OPTADS360
ATNETWORK
NONE
YOMEDIA

Phân tích hình ảnh thiên nhiên và con người ở phố huyện nghèo trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

10/05/2022 1.05 MB 1197 lượt xem 2 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2022/20220510/342233638747_20220510_155654.pdf?r=7175
ADSENSE/
QUẢNG CÁO
 
Banner-Video

Qua truyện ngắn Hai đứa trẻ, Thạch Lam đã tái hiện hình ảnh thiên nhiên và cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của con người vùng phố huyện nghèo, đồng thời thể hiện sự cảm thương sâu sắc của tác giả đối với họ. Để hiểu hơn về tác phẩm, mời các em cùng tham khảo tài liệu Phân tích hình ảnh thiên nhiên và con người ở phố huyện nghèo trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Chúc các em học tập vui vẻ!

 

 
 

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

2.1. Mở bài

- Giới thiệu hình ảnh thiên nhiên và con người ở phố huyện nghèo trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.

2.2. Thân bài

a. Bức tranh cảnh vật lúc chiều tối

- Tác giả chọn thời khắc hoàng hôn - ngày tàn. Cảnh mỗi lúc một tối hơn. Ánh sáng lụi tàn dần. Bóng tối bắt đầu lan tỏa khắp nơi; trên cái chòi, đám mây và lũy tre làng và bao trùm lên cảnh vật, gợi lên từ âm thanh của tiếng trống thu không (…) vang ra từng tiếng để gọi buổi chiều, gợi lên từ màu sắc: Phương Tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn.

- Đó là cảnh vật phố huyện nghèo nàn, xơ xác tiêu điều: tiếng muỗi vo ve, tiếng ếch nhái kêu ra, cảnh chợ tàn, trên nền đất chỉ còn rác rưởi, một miền đất như đang lụi tàn trong quên lãng.

b. Cuộc sống con người

- Các nhà đóng cửa im lìm.

- Gánh phở của bác Siêu so với mẹ con chị Tí có phần khấm khá hơn nhưng lại đứng trước nguy cơ đáng sợ hơn: thất nghiệp. Bởi ở vùng quê này thứ quà của bác Siêu là một thứ quà xa xỉ.

- Vợ chồng bác Xẩm sống trong cảnh màn trời chiếu đất, trông chờ vào của bố thí ở nơi đây => sự trông chờ trong vô vọng.

- Mẹ con chị Tí: hàng nước đơn sơ.

- Chị em Liên: quán nhỏ.

⇒ Nghèo khổ, nhàm chán, tẻ nhạt, vô vị.

c. Nghệ thuật miêu tả của tác giả

- Hai đứa trẻ là truyện ngắn giàu chất thơ:

+ Chất thơ tỏa ra từ cảnh vật quê hương: không gian chiều là không gian quen thuộc, cảnh bình dị nhưng giàu sức gợi. Mùi vị quê hương hiện lên chân thực và thú vị.

+ Chất thơ tỏa ra từ bức tranh đời sống u buồn, hiu hắt.

+ Chất thơ còn tỏa ra trong cách tác giả miêu tả hồn người, tác giả tinh tế trong việc nắm bắt những rung cảm mơ hồ trong tâm hồn nhân vật.

- Hệ thống lời văn, hình ảnh góp phần làm ngôn ngữ miêu tả của tác phẩm đầy chất thơ.

2.3. Kết bài

- Khái quát lại vấn đề.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Phân tích hình ảnh thiên nhiên và con người ở phố huyện nghèo trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Gợi ý làm bài

3.1. Bài văn mẫu số 1

Thạch Lam là nhà văn lãng mạn tiêu biểu của Tự Lực Văn Đoàn với lối viết mang phong cách riêng độc đáo. Ông rất nổi tiếng với những truyện ngắn vừa mang đậm chất trữ tình vừa thể hiện một cảm quan hiện thực sâu sắc. Mỗi truyện ngắn của ông là một bài thơ trữ tình đượm buồn. Tuy thời gian cầm bút chỉ 6 năm ngắn ngủi với số lượng tác phẩm không nhiều nhưng cho đến nay có lẽ ông là nhà văn duy nhất của Tự Lực Văn Đoàn vượt qua được thử thách của thời gian bởi những truyện ngắn xuất sắc mà “Hai đứa trẻ” là một trong số đó. Ở đó, nhà văn không tạo ra một cốt truyện đặc biệt đầy những tình huống éo le mà chỉ dựng lên một bức tranh đời sống đầy ấn tượng qua hình ảnh thiên nhiên và con người nơi phố huyện nghèo lúc chiều tối.

Bức tranh đời sống ở phố huyện nghèo lúc chiều tối được bắt đầu bằng âm thanh của một “tiếng trống thu không” vang vọng như đang gọi “Chiều, chiều rồi”. Đó không phải là giọng của Thạch Lam mà là giọng của Liên, một tiếng kêu ngậm ngùi trước cảnh ngày tàn. Lại một buổi chiều nữa Liên phải chứng kiến cảnh vật thiên nhiên trong ánh mặt trời đang lụi tàn “đỏ rực” như lửa đang cháy khiến cho những đám mây ánh hồng lên như “hòn than sắp tàn”. Tiếp đến là những luỹ tre làng đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời. Đó là một buổi chiều “êm ả như ru” trong những âm thanh “văng vẳng râm ran của tiếng ếch nhái ngoài đồng ruộng” được “ngọn gió nhẹ hoang vu” mang theo vào phố huyện. Hoà vào đó là tiếng muỗi kêu vo ve thật gợi buồn. Cảnh vật thiên nhiên trên phố huyện lúc chiều xuống càng trở nên ám ảnh khi “mùi âm ẩm bốc lên hoà vào hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi cát bụi”. Với hai chị em Liên, đó là “mùi riêng của đất”, của quê hương bình dị, quen thuộc. Đêm xuống, âm thanh như thưa thớt và mờ nhạt hơn đến mức Liên chỉ còn nghe hoa bàng rụng xuống trên vai mình khe khẽ, thỉnh thoảng từng loạt một. Phố huyện nghèo giờ đây chìm ngập trong bóng tối dày đặc, mênh mông “Tối hết cả con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng xẫm đen hơn nữa”. Bóng tối càng mênh mông dày đặc hơn khi tác giả điểm vào đó nhứng điểm sáng “le lói, lập loè, yếu ớt” của đàn đom đóm, một “quầng sáng lờ mờ” của ngọn đèn hàng nước chị Tí, những “hột sáng” nhỏ nhoi lọt qua phên nứa nơi gian hàng của chị em Liên.

Cảnh vật thiên nhiên lúc chiều tối trên phố huyện thật gợi buồn vì được cảm nhận và mô tả qua ánh mắt của nhân vật Liên, một cô bé mới lớn lên đã có những ngày tháng sống ở Hà Nội đầy ánh sáng và hạnh phúc. Tất cả như được bắt đầu từ tiếng kêu ngậm ngùi, thoảng thốt của cô bé Liên: “Chiều, chiều rồi”. Dưới ngòi bút tinh tế của nhà văn, cảnh vật thiên nhiên trên phố huyện hiện ra trong sự hoà hợp thật khéo léo của hình ảnh, màu sắc, âm thanh và mùi vị. Đặc biệt là hình ảnh bóng tối và ánh sáng cứ trở đi trở lại như một motip nghệ thuật rất giàu sức gợi cảm. Góp phần làm nên nét riêng cho đặc sắc nghệ thuật mô tả thiên nhiên của Thạch Lam còn là lối hành văn giàu nhạc điệu, rất uyển chuyển, tinh tế cứ nhẹ nhàng cuốn hút người đọc vào thế giới thiên nhiên của phố huyện nghèo lúc chiều tối. Nó không những cho người đọc nhìn thấy mà quan trọng hơn là còn khơi gợi ở họ những tình cảm, xúc cảm đối với cảnh vật bởi dưới ngòi bút của Thạch Lam mọi cảnh vật đều trở nên thật gợi cảm biết bao.

Cảnh vật thiên nhiên lúc chiều tối trên phố huyện thật nhẹ nhàng, êm ả nhưng đượm buồn đã gợi rất chân thực không gian nơi đây. Sâu xa hơn, nó còn gián tiếp giúp người đọc cảm nhận thật thấm thía những diễn biến, trạng thái tâm trạng của các nhân vật. Đọc “Hai đứa trẻ”, ta thấy thật khó nói cho rạch ròi nỗi buồn từ cảnh vật thấm vào lòng người hay nỗi buồn trong tâm hồn ngây thơ của chị em Liên như nhuốm vào cảnh vật. Ở đó có một cái gì đó thật nhẹ nhàng, hoà hợp nhịp nhàng giữa nỗi buồn của cảnh vật và nỗi buồn trong tâm hồn con người, nhờ vậy mà nhà văn đã tạo ra cho tác phẩm một chất thơ, chất trữ tình riêng cho truyện ngắn “Hai đứa trẻ”.

Trên cái nền của bức tranh thiên nhiên ấy lần lượt hiện ra những mảnh đời thật tội nghiệp. Đó là hình ảnh của những kiếp người lam lũ, tàn tạ, sống mòn mỏi, héo hắt trong mong đợi mơ hồ, xa xôi. Tất cả như đồng điệu với sự tàn tạ của cảnh vật thiên nhiên lúc chiều tối. Giữa cảnh ngày tàn, chợ tàn hiện ra mấy đứa trẻ nghèo lom khom đi nhặt nhạnh những thanh nứa, thanh tre giữa những “rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía”. Nhìn cảnh ấy, Liên “động lòng thương” nhưng không có tiền để cho chúng nó. Khi trời nhá nhem tối, khung cảnh phố huyện xuất hiên thêm mẹ con chị Tí với gánh hàng nước thật nghèo nàn mà “tuy chẳng kiếm được bao nhiêu nhưng chiều nào chị cũng dọn hàng từ chiều đến đêm”. Tiếp đến là hình ảnh bà cụ Thi điên “lảo đảo đi lẫn vào bóng tối” với “tiếng cười khanh khách nhỏ dần về phía cuối làng”. Đêm xuống, phố huyện có thêm gánh phở của bác Siêu với chấm lửa nhỏ lơ lửng đi trong đêm mất đi rồi lại hiện ra trong những chập chờn, có lẽ đây là hình ảnh có phần sáng sủa nhất của những kiếp người nơi đây nhưng cũng rất ế ẩm. Khép lại những mảnh đời bé mọn, tội nghiệp là gia đình bác xẩm “ngồi trên manh chiếu rách, bác chưa hát vì không có người nghe”. Nổi bật lên thật ấn tượng và ám ảnh nhất giữa những mảnh đời ấy là chị em Liên. Cha của hai em mất việc phải rời Hà Nội về quê kiếm sống nên hai em phải giúp mẹ bán hàng và trông coi gian hàng tạp hoá nhỏ xíu nghèo nàn. Nhớ lại cuộc sống phong lưu giữa “một vùng sáng rực” của Hà Nội khiến hai em càng buồn hơn cho hiện tại. Giờ đây mùi phở bác Siêu trong đêm thật hấp dẫn nhưng quá xa xỉ, nhiều tiền mà hai em không thể nào mơ tưởng.

Để lại trong lòng người đọc một ấn tượng khó quên là tâm hồn rất nhạy cảm, giàu yêu thương, dễ chạnh buồn của cô bé Liên và cảnh ngộ những người nghèo khổ nơi phố huyện. Có thể nói bằng ấy những mảnh đời nơi phố huyện đều sống trong cảnh nhếc nhác, quẩn quanh cùng một tâm trạng buồn bã ít hi vọng vào lối sống bấp bênh có tính cầu may của mình. Đó là một cuộc sống mòn mỏi lay lắt rất tương đồng với sự tàn tạ của cảnh vật thiên nhiên lúc chiều tối của phố huyện. Tất cả những mảnh đời ấy đều được nhà văn mô tả bằng nét bút chân thực nhưng khác với các nhà văn hiện thực Thạch Lam không đi vào mô tả cụ thể chi tiết mà chỉ được vẽ bằng nét chấm phá thoáng nhẹ nhưng rất tinh tế, giàu sức gợi tả và gợi cảm. Tất cả các nhân vật cứ hiện ra từ từ trong lặng lẽ, âm thầm như những cái bóng, ít nói năng, ít hành động nhưng nhờ đó mà nhà văn đã tô đậm, khắc sâu hơn ở người đọc ấn tượng về kiếp sống héo hắt, leo lét, tội nghiệp của cư dân phố huyện. Bên cạnh đó, nhà văn cũng rất thành công trong việc diễn đạt các trạng thái tâm trạng vừa mong manh, mơ hồ buồn vừa khắc khoải da diết của cô bé Liên lúc chiều tối.

Từ bức tranh thiên nhiên và những mảnh đời tội nghiệp của phố huyện lúc chiều tối ta bỗng nhận ra có một nhà văn đang lặng lẽ, âm thầm rảo bước giữa chiều hôm mà tâm hồn nặng tình gắn bó với mọi cảnh vật và con người bình dị, lam lũ nơi đây. Ở đó, người đọc không ai không xúc động khi tấm lòng bùi ngùi thương cảm kín đào, nhẹ nhàng mà chân thành, thấm thía của nhà văn đối với những kiếp người sống quẩn quanh,leo lét trong xã hội cũ trước cách mạng. Ở đó, ta còn thấy thái độ rất mực trân trọng và sự đồng cảm sâu xa của nhà văn đối với những mong ước tuy mơ hồ, mong manh và xa vời trong tâm hồn họ vì đó chỉ là một chuyến tàu đêm từ Hà Nội về vụt đi qua phố huyện. Quả thật, tâm hồn nhà văn đã được thể hiện qua những lời văn nhiều hình nhiều vẻ nhưng bao giờ cũng đằm thắm và nhân hậu, cũng ngẹn ngào một chút lệ thầm kín của tình thương. Bên cạnh đó, nhà văn còn đưa đến cho người đọc những cảnh quê hương thật quen thuộc mà không kém phần thơ mộng, gợi cảm. Từ đó cứ gợi nhắc mọi người về tình cảm đối với nguồn cội quê hương, với những mẩu kí ức đẹp mà buồn. Có lẽ tình yêu quê hương đất nước của mỗi con người Việt Nam có phần được bồi đắp bởi những kí ức hết sức bình dị như vậy đó.

Bức tranh thiên nhiên và đời sống con người ở phố huyện lúc chiều tối không có nhiều sự kiện, nhân vật, ít hành động, ít nói năng. Nhưng với lối viết giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu, ngôn ngữ trong sáng Thạch Lam đã gợi được tinh tế những không khí của câu truyện, những cảnh sinh hoạt, những xúc cảm trong tâm hồn con người khiến cho bức tranh đời sống của phố huyện đầy ắp suy tư rung cảm. Từ bức tranh ấy cũng tủa ra một mảng sáng lung linh ấm áp trong tâm hồn người lao động nghèo và tấm lòng đầy nhân ái của Thạch Lam.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Thạch Lam (1910-1942) là thành viên của Tự Lực văn đoàn. Gần mười năm cầm bút, ông để lại một văn nghiệp khiêm tốn: 3 tập truyện ngắn (Gió đầu mùa, Nắng trong vườn, Sợi tóc) một truyện dài "Ngày mới", một tập kí "Hà Nội 36 phố phường". Ngoài ra, ông còn có tập tiểu luận "Theo dòng" và hai truyện thiếu nhi ("Quyển sách" và "Hạt ngọc").

Nhà văn Nguyễn Tuân đã viết: "Thạch Lam là một nhà văn yêu mến cuộc sống trang trọng trước sự sống của mọi người chung quanh. Ngày nay đọc lại Thạch Lam, vẫn thấy đầy đủ cái dư vị và cái nhã thú của những tác phẩm có cốt cách và phẩm chất văn học". Nguyễn Tuân là nhà văn cùng thế hệ với Thạch Lam, cùng có chân trong Tự Lực văn đoàn. Nguyễn Tuân đã khẳng định tính thẩm mĩ độc đáo và tình cảm nhân đạo đằm thắm trong những trang văn Thạch Lam.

Truyện của Thạch Lam không có chuyện, mỗi tác phẩm như một bài thơ văn xuôi, thấm đẫm chất trữ tình, man mác xót thương. Đó là loại truyện tâm tình nồng nàn ý vị. "Dưới bóng hoàng lan", "Nhà mẹ Lê", "Cô hàng xén", "Hai đứa trẻ" đây là những truyện ngắn rất hay của Thạch Lam.

Truyện "Hai đứa trẻ" in trong tập ”Nắng trong vườn", Nhà xuất bản “Đời nay", Hà Nội, 1938. Truyện ngắn này tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Thạch Lam, khai thác những mẩu đời thường mà nơi sâu kín tâm hồn của mảnh đời nào cũng chứa đầy bao nỗi xót xa, thương cảm.

Bối cảnh câu chuyện là một phố huyện nghèo nàn, xơ xác, có đường tàu đi qua, một ga xép, một cái chợ nhỏ bé nằm giữa thôn xóm và cánh đồng. Thời gian là một buổi chiều muộn và cảnh đầu hôm cho đến lúc chuyến tàu chạy qua. Có hai đứa trẻ ngồi trong một ngôi hàng xén nhỏ nhoi ngắm nhìn cảnh vật và vô thức đợi chuyến tàu đêm chạy qua.

Chuyện mở ra một thời điểm là phố huyện lúc chiều xuống. Tiếng là phố huyện nhưng chỉ là một thị trấn nhỏ bé, nghèo nàn ở nước ta những năm đầu thế kỉ XX mà Tú Xương có nói đến: “Phố phường tiếp giáp với bờ sông"... cảnh một chiều hè muộn ở đồng quê, "phương Tây đỏ rực như trời cháy...", "Một chiều êm ả như ru" có tiếng trống thu không, tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng. Màn đêm dần dần buông xuống, tiếng muỗi kêu vo vo trong các cửa hàng hơi tối. Cảm xúc của nhà văn như tràn ra câu chữ, cho thấy một tấm lòng sâu nặng gằn bó với quê hương. Bức tranh quê hiện lên dưới ngòi bút tinh tế của Thạch Lam trở nên gần gũi, thân thiết, bình dị mà nên thơ.

Nhưng "Hai đứa trẻ" không chỉ là bức tranh thiên nhiên mà trước hết còn là bức tranh đời sống. Đó là bức tranh đời sống của phố huyện nghèo ngày xưa lúc chiều tối và đêm xuống, được quan sát và cảm nhận qua tâm hồn ngây thơ, nhạy cảm của hai đứa trẻ - hai chị em Liên và An.

Trước cái giờ khắc của ngày tàn, Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen, cô thấy "lòng buồn man mác", đôi mắt "bóng tối ngập đầy dần" và cái buồn của buổi chiều quê thâm thía vào tâm hồn ngây thơ của cô. Trời nhá nhem tối, các nhà đã lên đèn: "Đèn treo trong nhà bác phở Mĩ, đèn Hoa Kì leo lét trong nhà ông Cửu, và đèn dãy sáng xanh trong hiệu khách...". Cát trên phố "lấp lánh từng chỗ", đường "mấp mô thêm" trong cảnh tranh sáng tranh tối. Chợ "vãn từ lâu" là một cảnh buồn và xơ xác của bức tranh đời sống phố huyện nghèo lúc buổi chiều tối. Không một tiếng ồn ào, vỏ thị, vỏ bưởi, lá nhãn, bã mía và rác rưởi còn lại trên đất. Vài người bán hàng về muộn đang thu xếp hàng hóa. Mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ lom khom đi lại tìm tòi "nhặt thanh nứa, thanh tre hay bất cứ thứ gì có thế dùng được cửa các người bán hàng để lại". Chúng đi lại chập chờn như những linh hồn bơ vơ. Thấy chúng nó, Liên động lòng thương, nhưng chị cũng không có tiền mà cho chúng. Cái nghèo là cảnh đời chung của mọi người, mọi nhà, và cái mùi ẩm ẩm bốc lên, mùi cát bụi lẫn hơi nóng mà Liên tưởng là "mùi riêng của đất, của quê hương". Đó chính là mùi vị của cái "Ao đời", của lầm than và nghèo khổ.

Bóng tối như phủ đầy thiên truyện, phủ mờ cảnh vật và đè nặng lên cuộc đời của những con người "bé nhỏ" nơi phố huyện nghèo xác xơ. Cửa hàng bé xíu phên nứa dán giấy nhật trình, chiếc chõng tre nơi chị em Liên ngập đầy bóng tối. Càng về đêm "đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối". Con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại sẫm đen hơn nữa. Tiếng trống cầm canh, tiếng ếch nhái kêu ran từ đồng xa vọng đến, tiếng động khẽ của hoa hàng rụng xuống vai Liên, tiếng đòn gánh kĩu kịt của người bán quà rong, tiếng cười “giòn giã” của bà cụ Thi... tất cả mọi âm thanh ấy "chìm ngay vào bóng tối". Phố huyện càng về đêm càng tịnh mịch và đầy bóng tối.

Trong cảnh xác xơ, tiêu điều và ngập đầy bóng tối hiện lên những mảnh đời lầm lũi, đáng thương. Cuộc đời mẹ con chị Tí như gắn liền với màn đêm bóng tối. "Thằng cu bé xách điếu đóm và khiêng hai cái ghế trên lưng ở trong ngõ đi ra". Mẹ của nó, chị Tí đi theo sau "đội cái chõng trên đầu và tay mang không biết bao nhiêu là đồ đạc...". Ngày thì mò cua bắt tép, chiều nào cũng dọn hàng "từ chập tối cho đến đêm" mà "chả kiếm được bao nhiêu!". Hình ảnh hai mẹ con chị Tí đã làm ta nhớ đến cuộc đời hai mẹ con cái Hiên trong “Gió lạnh đầu mùa”, mẹ thì mò cua bắt ốc, con thì áo rách phong phanh, đứng co ro trước làn gió lạnh... Thạch Lam đã dành cho những bà mẹ nghèo, những em bé nghèo khổ nhiều trắc ẩn, xót thương!

Bà cụ Thi hơi điên, tiếng cười “khanh khách", tay cầm cút rượu soi lên rồi cười “giòn giã, "vừa đi vừa ngửa cổ dốc cút rượu uống một hơi cạn sạch, chép miệng "lảo đảo” lẫn trong bóng tối... cũng gợi cho ta nhiều thứ, xót xa về một cuộc đời xế bóng nơi phố huyện nghèo.

Cảnh gia đình bác xẩm mới thê lương. Tiếng đàn bầu bần bật. Vợ chồng ngồi trên manh chiếu, trước mắt là cái chậu thau sắt trắng, thằng con bò lê la trên đất "nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát bên đường”. Và bác Siêu, bán phở rong trong đêm, một thứ quà xa xỉ mà chị em Liên không hao giờ mua được. Đòn gánh bác kêu! “kĩu kịt", bóng bác "mênh mang ngả xuống đất . Tất cả góp phần vào cảnh đời đầy bóng tối nơi phố huyện nghèo nàn xơ xác, những kiếp sống lầm than, tàn lạ và cơ cực.

Có thể nói, hai chị em Liên là hình ảnh trung tâm của bức tranh đời sống của phố huyện nghèo. Cảnh nhà sa sút, bố Liên mất việc, cả nhà bỏ Hà Nội về quê, mẹ làm hàng xáo. Hai chị em được mẹ cho trông coi một cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu, vách dán giấy nhật trình, bán lèo lèo vài bao diêm, dăm miếng xà phòng, một ít rượu. Liên là một cô gái mới lớn, biết làm dáng, cô hãnh diện với cái dây xà tích bạc ở thắt lưng. Từ ngày xa Hà Nội "một vùng sáng rực và lấp lánh, Hà Nội nhiều đèn quá", Liên quen dần với bóng tối nơi phố huyện nghèo. Ngọn đèn của Liên... "từng hột sáng lọt qua phên nứa", đèn Hoa Kì leo lét trong nhà ông Cửu, quầng sáng ngọn đèn “lay động trên chõng hàng chị Tí", chấm lửa nhỏ và vàng "lơ lửng" nơi gánh phở bác Siêu... từ đêm này qua đêm khác, Liên vẫn ngồi trên chõng ngắm nhìn. Càng về khuya, "tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu".

Đêm nào cũng vậy, An và Liên đã buồn ngủ ríu cả mắt, nhưng vẫn cố thức đợi chuyến tàu đêm chạy qua. Liên đón nhìn con tàu từ xa "ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi tiếng còi tàu vang lại kéo dài ra theo gió xa xôi... Đoàn tàu đến gần, vụt qua “các toa đèn sáng trưng", rồi nó "đi mò đêm tối, để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt". Tàu đã chạy xa mà hai chị em Liên còn nhìn theo “cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng..." với nhiều man mác bâng khuâng. Chuyến tàu đêm như một niềm an ủi, một nỗi khao khát mơ hồ, một ước mơ không bao giờ tắt, một chút tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày. Chuyến tàu đêm "như đã đem một chút thế giới khác đi qua". Chờ tàu đến, nuối tiếc con tàu chạy qua. Rầm rộ lên chốc lát, bừng sáng lên khoảnh khắc, để rồi sau đó, "từ phía xa, bóng đêm lồng với bóng người đi về". Chuyến tàu đêm đã thành một biến cố trọng đại nơi phố huyện nghèo: "Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một điều gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ”.

Bức tranh đời sống phố huyện nghèo sau khi con tàu chạy vụt qua, đêm khuya dần càng trở nên yên tĩnh mênh mông. Chỉ còn đêm khuya, "tiếng trống cầm canh và tiếng chó cắn". Chị Tí sửa soạn đồ đạc, bác xẩm đã ngủ gục trên manh chiếu. Liên chìm dần vào giấc ngủ yên tĩnh "tịch mịch và đầy bóng tối” như đêm yên tĩnh trong phố huyện nghèo:

Cảnh phố huyện nghèo với những mảnh đời quanh quẩn và lầm than, nghèo khổ và tối tăm. Chị em Liên, mẹ con chị Tí, bà cụ Thi hơi điên, bác Siêu bán phở rong, vợ chồng bác xẩm héo hon, những phu gạo, phu xe ngồi hút thuốc lào,... bấy nhiêu con người nhỏ bé đáng thương. Thạch Lam đã miêu tả bức tranh phố huyện nghèo bằng những cảnh, những người, những chi tiết rất chân thật và cảm động. Ông đã dành cho con người quê hương, những con người nghèo khổ, tăm tối một sự cảm thông và xót thương nồng hậu, cảnh phố huyện nghèo vừa hiện thực vừa chứa chan tinh thần nhân đạo. Trong "Thay lời bụt" - Tuyển tập Thạch Lam, Nhà xuất bản Văn học, năm 1988, nhà văn Nguyễn Tuân viết: "Truyện "Hai đứa trẻ" có một hương vị thật man mác. Nó gợi một nỗi niềm thuộc về quá vãng, đồng thời cũng gióng lên một cái gì đó ở trong tương lai... Nơi cái thế giới quan của đôi trẻ ở một phố quê, hình ảnh đoàn tàu và cái tiếng còi tàu đã thành một thói quen của cảm xúc và cái ước vọng. Đọc "Hai đứa trẻ", thấy bận bịu vô hạn về một tấm lòng quê hương êm ái và sâu kín".

----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------

VIDEO
YOMEDIA
Trắc nghiệm hay với App HOC247
YOMEDIA
NONE
OFF