác định tư cách độc lập của nước Đại Việt bằng một loạt các dẫn chứng thuyết phục: Nền văn hiến lâu đời, cương vực lãnh thổ riêng biệt, phong tục Bắc Nam phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, lịch sử lâu đời trải qua các triều đại Triệu, Đinh, Lý, Trần, hào kiệt đời nào cũng có.

→ Bằng cách liệt kê tác giả đưa ra các chứng cứ hùng hồn, thuyết phục khẳng định dân tộc Đại Việt là quốc gia độc lập, đó là chân lý không thể chối cãi.

- Các từ ngữ “từ trước, đã lâu, vốn xưng, đã chia” đã khẳng định sự tồn tại hiển nhiên của Đại Việt.

- Thái độ của tác giả:

+ So sánh các triều đại của Đại Việt ngang hàng với các triều đại của Trung Hoa.

+ Gọi các vị vua Đại Việt là “đế”: Trước nay hoàng đế phương Bắc chỉ xem vua nước Việt là Vương.

→ Thể hiện ý thức về chủ quyền độc lập cao độ của tác giả.

- Sử dụng phép liệt kê, dẫn ra những kết cục của kẻ chống lại chân lý: Lưu Cung, Triệu Tiết, Toa Đô, Ô Mã,...

→ Là lời cảnh cáo đanh thép, đồng thời cũng thể hiện niềm tự hào bởi những chiến công của nhân dân Đại Việt.

b. Soi chiếu lý luận vào thực tiễn.

* Tội ác của giặc Minh.

- Tội ác xâm lược: Từ “nhân, thừa cơ” cho thấy sự cơ hội, thủ đoạn của giặc Minh, chúng mượn chiêu bài “phù Trần diệt Hồ” để gây chiến tranh xâm lược nước ta.

→ Vạch trần luận điệp bịp bợm, cướp nước của giặc Minh.

- Tội ác với nhân dân:

+ Khủng bố, sát hại người dân vô tội: Nướng dân đen, vùi con đỏ

+ Bóc lột bằng thuế khóa, vơ vét tài nguyên, sản vật nước ta

+ Phá hoại môi trường, tiêu diệt sự sống

+ Bóc lột sức lao động, phá hoại sản xuất.

→ Sử dụng biện pháp liệt kê tố cáo những tội ác dã man của giặc.

→ Gợi hình ảnh đáng thương, tội nghiệp, khổ đau của nhân dân

→ Nỗi xót xa, đau đớn, thương cảm đối với nhân dân, sự căm phẫn đối với kẻ thù của tác giả.

* Lòng căm thù giặc của nhân dân.

- Hình ảnh phóng đại “trúc Nam Sơn không ghi hết tội, nước Đông Hải không rửa sạch mùi” lấy cái vô cùng của tự nhiên để nói về tội ác của giặc Minh.

- Câu hỏi tu từ “lẽ nào...chịu được”: Tội ác không thể dung thứ của giặc.

→ Thái độ căm phẫn, uất nghẹn không bao giờ tha thứ của nhân dân ta

⇒ Đoạn văn là bản cáo trạng đanh thép về tội ác của giặc Minh

c. Diễn biến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

* Hình tượng người anh hùng Lê Lợi

- Nguồn gốc xuất thân: là người nông dân áo vải “chốn hoang dã nương mình”

- Lựa chọn căn cứ khởi nghĩa: “Núi Lam Sơn dấy nghĩa”

- Có lòng căm thù giặc sâu sắc, sục sôi: “Ngẫm thù lớn há đội trời chung, căm giặc nước thề không cùng sống...”

- Có lý tưởng, hoài bão lớn lao, biết trọng dụng người tài: “Tấm lòng cứu nước...dành phía tả”.

- Có lòng quyết tâm để thực hiện lí tưởng lớn “Đau lòng nhức óc...nếm mật nằm gai...suy xét đã tinh”.

→ Hình tượng Lê lợi vừa là con người bình dị đời thường, vừa là người anh hùng khởi nghĩa. Hình tượng Lê Lợi cũng là linh hồn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi cho thấy tính chất nhân dân của cuộc khởi nghĩa.

* Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

- Giai đoạn đầu cuộc khởi nghĩa:

+ Khó khăn về quân trang, lương thực: lương hết mấy tuần, quân không một đội

+ Tinh thần của quân và dân: Gắng chí, quyết tâm (Ta gắng chí khắc phục gian nan), đồng lòng, đoàn kết (sử dụng 2 điện tích dựng cần trúc, hòa nước sông)

→ Giai đoạn đầu đầy khó khăn, thử thách, nhờ sự lạc quan, đồng lòng, đoàn kết, biết dựa vào dân đã giúp nghĩa quân Lam Sơn vượt qua mọi khó khăn.

- Giai đoạn phản công và giành thắng lợi

+ Những chiến thắng ban đầu: Trận Bạch Đằng, miền Trà Lân tạo thanh thanh thế cho nghĩa quân và trở thành nỗi khiếp đảm cho kẻ thù “sấm vang chớp giật, trúc chẻ tro bay”.

+ Nghĩa quân liên tiếp giành nhiều thắng lợi to lớn, tiêu diệt giặc ở những thành mà chúng chiếm đóng “Trần Trí, Sơn Thọ...thoát thân” và tiêu diệt quân chi viện của giặc “Đinh Mùi...tự vẫn”.

→ Biện pháp liệt kê tái hiện không khí chiến trận máu lửa, sục sôi với những chiến thắng giòn giã liên tiếp của quân ta cũng như sự thất bại nhục nhã, ê chề của địch.

+ Sự thất bại nhục nhã, thảm thương của giặc Minh:

+ Nghệ thuật cường điệu, phóng đại cực tả sự thiệt hại, tổn thất to lớn của quân thù. Đó là những thất bại nhục nhã, ê chề “thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm, bêu đầu, bỏ mạng,..”.

+ Thất bại thảm hại, khốn đốn, cửi áo giáp xin hàng “Thượng thư Hoàng Phúc...xin cứu mạng”

+ Tướng giặc tham sống sợ chết xin hàng.

+ Khí thế vang dội và cách ứng xử của quân dân ta: Cách nói cường điệu, phóng đại: “Gươm mài đá đá núi cũng mòn, voi uống nước nước sông phải cạn, đánh một trận....”, ca ngợi khí thế hào sảng, ngút trời của quân ta.

- Thực thi chính sách nhân nghĩa “Thần vũ chẳng giết hại...nghỉ sức”. Đây là cách ứng xử vừa nhân đạo vừa khôn khéo của nghĩa quân Lam Sơn, nó vừa khiến ta thấy được tính chất chính nghĩa của nghĩa quân vừa là sự chuẩn bị cần thiết cho chính sách ngoại giao sau này.

→ Nghệ thuật đối lập đã thể hiện rõ những nét đối cực trong cuộc chiến giữa ta và địch, từ tính chất cuộc chiến cho đến khí thế, sức mạnh, những chiến công và cách ứng xử

→ Niềm tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc của tác giả.

d. Niềm tin, ý chí.

- Giọng điệu trang trọng, hào sảng cho thấy niềm tin và những suy tư sâu lắng của tác giả

- Sử dụng những hình ảnh về tương lai đất nước như “xã tắc từ đây vững bền, giang sơn từ đây đổi mới, thái bình vững chắc”, các hình ảnh của vũ trụ “kiền khôn, nhật nguyệt, ngàn thu sạch làu”

→ Đất nước, vũ trụ đang vận động theo hướng tươi sáng, tốt đẹp hơn.

→ Đây không chỉ là lời tuyên bố kết thúc còn là niềm tin tưởng, lạc quan về sự nghiệp xây dựng đất nước.

e. Nghệ thuật

- Sử dụng sáng tạo và thành công thể cáo

- Kết hợp hài hòa giữa yếu tố chính trị và yếu tố văn chương.

- Sử dụng các biện pháp liệt kê, phóng đại, đối lập,..

III. Kết bài:

- Khái quát nội dung và nghệ thuật của tác phẩm

- Liên hệ với “Nam quốc sơn hà”, bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam.

Bài làm

Nguyễn Trãi là nhà quân sự, nhà văn hóa lớn, nhà thơ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Ông đã đóng góp cho kho tàng văn học trung đại Việt Nam nói riêng và kho tàng văn học Việt Nam nói chung nhiều tác phẩm văn học độc đáo, có sức sống lâu bền trong lòng bạn đọc mọi thế hệ và “Bình Ngô đại cáo” là một trong số những tác phẩm như thế. “Bình Ngô đại cáo” ra đời sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân minh xâm lược. Tác phẩm không chỉ là một văn kiện lịch sử tuyên bố nền độc lập của dân tộc mà nó còn là áng văn yêu nước, áng văn chính luận xuất sắc của nền văn học nước ta.

Được viết theo thể cáo – một thể loại văn học cổ có nguồn gốc từ Trung Hoa, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi cũng có một bố cục rất chặt chẽ. Mở đầu bài cáo, tác giả Nguyễn Trãi đã khéo léo nêu lên luận đề chính nghĩa, làm cơ sở, nền tảng cho chân lí độc lập dân tộc.

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

Như chúng ta đã biết, “nhân nghĩa” là một trong số những phạm trù tư tưởng quen thuộc và gần gũi của Nho giáo, nó được dùng để nhắc tới mối quan hệ, cách ứng xử tốt đẹp giữa con người với con người trên cơ sở tình thương và đạo đức. Với Nguyễn Trãi, “việc nhân nghĩa” phải gắn liền với việc “yên dân” bởi ông luôn “lấy dân làm gốc”, làm nền tảng cho mọi hành động, việc làm của mình. Đặc biệt, trong bối cảnh quân Minh xâm lược nước ta, Nguyễn Trãi khẳng định, muốn “yên dân” thì trước hơn hết phải lo “trừ bạo” nghĩa là phải đánh đuổi quân xâm lược, những kẻ đang đàn áp nhân dân và đẩy nhân dân vào cuộc sống lầm than, cơ cực. Như vậy, với hai câu thơ mở đầu bài cáo, Nguyễn Trãi đã nêu lên tiền đề tư tưởng cho toàn bộ tác phẩm, đó chính là tư tưởng nhân nghĩa và tư tưởng ấy luôn lấy dân làm gốc, xét đến cùng đây là một tư tưởng tiến bộ và mới mẻ của ông. Thêm vào đó, trong phần mở đầu bài cáo, Nguyễn Trãi cũng đã nêu lên chân lí khách quan để khẳng định nền độc lập của dân tộc ta từ bao đời nay.

Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có.

Dường như, đoạn văn đã gợi lại trong chúng ta những truyền thống đáng tự hào của dân tộc ta từ ngàn đời nay. Đại Việt là một dân tộc có truyền thống văn hiến, phong tục từ lâu đời, có bờ cõi, lãnh thổ riêng. Đồng thời, với lối so sánh các triều đại phong kiến của nước Đại Việt với các triều đại phong kiến phương Bắc, tác giả Nguyễn Trãi đã đặt nước ta ngang hàng với Trung Quốc, điều đó không chỉ khẳng định nền độc lập của dân tộc mà nó còn thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc với truyền thống văn hiến từ ngàn năm. Đồng thời, để khẳng định chân lí độc lập dân tộc, Nguyễn Trãi đã liệt kê, kể lại những chiến thắng hào hùng, tất thắng của quân ta trong các cuộc chiến đấu ở trước đó.

Lưu Công tham công nên thất bại
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã

Trên cơ sở tiền đề chính nghĩa và chân lí độc lập ở đoạn một, đoạn hai của bài cao đi sâu chỉ rõ những tội ác man rợn của giặc Minh. Trước hết, tác giả đã vạch rõ âm mưu xâm lược của giặc Minh.

Nhân họ Hồ chính sự phiền hà
Để trong nước lòng dân oán hận
Quân cuồng Minh thừa cơ gây họa
Bọn gian tà bán nước cầu vinh

Lợi dụng tình hình rối ren trong nước của nhà Hồ, giặc Minh với luận điệu xảo trá “phù Trần diệt Hồ” để lừa bịp nhân dân, chúng đã tiến vào xâm lược nước ta. Để rồi, sau đó, chúng đã thi hành hàng loạt chính sách dã man và dưới ngòi bút của mình, Nguyễn Trãi đã lật mặt, vạch rõ hàng loạt tội ác không thể tha thứ của giặc Minh. Chúng đã tàn sát những người dân vô tội một cách tàn độc và dã man.

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ

Bọn giặc Minh thật tàn ác biết bao, ngay đến cả “dân đen”, “con đỏ” chúng cũng không chịu tha. Hai động từ “nướng”, “vùi” được đặt lên đầu câu dường như đã lột tả đến tột cùng sự tàn sát man rợ, giết người không ghê tay của bọn chúng. Thêm vào đó, chúng còn tàn sát nhân dân bằng cách đẩy họ vào những noi đầy rẫy những hiểm nguy, nơi mà khi đã đi rồi thì rất khó để có thể sống sót để trở về.

Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập, thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu, nước độc

Đồng thời, tội ác của giặc Minh còn ở đặt lên đầu nhân dân những chính sách thuế khóa nặng nề, và vô lí và không dừng lại ở đó, chúng còn hủy hoại cả môi trường sống, môi trường tự nhiên.

Vét sản vật, bắt chim trả, chốn chốn lưới chăng
Nhiễu nhân dân, bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt
Tàn sát cả giống côn trùng, cây cỏ,

Như vậy, bằng hàng loạt các hình ảnh chân thực, rõ nét cùng việc sử dụng phép đối lập giữa tội ác của kẻ thù với nỗi đau thống khổ của nhân dân và giọng văn đanh thép, hùng hồn, tác giả Nguyễn Trãi đã viết nên một bản cáo trạng về những tội ác man rợ của kẻ giặc và bản cáo trạng ấy khép lại bằng một hình ảnh so sánh giàu sức khái quát và đầy ám ảnh về tội ác của chúng.

Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.

Tiếp đó, trong đoạn ba của bài cáo, tác giả Nguyễn Trãi đã tái hiện lại quá trình chiến đấu và giành chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu chống quân Minh xâm lược. Và trước hơn hết đó chính là hình ảnh của chủ tướng Lê Lợi.

Ta đây:
Núi Lam Sơn dấy nghĩa
Chốn hoang dã nương mình

Với đại từ “ta” tự xưng gần gũi cùng cách sử dụng từ “nơi”, “chốn” đã cho thấy nguồn gốc xuất thân của chủ tướng Lê Lợi. Người anh hùng ấy cũng xuất thân từ nhân dân, cũng bước ra từ lòng nhân dân và thấu hiểu bao nỗi nhọc nhằn của nhân dân. Người anh hùng ấy mang trọn trong mình lòng căm thù giặc sâu sắc – “ngẫm thù lớn hạ độ trời chung”, “căm thù giặc thề không cùng chung sống’ cùng bao nỗi niềm nghĩ suy, trăn trở đến nỗi “đau lòng nhức óc”, “quên ăn vì giận” và cả “những trằn trọc trong đêm mộng mị” để đứng lên dấy binh khởi nghĩa. Dẫu cuộc khởi nghĩa ấy diễn ra giữa lúc “quân thù đương mạnh” và gặp phải muôn vàn khó khăn nhưng điều đó không thể ngăn được bước chân và ý chí của Lê Lợi, ông vẫn không nguôi nỗi lòng thương dân và niềm khát khao đánh thắng kẻ thù xâm lược và để rồi, dẫu trong hoàn cảnh khó khăn ấy, ông vẫn tìm ra con đường để tranh đấu, để đưa cuộc chiến của ta đi đến thắng lợi:

Đen đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo

Chính nhờ chân lí, con đường ấy mà cuộc khởi nghĩa của ta đã từng ngày, từng ngày vượt qua khó khăn và đi đến thắng lợi. Tuy nhiên, khi tái hiện quá trình chiến đấu và chiến thắng của quân ta, Nguyễn Trãi không chỉ tái hiện hình ảnh của anh hùng Lê Lợi mà ông còn tái hiện rõ nét từng chặng đường trong cuộc kháng chiến ấy. Trong buổi đầu của cuộc kháng chiến, nghĩa quân của ta gặp phải rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về nhân lực – “việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần”, thiếu thốn lương thực,… nhưng với lòng quyết tâm và ý chí, cả nghĩa quân vẫn sát cánh bên nhau và cùng cố gắng. Để rồi, trong giai đoạn sau của cuộc chiến, quân ta đã giành nhiều thắng lợi vẻ vang. Mở đầu là các chiến thắng ở trận Bồ Đằng, trận Trà Lân rồi tiếp đó là chiến thắng Tây Kinh, Đông Đô, Ninh Kiều,… và tiếp đó là hàng loạt các chiến công liên tiếp:

Ngày mười tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế
Ngày hai mươi, trận Mã An, Liễu Thăng cụt đầu
Ngày hai lăm, bá tước Lương Minh bại trận tử vong
Ngày hăm tám, thượng thư Lí Khanh cùng kế tự vẫn.

Có thể nói, bằng tất cả lòng quyết tâm, ý chí và lòng căm thù giặc sâu sắc, quân ta đã đánh thắng kẻ thù xâm lược, khiến chúng thất bại thảm hại và khiếp sợ. Đồng thời, trong trận chiến ấy, quân ta vẫn thể hiện rõ tư tưởng chính nghĩa đã đặt ra, bởi vậy nên khi quân giặc thua trận, nghĩa quân của ta vẫn cho chúng đường lui, không những tha chết cho bọn chúng mà còn cấp ngựa, cấp lương thực và cấp thuyền cho chúng trở về nước. Và có lẽ bởi vậy, chiến thắng của ta chính là sự chiến thắng của nhân nghĩa, của lòng nhân ái và tinh thần thượng võ.

Cuối cùng, trên cơ sở luận đề chính nghĩa và thực tiễn của cuộc chiến đấu đoạn cuối của bài cáo đã lên tiếng tuyên bố nền hòa bình, độc lập của dân tộc.

Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
(…)
Xa gần bá cáo
Ai nấy đều hay.

Với giọng văn hào hùng, trịnh trọng xen lẫn niềm vui và tự hào dân tộc, lời tuyên bố độc lập được tuyên bố rộng rãi đến toàn thể mọi người. Lời tuyên bố ấy không chỉ thể hiện lòng tự hào dân tộc mà còn cho thấy niềm tin vào một tương lai đất nước thái bình và thịnh vượng.

Tóm lại, với sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố trữ tình và yếu tố chính luận cùng việc sử dụng nhiều hình ảnh độc đáo và giọng văn biến đổi linh hoạt, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi xứng đáng là “áng thiên cổ hùng văn” trong nền văn học Việt Nam.

Bài tập 2: Viết đoạn văn khoảng 5 đến 7 dòng chủ đề tình cảm gia đình trong một tác phẩm đã học, trong đó có sử dụng biện pháp chêm xen và liệt kê.

Hướng dẫn giải:

- Đọc lại nội dung phần đặc điểm biện pháp chêm xen và liệt kê

- Chọn văn bản tình cảm gia tình (có thể viết về tình mẫu tử, bà cháu, anh chị em,...)

- Lập dàn ý và viết bài văn

- Chỉ ra các biện pháp chêm xen và liệt kê có trong đoạn văn

Lời giải chi tiết:

Khi nói về tình cảm gia đình, nhiều người sẽ nghĩ đến tình mẫu tử, phụ tử, tình anh em. Tình bà cháu ít khi được nhiều người nói đến, nhưng đối với nhiều người nó còn lớn hơn các thứ tình cảm khác. Vẫn còn nhớ Bằng Việt với "Bếp lửa"- bài thơ khá xúc động và đầy ắp tình yêu thương về tình bà cháu. Cuộc sống hiện đại, mọi người luôn xô bồ với công việc với nhiều mối quan hệ xã hội mà quên đi những điều nhỏ nhặt. Người bà nhớ mong những đứa cháu của mình khôn lớn và trưởng thành. Bà có thể chịu khổ, chịu khó những vẫn muốn cho cháu một cuộc sống đầy đủ. Chúng ta có thể thấy nhiều người bà nuôi cháu từ khi còn nhỏ, chăm sóc như một người mẹ, người cha. Chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ, hình ảnh người bà vất vả nhưng đầy lòng yêu thương đã đi vào tiềm thức của từng người, từng đứa cháu. Người ta thường nói: thời gian sẽ lấy đi những gì ta yêu quý. Nhưng thời gian sẽ mãi mãi không thể mang đi hình ảnh của bà.

- Biện pháp chêm xen: "Bếp lửa"- bài thơ khá xúc động và đầy ắp tình yêu thương về tình bà cháu

- Biện pháp liệt kê: tình mẫu tử, phụ tử, tình anh em

ADMICRO

Lời kết

- Học xong bài Ôn tập Học kì 2, các em cần nắm:

+ Nắm được nội dung chính về văn bản đã học.

+ Vận dụng được các kiến thức phần Tiếng Việt áp dụng vào viết văn bản.

Soạn bài Ôn tập Học kì 2 Ngữ văn 10 tập 2 Kết Nối Tri Thức

Bài học Ôn tập Học kì 2 nhằm giúp các em củng cố và hệ thống hóa lại những kiến thức đã học. Để hiểu hơn về bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:

Hỏi đáp bài Ôn tập Học kì 2 Ngữ văn 10 tập 2 Kết Nối Tri Thức

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.

-- Mod Ngữ văn 10 HỌC247

NONE
OFF