OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
YOMEDIA
Banner-Video
IN_IMAGE

Nét đặc sắc trong việc tiếp thu văn hóa của Hồ Chí Minh

việc tiếp thu văn hóa của Hồ Chí Minh có j đặc biệt ?
mong mọi ng giúp đỡ hehe

  bởi Nguyễn Trọng Nhân 11/09/2018
ADSENSE/lession_isads=0
QUẢNG CÁO
 

Câu trả lời (2)

  • Bạn tham khảo bài này nha :

    Một là, nhân dân là người sáng tạo văn hoá.

    Khác với quan điểm của giai cấp thống trị, Hồ Chí Minh nhìn thấy vai trò to lớn của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động trong việc sáng tạo văn hoá. Văn hoá không phải là sự sáng tạo riêng của các vĩ nhân, các nghệ sĩ, nghệ nhân, của giai cấp thống trị..., mà văn hoá trước hết là của nhân dân và do nhân dân sáng tạo ra, Người khẳng định: Quần chúng không chỉ là người sáng tạo ra những của cải vật chất cho xã hội mà còn là người sáng tác, kiểm nghiệm và có quyền hưởng thụ các giá trị văn hoá. Chính vì thế, đội ngũ cán bộ văn hóa “cần phải giúp những sáng tác của quần chúng. Những sáng tác ấy là những hòn ngọc quý. Muốn làm như thế thì cố nhiên là phải có chính trị, có kỹ thuật, thì mới mài cho viên ngọc ấy thành tốt, khéo và đẹp” (Sđd, t.9, tr.250). Do đó, theo Hồ Chí Minh, động lực của sự phát triển văn hoá nằm chính trong nhân dân. Công tác xây dựng văn hoá phải quán triệt và thực hiện tốt quan điểm quần chúng, sáng tạo văn hoá là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân.

    Hai là, xây dựng và nhân điển hình văn hoá (người tốt - việc tốt).

    Hồ Chí Minh cho rằng, việc nêu gương và cổ vũ người tốt việc tốt không những có ý nghĩa động viên mọi người hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng trước mắt, mà còn là một trong những biện pháp cơ bản để xây dựng Đảng và các lực lượng nòng cốt của cách mạng, xây dựng con người mới và cuộc sống mới, đồng thời để động viên người người thi đua, ngành ngành thi đua, làm cho phần tốt ở trong mỗi con người được giữ gìn và phát triển. Đó là những tấm gương có thật trong nhân dân và cán bộ, đảng viên. Gương người tốt - việc tốt là “nét đẹp của đạo đức mới, của con người mới Việt Nam đang hình thành. Họ đều là những người bình thường làm những việc bình thường cho xã hội. Những việc bình thường ấy, ai cũng có thể làm được nếu cố gắng một chút. Và nếu ai cũng làm theo người tốt việc tốt thì cái tốt sẽ thành phổ biến, và xã hội ta sẽ tốt lên”(1).

    Ba là, giữ gìn, kế thừa và phát triển văn hoá dân tộc.

    Trên tinh thần biện chứng, Hồ Chí Minh chỉ ra: “Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm” (Sđd, t.5, tr.94-95). Phải coi trọng những truyền thống văn hoá tốt đẹp của cha ông, giữ gìn, khôi phục những yếu tố tích cực, loại bỏ những yếu tố tiêu cực trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.

    Bảo tồn, phát huy truyền thống gắn liền với phát triển, nâng nó lên một trình độ và chất lượng mới nhằm đáp ứng trình độ văn hóa ngày càng tăng của nhân dân, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những mục tiêu cơ bản mà cách mạng Việt Nam cần phải đạt được trong lĩnh vực văn hoá là: “Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hoá đế quốc. Đồng thời, phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hoá tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hoá Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng” (Sđd, t.6, tr.173).

    Đề cao bản sắc văn hoá dân tộc, Hồ Chí Minh phê phán những thói lai căng văn hoá, quá đề cao văn hoá ngoại, coi nhẹ văn hoá dân tộc trong giới trí thức, văn nghệ sĩ và cảnh báo về nguy cơ “mất gốc” văn hoá trong giới trí thức và văn nghệ sĩ nước ta. Người viết: “có những trí thức Việt Nam rất thông thuộc lịch sử, địa lý và các chuyện thần thoại của nước Pháp, của Hy Lạp và La Mã. Nhưng khi hỏi đến các vị anh hùng là tổ tiên, ông cha mình, hỏi đến địa lý nước mình thì mù tịt... Coi chừng có nhiều người Việt Nam lại không hiểu rõ lịch sử, đất nước, con người và những cái vốn rất quý báu của mình bằng những người nước ngoài” (Sđd, t.12, tr.556-557). Đồng thời, Người khuyên phải giữ gìn và phát huy những truyền thống và bản sắc dân tộc, phát huy cốt cách dân tộc, tinh thần dân tộc... để cổ vũ đồng bào ta, để giáo dục con cháu ta.

    Trong truyền thống văn hoá Việt Nam, Hồ Chí Minh đề cao chủ nghĩa yêu nước, coi đó là động lực tinh thần, là nguồn sức mạnh không bao giờ cạn, là triết lý, đạo lý sống của mỗi người dân Việt Nam. Người khẳng định: Dân tộc ta là một dân tộc anh hùng và có một lòng nồng nàn yêu nước. Đồng thời cũng nêu rõ và đề cao truyền thống nhân ái, cố kết cộng đồng, tinh thần cần cù thông minh sáng tạo... trong lao động sản xuất, tinh thần anh hùng bất khuất, mưu trí, gan góc trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta.

    Bốn là, tiếp thu và làm phong phú thêm tinh hoa văn hoá nhân loại.

    Việc tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để xây dựng nền văn hóa cách mạng, vừa là một truyền thống lịch sử, vừa là một nhu cầu tất yếu khách quan. Nền văn hóa Việt Nam được hình thành và phát triển trong lịch sử lâu dài của dân tộc không phải là kết quả vận động chỉ riêng những yếu tố nội sinh, Người nói: “Văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại... Đông phương hay Tây phương có cái gì tốt ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”(2).

    Không phủ nhận việc kế thừa các giá trị văn hóa của nhân loại để làm phong phú, đa dạng văn hóa dân tộc, nhưng Người cũng phê phán, chống lại “cách mượn” không phải lối, chối bỏ đi các giá trị vốn có của dân tộc, hay là sự tiếp thu xô bồ mọi thứ của thiên hạ, đồng thời cho rằng cần tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tốt, cái đẹp để làm giàu thêm cho văn hóa dân tộc. Đây thực sự là “Việt Nam hóa” những cái từ ngoài đến, biến chúng thành những cái bên trong, tự nhiên như những yếu tố nội sinh của văn hóa Việt Nam. Đứng vững trên cái nền dân tộc để chiếm lĩnh, tiếp thu những giá trị văn hóa bên ngoài, bản lĩnh đó của dân tộc Việt Nam đã được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm qua.

    Người cho rằng không chỉ tiếp thu mà còn phải góp phần làm phong phú thêm văn hóa nhân loại: “Mình có thể học cái hay của bất cứ nước nào ở Âu - Mỹ, nhưng điều cốt yếu là sáng tác. Mình đã hưởng cái hay của người thì cũng phải có cái hay cho người khác hưởng. Mình đừng chịu vay mà không trả”(3). Đây chính là sự vận dụng phép biện chứng của “nhận và cho”, “vay và trả” trong tiếp xúc, giao lưu, đối thoại giữa các nền văn hóa. Trong văn hóa, nếu chỉ muốn “viện trợ không hoàn lại”, thì chính điều đó không chỉ là một thái độ rất không văn hóa mà còn không thể phát huy được bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Ngoài ra, trong quá trình tiếp thu, học tập kinh nghiệm, phải chú ý đến đặc điểm của dân tộc mình, nếu không sẽ phạm phải sai lầm, giáo điều.

    Năm là, mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

    Theo Hồ Chí Minh, muốn tiến lên CNXH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thì phải phát triển kinh tế và văn hoá. Người cho rằng, trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề phải chú ý, coi trọng ngang nhau là: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá - đây là bốn vấn đề chủ yếu của đời sống xã hội và các vấn đề này có mối quan hệ rất mật thiết với nhau. Vì thế, trong cuộc xây dựng đất nước, cả bốn vấn đề này phải được coi trọng như nhau. Kinh tế là nền tảng của việc xây dựng văn hoá, do đó phải chú trọng xây dựng kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng để có điều kiện xây dựng và phát triển văn hoá. Phát triển kinh tế để bảo đảm đời sống vật chất cho nhân dân và phải phục vụ cho mục đích phát triển văn hoá của nhân dân. Để thực hiện các mục tiêu của XHCN, chúng ta phải đấu tranh, xây dựng, phát triển, phải tiến hành một cuộc cách mạng thật sự. Trong cuộc cách mạng đó, văn hoá luôn có ý nghĩa trọng yếu, quyết định. Đó vừa là điều kiện, nền móng cho sự xây dựng, phát triển của đời sống xã hội, vừa là mục tiêu hướng tới trong quan hệ hài hoà với đời sống vật chất hay nói cách khác, văn hóa phải ở trong kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế.

    Văn hoá phải phục vụ nhiệm vụ chính trị và ở trong chính trị. Chính trị có được giải phóng thì văn hoá mới được giải phóng. Chính trị giải phóng mở đường cho văn hóa phát triển. Hồ Chí Minh đã vạch ra đường lối phải tiến hành cách mạng chính trị trước, cụ thể là cách mạng giải phóng dân tộc để giành chính quyền, từ đó giải phóng văn hóa, mở đường cho văn hóa phát triển. Chịu sự lãnh đạo của chính trị, văn hóa phải tham gia vào nhiệm vụ chính trị, tham gia cách mạng, kháng chiến và xây dựng CNXH, Người khẳng định: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận”, “Văn hoá, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị” (Sđd, t.6, tr.368-369). Tính chất mặt trận của văn nghệ không phải chỉ chống giặc ngoại xâm, mà còn phải chống giặc nội xâm. Cho nên, văn nghệ cần phải dũng cảm phê bình rất nghiêm khắc những thói xấu như tham ô, nhũng lạm, lãng phí, lười biếng, quan liêu... Mặt trận văn nghệ không phải chỉ có “chống” mà còn phải “xây”, mà xây là chính và lâu dài. Để làm tròn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng, phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

    Không chỉ thấy vai trò quyết định của kinh tế và chính trị đối với văn hoá, Hồ Chí Minh còn thấy được vai trò to lớn của văn hoá đối với sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Văn hoá là nền tảng, động lực tinh thần cho sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, cho sự tiến bộ của xã hội. Người viết: “Trình độ văn hoá của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ... cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(Sđd, t.8, tr.281-282). Văn hoá đứng ở trong chính trị và kinh tế cũng có nghĩa là chính trị và kinh tế phải có tính văn hoá.

    Sáu là, đánh giá đúng vị trí, đồng thời phát huy tốt vai trò của văn hóa.

    Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh rằng: Văn hóa phải phụng sự nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở cho mọi sáng tác. Với tính cách là phương thức sinh tồn của con người, văn hoá được tạo ra là để phục vụ cho cuộc sống con người. Con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là chủ thể hưởng thụ các giá trị văn hoá. Do vậy, theo Hồ Chí Minh, văn hoá phải hướng vào phục vụ đại đa số nhân dân chứ không phải là độc quyền hưởng thụ của bọn thống trị, bóc lột và tầng lớp trí thức. Người chỉ ra rằng: “Văn hoá phải thiết thực phục vụ nhân dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống vui tươi, lành mạnh của quần chúng - nội dung văn hoá phải có ý nghĩa giáo dục. Ví dụ: Phải giáo dục thế nào là đời sống mới, thế nào là đạo đức cách mạng”(Sđd, t.10, tr.59). Văn hóa, văn nghệ muốn phục vụ quần chúng nhân dân thì phải có chất liệu của cuộc sống, phải nghe đồng bào, chiến sĩ, hỏi nhân dân, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân; phải thấy, xem, ghi chép, chỉ có thực tiễn đời sống của nhân dân mới đem lại nguồn sinh khí vô tận cho văn nghệ, cung cấp những chất liệu không bao giờ cạn cho văn nghệ sĩ. Người nói: “Chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng cho sáng tác của nhà văn bằng nguồn nhựa sống, còn nếu nhà văn quên điều đó - nhân dân cũng sẽ quên anh ta”(4).

    Văn hoá phải phục tùng nhiệm vụ cách mạng. Hồ Chí Minh khẳng định: “Rõ ràng là dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng” (Sđd, t.10, tr.646), người nghệ sĩ muốn được tự do sáng tác thì trước hết phải là người tự do thực sự trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và phải tích cực tham gia vào công cuộc kháng chiến, xây dựng Tổ quốc. Để thực hiện được nhiệm vụ ấy, văn hóa, văn nghệ phải có những tác phẩm lớn xứng đáng với thời đại mới, những tác phẩm ca tụng chân thật những người mới, việc mới để làm gương trong cuộc sống hiện tại và để giáo dục con cháu mai sau; phải đấu tranh chống: Tham ô, lãng phí, lười biếng, quan liêu,... để xây dựng một xã hội lành mạnh, tốt đẹp. Đồng thời, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, không ngừng học tập chính trị, nâng cao chuyên môn, nghề nghiệp... Nói tóm lại, để phục vụ sự nghiệp cách mạng XHCN thì văn hoá phải XHCN về nội dung và dân tộc về hình thức.

    Văn hóa có vai trò rất quan trọng đối với việc xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới. Hồ Chí Minh cho rằng: Muốn xây dựng CNXH phải xây dựng con người XHCN; muốn có con người XHCN thì phải xây dựng tư tưởng (Xem: Sđd, t.9, tr.323). Con người XHCN phải là con người “vừa hồng, vừa chuyên”, vừa có đức, vừa có tài, trong đó đạo đức phải là gốc rễ. Con người mới ấy không thể sinh ra ngay lập tức mà hình thành từng bước trong quá trình đấu tranh cách mạng và xây dựng CNXH. Đây là một công việc lâu dài và gian khổ, thường xuyên và khẩn trương vì chúng ta phải biến con người trong xã hội cũ thành con người của xã hội mới; xã hội XHCN mà chúng ta đang xây dựng là một xã hội hoàn toàn khác về chất và chưa có tiền lệ trong lịch sử dân tộc; những thói quen, nếp sống của xã hội cũ... đã ăn sâu, bám rễ trong tâm hồn con người, làm trở ngại rất lớn cho bước tiến bản thân và của cả xã hội...

    Không chỉ khẳng định tính quy luật, vai trò và mối quan hệ của văn hóa với các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, mà Hồ Chí Minh còn đưa ra hệ tiêu chí để xây dựng nền văn hoá Việt Nam với chủ trương: “Năm điểm lớn xây dựng nền văn hoá dân tộc: 1. Xây dựng tâm lý tính cách: tinh thần độc lập tự cường. 2. Xây dựng luân lý: Biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. 3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội. 4. Xây dựng chính trị: Dân quyền. 5. Xây dựng kinh tế”(Sđd, t.3, tr.431).Việc chỉ ra những điểm lớn trên chứng tỏ rằng, khi phân định nội hàm khái niệm văn hoá, Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ rằng, xây dựng nền văn hoá dân tộc phải đặt trong mối quan hệ qua lại với các mặt khác của đời sống dân tộc như: Tâm lý, luân lý, xã hội, chính trị, kinh tế. Xây dựng văn hoá phải gắn liền với từng bình diện ấy, làm cho văn hoá trở thành phẩm chất tốt đẹp, đặc trưng riêng có và ý nghĩa tích cực của những lĩnh vực đời sống đó.

    Trong điều kiện hiện nay, trước những tác động tích cực và tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường cũng như từ chính quá trình xây dựng, sự phát triển văn hóa Việt Nam đang đứng trước những yêu cầu mới trong việc “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; con người phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật”(5). Để khắc phục những hạn chế, phát huy những kết quả đã đạt được và thực hiện mục tiêu trên, đòi hỏi chúng ta phải phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại, xử lý tốt mối quan hệ giữa văn hoá và các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội để văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là một động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Chú trọng xây dựng nhân cách con người Việt Nam về lý tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, thể chất, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành pháp luật, nhất là trong thế hệ trẻ... Khuyến khích tự do sáng tạo trong hoạt động văn hoá, văn học nghệ thuật để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, có sức lan tỏa lớn, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc... Coi trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá dân tộc. Nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Điều đó cũng đồng thời càng khẳng định giá trị to lớn và thiết thực của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa./.
    P/S : Hơi dài



      bởi Đinh Thế Nghĩa 11/09/2018
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, một phần văn hoá Pháp tràn vào Việt Nam theo gót chân của những kẻ đi xâm lược đội lốt chiều bài với những từ ngữ mỹ miều là “sự khai hoá văn minh”. Trong thử thách của sự phát triển, cái linh đơn văn hoá Việt Nam vẫn còn, nhưng có nguy cơ dần mất đi cái vẻ huyền diệu đắc dụng của nó và có nguy cơ bị mai một, bị lai căng.

    Văn hoá Pháp vào Việt Nam một cách xô bồ, có tốt và gây ra cũng không ít điều xấu. Điều tốt thì đó là những công trình mà Pháp dựng nên trên đất Việt Nam để phục vụ cho sự cai trị. Đó là những nhà cửa, đường sá, cầu cống, là kỹ nghệ…Đó là những trường học, tuy còn ít ỏi, nhưng là trường tây, theo văn hoá tây. Đó là cuộc sống có phần văn minh của phương Tây mà đến đầu thế kỷ XX, các nhà trí thức khai sáng của Việt Nam trong đó có Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, v.v. bắt đầu áp dụng và mở cuộc vận động duy tân khá lớn và thành công không nhỏ. Chữ Hán được thay bằng quốc ngữ. Những cái đầu quấn tóc búi tó, những quần ống sớ, guốc mộc…đã nhường chỗ khá nhiều cho tóc ngắn, cho bộ đồ Âu complê thắt caravát, cho giầy đen, cho nhảy đầm, uống cà phê, hút thuốc lá thơm, cho lối sống văn minh bài trừ mê tín dị đoan, v.v. Một văn hoá ngoại lai cuốn vào chốn thuộc địa mà thuộc địa này vẫn đậm cốt cách phong kiến trong từng hang cùng ngõ hẻm. Và đương nhiên nó cũng sinh ra nhiều cái xấu, bởi không thể khác được do nó đi sau gót thực dân, mang theo cả những cặn bã ở “chính quốc” sang Việt Nam, nó khuyếch đại và nhân lên và phổ vào những cái cổ hủ xưa của phong kiến.

    Hồ Chí Minh sống trong cái khung thời gian mà sự biến thiên về văn hoá của Việt Nam có những giai đoạn mạnh mẽ nhất. Riêng về giáo dục thôi thì cũng thấy đầu thế kỷ XX, Việt Nam có xen lẫn vào ba nền giáo dục: nền giáo dục Hán học đã lỗi thời nhưng vẫn còn đất sống; nền giáo dục Tây học mang nặng lối thực dân nô dịch, chỉ dành cho một số người; nền giáo dục quốc ngữ tuy còn èo ọt nhưng đang lên. Ba nền giáo dục này giao thoa nhau. Ở trong con người Hồ Chí Minh, và nhiều người khác cùng thời, có cả ba sắc thái biểu hiện của ba nền giáo dục ấy, tuy mỗi người biểu hiện đậm nhạt khác nhau. Hồ Chí Minh đóng góp phần lớn vào sự chuyển biến tích cực cho sự biến thiên đó của văn hoá Việt Nam.

    Nếu đứng về địa lý mà xét thì Việt Nam là một quốc gia-dân tộc nằm trong luồng giao lưu tự nhiên, ồ ạt về văn hoá của thế giới. Trong luồng giao lưu ấy, Việt Nam là một quốc gia có đồng thời cả hai chiều thuận-nghịch trong quá trình biến đổi về văn hoá.

    Chiều thứ nhất, chiều thuận, biểu hiện ở chỗ, Việt Nam là một quốc gia-dân tộc có nhiều sự biến đổi khá nhanh chóng. Chẳng hạn, đó là quá trình thích ứng, tiếp thu tương đối nhanh những mặt tốt của các luồng tư tưởng thế giới, đặc biệt là của phương Đông, vào Việt Nam khá sớm. Khi vào Việt Nam, chúng được sàng lọc một cách tự nhiên qua lăng kính của giới cầm quyền và của nhân dân. Chúng được biến thiên qua cách nhìn của quan lại, của nhân dân trong cuộc sống. Điển hình là Tống Nho vào Việt Nam thích ứng với nhà nước quân chủ trung ương tập quyền mạnh của triều Lý, Trần, Lê. Đã sản sinh ra các nhà nho tiến bộ hẳn so với chính thống. Còn đạo Phật khi vào Việt Nam cũng đã trầm qua cái tâm của cư dân người Việt, vùng văn minh lúa nước, nó phát triển cực thịnh vào thời Lý, Trần.

    Một quốc gia Đại Việt (tôi xin được gọi chung cho các triều đại phong kiến Việt Nam) luôn được mở mang bờ cõi xuống phía nam, cương vực của nó đến cuối thế kỷ XVIII về cơ bản được như hiện nay. Và văn hoá, theo chiều rộng của cương vực, cũng do đấy mà được phong phú thêm, đa dạng thêm. Đất nước Việt Nam đã bắt đầu chuyển dịch ý thức hệ đầu thế kỷ XX, trong đó có việc chuyển sang hệ tư tưởng Mác – Lênin. Tôi muốn nhấn mạnh điều này là ở chỗ, Việt Nam là nước thuộc địa, phong kiến, cho nên sự chuyển dịch này không dễ dàng, nó đòi hỏi chuyển cả các thế hệ con người, khi các giai cấp, tầng lớp trong xã hội phân hoá một cách chưa thực sự mạnh và khi nhà cầm quyền thực dân-phong kiến tìm mọi cách ngăn cản.

    Chiều thứ hai, chiều nghịch, biểu hiện ở chỗ, Việt Nam là một quốc gia-dân tộc trong lịch sử trung đại và cận-hiện đại ít có biến đổi hoặc biến đổi chậm so với luồng chảy chung của trên thế giới. Chế độ phong kiến ngự trị hàng nghìn năm. Nó như giấc ngủ dài. Phong kiến Trung Hoa đã ngủ quên lâu, nhưng phong kiến Việt Nam còn ngủ kỹ hơn, mặc cho sự biến chuyển trên thế giới đã mạnh mẽ bắt đầu từ thế kỷ XVI. Khi nước Pháp làm cuộc Đại Cách mạng tư sản nổi tiếng vào năm 1789 phá ngục Bastille, tiến công vào dinh luỹ của chế độ phong kiến để mở đường phát triển sau những đêm dài trung cổ thì ở Việt Nam, Quang Trung Nguyễn Huệ của đất Tây Sơn mới đánh đổ quân xâm lược Thanh để xây đại nghiệp. Mà đại nghiệp của quân Tây Sơn lại là vẫn tiếp nối một triều đại phong kiến mới, chứ không phải là chế độ mới, một phương thức sản xuất mới. Chênh nhau hàng thế kỷ. Việt Nam lúc này chưa chủ động hoặc chưa đủ điều kiện mở cánh cửa ọp ẹp để đi ra thế giới hoặc là để thế giới đi vào Việt Nam.

    Trong lúc Việt Nam đang guồng chân để tiến nhanh hơn thì thế giới đã bỏ khá xa chúng ta. Nguy cơ Việt Nam bị tụt hậu xa hơn về phát triển kinh tế so với nhiều nước trên thế giới và khu vực, nếu xét nguy cơ là cái điều có khả năng đến, thì nó không còn là nguy cơ nữa mà là sự thực rồi. Khoa học và công nghệ thường là kỵ với nền nông nghiệp phong kiến cổ truyền. Nông dân – nông nghiệp – nông thôn, phương thức sản xuất châu Á…vẫn là nơi ít nhúc nhích nhất ở Việt Nam, nơi làm ra cái ăn nhưng bi kịch chính là ở đó: xã hội phải dành cho nó lực lượng lao động nhiều nhất nhưng có lúc vẫn cứ bị đói. Nhà cầm quyền (Triều Nguyễn) lại muốn kìm hãm. Ông vua Tự Đức cầm quyền khá lâu ở Triều Nguyễn là ông vua hay chữ, làm thơ, muốn yên phận nhưng nào có được như vậy, dẫn đến bạc nhược trước “oai hùng” của chủ nghĩa tư bản Pháp, không tích cực tìm cách gỡ bí trong bang giao, thử thách của cái mới thời cuộc. Những canh tân, những ý tưởng, những tờ sớ nặng lòng đưa đất nước thoát ra khỏi thế bí, tiếp nhận luồng tư tưởng nhập cuộc chơi với thế giới, tiếp nhận khoa học-kỹ thuật…đều bị chế độ phong kiến chối bỏ. Tất cả mọi tinh lực canh tân bị chìm trong cái biển nông dân muôn năm cũ.

    Trong cả hai cái chiều hướng đó, Việt Nam bị nặng hơn cái chiều thứ hai. Nói thế để thấy, không phải Việt Nam không nhúc nhích, mà vẫn đi lên, nhưng bước đi nặng nề, chậm chạp, đầy do dự, dùng dằng, ngắc ngứ.

    Đó là bức tranh giản lược cái thử thách văn hoá của dân tộc Việt Nam mà Hồ Chí Minh sống. Và Hồ Chí Minh đi tìm con đường cứu nước, đưa đất nước Việt Nam phát triển để “sánh vai với các cường quốc năm châu” (chữ mà Hồ Chí Minh hay dùng) cũng là là làm cách mạng, mở đường cho văn hoá Việt Nam mới phát triển, để rồi văn hoá đó soi đường cho quốc dân đi.

    Sự tiếp biến văn hoá của Hồ Chí Minh biểu hiện bằng quá trình tiếp nhận tinh hoa văn hoá dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hoá nhân loại; kết hợp văn hoá phương Đông với văn hoá phương Tây để trở về với văn hoá dân tộc. Đó chính là hành trình văn hoá Hồ Chí Minh.

    Hồ Chí Minh tiếp nhận những gì là tinh túy của văn hoá dân tộc Việt Nam, trong đó tinh túy nhất trong những cái tinh túy là chủ nghĩa yêu nước. Một mặt, những giá trị văn hoá Việt Nam tự nhiên truyền chảy, thẩm thấu vào Hồ Chí Minh; mặt khác Hồ Chí Minh chủ động, tích cực tiếp nhận nó. Các nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam thường hay đề cập những giá trị của văn hoá Việt Nam, có những giá trị mà ở nhiều nước trên thế giới cũng có chứ không riêng gì ở Việt Nam. Chẳng hạn, yêu nước. Nhưng đây là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, nó có sắc thái riêng. Chẳng hạn, lòng nhân ái. Nhưng đây là lòng nhân ái mang sắc thái của con người, của cộng đồng người Việt Nam. Hồ Chí Minh được sinh ra từ nền văn hoá Việt Nam, trong đó có tiếp nhận từ truyền thống văn hoá quê hương, gia đình, có mở rộng tầm nhìn ra các vùng miền khác, đặc biệt là văn hoá kinh đô Huế và Sài Gòn – Gia Định. Hồ Chí Minh không bó hẹp trong một địa bàn quốc gia-dân tộc mà còn tự giác dấn thân vào môi trường quốc tế rộng lớn, tự mình bươn trải trong 30 năm sống ở ngoài nước.

    Đất Nghệ Tĩnh, sông Lam núi Hồng, địa linh nhân kiệt, có luồng văn hoá đặc sắc mà Hồ Chí Minh đã tắm gội từ ấu thơ, có giá trị lớn tới cơ sở của cái chất văn hoá làm nên nhà văn hoá Hồ Chí Minh. Ở nơi ấy ra đi, tức là nói đến quê hương xứ sở, nơi chôn rau cắt rốn, tôi thấy thật khó lý giải cho cái “bệ phóng” đó của sự thăng tiến trong đời một con người. Với mảnh đất ấy, nguồn nước ấy, hai làng khác nhau, cách nhau chỉ một con mương nhỏ, thì hai cộng đồng người đã có hai âm ngữ rất khác nhau rồi. Lại nữa, tôi thấy ở Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An) chẳng hạn, một làng nổi tiếng trong cả nước về con người học hành, đỗ đạt, có không ít danh nhân, thì hầu như chỉ những người nào sinh ra, có tuổi ấu thơ ở đó rồi ra khỏi cái cống đá đầu làng để đi sinh sống, lập nghiệp nơi khác thì mới có cơ phát triển, thành đạt. Còn không, nếu vẫn ở làng thì khó mà phát, tiến.

    Hồ Chí Minh ở vùng Nam Đàn, Nghệ An, sinh ra ở đất “linh”, ở trong một gia đình văn hoá. Một đơn vị văn hoá gia đình của Hồ Chí Minh trong cái vùng văn hoá này đã hun đúc nên văn hoá Hồ Chí Minh. Có lẽ Hồ Chí Minh cũng đã tiếp thu một cách nào đó cái bướng bỉnh, khí khái của cha mình, một nhân vật tôi cho cũng là cái vết tích của ông đồ Nho xứ Nghệ. Cụ Nguyễn Sinh Sắc mạnh ở mặt thương người, nhân ái, ở tính khảng khái, ở cái chí lớn, ở cái cách giáo dục cho con cái, ở cái quan niệm thức thời của Cụ trong buổi giao thời văn hoá Đông-Tây, giữa cái cổ và cái kim. Cụ là cái gạch nối của thời cuộc. Rồi Hồ Chí Minh đi tiếp cái gạch nối ấy, lân sang cái hiện đại từ cái nền văn hoá cổ-trung-cận đại đầy biến động. Hồ Chí Minh tiếp nhận cái tinh túy văn hoá điển hình người phụ nữ Việt Nam chung thủy, đảm đang, hết lòng vì chồng con từ người mẹ thân yêu nhưng mất sớm. Hồ Chí Minh là một thành viên hoà đồng với chị và anh của mình làm thành cái đơn vị văn hoá gia đình đẹp đẽ của mình.

    Từ trong đất nước, Hồ Chí Minh còn tiếp thu nền văn hoá Pháp và phương Tây qua trang sách học đường. Và đã sớm có ý định đằm mình trong đó bằng cách xuất dương với hai bàn tay và khối óc của mình, bằng lao động để kiếm sống, để học trong đường đời. Hồ Chí Minh cũng được tiếp thu văn hoá phương Đông qua Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo. Hồ Chí Minh không phải là con số cộng các nền văn hoá dân tộc và thế giới mà là có sự tổng hoà, đúc kết hình thành làm một để kiến tạo tư chất nhà văn hoá. Hồ Chí Minh còn tiếp thu cái nhân lõi của lý luận Mác – Lênin là chủ nghĩa nhân đạo, là sự dấn thân cho sự nghiệp cao cả nhất trong đời mình với tư cách là sứ giả văn hoá của nhân loại: đấu tranh giải phóng con người. Hồ Chí Minh có quan niệm rằng, nếu hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin mà sống không có tình có nghĩa thì sao hiểu được chủ nghĩa Mác – Lênin. Sắc thái văn hoá như thế tuyệt nhiên không phải là một thứ lai căng, không phải thập cẩm, không phải như thứ xalát trộn lẫn. Tôi nhớ mang máng ai đó, hình như là một học giả người Đức, bà Mêlen thì phải, năm 1966 có nhận xét rằng, Hồ Chí Minh là hình ảnh hoàn chỉnh của đạo Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của C. Mác, tinh thần cách mạng của V. I. Lênin và tình cảm của một người chủ gia tộc. Tất cả đều hoà hợp trong một dáng dấp rất tự nhiên. Còn Nêru của Ấn Độ thì nói: Được tiếp xúc với Hồ Chí Minh, tôi như được gặp một mảng lịch sử của nhân loại.

    Hồ Chí Minh còn là một chủ thể sáng tạo văn hoá, văn hoá theo nghĩa hẹp. Hồ Chí Minh là một nghệ sĩ đích thực với tư cách là nhà thơ, viết văn, nhà phê bình văn nghệ, v.v.

    Hồ Chí Minh là một nhân tố quan trọng nhất và tác động mạnh mẽ nhất cho quá trình giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và thế giới của thế kỷ XX. Giao lưu văn hoá là điều tất yếu, là quy luật vận động và phát triển của nhân loại. Nó là một quá trình thường xuyên, diễn ra một cách tự nhiên, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của giới cầm quyền. Dù có đóng cửa, dù có bế quan toả cảng như thế nào đi chăng nữa, nhưng quá trình giao lưu văn hoá vẫn cứ diễn ra, vấn đề là ở chỗ nó diễn ra như thế nào mà thôi.

    Quá trình giao lưu văn hoá là quá trình tiếp nhận những giá trị văn hoá tốt đẹp của nhau, làm giàu thêm văn hoá của bản địa và từ đó mỗi một dân tộc có đóng góp tích cực chung vào kho tàng văn hoá của nhân loại. Tình trạng đóng cửa của triều đình nhà Nguyễn, thái độ cực đoan trong chính sách thực dân của Pháp ở Việt Nam đã làm chậm quá trình giao lưu văn hoá của Việt Nam với thế giới. Ngay cả phong trào duy tân (đổi mới), những cải cách, những làn gió mới thổi vào xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX đã làm nên cuộc cách mạng thật sự trong đời sống văn hoá của Việt Nam nhưng chính quyền phong kiến Việt Nam cũng không ưng. Không ưng bởi vì những cải cách đó trên thực tế đã nã những viên đại bác vào thành luỹ của chế độ phong kiến, làm xói mòn những giá trị của chế độ hiện hành. Chính quyền thực dân Pháp lẽ ra phải ưng thuận và ủng hộ cho những cải cách về văn hoá duy tân, phải ủng hộ cho quá trình vùng lên mạnh mẽ đầu thế kỷ XX phong trào học chữ quốc ngữ, phong trào vận động đời sống mới, phong trào chấn hưng thực nghiệp. Nhưng, chính quyền thực dân Pháp lại cũng không ưng, vì những cải cách đó cổ vũ tinh thần yêu nước. Với con mắt cực đoan, bảo thủ cho nên thực dân Pháp lo sợ các phong trào duy tân dẫn tới việc đấu tranh chống lại ngay bản thân thực dân Pháp, tác động không tốt tới sự cai trị của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam. Âm binh đã được triệu lên, và những âm binh này quay lại tiến công trực diện vào chế độ thực dân-phong kiến. Thế cho nên mới dẫn đến việc các yếu nhân của phong trào duy tân cũng bị thực dân Pháp đàn áp, bắt bớ, cấm chỉ hoạt động. Chính đây là một trong những biểu hiện của sự bóp nghẹt về văn hoá trong quá trình cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương.

    Trong quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng làm cho đất nước Việt Nam tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hoá của các nền văn hoá thế giới. Hồ Chí Minh không phải là con người theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi mà là một con người có ý thức chủ động, tích cực tiếp nhận văn hoá của nước khác. Hồ Chí Minh yêu mến văn hoá Pháp, yêu mến văn hoá Mỹ trong khi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược đất nước Việt Nam.

    Quá trình tiếp nhận như vậy là quá trình làm giàu cho kho tàng văn hoá dân tộc. Nhưng, ở Hồ Chí Minh, sự tiếp biến, giao lưu văn hoá có mấy điểm đáng lưu ý nhất:

    Một: có thái độ chủ động, không được có tinh thần đóng cửa, bài ngoại; nói như danh từ hiện đại thì là phải tích cực, chủ động hội nhập.

    Hai: trong giao lưu văn hoá, phải tiếp thu những điều tốt đẹp, không lai căng. Với tinh thần đó, trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam không mặc cảm tự ty mà chủ động giao lưu và tự khẳng định bản sắc dân tộc mình. Hồ Chí Minh cho rằng, phải mở rộng kiến thức của mình về văn hoá thế giới, nhưng cũng tránh nguy cơ chúng ta trở thành những kẻ bắt chước; rằng, không thể lấy từ nghệ thuật của dân tộc khác những mặt nào đó mà không chú ý chọn lọc; văn hoá của dân tộc khác cần phải nghiên cứu toàn diện, chỉ có trong trường hợp đó mới có thể thu lại nhiều hơn cho văn hoá của chính mình.

    Nói chủ động tiếp thu văn hoá của nước khác là nói trong cái thế của Việt Nam trong từng thời kỳ. Thường thì trên thế giới, người ta tổng kết có mấy con đường giao lưu văn hoá: 1. Con đường thương mại, tức là con đường hợp tác, trao đổi về làm ăn kinh tế (xưa gọi là con đường tơ lụa); 2. Con đường truyền giáo và tiếp nhận tôn giáo (do vậy, có những tôn giáo mang tính phổ biến toàn cầu, tiêu biểu nhất là ba tôn giáo lớn: Thiên chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo); 3. Con đường quan hệ chủ động, bình đẳng giữa các quốc gia độc lập, có chủ quyền; 4. Con đường chiến tranh xâm lược. Việt Nam không may, chủ yếu lại thông qua con đường thứ tư này. Ngày nay, Việt Nam đang mạnh lên qua con đường thứ ba. Còn trước đây, thực ra con đường thứ nhất, con đường thứ hai đều thông qua con đường thứ tư. Do vậy, việc giao lưu văn hoá Việt Nam mới có những nét đặc biệt. Chính bản thân Hồ Chí Minh là người thấu hiểu và muốn tăng cường giao lưu văn hoá qua con đường thứ ba, tức là qua quan hệ chủ động, bình đẳng giữa các quốc gia độc lập, có chủ quyền.

    Trong giao lưu, một vấn đề tất yếu xẩy ra: giữ lại cái gì và tiếp nhận, tạo ra cái gì? Đây chính là vấn đề muôn thuở trong bước đường tồn tại và phát triển của từng dân tộc. Bao giờ yếu tố văn hoá nền (cốt cách, bản sắc) của mỗi dân tộc không còn thì cũng tức là dân tộc đó bị mất đi.

    Là một nhà văn hoá đồng thời là một nhà chính trị, Hồ Chí Minh chú ý ngay đến việc giữ gìn văn hoá bản địa khi đã có chính quyền cách mạng trong tay. Chính văn hoá bản địa là cái nền để tiếp biến. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc (ethny), hiện theo phân loại, có 54 dân tộc. Đây là một nền văn hoá thống nhất trong đa dạng. Hồ Chí Minh có quan điểm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá của 54 dân tộc trên đất Việt Nam, giữ gìn các vốn cổ, trong đó có ngôn ngữ dân tộc.

    Hồ Chí Minh lưu ý cho mọi người trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, với những ý như: không phải cái gì cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Những điều Hồ Chí Minh nói như nguyên lý ứng xử văn hoá như vậy, nhưng trong cuộc sống thật không đơn giản.

    Một tình trạng khác mà Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở: phát huy vốn cũ của dân tộc nhưng tránh phục cổ một cách máy móc. Hồ Chí Minh phê bình tình trạng khôi phục cả đồng bóng, rước xách thần thánh quên cả sản xuất, cứ trống mõ bì bõm, ca hát lu bù.

    Ba: Hồ Chí Minh cũng lưu ý đến thái độ đúng đắn về nhận và cho. Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam có thể tiếp nhận bất cứ cái hay nào của Âu, Mỹ nhưng điều cốt yếu là phải sáng tạo; mình đã hưởng cái hay của người thì mình cũng có cái hay cho người ta hưởng; mình đừng chịu vay mà không trả.

    Sự tiếp biến văn hoá của Hồ Chí Minh được diễn ra trong suốt cuộc đời của mình, nhưng mạnh nhất, có hiệu quả nhất, đương nhiên là từ khi nước nhà đã giành được độc lập, xây dựng cuộc sống mới, lúc làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng cầm quyền. Nhưng, cái nền, cái quan điểm của Hồ Chí Minh về vấn đề đó là nhất quán. Hồ Chí Minh thâu thái cổ kim Đông Tây, đem những cái tốt đẹp trong văn hoá của nhân loại hoà vào và phát triển cùng văn hoá dân tộc, nâng tầm văn hoá dân tộc lên, đưa văn hoá dân tộc đóng góp chung vào văn hoá thế giới, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau của các dân tộc, góp vào bước tiến chung của nhân loại.

    hơi dài nhé bn

      bởi Super Misoo 26/10/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
 

Các câu hỏi mới

NONE
OFF