OPTADS360
ATNETWORK
ATNETWORK
YOMEDIA

Cảm nhận về bài thơ Từ ấy của Tố Hữu

09/05/2022 942.58 KB 1222 lượt xem 0 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2022/20220509/97143016197_20220509_172638.pdf?r=4304
ADMICRO/
Banner-Video

Từ ấy là một trong những bài thơ thể hiện lí tưởng Cách mạng cao đẹp của nhà thơ Tố Hữu. Tài liệu Cảm nhận về bài thơ Từ ấy của Tố Hữu sẽ giúp các em có thêm kiến thức về tác phẩm, đồng thời hiểu được những chuyển biến mới mẻ về lẽ sống và tình cảm của nhà thơ. Chúc các em học tập vui vẻ!

 

 
 

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

2.1. Mở bài

- Giới thiệu về nhà thơ Tố Hữu và bài thơ Từ ấy.

2.2. Thân bài

a. Cảm xúc của Tố Hữu khi giác ngộ Cách mạng

- Từ ấy được viết năm 1938, khi tác giả được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam, đây là một dấu mốc thiêng liêng làm thay đổi cuộc đời một con người.

- Hình ảnh nắng hạ và mặt trời chân lý cho thấy được ánh sáng cách mạng soi tỏa, xua tan những ngày tăm tối, giúp hàng triệu người dân Việt Nam thoát khỏi bóng tối tù đày, nô lệ.

- Đoạn 1 cho thấy được cảm xúc đột ngột, mạnh mẽ, bùng phát sự vui sướng đến khó có thể kìm nén khi tìm ra được chân lý, với nghệ thuật so sánh và dùng động từ tác giả cho thấy một bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống, rộn ràng, tươi vui.

b. Chuyển biến mạnh mẽ về lẽ sống

- Ở khổ 2 cái tôi của Tố Hữu đã được bộc bạch thẳng thắn, chẳng hề e dè ngần ngại. Lấy cái tôi riêng lẻ để hòa nhập gắn kết vào cái chung của tập thể, càng ngày càng hòa nhập, càng ngày càng xích lại gần nhau. Từ buộc, trang trải, gần gũi chỉ sự gắn kết keo sơn đặc biệt giữa cá nhân với cộng đồng. Khổ thơ thứ 2 là âm vang sức mạnh đồng cam cộng khổ của những con người đang sống, chiến đấu cho công cuộc cứu quốc.

c. Chuyển biến mạnh mẽ về tình cảm

- Tại khổ thơ thứ 3 Tố Hữu gạt bỏ cái chủ nghĩa cá nhân để hòa nhập vào quần chúng lao khổ. Biện pháp nghệ thuật điệp cấu trúc trong khổ 3 đã cho thấy mối quan hệ gắn bó khăng khít như máu mủ ruột thịt của nhà thơ với cộng đồng

2.3. Kết bài

- Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Từ ấy.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Cảm nhận về bài thơ Từ ấy của Tố Hữu

Gợi ý làm bài

3.1. Bài văn mẫu số 1

Tố Hữu - một tiếng thơ trữ tình chính trị xuất sắc nhất của dòng Văn học cách mạng kháng chiến Việt Nam. Người đã thổi vào thơ ca cách mạng một luồng sinh khí nồng nàn - rạo rực hăm hở tâm huyết của người lính trẻ, với chất giọng đằm thắm chân thành ngọt ngào của người dân xứ Huế mộng mơ, thơ Tố Hữu dường như đã thấm đẫm chân lí của thời đại, chân lí giác ngộ cách mạng, khi bắt gặp lí tưởng Đảng:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim

Từ ấy là tập thơ đầu tiên của Tố Hữu (1937 - 1947). Đây là chặng đầu mười năm thơ Tố Hữu cũng là muôn năm hoạt động sôi nổi, say mê từ giác ngộ qua thử thách đến trưởng thành của người thanh niên cách mạng trong một giai đoạn lịch sử sôi động đã diễn ra nhiều biến cố to lớn làm rung chuyển và thay đổi sâu sắc của xã hội Việt Nam.

Có thể nói với Từ ấy đã đánh dấu sự trưởng thành của hồn thơ Tố Hữu, đây là sự khẳng định lí tưởng của một chiến sĩ trẻ khi đã có Đảng dẫn lối soi đường.

Bài thơ này Tố Hữu đã bày tỏ cảm xúc mãnh liệt đột ngột, cảm xúc thực của một trái tim đang khao khát được giác ngộ, để đi theo chân lí của cách mạng, để tìm ra một hướng đi cho tương lai. Mở đầu bài thơ, tác giả đã dùng từ Từ ấy rất độc đáo — không hiểu là từ khi nào, thói quen không được xác định rõ ràng, cũng không phải là dạo ấy, dạo đó, hay là từ ngày đó... mà người chỉ dùng một cụm từ từ ấy, để diễn tả tâm trạng của mình khi bắt gặp lí tưởng cho cuộc đời. Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ - là câu thơ như chợt tỉnh giấc sau một đêm dài mộng mị, qua từ bừng câu thơ như trỏ nên có hồn hơn, trở đầy tầm trạng khi xao xuyến, khi thì rạo rực băn khoăn hớn hở. Tố Hữu đã rất tinh tế khi dùng câu thơ này để diễn tả một cái tôi bản ngã của một chàng thanh niên 19 tuổi đang băn khoăn đứng giữa cuộc đời: Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước - Chọn một dòng hay để nước trôi đi. Thì cùng lúc đó người đã giác ngộ lí tưởng cách mạng. Ánh sáng lí tưởng đã chiếu rọi vào tâm hồn trẻ làm bùng nổ một thế giới đầy hương sắc, tràn trề sức sống và niềm vui. Sự gặp gỡ lí tưởng đã dẫn đến sự đổi thay cơ bản mối quan hệ con người với toàn bộ thế giới, đem lại sự gắn bó ruột thịt với muôn người lao khổ để tạo thành sức mạnh to lớn của cách mạng. Sự gặp gỡ lí tưởng cũng đã tạo nên một cái tôi trữ tình kiểu mới trong thơ: Cái tôi tự ý thức sâu sắc về mình đồng thời là cái tôi gắn bó với muôn người, ở giữa mọi người. Cái tôi ấy đã hòa chung vào với cộng đồng khi đã thấy:

Mặt trời chân lí chói qua tim.

Mặt trời - là một biện pháp tu từ ẩn dụ, để chiếu ánh sáng lí tưởng cách mạng, mặt trời ấy có đủ sức mạnh và ánh sáng chân lí để soi rọi bao con người, bao chiến sĩ trẻ, bao thanh niên trí thức chưa được giác ngộ. Chỉ có mặt trời ấy mới đủ chân lí vĩnh cửu để soi rọi bao nẻo đường, chiếu sáng mọi ngõ ngách trong sâu thẳm của trái tim.

Niềm vui tràn trề của một tâm hồn hòa vào niềm hân hoan của cả một thế hệ thanh niên cách mạng cũng đã tạo nên một cảm xúc ngây ngất say mê, trong bài Hi vọng, Tố Hữu đã viết:

Ôi vui quá! Rộn ràng trên vạn nẻo

Bốn phương trời vào theo dấu muôn chân

Cũng như tôi, tất cả tuổi đương xuân

Chen bước nhẹ trong giỏ đầy ánh sáng.

Tố Hữu đã bộc lộ một cảm xúc, một niềm tin vào tương lai: Người thanh niên cách mạng tự cảm thấy:

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim

Tâm hồn của cái tôi trữ tình lúc này đã được mở rộng, để đón nhận những chân lí tuyệt vời mà Đảng đã đem lại, những hương vị tuyệt vời của cuộc sống đang nô nức reo vui vào một niềm vui mới, niềm vui khi đã có Đảng dẫn đường. Tố Hữu đã dùng biện pháp so sánh vì hồn tôi lúc này như là một vườn hoa lá - lại có cả hương thơm và rộn rã tiếng chim. Hương vị ngọt ngào của cuộc đời thực đã phai màu trong suy nghĩ của người thanh niên cách mạng, niềm tin của người thanh niên cách mạng mặc dầu mang màu sắc lí tưởng hóa, nhưng lại rất chân thành và trong trẻo là tâm huyết mãnh liệt của người chiến sĩ trẻ.

Từ ấy đã thể hiện được bầu nhiệt huyết mãnh liệt của người chiến sĩ trẻ, của một cái tôi trữ tình buổi đầu nặng trĩu những ưu tư, ưu phiền của cuộc đời. Song đã bắt gặp được lí tưởng cách mạng. Bài thơ là tiếng reo vui của con người đối với cuộc đời, của niềm tin vào một tương lai sáng huy hoàng, vào chân lí của cách mạng.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Chế Lan Viên từng nói "Thơ anh là lối thơ lấy cái đường đi toàn đời, lấy cái hơi toàn tập, lấy cái tứ toàn bài là chính... anh là con chim vụ ở đường bay hơn là bộ lông, bộ cánh, tuy vẫn là lông cánh đẹp" Không ai khác, Chế Lan Viên đang nói đến Tố Hữu- một nhà thơ của lí tưởng cộng sản, một nhà cách mạng yêu nước. Thơ ông luôn gắn liền với cách mạng, tiêu biểu là bài thơ Từ ấy trích tập thơ cùng tên được ông sáng tác năm 18 tuổi, năm ông ra nhập đảng với niềm vui khôn xiết:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói trong tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim

"Từ ấy" là tên bài thơ, là tên tập thơ cũng là thời điểm trong đời Tố Hữu. Những năm trước cánh mạng là" những ngày bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước, chọn một dòng để nước trôi" nhưng vào năm 1938, gặp đảng là lúc tìm được ánh sáng. " từ ấy" không còn chỉ là thời điểm vô danh trôi chìm trong quên nhớ đời người mà đã trở thành thời khắc thiên liêng không thể lãng quên phai nhạt. Vào thời khắc ấy , trong hồn thi sĩ " bừng nắng hạ" . Hình ảnh nắng hạ thật chói chang khác cái nắng nhợt nhạt của mùa xuân, cái nắng hanh của mùa thu. Những tia nắng hạ làm lá thêm xanh , hoa thêm ngát, trái thêm ngọt, đất trời thêm cao. Không những vậy, " nắng hạ" trong bài thơ cho ta nguồn sáng rất ấm, rất tươi của tinh thần, của linh hồn. Nó làm " bừng" sáng tâm hồn, bừng lên niềm vui, bừng dậy cả nguồn sống, bừng thức cả một miền kí ức thật đẹp đẽ. Ánh sáng ấy chỉ có thể là của mặt trời, đó là sự sống, hơi ấm bao la bất biến của vũ trụ. Đó là ánh sáng của " mặt trời chân lí" là ánh sáng của đảng.

Niềm vui ấy không hề dừng lại, mà ngày càng tăng lên với các hình ảnh " vườn hoa lá", " tiếng chim ca",.. mở ra cho người độc đó là khu vườn xuân tươi mới tràn ngập sắc xanh của cây, hương thơm của hoa và những tiếng chim hót ríu rít tràn đầy sức sống. Vẻ đẹp tâm hồn, niềm vui của tác giả đã thoát khỏi ước lệ tượng trưng, nó tươi sáng trẻ trung có chút bồng bột say mê của chàng trai xanh tuổi trẻ lòng. Câu thơ với kiểu định nghĩa rất mới mẻ viết bằng cảm xúc dạt dào mãnh liệt với các hình ảnh rất cụ thể khiến cho ta cảm nhận được niềm vui và say mê khi tác giả được kết nạp đảng.

Nếu khổ thơ thứ nhất cho ta cảm nhận được niềm vui, sự say mê của tác giả thì đến khổ hai chính là những nhận thức mới về lí lẽ sống:

Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải với muôn nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời

Khổ thơ với điệp ngữ kết hợp với nhịp thơ nhanh, trôi chảy, hơi thở liền mạch, giọng thơ sôi nổi thiết tha tràn đầy nhiệt tình nhiệt huyết

Việc sử dụng động từ " buộc" thể hiện một lòng tự nguyện chan hòa lòng mình cùng mọi người, tác giả dường như muốn mình trải lòng cùng quần chúng nhân dân cần lao của bao kiếp người đau khổ. Đó là những trẻ em bán dạo, người ở, đầy tờ, những người nông dân khổ cực sớm hôm,... Tố Hữu với mong muốn đồng cảm, xót thương đoàn kết với những người dân ngoài kia mà mở hồn " trang trải" với "khối đời". Có lẽ đó là một lẽ sống lớn, tình cảm lớn với mọi người.

Tiếp tục mạch cảm xúc là những biến chuyển trong tâm hồn thi sĩ và mong muốn tột cùng hòa mình với đời:

Ta đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm, cù bất cù bơ

Khổ thơ cuối là sự suốt hiện của tập thể với các cụm từ chỉ số lượng lớn " vạn nhà", "vạn kiếp" " vạn đầu" và đại từ "ta" , tác giả một lần nữa khẳng định tình cảm gắn bó của mình với mọi người, những người sống nghèo khổ , tuổi cao nhưng còn gánh nhiều nỗi cơ cực, những trẻ em thời ấy không có cơm ăn áo mặc, lang thang không nhà và tất cả mọi người trên thế gian này. Đây là bước chuyển từ cái tôi sang cái ta rõ rệt nhất, tình cảm thay đổi cũng bắt nguồn từ nhận thức về lẽ sống, nó ập đến trong lòng tác giả như một mối duyên, có thể nói là mối duyên giữa thi sĩ và ánh sáng chân lí của đảng. Đặt tác phẩm vào thời đại và bối cảnh bấy giờ năm 1938, thời điểm mà các nhà trí thức tiểu tư sản đang đề cao cái tôi cá nhân thì Tố Hữu đã có thể buông bỏ cái tôi để hòa mình cùng cái ta của thế gian. Điều này cho thấy sức mạnh to lớn của lí tưởng cách mạng đã cảm hóa con người, soi sáng đường đi cho họ, hướng họ về phía mặt trời.

Với khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn, và chất trữ tình chính trị sâu sắc, thơ Tố Hữu đã trở thành nguồn cảm hứng dạt dào cho những thế hệ thanh niên yêu nước. Và bài thơ Từ ấy của ông truyền cho ta ngọn lửa, nhiệt huyết và khát vọng tuổi trẻ lớn lao.

----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------

VIDEO
YOMEDIA
Trắc nghiệm hay với App HOC247
YOMEDIA
NONE
OFF