OPTADS360
ATNETWORK
NONE
YOMEDIA

Nghị luận về tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay

09/05/2022 956.35 KB 571 lượt xem 0 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2022/20220509/62568081202_20220509_151647.pdf?r=4535
ADSENSE/
QUẢNG CÁO
 
Banner-Video

Sự bùng nổ dân số kéo theo nhiều hệ lụy, một trong số đó là tắc nghẽn giao thông. Hiện tượng này diễn ra ở hầu hết các thành phố lớn mỗi ngày và có xu hướng tăng lên. Để hiểu thêm về vấn đề trên, mời các em cùng tham khảo tài liệu Nghị luận về tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay. Chúc các em học tập vui vẻ!

 

 
 

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

2.1. Mở bài

- Dẫn dắt vấn đề: Những năm gần đây xã hội phát triển, đất nước trên đà công nghiệp hóa hiện đại hóa cũng kéo theo bao nhiêu vấn đề phát sinh. Một trong số đó chính là vấn đề an toàn giao thông hiện nay có nhiều diễn biến vô cùng phức tạp

2.2. Thân bài

a. Hiện trạng

+ Ùn tắc xảy ra ở khắp các thành phố lớn trên thế giới trong đó có Việt Nam

+ Ùn tắc ở nước ta diễn ra vô cùng phức tạp, với ùn tắc điểm và cục bộ (2012, ùn tắc điểm: Hà Nội: 67 điểm, thành phố Hồ Chí Minh:76 điểm)

+ Đến 2014, ùn tắc điểm giảm thì ùn tắc cục bộ tăng.

+ Dẫn chứng: Các tuyến đường chính ở Hà Nội: Kim Liên, Giải Phóng, … thường xuyên tắc nghẽn

+ Xảy ra thường xuyên nhất vào sáng sớm và chiều tối

+ Ngoài ra còn dẫn tới va chạm khi ùn ứ giao thông

+ Từ 2008 đến nay có 1.379 vụ ùn tắc kéo dài trên một giờ

b. Nguyên nhân

+ Do ý thức của người tham gia giao thông: lấn làn, vượt nhanh, lạng lách, không nhường đường, …

+ Do cơ cấu phương tiện giao thông không đồng bộ, mất cân đối: xe máy nhiều, Hà Nội: 75.4%, thành phố Hồ Chí Minh: 91.3%, …

+ Do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, chưa được cải tạo, nâng cấp -> nguyên nhân chính.

+ Công tác tuyên truyền giáo dục ý thức người dân còn kém, chưa sâu sát, bền bỉ.

+ Mật độ dân số đô thị tăng nhanh, đường xá không đáp ứng kịp.

+ Quy hoạch chưa đồng bộ, phối hợp giữa các ban ngành chưa quyết liệt.

c. Tác hại

+ Gây ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, khí thải -> gây ung thư, các bệnh lý về phổi, …

+ Gây mất thời gian, thiệt hại về kinh tế (chiếm 2 -3% GDP)

+ Hao tốn nhiên liệu máy

+ Gây va chạm giao thông

d. Giải pháp khắc phục

+ Triển khai có đồng bộ các biện pháp của Nhà nước về giảm thiểu ùn tắc.

+ Nâng cao ý thức người dân về tuyên truyền, giáo dục

+ Tiếp tục xây dựng, quy hoạch cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển của phương tiện vận tải.

+ Tăng cường cảnh sát giao thông, các phương tiện hỗ trợ để cảnh sát giao thông điều tiết, điều khiển giao thông

+ Hạn chế đô thị hóa -> hạn chế nhập cư đô thị.

2.3. Kết bài

- Khẳng định vấn đề nghị luận.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Nghị luận về tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay

Gợi ý làm bài

3.1. Bài văn mẫu số 1

Đất nước chúng ta đang ngày càng phát triển, cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng của các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, ... Song song với sự phát triển đô thị ấy là sự gia tăng của người cũng như phương tiện di chuyển trong các thành phố lớn. Điều này đã gây ra tình trạng ùn tắc giao thông vô cùng nghiêm trọng tại các đô thị ở cả nước ta hiện nay.

Ùn tắc giao thông vẫn đang là một vấn đề nan giải đối với các đô thị lớn trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tình trạng ùn tắc sẽ dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc nếu như không có biện pháp đúng đắn để giải tỏa vấn đề này.

Tính đến nay, tình trạng ùn tắc của nước ta đang ở con số đáng báo động, hiện trạng ùn tắc đã đạt mức trở thành một trong những vấn nạn nhức nhối trong xã hội. Theo thống kê được báo cáo năm 2012, tình trạng ùn tắc ở nước ta vô cùng nghiêm trọng và phức tạp, đặc biệt là hai thành phố trọng điểm Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Cũng theo báo cáo trên, năm 2012, Hà Nội có sáu mươi bảy điểm ùn tắc trong khi đó thành phố Hồ Chí Minh sở hữu bảy mươi sáu điểm ùn tắc giao thông, gây ra nhiều hậu quả xấu. Đến năm 2014, tình trạng ùn tắc điểm được giảm thiểu thì tình trạng ùn tắc cục bộ lại diễn ra khiến cho người dân vô cùng bức xúc cũng như gây thiệt hại lớn tới nền kinh tế nước nhà. Theo thống kê của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản đáng giá, ùn tắc giao thông ở nước ta là vô cùng trầm trọng đặc biệt vào những giờ cao điểm như sáng sớm và chiều tối.

Nếu chú ý nghe đài báo hoặc xem tivi, chúng ta không khó để bắt gặp những hình ảnh ùn tắc kéo dài khi tham gia giao thông của các phương tiện. Ở Hà Nội, một số tuyến đường chính, nội đô luôn thường xuyên lâm vào tình trạng tắc nghẽn kéo dài, trầm trọng như Đê La Thành, Minh Khai, Kim Liên, Giải Phóng, ... Những cuộc ùn tắc này đôi khi kéo dài hàng giờ đồng hồ gây ảnh hưởng không nhỏ tới người dân cũng như kinh tế của đất nước. Mặc dù, các đồng chí cảnh sát giao thông liên tục điều tiết thế nhưng tình trạng tắc nghẽn vẫn diễn ra liên tục. Tính từ năm 2008 đến nay, đã có hơn 1.379 vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên một giờ đồng hồ, và trong đó, thủ đô Hà Nội góp 336 vụ, chiếm 24.4%, Sài Gòn là 227 vụ chiếm 16.5%, ...

Có thể nói, ùn tắc giao thông đang khiến cho toàn thể người dân lo lắng mỗi khi bước chân ra khỏi nhà. Nguyên nhân được chỉ ra ở đây là do ý thức của người tham gia giao thông khi lưu thông trên đường. Như chúng ta thấy, phương tiện chính chủ yếu của người dân Việt tham gia giao thông là xe máy khá nhỏ, điều này khiến cho người dân thường xuyên chiếm làn, lách làn của xe ô tô, gây nên tình hình tắc cục bộ, không thể di chuyển. Nguyên nhân thứ hai được cho là cơ cấu tỷ lệ phương tiện giao thông ở nước ta vô cùng mất cân đối. Nếu như ở Hà Nội, theo thống kê được báo cáo, năm 2013, xe máy chiếm tới 75.4%, con số này ở Hồ Chí Minh là 91.3%, Hải Phòng là 92.7%, ... đều là những con số vô cùng lớn. Sự mất cân đối này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như phương tiện di chuyển hỗn hợp, không tách làn đường, gây ra tai nạn cũng như gây ùn tắc nếu có quá nhiều phương tiện cùng tham gia giao thông tại cùng thời điểm. Thế nhưng, nguyên nhân chính ở đây được cho là cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn khá thấp kém, chưa đáp ứng được nhu cầu tham gia giao thông của người dân, chưa được cải tạo, nâng cấp đúng mức với số lượng người dân. Đồng thời, như chúng ta thấy, tại Hà Nội và Sài Gòn, mạng lưới đường xá đô thị liên tục cắt nhau với nhiều nút giao nhau, điều này cũng một phần gây nên sự ùn tắc khi người dân tham gia giao thông. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục người dân chưa được quan tâm đúng mức, còn yếu kém, chưa sâu sát cũng như được diễn ra liên tục, bền bỉ. Số lượng người dân đô thị tăng nhanh, quy hoạch không đồng bộ hay sự phối hợp giữa các ban ngành liên quan triển khai đảm bảo an toàn giao thông chưa quyết liệt cũng là một nhân tố góp phần gây nên tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng như hiện nay tại Việt Nam.

Như chúng ta đã biết, ùn tắc giao thông để lại rất nhiều hậu quả cho nhân dân cũng như nền kinh tế nước nhà. Theo đó, tổn thất kinh tế do ùn tắc giao thông ở Việt Nam có thể lên tới con số 2 đến 3 % tổng sản phẩm quốc nội GDP của nước ta. Điều này là một thiệt hại to lớn và vô cùng nghiêm trọng. Không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế, nó còn khiến cho chúng ta phải chịu đựng những hậu quả về môi trường như ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí do lượng khí thải và khói bụi mà chúng ta hít phải khi ùn tắc. Năm 2018, chúng ta nhận được những thông tin về bầu không khí trong các đô thị lớn bị nhiễm khói bụi, bụi mịn, gây tỷ lệ các bệnh lý về đường hô hấp, viêm phổi, ung thư gấp nhiều lần so với thông thường. Điều này cũng là do một phần ùn tắc giao thông gây ra. Ngoài ra, nó cũng khiến chúng ta khi tham gia giao thông phải tốn thêm một lượng lớn nhiên liệu để chạy máy hay cũng vô tình gây ra những va chạm nhỏ trong giao thông. Tóm lại, ùn tắc giao thông đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, bức thiết chúng ta phải có những giải pháp để giảm thiểu tình trạng này.

Ùn tắc giao thông đang gây ra những hậu quả khá nghiêm trọng cho con người, vậy nên các biện pháp cấp bách đang được tiến hành gần như ngay lập tức để ngăn chặn và giảm thiểu tắc nghẽn tại các thành phố ở Việt Nam. Một trong những giải pháp đầu tiên được nêu ra đó là việc triển khai đồng bộ các biện pháp của Nhà nước để giảm thiểu ùn tắc. Các công văn, quy định được các bộ, sở ban hành đang được cấp thiết tiến hành để phòng ngừa ùn tắc giao thông. Cùng với đó, chúng ta cũng triển khai tuyên truyền, giáo dục mạnh mẽ ý thức tham gia giao thông của người dân để họ hiểu và nghiêm túc chấp hành các hiệu lệnh và pháp luật. Nhà nước cũng đang đẩy mạnh việc xây dựng, quy hoạch cơ sở hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của các đô thị lớn với lượng phương tiện nhiều. Các chiến sĩ cảnh sát giao thông được tăng cường cũng như được trang bị thêm những phương tiện để hỗ trợ người dân cũng như điều tiết giao thông để giảm thiểu sự ùn tắc giữa các phương tiện. Và hơn nữa, chúng ta cũng nên giảm thiểu sự đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở các tỉnh khác trong đất nước để giảm thiểu hơn nữa lượng người nhập cư vào các thành phố lớn. Có vậy, chúng ta mới giảm thiểu được hơn nữa sự ùn tắc đang gia tăng này. Có thể nói, Nhà nước ta đang gắng sức thực hiện mọi biện pháp cần thiết để giảm thiểu ùn tắc giao thông cũng như những hậu quả nghiêm trọng mà nó mang đến.

Ùn tắc giao thông là một vấn nạn không chỉ riêng của Việt Nam mà còn trên cả thế giới, nó đang diễn ra vô cùng phức tạp và nguy hiểm. Nó gây ra những hậu quả xấu cho nền kinh tế cũng như người dân. Vậy nên ở nước ta, cùng với sự tăng trưởng, Nhà nước đang có những biện pháp thực tế để ngăn chặn, giảm thiểu tới mức tối đa vấn nạn này.

Từ những hiện trạng, nguyên nhân cũng như hậu quả nêu ở trên, chúng ta triển khai cũng như nghiên cứu các biện pháp cụ thể để áp dụng, triển khai đồng bộ tại các thành phố ở Việt Nam để hạn chế ùn tắc giao thông như hiện nay. Hy vọng trong tương lai, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia trên thế giới không còn ùn tắc giao thông.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Một trong những hoạt động không thể thiếu được của con người hiện nay là tham gia giao thông. Xã hội đang ngày càng phát triển kéo theo nhu cầu đi lại của mọi người trở nên vô cùng thiết yếu. Chính vì thế, giao thông trở nên ùn tắc khủng khiếp và đang là một trong những vấn đề thời sự nóng hổi của toàn thế giới, nhất là ở Việt Nam.

Trước tiên phải hiểu: Giao thông là gì? Giao thông là những con đường, những ngã tư, ngã năm, những cột đèn xanh, đèn đỏ… và những con người đang ngày ngày điều khiển các phương tiện đi lại như xe máy, xe đạp, ô tô… trên đường là những người trực tiếp tham gia giao thông. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu mọi người cứ đi lại và tuân thủ đúng quy định về an toàn giao thông Thế nhưng lại nảy sinh một vấn đề nguy hiểm: lượng người tham gia giao thông ngày một đông và quan trọng là hầu hết đều không tuân thủ đúng quy định tiên dĩ nhiên sẽ gây ra hậu quả ùn tắc giao thông – một vấn đề gây nhiều tranh cãi và bức xúc trong dư luận.

Đối với xã hội Việt Nam hiện nay, hẳn chẳng ai xa lạ với hiện trạng ùn tắc giao thông. Lâu dần nó trở nên một hình ảnh quen thuộc, mà ngày nào cũng có là chuyện đương nhiên, không tránh khỏi và cũng chưa có ai đưa ra giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề này. Vào giờ cao điểm tầm 4-5h chiều, khi ra ngoài đường, bạn sẽ đinh tai nhức óc khủng khiếp vì những tiếng còi phát ra từ hàng ngàn chiếc xe máy, hàng trăm chiếc ô tô và rất nhiều những phương tiện khác. Lòng đường rộng thênh thang dường như trở nên quá tải, không đủ sức chứa con người và các loại phương tiện tham gia giao thông, nên người và xe cứ thế điềm nhiên phi thẳng lên vỉa hè, rồi nối đuôi nhau phi xuống mà không hề hay biết, cũng chẳng cần quan tâm rằng việc mình vừa làm lại khơi nguồn cho một luồng ùn tắc giao thông mới. Trên mọi ngã tư, mọi ngã rẽ, đèn giao thông như bị vô hiệu hóa, thậm chí ngay cả khi có công an đứng chỉ đường, điều khiển phương tiện để giải quyết tình trạng ùn tắc vẫn có những chiếc xe máy phóng đánh vào từ bên nọ sang bên kia, thật là hành vi vô văn hóa và thiếu ý thức? Xe đi ngang, xe đi dọc, xe đi xuôi, xe đi ngược, xe nào cũng phát ra tiếng còi inh ỏi, cảm giác ngoài đường lúc bấy giờ là một chiến trường của những con thú hung dữ, sẵn sàng lao vào nhau, bất chấp tất cả mọi quy định luật lệ an toàn giao thông chỉ mục đích được việc mình.

Đó mới chỉ là một trong vô vàn những biểu hiện thường thấy gây nên tình trạng ùn tắc giao thông. Còn rất nhiều những hình ảnh, những hành động vô cùng xấu khác mà chỉ cần bước chân ra đường, nhất là vào giờ cao điểm, bạn sẽ được tận mắt “chiêm ngưỡng”. Thật khủng khiếp. Vậy nguyên nhân ùn tắc giao thông thông là do đâu? Điều này quả thực tế và tôi tin là cũng có thể kể ra hàng loạt. Đầu tiên, đó là có người dân đổ ra đường quá nhiều dẫn đến ùn tắc và khi ùn tắc thì người ta chẳng cần biết đến các quy định hiệu lệnh giao thông là gì. Mọi người cứ mặc ai nấy đi, mạnh ai người nấy về nhà trước. Như đã nói ở trên, họ sẵn sàng lao xe lên vỉa hè – một mình một đường để đi cho nhanh, cho được việc, kịp giờ, nhanh chóng về nhà mà không cần quan tâm đến người khác. Mặc ai nói gì thì nói, ai. Còi cứ còi, đường ta ta đi, việc ta ta làm. Đó là phương châm và cũng là tâm lí chung của mọi người dân tham gia giao thông trong tình trạng ùn tắc. Đây là nguyên nhân thường thấy, phổ biến nhất gây ùn tắc giao thông. Nguyên nhân tiếp theo cũng góp phần không nhỏ trong “công cuộc phá hoại xã hội” này chính là các cột đèn giao thông ở các ngã tư, ngã năm đã hỏng nhiều ngày mà chẳng ai thèm sửa chữa. Đó là điều kiện thuận lợi và thậm chí cũng là lí do để mọi người tự tiện đi lại theo ý của riêng mình. Hãy thử tưởng tượng, chỉ trong một ngã tư thôi mà cả bốn phía cùng đồng loạt đi tới người thì đi thẳng, trong một ngã tư thôi mà cả bốn phía cùng đồng loạt đi tới người thì đi thẳng, người rẽ trái, người lại rẽ phải, cứ thể lao về phía nhau cùng một lúc thì không ùn tắc giao thông mới là chuyện lạ. Không có đèn giao thông thì mọi người không tuân thủ đã đành, vậy mà những ngã tư lớn sáng đèn đầy đủ, người ta ủng chả thèm tuân thủ nốt. Đúng là một dây chuyền hỗn loạn. Con người hỗn loạn khiến cho việc tham gia giao thông cũng trở nên hỗn loạn một cách khủng khiếp. Thế nhưng không thể không nói rằng nguyên nhân gây ùn tắc giao thông cũng là do các cơ quan chức năng góp một phần không nhỏ. Thỉnh thoảng vào giờ cao điểm thì mới thấy sự xuất hiện “đáng quý” của những chiến sĩ công an “giải phóng mặt trận”, rồi những cột đèn hỏng, những công trình thi công dang dở đang thực hiện bỗng dưng bị bỏ bê vài tháng vì những nguyên do vô cùng vô lí đến vài tháng sau mới được sửa chữa, thì công tiếp. Nhưng phần lớn vẫn là do ý thức của người dân và những con người trực tiếp tham gia giao thông. Có một nguyên nhân sâu xa hơn, đó là những năm gần đây, người dân nông thôn để ra thành thị quá đông để sinh sống, kiếm việc làm cũng gây nhiều phiền toái, bức xúc cho xã hội và điển hình là gây nên tình trạng ùn tắc giao thông.

Như đã nói, ùn tắc giao thông hiện đang là một vấn nạn của xã hội nên những tác hại mà nó gây ra là không nhỏ và không ít. Ùn tắc giao thông là nguyên nhân phổ biến nhất và góp phần nhiều nhất vào ô nhiễm, phá hủy môi trường. Giờ cao điểm, không chỉ bị đinh tai nhức óc bởi những tiếng còi xe. inh ỏi mà kinh khủng hơn, hai lá phổi quý báu của mỗi con người lại đứng trước nguy cơ bị nhiễm bệnh rất cao, bởi dù có khẩu trang che kín mặt đi chăng nữa thì ta vẫn cần phải hít thở và như thế thì làm sao tránh khỏi việc hít hàng bao nhiêu khói bụi độc hại từ các ống bô xe máy, ô tô và nhiều phương tiện khác? Như vậy là một vòng tuần hoàn dễ thấy, ta càng thải ra nhiều thì chính ta lại là người hít phải chứng nhiều và cứ thế, ta tự hủy hoại cuộc sống của ta. Dẫu biết rằng giờ cao điểm là lúc mọi người tan làm, tan học để trở về nhà sau một ngày làm việc lao động mệt mỏi, vì thế ai cũng căng thẳng và để cáu kỉnh. Thế rồi ra đường lại gặp phải tình trạng ùn tắc giao thông nên người ta dễ có những hành động thiếu suy nghĩ chỉ để nhanh chóng được về nhà, thoát khỏi con đường đầy rẫy xe cộ, khói bụi và những tiếng còi khó chịu. Nhưng không phải ai cũng biết rằng hậu quả của những việc làm ấy là khôn lường, nó dễ dàng gây ra tai nạn giao thông cho rất nhiều người, trong đó có bạn và còn có thể cướp đi mạng sống nữa. Vì thế, đừng ngụy biện rằng bạn đang mệt, đang cáu kỉnh một chuyện gì đó, chỉ mong mau chóng được về nhà mà bất chấp luật lệ giao thông để gây ra những hành động, việc làm thiếu suy nghĩ dẫn đến những hậu quả vô cùng đáng tiếc. Hãy nhớ rằng: Cuộc sống là vô giá. Thà chậm một phút chứ đừng đánh mất cả cuộc đời mình chỉ trong một phút!

Ùn tắc giao thông là một vấn đề cấp bách, cần phải đưa ra những giải pháp nhanh chóng để kịp thời giải quyết triệt để vấn nạn này. Chúng ta đừng vội trách móc chỉ trích các cơ quan chức năng mà trước tiên hãy nhìn vào chính mình. Mỗi người tham gia giao thông cần phải có ý thức tự giác chấp hành mọi quy định, luật lệ về an toàn giao thông cho đúng, cho tốt; những người không trực tiếp điều khiển các phương tiện giao thông thì cần phải nhắc nhở người điều khiển chấp hành luật lệ, đừng thấy người ta vượt mình cũng vượt, hay mượn cớ muộn giờ… để bất chấp tất cả muốn làm gì thì làm ở nơi cần ý thức tự giác của người dân như vậy. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần phải quan tâm hơn nữa đến đời sống thực tế của người dân, đừng “bỏ quên” các cột đèn hỏng, các lễ đường bị phá vỡ hay các công trình đang thi công dang dở bị đứt đoạn để rồi vật liệu xây dựng cứ thế thản nhiên chễm chệ ngay dưới lòng đường. Thêm nữa các nước nên có một quy định rất hay và thực tế: cứ người nào vi phạm, bất kể là vi phạm gì, lớn hay nhỏ cũng đều đánh vào tài chính. Ở nước ta cũng nên như vậy. Phạt nghiêm khắc những trường hợp vi phạm kể cả vô tình. Giờ cao điểm, các cơ quan chức năng cũng cần huy động thêm chiến sĩ công an đứng ở các ngã tư nhiều hơn nữa để điều khiển và giải quyết nhanh chóng tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, không thể không kể đến một việc làm đáng được hoan nghênh của người Việt Nam, một quy định được áp dụng bắt buộc đối với những người điều khiển xe máy – phương tiện di chuyển chủ yếu ở Việt Nam, từ tháng 12/2007: cứ ra đường, tham gia giao thông là phải đội mũ bảo hiểm. Người Việt Nam hầu hết đã chấp hành quy định này và nhờ đó, giao thông được cải thiện phần nào, tai nạn giao thông hai năm vừa qua cũng giảm đáng kể. Quả là một thành tích!

Xã hội đang phát triển, đi cùng với nó là một loạt các vấn đề tiêu cực vẫn chưa được giải quyết triệt để, trong đó có tình trạng ùn tắc giao thông. Bởi vậy, cần hơn tất cả là ý thức tự giác chấp hành mọi quy định về an toàn giao thông của mọi người dân. Tất cả chúng ta hãy cùng chung tay góp sức đẩy lùi và xóa bỏ những vấn nạn này của xã hội, giúp cho đất nước ngày một phát triển và giàu đẹp hơn. Đừng để những vấn nạn ấy cướp đi mạng sống của bạn hay những người bạn yêu quý. Hãy có ý thức và biết bảo vệ cuộc sống của chính mình!

----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------

VIDEO
YOMEDIA
Trắc nghiệm hay với App HOC247
YOMEDIA
NONE
OFF