OPTADS360
ATNETWORK
RANDOM
ON
YOMEDIA
Banner-Video
IN_IMAGE

Ý kiến của anh (chị) về câu nói sau đây: “Có nhân hậu mới biết đồng cảm và sẻ chia”

Ý kiến của anh (chị) về câu nói sau đây: “Có nhân hậu mới biết đồng cảm và sẻ chia” - Ngữ Văn 12.

  bởi minh thuận 02/12/2019
AMBIENT-ADSENSE/lession_isads=0
QUẢNG CÁO
 

Câu trả lời (1)

  • Một trong những đức tính tốt đẹp nhất của con người là lòng nhân hậu. Có nhân hậu mới biết đồng cảm và sẻ chia.

    1. Nhân hậu là gì? Nhân là lòng thương người; nhân hậu là tình thương bao la, mênh mông và sâu sắc đối với mọi người. Cảm thông với cảnh ngộ, với nỗi niềm của đồng loại là đồng cảm: biết chia ngọt, sẻ bùi, biết xót thương với những người bất hạnh là san sẻ. Cây có cội, nước có nguồn: nhân hậu như cội, như nguồn; đồng cảm, san sẻ tựa như cội, như nguồn của lòng nhân hậu.

    Hơn 2.000 năm về trước, Khổng Tử đã ca ngợi cái nhân của con người; và ngài đã khẳng định: Nhân là cái gốc của đạo lí; kẻ có nhân mới có thể tích đức, tu thân, tề gia trị quốc, bình thiên hạ.

    2. Trên đời đầy ngang trái, bất công, thảm cảnh. Người có lòng nhân hậu tựa như ngọn lửa, như ánh sáng góp phần xua tan bóng tối, đem lại hơi ấm và hạnh phúc cho đồng loại, đem lại niềm vui và hi vọng của kẻ cô đơn, người bần cùng, bất hạnh. Một bát cơm cho người hành khất, một tấm áo cho người rét giữa mùa đông lạnh lẽo, một chén thuốc cho người ốm đau, một lời an ủi, động viên cho người hoạn nạn,... đó là những cử chỉ, hành động, những biểu hiện cụ thể trong nhân hậu, sự đồng cảm, san sẻ.

    3. Nhân dân ta giàu lòng nhân ái, “thương người như thể thương thân”, trong hoạn nạn cơ hàn biết ‘lá lành đùm lá rách”, nhường cơm sẻ áo cho nhau.

    Lời ru, tiếng hát của bà, của mẹ, đã in sâu vào tâm hồn tuổi thơ mỗi chúng ta: “Thấy người hoạn nạn thì thương / Thấy người đói rét, ta nhường áo cơm”. Một chữ ‘‘thương’' in đậm trong lòng tuổi học trò qua những trang thơ văn của dân tộc giàu giá trị nhân đạo.

    Bầu ơi thương lấy bí cùng

    Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

    (Ca dao)

    Thương nhau chia củ sắn lùi.

    Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.

    (Tố Hữu)

    Những nhân vật như Thúy Kiều, Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, những em bé đáng thương như cái Tí trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố, những cụ già đau khổ như lão Hạc trong truyện ngắn của Nam Cao... đã để lại trong lòng người bao tiếng thở dài, bao giọt nước mắt.

    Vì văn sĩ, thi sĩ có trái tim nhân hậu bao la nên câu thơ lời văn mới trở thành tiếng khóc muôn đời mai hậu:

    Đau đớn thay phận đàn bà.

    Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

    (Truyện Kiều)

    4. Đất nước ta trải qua 30 năm chiến tranh (1945-1975), hàng triệu người đã ngã xuống trong mưa bom bão đạn của quân xâm lược, hàng chục vạn cô nhi quá phụ. hàng trăm nghìn nạn nhân chất độc da cam, là vết thương chiến tranh. Thiên tai, hạn hán, lũ lụt, bão tố xảy ra triền miên. Chính trong cảnh ngộ ấy, ta càng thấm thía về truyền thông nhân ái bao la của dân tộc, ta càng tự hào về đạo lí cùa nhân dân ta.

    Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

    Người trong một nước phải thương nhau cùng.

    (Ca dao)

    Những quỹ tình thương, những mái nhà tình nghĩa, các phong trào cứu trợ nhân đạo dân vùng bị thiên tai, vùng sâu, vùng xa đã làm bớt bao nỗi đau, bao hoàn cảnh khó khăn của đồng bào. Và qua đó, ta càng hiểu một cách sâu sắc chân lí tỏa sáng tâm hồn dân tộc: “Có nhân hậu mới biết đồng cảm và sẻ chia". Người nhân hậu là người đẹp nhất. Sống trong tình thương là sống hạnh phúc nhất.

      bởi thu hảo 03/12/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
 

Các câu hỏi mới

NONE
OFF