HOC247 biên soạn và tổng hợp tài liệu văn mẫu Suy nghĩ về bệnh thành tích hiện nay dưới đây. Nhằm giúp các em học sinh lớp 11 có thêm tư liệu viết bài văn số 6. Đồng thời hiểu được khái niệm và hậu quả xấu mà bệnh thành tích đem lại để đưa ra những giải pháp ngăn chặn kịp thời. Hi vọng tài liệu sẽ bổ ích với các em. Chúc các em có những bài văn thật hay!
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
2.1. Mở bài
- Đất nước ta đang trên đà phát triển nhưng vẫn còn nhiều mặt tiêu cực.
- “Bệnh thành tích” là căn bệnh nguy hiểm cần phải được giải quyết triệt để.
2.2. Thân bài
- “Bệnh thành tích” là gì? Vì sao gọi đó là bệnh?
- Nguyên nhân gây ra bệnh này và biểu hiện.
- Ảnh hưởng của “bệnh thành tích” đối với xã hội như thế nào?
- “Bệnh thành tích” có ở khắp nơi (dẫn chứng).
- Hướng giải quyết vấn đề này ra sao?
2.3. Kết bài
- Cần giải quyết ngay căn bệnh này để đất nước ngày càng tiến bộ.
- Suy nghĩ của bản thân.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Suy nghĩ về “bệnh thành tích” hiện nay
Gợi ý làm bài
3.1. Bài văn mẫu số 1
Trong thực tế, ai cũng thích, cũng mong muốn được khen ngợi, được ghi nhận, được thành danh. Có người vì thế mà nỗ lực phấn đấu để biến đổi về chất. Song đáng buồn lại có những người muốn rút ngắn con đường bước đến vinh quang mà tin xổi ở thì, không chăm lo cho thực tế chỉ cố tô vẽ bề ngoài để được khen được thưởng. Đáng buồn hơn, chúng ngày càng phổ biến và trở thành một căn bệnh xã hội. Bệnh thành tích.
Thực chất, thành tích là kết quả được đánh giá tốt do nỗ lực mà đạt được. Như vậy, thành tích là nhóm để biểu dương, nêu gương những kết quả thực tế tốt đẹp. Điều đó động viên cố gắng của người được nêu gương, thúc đẩy họ tiếp tục cố gắng. Mặt khác thành tích của người này còn là “cú hích” cho người khác cùng “chạy đua” để tiếp tục đi lên. Rõ ràng, thành tích là điều tốt đẹp và nó cũng mang lại những điều tương tự cho cuộc sống.
Tuy nhiên, khi đặt trước từ “thành tích” một chữ “bệnh” - bệnh thành tích thì vấn đề đã khác. Bởi từ “bệnh” không gợi đến điều gì tốt đẹp. “Bệnh thành tích” là thói a dua, là chỉ chăm lo đến vẻ bề ngoài nhằm được tuyên dương khen thưởng nhưng thực chất bên trong vấn đề không đạt mong muốn. Nói khác đi, bệnh thành tích là tên gọi của sự không phù hợp giữa hình thức và bản chất: hình thức rất hào nhoáng, sáng bóng, lẫy lừng nhưng bản chất thì xuống cấp, gỉ sét, cong vênh.
Bệnh thành tích đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội, đục sâu lan rộng vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Trong giáo dục, bệnh thành tích còn được gọi là bệnh hình thức. Có những trường vì thành tích mà luôn cố gắng tập trung luyện “gà” – luyện học sinh giỏi, tạo mọi điều kiện để các em có thời gian tập trung học môn mình thi nhằm đạt kết quả cao mang vinh dự cho trường. Hay trong mỗi kỳ thi tốt nghiệp, có những trường huy động giáo viên cùng làm với học sinh rồi ném bài cho các em. Trong các cơ quan, công ty, nhà máy,... bệnh thành tích nằm ở những bản báo cáo được mài cho nhẵn viết cho đẹp. Trong thực tế người ta không màng đến chất lượng, chỉ chạy theo số lượng để đạt chỉ tiêu. Họ chỉ sung sướng khi nghe đến những con số 100%, 99%,... Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước, trường nào chỉ đạt 95%, 96% là đã lo lắng căng thẳng rồi. Nhưng một hai năm trở lại đây khi công tác kiểm tra, giám sát được thắt chặt hơn, trung bình cả nước chỉ đỗ khoảng 60% - 70%. Rõ ràng kết quả xa nhau, nó phản ánh thực tế chất lượng giáo dục trong một thời gian dài bị o bế, làm nhiễu.
Rõ ràng, bệnh thành tích sẽ để lại hậu quả vô cùng tai hại. Trước hết, nó khiến mỗi cá nhân tổ chức không hiểu rõ về thực lực của mình, tự mãn về thành tích, không có xu hướng vận động phát triển. Bệnh thành tích do đó tiếp tục “được” duy trì, phát triển. Dần dần nó sẽ ăn sâu, đeo bám vào tư tưởng, lối sống cách thức làm việc của xã hội, làm cho chất lượng thực bị bỏ bê, xuống dốc, chỉ có cái vẻ bề ngoài là hào nhoáng, đẹp đẽ. Nó thực chẳng khác nào một trái bí đỏ bị thối rữa bên trong. Dân gian ta nhắc nhở nhau tốt gỗ hơn tốt nước sơn vì sơn có thể tróc nhưng gỗ không được phép mục, gỗ mục sẽ làm sụp đổ cả một hệ thống quan trọng. Nhưng bệnh thành tích đã làm đảo lộn truyền thống đạo lý ấy và mỗi hệ thống xã hội đang có nguy cơ lung lay, suy sụp vì chất gỗ bên trong đang mối mọt dần.
Bệnh thành tích gây hại cho mọi ngành nghề, lĩnh vực. Và hậu quả dễ thấy nhất, tai hại nhất thể hiện ở ngành giáo dục. Có những trường lớp, vì thành tích mà cho học sinh lên lớp hàng loạt, bất chấp kết quả thực tế. Hậu quả là hàng trăm học sinh ngồi nhầm lớp, nhầm trường. Có em đã học lớp 7 mà chưa đọc thông viết thạo! Cũng vì thành tích mà các thầy cô “cấy điểm” cho học sinh giỏi ở những môn các em không thi học sinh giỏi, giúp các em tập trung ôn luyện cho thi cử. Và hàng trăm học sinh sa vào tình cảnh đạt giải học sinh giỏi quốc gia nhưng trượt tốt nghiệp, trượt đại học... Hậu quả trực tiếp học sinh là người gánh chịu. Nhưng hậu quả lâu dài là tương lai đất nước phải chấp nhận sự thui chột về đạo đức, tài năng của nhiều thế hệ.
Bệnh thành tích có căn nguyên sâu xa từ một thói xấu của con người: thói ghen ăn tức ở, “con gà tức nhau tiếng gáy”. Thấy cá nhân, đơn vị khác được nêu gương, cá nhân đơn vị mình cũng muốn được như vậy. Song, thay vì tập trung nâng cao chất lượng họ lại đốt cháy giai đoạn, đánh bóng hình thức để được tuyên dương. Nhưng công bằng mà đánh giá, bệnh cũng có nguyên nhân từ những sai lầm trong công tác quản lý tổ chức của nhiều cấp, ngành: trọng giấy tờ, hình thức, không gần gũi sâu sát thực tế và chỉ tiêu hoá, kế hoạch hóa cao độ mọi vấn đề thi đua. Bởi vậy, các tổ chức, cá nhân chỉ cốt lo sao cho bản báo cáo, cuốn sổ của mình được sạch sẽ đẹp đẽ. Rồi lo sao để chỉ tiêu kế hoạch trên giao ta “trăm phần trăm” hoàn thành. Rõ ràng, để xảy ra căn bệnh ấy lỗi thuộc về tất cả chúng ta.
Nhận rõ hậu quả của bệnh thành tích, xã hội cần đẩy mạnh công cuộc loại trừ nó. Các nhà lãnh đạo cần kiểm tra, giám sát sát sao hơn hoạt động của các tổ chức cá nhân trực thuộc, đồng thời điều chỉnh hệ thống, cơ chế quản lý tổ chức. Các cơ quan đoàn thể vì tương lai bản thân xóa bỏ bệnh hình thức để đi vào chất lượng thực tế. Chỉ khi nào làm được điều đó, xã hội ta mới thực sự trong sạch và đi lên.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Không biết từ bao giờ bệnh thành tích đã trở thành một căn bệnh gây tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội ta hiện nay. Học tập, lao động, chiến đấu, cá nhân nào cũng có ước muốn chính đáng là lập được nhiều thành tích tốt đẹp. Nhưng vì ham thành tích mà có hiện tượng làm láo báo cáo hay. Thành tích được vẽ ra, được thổi phồng lên làm theo cấp số nhân, cấp số cộng để nhận huy chương, để lấy bằng khen, rước xách rầm rộ, liên hoan lu bù, báo công ầm ĩ.
Hầu như ngành nào cùng lắm bệnh thành tích. Nhà máy thiếu nguyên liệu, công nhân thất nghiệp, nhưng năm nào cũng hoàn thành kế hoạch. Làm trường nọ trồng cây gây rừng, thành tích được thổi phồng lên, nào là phủ xanh đồi trọc, nào là trồng được hàng triệu cây có bóng mát, cây ăn quả, cây gỗ quý, thông và bạch đàn bao la. Nhưng câu chuyện xảy ra như một vở bi hài kịch khi đoàn kiểm tra “sờ” đến. Những con số ấy, những cây cối ấy chỉ là số không. Rừng phòng vệ bị phá tan hoang. Diện tích hoang hóa, đồi trọc mênh mông. Rừng đầu nguồn bi chặt phá trơ trụi.
Ngành giao thông vận tải thì đường sá mới làm xong đã xuống cấp, tai nạn giao thông xảy ra đến chóng mặt, mỗi năm có hàng trăm người chết vì tai nạn ô tô, chẹt tàu. Hiện tượng lún móng cầu, sập cầu đâu còn là sự cố hiếm thấy nữa!
Ngành giáo dục, bệnh thành tích trở nên trầm kha. Thi cử gian dối, trường nào, địa phương nào cũng lo chạy theo thành tích nên đã buông lỏng kỉ cương. Bằng giả, học giả, tiến sĩ rởm không còn là hiện tượng hi hữu nữa. Khẩu hiệu: “Nói không với tiêu cực" tuy đã giảm bớt được một phần nào, nhưng bệnh tiêu cực không thể nào một sớm một chiều mà giảm bớt được, hạn chế được. Bệnh thành tích đã làm suy thoái đạo đức cán bộ, người lao động vì cái tệ làm láo báo cáo hay. Con số thống kê là con số ảo, không đúng với thực tế sản xuất của nước ta. Dịch cúm gà, cúm gia cầm, bệnh lợn tai xanh, có nơi, có lúc đã báo cáo sai. Do bệnh thành tích mà từng gây ra nhiều thảm họa! Phải thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, xử phạt thật nghiêm minh mới có thể chữa được càn bệnh “ung thư” này.
Có chữa được bệnh thành tích thì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước mới phát triển và giành được nhiều thành tựu rực rỡ. Có chữa được tận gốc bệnh thành tích mới chống các hiện tượng thi cử gian lận, mới xây dựng được con người mới, đạo đức mới xã hội văn minh.
----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------
Tài liệu liên quan
Tư liệu nổi bật tuần
-
Phân tích 9 câu thơ đầu bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
27/06/2024221 - Xem thêm