OPTADS360
AANETWORK
LAVA
YOMEDIA

Phân tích lý tưởng sống của thanh niên qua bài Từ ấy

25/03/2021 1 MB 1023 lượt xem 3 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2021/20210325/455345002726_20210325_161628.pdf?r=1213
ADSENSE/
QUẢNG CÁO
 
Banner-Video

Bài văn mẫu Phân tích lý tưởng sống của thanh niên qua bài Từ ấy dưới đây nhằm giúp các em hiểu hơn về Từ ấy là bài thơ có ý nghĩa mở đầu và cũng có ý nghĩa như một tuyên ngôn về lẽ sống của một chiến sĩ cách mạng cũng là tuyên ngôn nghệ thuật của nhà thơ. Bài thơ cũng là tâm nguyện của người thanh niên yêu nước: niềm vui sướng, say mê mãnh liệt, những nhận thức mới về lẽ sống, sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm. Mời các em cùng tham khảo nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài soạn văn Từ ấy.

 

 
 

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Dẫn dắt vào phân tích tác phẩm đánh dấu mốc sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Tố Hữu là bài thơ Từ ấy - một cột mốc đáng chú ý.

- Giới thiệu khái quát vấn đề cần nghị luận: Lý tưởng của thanh niên ngày nay thông qua bài thơ "Từ ấy".

b. Thân bài:

- Lý tưởng là gì?

+ Lý tưởng là những mục đích sống tốt đẹp, là lẽ sống, mục đích phấn đấu của mỗi người và từng ngày, từng giờ họ đang không ngừng cố gắng, nỗ lực để đạt được nó.

+ Lí tưởng luôn có vai trò, ý nghĩa to lớn đối với tất cả mọi người, trong mọi thời đại.

- Lý tưởng của thanh niên ngày nay qua bài thơ "Từ ấy":

+ Lí tưởng của thanh niên thể hiện rõ nét ở sự giác ngộ lý tưởng của người thanh niên trẻ tuổi.

+ Từ ấy chính là mốc thời gian, là giây phút hạnh phúc khi tác giả đón nhận được ánh sáng lý tưởng của Đảng, được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

+ Hình ảnh "mặt trời chân lý" là một hình ảnh ẩn dụ, Đảng chính là mặt trời, là ánh sáng tuyệt diệu soi sáng, dẫn đường, chỉ lối cho giai cấp vô sản, cho nhân dân đến những ngày tháng tươi đẹp.

+ Giây phút ấy, với người thanh niên hiện lên bao nỗi niềm rạo rực lên niềm sung sướng, hạnh phúc đến khôn nguôi.

+ Lí tưởng ấy đầu tiên được thể hiện ở lẽ sống tốt đẹp, sống chan hòa, đoàn kết với mọi người, hòa cái tôi cá nhân vào trong cái ta chung của cả cộng đồng, dân tộc.

+ Động từ "buộc" đã thể hiện sự tự nguyện gắn bó, thắt chặt với những người xung quanh.

+ Các từ láy "trang trải", "gần gũi" đã thể hiện sự mở lòng, mở rộng trái tim, vòng tay của mình để thấu hiểu, để cảm thông, để gắn bó với mọi người.

+ Lí tưởng của người thanh niên qua bài thơ "Từ ấy" còn được thể hiện ở lối sống yêu thương đồng bào, không phân biệt giai cấp, dân tộc.

+ Sử dụng cấu trúc khẳng định "đã là" đã thể hiện ý thức tự giác và sự chắc chắn trong tác giả.

+ Sử dụng phép liệt kê "con của vạn nhà', "em của vạn kiếp phôi pha", "anh của vạn đầu em nhỏ" kết hợp với điệp từ là và các từ ngữ xưng hô "con", "em", "anh", nhà thơ đã cụ thể hóa mối quan hệ của mình với các thành viên trong gia đình.

c. Kết bài:

- Khái quát lại vấn đề nghị luận và nêu cảm nhận của bản thân.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Phân tích lý tưởng sống của thanh niên qua bài thơ Từ ấy của Tố Hữu.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Tố Hữu là một trong số những cây bút tiêu biểu của nền văn học Việt Nam nói chung và thơ ca cách mạng nói riêng. Suốt cả cuộc đời gắn bó với cách mạng, những trang viết của Tố Hữu luôn ánh lên những tư tưởng lớn, tình cảm và lẽ sống lớn. Bài thơ "Từ ấy" ra đời năm 1938 là một trong số những sáng tác xuất sắc nhất của ông. Bài thơ đã thể hiện rõ lý tưởng của người thanh niên ngày nay.

Như chúng ta đã biết, lý tưởng là những mục đích sống tốt đẹp, là lẽ sống, mục đích phấn đấu của mỗi người và từng ngày, từng giờ họ đang không ngừng cố gắng, nỗ lực để đạt được nó. Lí tưởng luôn có vai trò, ý nghĩa to lớn đối với tất cả mọi người, trong mọi thời đại.

“Từ ấy” ở đây chính là từ khi ánh sáng cách mạng về với nhân dân, xóa tan đi mọi sương mờ chính trị trước đó. Từ đây nhân dân hiểu được cách mạng, tìm được chỗ dựa tinh thần cho niềm tin vào công cuộc giải phóng dân tộc và được sống trong không khí hào hứng xung trận của thời đại “vì dân quên mình”. Ánh sáng ấy bắt nguồn từ mặt trời chân lý, đó là Đảng, là mặt trời của giai cấp vô sản, mặt trời vĩnh cửu của nhân dân, mặt trời chói chang cái nắng hạ ấm áp và hừng hực lửa quyết chiến quyết thắng.

Với hình ảnh so sánh độc đáo, dường như hai câu thơ đã làm bật nỗi niềm sung sướng, niềm vui như đã hóa thành âm thanh, màu sắc của tác giả khi bắt gặp lí tưởng của đời mình. Không chỉ xác định được lí tưởng của mình, người thanh niên trong "Từ ấy" của Tố Hữu còn nỗ lực biến lý tưởng ấy thành hiện thực, thành nhận thức của bản thân. Lí tưởng ấy đầu tiên được thể hiện ở lẽ sống tốt đẹp, sống chan hòa, đoàn kết với mọi người, hòa cái tôi cá nhân vào trong cái ta chung của cả cộng đồng, dân tộc.

Giọng thơ nở tràn như lời thiết tha tâm tình với ý tứ xô bồ, giàu lí tưởng như ngọn lửa đang thôi thúc trong tim của người thanh niên Cộng sản. Người thanh niên ấy từ nay đã hiểu hết ánh sáng cao cả mà Đảng muốn trảo chuyền, anh đã coi mình là người của toàn dân, coi đồng bào là máu thịt tình thân, coi giai cấp đã không còn tồn tại trên đời, thứ duy nhất tồn tại là lí tưởng sống cao đẹp, lẽ sống lớn vì một cộng đồng dân tộc. Với một tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết và năng lượng bùng cháy khát khao sống hết mình vì cuộc đời chung như vậy, có lẽ cái chết đối với những người thanh niên như vậy chỉ nhẹ tựa lông hồng khi hồn họ đã buộc với nhân dân, buộc với cách mạng, hy sinh cho tổ quốc đối với họ là tự hào, là lẽ sống. Lí tưởng lớn ấy đã thôi thúc những tinh thần thanh niên thời đại xung trận, đem hết tinh hoa, trí lực của mình vào công cuộc giải phóng đất nước và là niềm tự hào mãi mãi cho thế hệ sau.

Từ tình yêu thương, muốn gắn bó với nhân dân lao động, tác giả đã biến mình thành một người con trong đại gia đình lao động ấy. Với việc sử dụng cấu trúc khẳng định "đã là" đã thể hiện ý thức tự giác và sự chắc chắn trong tác giả. Không dừng lại ở đó, nhà thơ còn cụ thể hóa mối quan hệ của mình với các thành viên trong gia đình thông qua việc sử dụng phép liệt kê "con của vạn nhà', "em của vạn kiếp phôi pha", "anh của vạn đầu em nhỏ" kết hợp với điệp từ là và các từ ngữ xưng hô "con", "em", "anh".

Như vậy, có thể thấy, bài thơ "Từ ấy" của Tố Hữu đã thể hiện một cách chân thực và rõ nét những lí tưởng của thanh niên trong mọi thời đại. Đồng thời, qua đó cũng gợi lên trong chúng ta nhiều bài học đáng suy ngẫm về lí tưởng sống, về mục đích sống và sự nỗ lực, cố gắng của bản thân.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Tố Hữu vừa là nhà cách mạng quả cảm, một Đảng viên ưu tú, một nhà thơ cách mạng tiêu biểu của nhân dân trong những năm kháng chiến chống Pháp. Thơ ông giản dị nhưng nồng nàn tinh thần cách mạng và lòng tự hào dân tộc. Bài thơ “Từ ấy” được in trong tập thơ cùng tên xuất bản năm 1938 đã tỏ rõ lí tưởng Đảng cao đẹp của người thanh niên trẻ tuổi trẻ lòng ấy.

Từ ấy đánh dấu thời điểm quan trọng trong cuộc đời Tố Hữu. Là một thanh niên. Tố Hữu đã có sự gặp gỡ may mắn và đẹp đẽ với lý tưởng cách mạng. Với Tố Hữu phút giây ấy, ánh sáng cách mạng bùng cháy mãi và ngày một sáng rực hơn. Nó là tia nắng hạ. là mặt trời chân lí chói qua tim. Hình ảnh “Mặt trời chân lí chói qua tim” là một ẩn dụ tượng trưng cho lý tưởng cộng sản. Nhà thơ ví lí tưởng cộng sản là mặt trời chân lý - nguồn ánh sáng vĩ đại làm bừng sáng cả trí tuệ và trái tim nhà thơ.

Tố Hữu khẳng định lí tưởng cách mạng như một nguồn sáng mới làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ. Nguồn sáng ấy không phải là ánh thu vàng nhẹ hay ánh xuân dịu dàng mà là ánh sáng rực rỡ của một ngày nắng hạ. Hơn thế, nguồn sáng ấy còn là mặt trời, và là mặt trời khác thường, mặt trời chân lí - một sự liên kết sáng tạo giữ hình ảnh và ngữ nghĩa. Mặt trời của thiên nhiên đem lại cho nhân gian ánh sáng, hơi ấm, sự sống thì Đảng cũng là nguồn sáng kì diệu tỏa ra những tư tưởng đúng đắn, hợp lẽ phải, báo hiệu những điều tốt lành cho cuộc sống. Cách gọi lí tưởng như vậy thể hiện thái độ thành kính, ân tình. Thêm nữa, những động từ "bừng", (chỉ ánh sáng phát ra đột ngột), "chói" (ánh sáng có sức xuyên mạnh) càng nhấn mạnh ánh sáng của lí tưởng đã hoàn toàn xua tan màn sương mù của ý thức tiểu tư sản và mở ra trong tâm hồn nhà thơ một chân trời mới của nhận thức, tư tưởng, tình cảm.

Nhà văn Lép Tôn-xtôi từng nói: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống” để nhắc nhở mỗi người hãy biết xác định lý tưởng sống cho mình để có cuộc sống đúng với ý nghĩa của nó. Có lí tưởng sống cao đẹp, mỗi người, đặc biệt là thanh niên sẽ có những đóng góp tích cực, có ý nghĩa lớn lao đối với cộng đồng.

Tôi đã từng ngưỡng mộ trước nhiều thế hệ thanh niên dám xả thân vì nghĩa lớn. Tôi cũng đã từng ngưỡng mộ trước nhiều thanh niên tài năng vắt trí tuệ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi cũng đã từng ngưỡng mộ trước những thanh niên dù có số' phận bất hạnh nhưng vẫn sống vì lý tưởng cao đẹp như anh Nguyễn Ngọc Sơn, tác giả cuốn nhật kí Xin đừng khóc nữa mẹ ơi\, hay anh Nguyễn Công Hùng dù tàn tật nhưng vẫn đi lên bằng tài năng, trí óc của mình... Vậy lí tưởng sống có vai trò như thế nào đối với thanh niên, với những người còn thiếu kiên định?

Lí tưởng sống không chỉ giúp thanh niên hiểu và thực hiện trách nhiệm của mình đối với đất nước mà còn định hướng con đường đi cho thanh niên. Khi xác định được lí tưởng sống đẹp, bạn sẽ dám chinh phục những đỉnh cao phía trước, đẩy lùi được con người bé nhỏ của mình, chiến thắng sự tầm thường để hướng tới những điều tốt đẹp hơn.

Sự chuyển biến sâu sắc đó, như một sức mạnh kỳ diệu, nó được bắt nguồn từ chính con người tác giả khi được Đảng soi đường, chỉ lối. Khiến cho tâm hồn của người chiến sĩ trẻ như rộn ràng, tràn đầy sức sống. Nhà thơ đã so sánh nó như "một vườn hoa lá" với đủ sắc hương của đất trời, cả sự sống đang sinh sôi, nảy nở, nhảy múa hát ca, rộn ràng tiếng chim hót. Dường như sau những ngày tăm tối, không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, không được nhìn thấy tương lai, cùng với khi huyết của tuổi trẻ mong muốn được thay đổi, được cống hiến cho đất nước đánh đuổi giặc ngoại xâm thì giờ đây khi có "mặt trời chân lý" của Đảng dẫn dắt làm cho tâm hồn nhà thơ trẻ lại, sục sôi ý chí đấu tranh, khơi dậy sức sống và cảm hứng sáng tạo mới cho tác giả.

Đất nước ta đang vươn mình chạy mau sao cho kịp thời đại. Thế hệ chúng ta đang dần gánh vác trọng trách ấy. Gia đình, họ hàng, bè bạn, thầy cô… ai cũng mong muốn cho ta những điều tốt đẹp nhất “Đất nước mong sao em thành người”. Vậy lý tưởng của chúng ta là gì nếu không phải là vì tập thể? Học tập, lao động và cống liên sức mình cho gia đình, cho xã hội, cho Tổ quốc thân yêu, đó là điều ít nhất mỗi thanh niên ngày nay cần hiểu. Chúng ta không mong là cánh chim bằng vạn dặm, không thể là cả bản hoà ca hùng tráng… mong mỗi người là một “mùa xuân nho nhỏ”, “một nốt trầm xao xuyến” (Thanh Hải) để hiến dâng cho mùa xuân chung của tập thể, của quê hương, đất nước mình.

Con người không thể được gọi là sống mà không có lý tưởng. Tuổi xuân chúng ta – tuổi đẹp đẽ nhất, giàu sức sống nhất của đời người càng không thể không có lý tưởng sống. Bài thơ Từ ấy của Tố Hữu là một khúc ngân cao đẹp cho lý tưởng thanh niên Việt Nam.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

ADMICRO
NONE
OFF