Xin giới thiệu đến các em Đề thi HK1 môn Ngữ văn 6 Cánh diều năm 2021-2022 Trường THCS Lê Văn Thiêm dựa vào chương trình học thuộc sách Cánh diều có đáp án chi tiết. Hoc247 hi vọng rằng đây sẽ là tài liệu bổ ích để các tham khảo. Chúc các em học tập tốt.
TRƯỜNG THCS LÊ VĂN THIÊM |
ĐỀ THI HỌC KÌ 1 MÔN: NGỮ VĂN 6 CÁNH DIỀU NĂM HỌC: 2021-2022 (Thời gian làm bài: 90 phút) |
ĐỀ BÀI
I. Đọc hiểu
a. Đọc đoạn thơ sau và chọn một phương án trả lời đúng cho mỗi câu hỏi (từ câu 1 đến câu 6):
Mình về với Bác đường xuôi
Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người
Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường!
Nhớ Người những sáng tỉnh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi rừng núi trông theo bóng Người...
(Trích Việt Bắc - Tố Hữu)
Câu 1. Câu nào sau đây nêu không đúng đặc điểm của đoạn thơ trên?
A. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ lục bát.
B. Đoạn thơ trên có các tiếng cuối dòng lục vần với tiếng thứ sáu dòng bát.
C. Đoạn thơ trên có các tiếng cuối dòng bát trước vần với tiếng cuối dòng lục sau.
D. Đoạn thơ trên có các tiếng cuối dòng lục vần với tiếng cuối của dòng bát.
Câu 2. Từ “nhớ” được lặp lại nhiều lần có tác dụng gì?
A. Làm nổi bật hình ảnh Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc
B. Thể hiện tình cảm của Bác Hồ với người dân Việt Bắc
C. Thể hiện sự gắn bó của Bác Hồ với chiến khu Việt Bắc
D. Thể hiện tình cảm lưu luyến của người dân Việt Bắc với Bác Hồ
Câu 3. Phương án nào nêu đúng các từ đồng nghĩa trong đoạn thơ trên?
A. Mình, Bác, Ông Cụ
B. Bác, Ông Cụ, Người
C. Mình, Bác, Người
D. Mình, Ông Cụ, Người
Câu 4. Dòng thơ nào chứa từ láy?
A. Nhớ chân Người bước lên đèo
B. Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường!
C. Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
D. Người đi rừng núi trông theo bóng Người
Câu 5. Phương án nào nêu đúng ý nghĩa mà đoạn thơ trên muốn làm nổi bật?
A. Tình cảm của Bác Hồ đối với người dân Việt Bắc
B. Nỗi nhớ da diết của người dân Việt Bắc đối với Bác Hồ
C. Niềm tự hào của người dân Việt Bắc về Bác Hồ
D. Niềm tin của người dân Việt Bắc đối với Bác Hồ
Câu 6. Biện pháp nghệ thuật nào thể hiện được nỗi nhớ da diết của người dân Việt Bắc đối với Bác Hồ?
A. Sử dụng các từ ngữ và hình ảnh đẹp
B. Sử dụng nhiều tính từ và động từ
C. Sử dụng biện pháp điệp từ “nhớ”
D. Sử dụng nhiều vần bằng trong các câu thơ
b. Đọc đoạn trích sau và chọn một phương án trả lời đúng cho mỗi câu hỏi (từ câu 7 đến câu 9)
27-1-1973: KÍ HIỆP ĐỊNH PA-RI (PARIS) CHẤM DỨT CHIẾN TRANH, LẬP LẠI HOÀ BÌNH Ở VIỆT NAM
Báo Nhân Dân số ra ngày Chủ nhật 28-1-1973 đã in trên trang nhất những dòng chữ to, nét đậm, in hai màu đỏ và đen nổi bật: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã giành được thắng lợi vĩ đại.
Hiệp định Pa-ri đã được kí chính thức. [...]
Trong những ngày tháng Giêng năm bảy mươi ba đó, tất cả các báo chí, các đài phát thanh và vô tuyến truyền hình ở Pa-ri cũng như ở trên thế giới đều liên tiếp đưa tin về Hội nghị Pa-ri và bản Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Đại lộ Kle-bơ (Kleber) đã trở thành trung tâm thu hút sự chú ý của dư luận toàn thế giới.
Những ngày lịch sử nối tiếp nhau dồn dập.
Ngày 22-1-1973, các chuyên viên của Việt Nam và Hoa Kỳ so lại lần cuối cùng các văn kiện đã thoả thuận xong giữa hai bên.
Ngày 23-1-1973, đúng 12 giờ 30 phút (giờ Pa-ri), Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam đã được kí tắt giữa cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Kít-xinh-giơ (Kissinger). Ngày 27-1-1973, đúng 11 giờ (giờ Pa-ri), Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam đã được kí chính thức giữa các Bộ trưởng Ngoại giao của các bên.
Cùng ngày, bốn nghị định thư của Hiệp định cũng đã được kí kết. Như thế là sau 4 năm, 8 tháng, 14 ngày, với 202 phiên họp công khai và 24 đợt gặp riêng, cuộc đấu tranh của nhân dân ta trên bàn thương lượng đã giành được thắng lợi. Tập văn bản Hiệp định và các nghị định thư bằng hai thứ tiếng Việt và Anh đã được thoả thuận xong. Buổi lễ kí kết đã diễn ra trong khung cảnh trang nghiêm tại phòng họp lớn của Trung tâm Hội nghị quốc tế Kle-bơ. Ở bên ngoài, dọc Đại lộ Kle-bơ, hàng ngàn đại biểu Việt kiều và nhân dân Pháp đã nồng nhiệt vỗ tay, vẫy cờ đỏ sao vàng và cờ xanh đỏ có sao vàng ở giữa, hô khẩu hiệu chào mừng các đại biểu Việt Nam chiến thắng.
(Theo https:/www.maxreading.com)
Câu 7. Phương án nào nêu đúng căn cứ để xác định đoạn trích trên là văn bản thông tin về một sự kiện lịch sử?
A. Nêu lên các diễn biến quan trọng về việc kí kết Hiệp định Pa-ri
B. Nêu lên các lí do dẫn đến việc kí kết Hiệp định Pa-ri
C. Nêu lên các căn cứ khoa học về việc kí kết Hiệp định Pa-ri
D. Nêu lên tác dụng và ý nghĩa của việc kí kết Hiệp định Pa-ri
Câu 8. So với nhan đề văn bản, thông tin nào sau đây là quan trọng nhất?
A. Hiệp định đã được kí tắt giữa cố vấn Lê Đức Thọ và Kít-xinh-giơ
B. Báo Nhân Dân số ra ngày Chủ nhật 28-1-1973 đã đưa tin này
C. Buổi lễ kí kết đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kle-bơ
D. Hiệp định Pa-ri được kí ngày 27-1-1973, chiến tranh đã chấm dứt
Câu 9. Phương án nào sau đây nêu đúng đặc điểm văn bản thông tin thể hiện trong đoạn trích trên?
A. Nhiều trạng ngữ chỉ thời gian, nơi chốn
B. Nhiều bằng chứng quan trọng được nêu lên
C. Nhiều lí lẽ được phân tích và làm sáng tỏ
D. Nhiều ý kiến, nhận định đánh giá về sự kiện lịch sử
Câu 10. Liệt kê ba thông tin theo em là quan trọng trong đoạn trích trên.
II. Viết
Chọn một trong hai đề sau để viết thành bài văn ngắn (khoảng 2 trang).
Đề 1. Hình ảnh người mẹ hoặc người bố trong một bài thơ đã đọc khiến em xúc động nhất.
Đề 2. Em có thích đọc truyện cổ tích không? Vì sao? Hãy trình bày ý kiến của mình.
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I. Đọc hiểu
1. D
2. D
3. B
4. C
5. B
6. C
7. A
8. D
9. A
Câu 10:
3 chi tiết quan trọng:
- Báo Nhân Dân số ra ngày Chủ nhật 28-1-1973 đã in trên trang nhất những dòng chữ to, nét đậm, in hai màu đỏ và đen nổi bật: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã giành được thắng lợi vĩ đại.
- Ngày 23-1-1973, đúng 12 giờ 30 phút (giờ Pa-ri), Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam đã được kí tắt giữa cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Kít-xinh-giơ (Kissinger).
- Ngày 27-1-1973, đúng 11 giờ (giờ Pa-ri), Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam đã được kí chính thức giữa các Bộ trưởng Ngoại giao của các bên. Cùng ngày, bốn nghị định thư của Hiệp định cũng đã được kí kết.
II. Viết
Chọn một trong hai đề sau để viết thành bài văn ngắn (khoảng 2 trang)
Đề 1. Hình ảnh người mẹ hoặc người bố trong một bài thơ đã đọc khiến em xúc động nhất.
Gợi ý:
a. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về bài thơ mà em lựa chọn để viết trong bài văn.
- Cảm xúc của em về hình ảnh người mẹ/người bố trong bài thơ đó.
b. Thân bài:
- Biệp pháp nghệ thuật, thể thơ của bài thơ có tác dụng như thế nào trong việc xây dựng hình ảnh người mẹ/người bố
- Chi tiết về hình ảnh người mẹ/người bố nào trong bài thơ để lại ấn tượng với em.
- Đánh giá về việc sử dụng biện pháp nghệ thuật của bài thơ để xây dựng hình ảnh nhân vật, đưa cảm xúc tới người đọc và ấn tượng của em.
c. Kết bài:
- Khái quát ấn tượng, và điều làm em xúc động nhất của bài thơ.
Đề 2. Em có thích đọc truyện cổ tích không? Vì sao? Hãy trình bày ý kiến của mình.
Gợi ý:
Tuổi thơ tôi gắn liền với những câu chuyện như Thạch Sanh, Sọ Dừa, Cây tre trăm đốt, v.v... được bà và mẹ kể cho mỗi tối trước khi đi ngủ. Những câu chuyện ấy đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi. Ở lứa tuổi của tôi, cũng giống như các bạn, tôi cũng thích truyện tranh, hoạt hình,... nhưng truyện cổ tích vẫn là mạch nguồn dân tộc và có vị trí riêng trong trái tim tôi.
Tôi đã gắn liền tâm hồn mình với ca dao, cổ tích. Vì vậy, để trả lời câu hỏi có thích đọc truyện cổ tích không, câu trả lời chắc chắn là có. Nhân vật thiện hay ác, tôi đều thích. Tôi thích cả những yếu tố có phần như hoang đường kỳ ảo, thích cả cái kết có hậu.
Sẽ rất nhiều người nói rằng truyện cổ tích không hay vì các nhân vật trong truyện cổ tích phân rõ chính – tà, trắng – đen, mà con người ai cũng có cả xấu lẫn tốt. Nhưng với tôi, sự phân chia rõ ràng các tính chất cho từng nhân vật lại giúp ta dễ dàng nhận biết hơn. Những nhân vật cũng từ đó mà trở thành biểu tượng cho thiện lương hay ác độc. Lý Thông đã thành đại diện cho cái xấu. Còn Thạch Sanh đã thành đại diện cho cái tốt. Mẹ con Cám đã trở thành đại diện cho cái xấu. Còn cô Tấm lại là đại diện cho sự tốt đẹp, cho sự hiền dịu, chăm chỉ. Việc phân chia rõ ràng hai tuyến nhân vật để ta thấy rõ từng kiểu tính cách con người, đồng thời cũng là cách để giáo dục con người hướng thiện.
Tôi còn thích truyện cổ tích vì nó phản ánh mong ước của nhân dân Việt Nam về kết thúc có hậu, về cái người ta vẫn gọi là Ở hiền thì lại gặp hiền/ Người ngay thì được Phật, tiên độ trì. Mỗi khi nhân vật chính diện gặp phải tai họa, gặp phải những thách thức, khó khăn tưởng như không cách nào hóa giải được, thì khi ấy những thế lực siêu nhiên sẽ xuất hiện cứu giúp. Nói cách khác, đó là khi yếu tố kỳ ảo trong truyện cổ tích bắt đầu xuất hiện. Yếu tố kỳ ảo đó có thể là ông Bụt giúp cô Tấm đi trẩy hội, giúp anh nông dân có được cây tre trăm đốt mà hẳn ai trong chúng ta cũng đã quen với câu nói của Bụt: “Làm sao con khóc?!”. Đó cũng có thể là những chi tiết như Ngọc Hoàng sai thái tử xuống đầu thai vào một gia đình, mà sau này người con ấy có tên là Thạch Sanh. Đó cũng có thể là chuyện Sọ Dừa hàng ngày lăn lóc mà lại có thể hóa thành chàng trai khôi ngô tuấn tú, có sẵn các sính lễ để cưới con gái phú ông. Những yếu tố kỳ ảo như thế cho thấy niềm tin tâm linh, niềm tin về cái thiện, tinh thần nhân văn của con người Việt Nam.
Những yếu tố kỳ ảo hay nhân vật có những nét tính cách đặc trưng còn liên kết với cái kết có hậu. Không chỉ là người hiền gặp hiền, mà cả kẻ ác sẽ gặp cái ác. Ta có thể thấy điều này qua truyện Tấm Cám và truyện Thạch Sanh. Mẹ con Cám cuối cùng có kết cục như thế nào, mẹ con Lý Thông có kết cục như thế nào, hẳn ai cũng đã rõ. Cái kết có hậu hay cái kết mang tính nhân quả không chỉ giáo dục con người ta mà còn cho thấy văn hóa người Việt, tin tưởng vào nghiệp, tin tưởng vào nhân quả. Đó có thể là sự ảnh hưởng của Phật giáo vào đời sống người Việt. Nói cách khác, người ta có thể nhìn thấy văn hóa Việt Nam thông qua truyện cổ tích. Văn hóa, đời sống người Việt cũng còn được thể hiện qua những hoạt động sinh hoạt hàng ngày của các nhân vật trong truyện. Đó là đốn tre để làm đũa trong truyện Cây tre trăm đốt. Đó là cô Tấm trèo lên cây cau, hay Sọ Dừa học hành để thi khoa cử rồi đỗ thành trạng nguyên. Tất cả những điều đó tạo nên một “hệ sinh thái” rất Việt Nam. Truyện cổ tích như vậy đã lưu giữ mạch nguồn của người Việt. Chính những điều về văn hóa đó đã khiến tôi yêu truyện cổ tích vô cùng.
Mỗi người sẽ có những quan điểm riêng. Có người có thể sẽ không thích truyện cổ tích vì cho rằng nó đã cũ, vì cho rằng các nhân vật chia rõ ràng trắng – đen, thiện – ác quá. Nhưng với tôi, chính những điều đó lại cho tôi thích đọc truyện cổ tích vô cùng. Vì khi ấy, tôi học được những bài học làm người và được gặp lại ông cha của mình – cội nguồn văn hóa dân tộc.
Trên đây là nội dung Đề thi HK1 môn Ngữ văn 6 Cánh diều năm 2021-2022 Trường THCS Lê Văn Thiêm. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập .
Chúc các em học tập tốt !
Tài liệu liên quan
Tư liệu nổi bật tuần
-
Đề thi minh họa môn Hóa học tốt nghiệp THPT năm 2025
22/10/2024343 -
Đề thi minh họa môn Tin học tốt nghiệp THPT năm 2025
22/10/2024113 -
Đề thi minh họa môn Toán tốt nghiệp THPT năm 2025
22/10/2024200 - Xem thêm