OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
UREKA
Banner-Video
IN_IMAGE

Bình giảng tác phẩm Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh.

Bình giảng tác phẩm Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh.

  bởi ngọc trang 15/01/2020
ADSENSE/lession_isads=0
QUẢNG CÁO
 

Câu trả lời (1)

  • Phạm Đình Hổ (1763 – 1839) là một nho sĩ đa tài sống trong thời chế độ phong kiến đã khủng hoảng trầm trọng nên có tư tưởng muốn ẩn cư, ông đã từng giữ chức Tế tửu Quốc tử giám, rồi Thị giảng học sĩ, nhưng chỉ mấy năm sau đó, ông cáo bệnh từ quan. Phạm Đình Hổ sáng tác từ thời Tây Sơn, nhưng chủ yếu là những năm đầu thời Nguyễn với nhiều công trình biên soạn, khảo cứu có giá trị thuộc đủ các lĩnh vực.

    Về sáng tác văn chương, ông có nhiều tác phẩm giá trị, đặc biệt là Vũ trung tùy bút và Tang thương ngẫu lục (Viết chung với Nguyễn Án). Đây là những kí sự bằng văn xuôi.

    Vũ trung tùy bút thể hiện một bút pháp nghệ thuật tinh tế, sinh động, hấp dẫn, là một tác phẩm chẳng những có giá trị văn chương đặc sắc, mà còn cung cấp những tư liệu quý về lịch sử, địa lý, xã hội học.

    Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh là một trong tùy bút trích từ Vũ trung tùy bút ghi lại cuộc sống ở phủ chúa thời Thịnh Vương Trịnh Sâm. Với cảm hứng dạt dào, tùy hứng, Phạm Đình Hổ đã tái hiện lại cảnh ăn chơi xa hoa của chúa Trịnh Sâm và các quan lại hầu cận trong phủ chúa. Sau khi chúa Trịnh Sâm đã dẹp yên được các phe phái, chống đối, lập lại kỉ cương, thì dần dần sinh ra kiêu căng xa xỉ, phi tần mĩ nữ kéo vào rất nhiều, chúa say mê Đặng Thị Huệ, đắm chìm trong cuộc sống xa hoa, ăn chơi hưởng lạc thỏa thích.

    Khoảng năm Giáp Ngọ, Ất Mùi (1774 – 1775) trong nước “vô sư” Thịnh Vương Trịnh Sâm thích chơi đèn đuốc, thường ngự ở các li cung trên Tây Hồ, núi Tử Trầm, núi Dũng Thúy. Đế phục vụ cho những cuộc ăn chơi thỏa thích này, chúa cho xây dựng nhiều cung diện, đình đài ở các nơi, hao người tốn của.

    Nhưng- cuộc dạo chơi của chúa ở Tây Hồ được miêu tả tỳ nữ mỗi tháng ba bốn lần, Thịnh Vương ra cung Thụy Liên trên bờ Tây Hồ, cảnh đón tiếp với các thứ nghi lễ thật tưng bừng khác biệt, có binh lính đàn hầu vòng quanh bốn mặt hồ”, mà Hồ Tây thì rất rộng, có tổ chức hội chợ chung quanh bờ hồ mà các nội thần hóa trang “đầu bịt khăn, mặc áo đàn bà” bày bán hàng bách hóa. Thuyền ngự đi đến đâu thì các quan hô tụng đại thần tùy ý ghé vào bờ mua bán các thứ như ở cửa hàng trong chợ. Để tạo không khí vui vẻ, trên gác chuông chùa Trấn Quốc và khắp nơi quanh hồ bọn nhạc công hòa vào khúc nhạc. Thật là một cảnh tượng lố lăng, nhảm nhí. Để thỏa mãn cho những cuộc ăn chơi, hưởng lạc, bọn chúng đâu có chút lòng thương cảm đến những người dân lương thiện đang rên xiết, ai oán bởi những đám người được mệnh danh là cha mẹ của dân đã ra sức vơ vét, bóc lột nhân dân đủ thứ để cho đầy túi tham. Phạm Đình Hổ đã tận mắt chứng kiến và biết được những cảnh tượng trong phủ chúa nên cách kể và cách tả của ông thật sinh động.

    Để phục vụ cho những cuộc ăn chơi, hưởng lạc, nhà chúa đã càn quét bao nhiêu những loài “trân cầm dị thú, cỏ mộc quái thạch, chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian” có khi tranh thủ “lấy cả cây da to, cành lá rườm rà, từ bên bờ bắc chở qua sông đem về”. Cây đa to như một cây cổ thụ mọc trên đầu non hóc đá, rễ dài dần vài trượng, phải dùng đến một cơ binh mới khiêng nổi. Cánh tượng trong phủ chúa thật khác thường “tùy cho…ra hình núi non bộ trông như bốn bể núi non”.

    Đoạn văn được Phạm Đình Hổ miêu tả rất thực, từ cảnh vật đến âm thanh. Điều này cũng được Lê Hữu Trác, một danh y nổi tiếng thời đó cũng vô cùng ngạc nhiên mà viết trong lần ông bị mời lên kinh đô để chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán:

    “Mấy nghìn cửa gác đông nghiêm ngặt

    Cá trời núi sông chắc là đây!

    Lâu từng gác vì tung mây

    Rèm châu, rèm ngọc, bóng mai cánh vào

    Hoa cũng thoáng, ngạt ngào đưa tới

    Vườn ngự nghe vẹt nói đôi phen

    Quê mùa; cung cấm chưa quen

    Khác gì ngư phủ đào nguyên thuở nào”.

    (Thượng kinh kí sự)

    Cảnh trong phủ chúa được Lê Hữu Trác miêu tả gợi lên sự uy nghiêm và giàu sang vào thời điểm buổi sáng. Còn đối với Phạm Đình Hổ, cảnh trong phủ chúa được gợi lên trong thời điểm một đêm thanh vắng “tiếng chim kêu vượn hót” ran khắp bốn bề, hoặc nửa đêm ồn ào như “trận mưa sa gió táp, vờ tô tan đàn”. Âm thanh gợi lên cảm giác ghê sợ trước một cái gì đang tan tác, đau thương chứ không phải trước cảnh yên bình, phồn thịnh. Sự thực đó đã gợi cho tác giả có cảm nhận riêng, vì biết đó là “triệu bất thường”, tức là điềm gở, chẳng lành. Nó là dấu hiệu của sự suy vong tất yếu của một triều đại mục ruỗng hết chỗ nói, chỉ biết ăn chơi hưởng lạc trên mồ hôi, nước mắt, xương máu của người dân khốn khổ. Và điều ấy đã thực sự xảy ra không bao lâu sau khi Trịnh Sâm mất năm 1782 – một cuộc tranh giành quyền lực, chém giết lẫn nhau diễn ra khốc liệt. Và đến năm 1786, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc Hà, tiêu diệt họ Trịnh giao lại quyền bính cho nhà Lê.

    Bọn hoạn quan hậu cận trong phủ chúa lợi dụng sự sủng ái của chúa Trịnh Sâm mà ra sức hoành hành, tác oai, tác quái trong nhân dân. Bộ mặt của bọn chúng được tác giả miêu tả là lũ người luồn gió bẻ măng, vừa ăn cướp vừa la làng. Chúng ra ngoài dọa dẫm, dò xem nhà nào có chậu hoa cây cảnh. Chim tốt khứu hay, thì biên hai chữ “phụng thủ” vào. Đêm đến, chúng trèo qua tường thành lẻn ra, sai tay chân đến lấy phăng đi, rồi buộc cho tội đem giấu vật “cung phụng” để dọa lấy tiền. Người dân đã bị chúng cướp hai lần, thật là những điều vô lý hết chỗ nói. Thậm chí nếu cần, chúng cho phá nhà, húy tường để khiêng ra những hòn đá hoặc cây cối gì to lớn quá. Các nhà giàu bị họ vu là giấu vật “cung phụng”, thường phải bỏ của ra kêu van “chí chết” có khi phải đập bỏ núi non bộ, hoặc phá hủy cây cảnh để tránh tai vạ.

    Cuối cùng tác giả kể lại một sự việc xảy ra ngay tại gia đình minh ở phường Hà Khâu, huyện Thọ Xương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ngày nay). Ba mẹ của tác gia đã phải sai người chặt đi một cây lê, cao vài trượng, lúc nở hoa, trắng xóa thơm lừng và hai cây lựu trắng, lựu đỏ, lúc ra hoa quả trông rất đẹp để tránh tai vạ. Sự việc này cũng đã cho ta thấy mức độ nhũng nhiễu của bọn quan lại hậu cận, chúng không chừa một ai, mặc dù gia đình tác giả cũng thuộc hàng quan lại, quý tộc thời Lê Trịnh. Câu chuyện vừa làm gia tăng độ tin cậy cho những chi tiết chân thực mà tác giả ghi chép ở trên, vừa phê phán bộ mặt ghê tởm của bọn quan lại hầu cận trong phủ chúa.

    Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh là một trang tùy bút có giá trị lún về mặt lịch sử, giúp ta hiểu được hiện thực nơi phủ chúa vào những năm nửa sau thế kỉ XVIII. Đó là sự suy vong không thể tránh khỏi của một triều đại chỉ biết chạy theo cuộc sống xa hoa của vua chúa và sự kết bè nhũng nhiễu dân của bọn quan lại thời đó.

    Vì có ý thức trách nhiệm đối với đời, nên trong khi viết, tác giả Vũ trung tùy bút không chi ghi lại sự việc một cách đơn thuần mà qua đó bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ, nhận thức, đánh giá của minh thấm đầm qua từng chi tiết, từng mẫu chuyện mà ông đã tận mắt thấy tai nghe. Và cũng chính điều này đã làm nên nét đặc sắc của thiên tùy bút mà Phạm Đình Hổ đã viết “trong những ngày mưa” với bao dằn xóc của bản thân trước hiện thực nghiệt ngã của thế cuộc mang lại.

      bởi thanh hằng 15/01/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
 

Các câu hỏi mới

NONE
OFF