OPTADS360
ATNETWORK
RANDOM
ON
YOMEDIA

Đề minh hoạ ĐGNL 2025 môn Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TP.HCM

16/08/2024 655.58 KB 176 lượt xem 0 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2024/20240816/476079034189_20240816_104531.pdf?r=614
AMBIENT-ADSENSE/
QUẢNG CÁO
 
Banner-Video

Nhằm hỗ trợ thí sinh hiểu rõ hơn về cấu trúc đề thi cũng như có những định hướng ôn luyện, sáng ngày 15/8/2024, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố Đề thi minh họa cho cấu trúc mới từ năm 2025. Dưới đây là nội dung Đề minh hoạ ĐGNL 2025 môn Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TP.HCM kèm đáp án tham khảo mà HOC247 đã tổng hợp. Mời các em cùng tham khảo:

 

 
 

1. Đề thi

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ĐỀ THI MINH HỌA

(Đề thi có 07 trang)

ĐỀ THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CHUYÊN BIỆT 2025

Môn thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

Họ, tên thí sinh: ……………………………………………………………………………………

Số báo danh: ………………………………………………………………………………………

PHẦN I: ĐỌC HIỂU

Thí sinh đọc văn bản và lựa chọn một phương án đúng theo yêu cầu từ câu 1 đến câu 5.

    Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng - Thanh Hải và chảy qua sáu quốc gia, sông Mekong vốn có cơ chế tự điều hòa để nuôi dưỡng mọi sinh vật và duy trì các hệ sinh thái trong mùa hạn lẫn mùa mưa. Khi con sông vĩ đại này hoạt động bình thường, nước ngọt sẽ dồi dào vào mùa mưa, chảy từ thượng nguồn ra biển cả, nhưng trước đó không quên ban tặng phù sa bổ dưỡng cho Đồng bằng sông Cửu Long. Trong mùa khô, lượng nước vẫn còn trong các hồ lớn, như Biển Hồ của Campuchia, sẽ chảy từ từ về đồng bằng, tiếp tục cuốn trôi nước biển dù không có giọt mưa nào. Nhưng, ngày càng có nhiều những năm “khó sống"! Gần nhất là mùa khô lịch sử năm 2019-2020: bắt đầu sớm hơn so với mùa khô của những năm trước, thời gian hạn mặn kéo dài gấp đôi so với mùa khô năm 2016, theo ghi nhận của Tổng cục Thủy lợi.

   Biến đổi khí hậu làm cho mưa nắng trở nên bất thường nhưng đồng thời, xâm nhập mặn còn liên quan đến nhiều yếu tố “nhân tai". Đơn cử là chuyện nước từ thượng nguồn đổ về, nếu lưu lượng càng giảm, nước mặn sẽ càng tiến sâu vào đất liền. Bức tranh nguyên nhân và hậu quả được tóm lược như hình sau:

Philip S.J. Minderhoud, "Sụt lún đồng bằng: Hiện trạng lún và dự bảo tương lai ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam", 2019

    Năm 2020, nông dân trồng lúa ở các tỉnh bị xâm nhập mặn đã bị mất ít nhất 30% sản lượng thu hoạch do thiếu nước ngọt. Sau thảm họa này, nhiều nông dân đã chuyển sang mô hình luân canh tôm - lúa. Bên cạnh yếu tố thị trường, nghiên cứu còn chỉ ra rằng: nước mặn trong vuông tôm sau mùa khô không thể bị nước ngọt “làm sạch” hoàn toàn. Nó tích lũy qua nhiều năm, thậm chí còn tăng nhanh do lượng mưa suy giảm. Do đó, trớ trêu thay, có thể nói rằng mô hình tôm - lúa đang dẫn đến một số vấn đề môi trường khác, cuối cùng tăng thêm thách thức cho người nông dân.

    Trong tương lai, nếu xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn - do mực nước biển dâng cao và hoạt động gây sụt lún mặt đất của con người, độ mặn có thể sẽ vượt quá khả năng chịu đựng của loài tôm chăng? Chúng ta có thể cố gắng hết sức để thích ứng với hạn mặn, nhưng việc giải quyết tận gốc rễ của vấn đề mới giúp ta tránh được các biểu đồ và số liệu tồi tệ hơn.

(Theo Lê My, trích Nước mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long: xưa, nay và mai,

https://tuoitre.vn/nuoc-man-o-dong-bang-song-cuu-long-xua-nay-va-mai-

20240325082732331.htm)

Câu 1: Theo nội dung văn bản trên, sông Mekong bắt nguồn từ đâu?

A. Thái Lan

B. Biển Hồ của Campuchia

C. Cao nguyên Tây Tạng - Thanh Hải

D. Thượng Lào

Câu 2: Tác giả đã chỉ ra nguyên nhân thiên tai nào dưới đây là nguyên nhân gây ra hiện tượng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long?

A. Biến đổi khí hậu

B. Nước mặn lấn sâu vào đất liền

C. Xây thủy điện ở thượng nguồn

D. Thay đổi mục đích sử dụng đất

Câu 3: Theo văn bản trên, việc chuyển đổi từ mô hình trồng lúa sang mô hình luân canh tôm - lúa ở vùng bị xâm nhập mặn có thể dẫn đến hệ quả gì?

A. Tăng sản lượng lúa hằng năm

B. Tăng cơ hội làm giàu cho nông dân

C. Đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

D. Tăng thách thức cho người nông dân

Câu 4: Hình minh họa trong văn bản trên có tác dụng gì?

A. Tóm tắt những nội dung chính được trình bày trong văn bản

B. Tóm tắt những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xâm nhập mặn

C. Phân tích chi tiết những biểu hiện của hiện tượng xâm nhập mặn

D. Bổ sung thông tin về hậu quả của hiện tượng xâm nhập mặn

Câu 5: Thông điệp chính của văn bản trên là gì?

A. Cung cấp thông tin về địa hình của Đồng bằng sông Cửu Long

B. Thể hiện nỗi lo về sự suy giảm sản lượng lúa do xâm nhập mặn

C. Đề xuất việc tìm kiếm giải pháp cho hiện tượng xâm nhập mặn

D. Cảnh báo những nguy cơ dẫn đến hiện tượng biến đổi khí hậu

Thí sinh đọc văn bản và lựa chọn một phương án đúng theo yêu cầu từ câu 6 đến câu 12.

    Có ba loại kỹ năng quan trọng trong thế kỷ tới mà nhà trường phải chuẩn bị cho thế hệ trẻ hôm nay: tạo ra giá trị mới; điều hòa căng thẳng và mâu thuẫn; và cuối cùng là làm việc với tinh thần trách nhiệm.

    Tạo ra giá trị mới đòi hỏi con người tư duy sáng tạo để phát triển những sản phẩm, dịch vụ, nghề nghiệp, phương pháp, mô hình và cả cách sống mới. Để có thể làm việc được với những người có nền tảng kiến thức, văn hóa và quan điểm khác mình, ta cần đầu óc rộng mở, khả năng chấp nhận sự khác biệt, kỹ năng học tập không ngừng và thích nghi với những bối cảnh mới.

    Trong một thế giới mà sự bất bình đẳng đang đe dọa sự tồn vong của mọi xã hội, khả năng điều hòa những mâu thuẫn và đòi hỏi đa dạng giữa những nhóm có quan điểm và lợi ích khác nhau sẽ trở nên vô cùng quan trọng. Mọi vấn đề hay giải pháp đều hàm chứa cả những khía cạnh được và mất, vì thế rất nhiều quyết định phải dựa trên cơ sở chấp nhận đánh đổi. Hiểu mối tương quan, tác động qua lại giữa những ý tưởng hay logic trái ngược, cân nhắc cả những quan điểm ngắn hạn và dài hạn, sẽ là đòi hỏi của những năm tháng sắp tới để con người không đi đến chỗ diệt vong.

    Cuối cùng là khả năng chịu trách nhiệm. Xã hội càng phức tạp thì càng khó vận hành nếu chỉ với các quy định của pháp luật, vì không thể quy định hết được những gì mà mỗi cá nhân được phép hay không được phép làm. Giáo dục cần chuẩn bị cho người học tinh thần trách nhiệm, theo nghĩa có khả năng cân nhắc trước hậu quả của mỗi việc mình làm với người khác, có thể dự đoán rủi ro hay lợi ích mà hành động đó mang lại cho xã hội, chứ không chỉ cho bản thân và hành động phù hợp với lợi ích chung của xã hội. Đằng sau cách xử sự có trách nhiệm với xã hội, mỗi chúng ta còn cần nhận thức sâu sắc về sự gắn bó giữa lợi ích và an toàn của cá nhân với xã hội. Sự trưởng thành về mặt đạo đức, trí tuệ và cảm xúc đòi hỏi chúng ta tự vấn mọi hành động của mình dưới lăng kính các chuẩn mực xã hội, giá trị, ý nghĩa và giới hạn. Đó chính là những thứ đã khiến chúng ta trở thành người và phân biệt chúng ta với máy móc hay trí thông minh nhân tạo. Nó là tiền đề để mỗi cá nhân đạt được năng lực tự điều chỉnh, tự kiểm soát và thích nghi. Nó trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong một thế giới mà mức độ tương thuộc ngày càng cao và khả năng tàn phá của con người là ngoài sức tưởng tượng.

(Theo Phạm Thị Ly, trích Giáo dục và kỹ năng trong nền kinh tế số,

https://cuoituan.tuoitre.vn/giao-duc-va-ky-nang-trong-nen-kinh-te-so1479794.htm)

Câu 6: Dòng nào dưới đây nêu đúng một trong những biểu hiện của kỹ năng điều hòa căng thẳng và mâu thuẫn trong văn bản trên?

A. Có ý tưởng tạo ra những giá trị mới

B. Có khả năng chấp nhận sự khác biệt

C. Biết nhận ra và khắc phục sai lầm

D. Có khả năng chịu trách nhiệm

Câu 7: Theo văn bản trên, điều kiện chính để tạo ra giá trị mới là gì?

A. Phải chăm chỉ lao động và học tập

B. Phải thích nghi được với hoàn cảnh

C. Phải có tư duy sáng tạo

D. Phải có quan điểm nhất quán

Câu 8: Luận đề của văn bản trên là gì?

A. Những thách thức của giáo dục trong thời đại mới

B. Những lưu ý về cách giáo dục học sinh trong thế kỷ mới

C. Những nguyện vọng của học sinh trong thời gian tới

D. Những kỹ năng cần trang bị cho học sinh trong thế kỷ mới

Câu 9: Dòng nào dưới đây nêu đúng cách sắp xếp, trình bày luận đề và các luận điểm trong văn bản?

A. Nêu luận đề, sau đó triển khai thành các luận điểm cụ thể

B. Từ các luận điểm cụ thể, khái quát, tổng hợp thành luận đề

C. Từ luận đề triển khai thành các luận điểm, sau đó tổng hợp, mở rộng các luận điểm

D. Các luận điểm được trình bày tương đối độc lập và hướng đến luận đề ẩn

Câu 10: Theo văn bản trên, vì sao nhà trường phải trang bị cho thế hệ trẻ kỹ năng điều hòa căng thẳng và mâu thuẫn?

A. Thế giới đang phát triển theo xu hướng toàn cầu hóa.

B. Nhà trường hiện nay chưa chú trọng trang bị kỹ năng mềm.

C. Con người hiện đại thiếu khả năng chịu trách nhiệm.

D. Thế giới hiện đại vừa có sự mâu thuẫn vừa tương thuộc lẫn nhau.

Câu 11: Dòng nào dưới đây KHÔNG thể hiện hàm ý của câu: “Xã hội càng phức tạp thì càng khó vận hành nếu chỉ với các quy định của pháp luật, vì không thể quy định hết được những gì mỗi cá nhân được phép hay không được phép làm"?

A. Mỗi cá nhân phải có ý thức tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật.

B. Mỗi cá nhân đều phải sống theo hiến pháp và pháp luật.

C. Mỗi cá nhân phải ý thức được trách nhiệm trước mỗi việc làm.

D. Mỗi cá nhân phải dự đoán được ảnh hưởng của việc mình làm.

Câu 12: Dòng nào dưới đây thể hiện mục đích viết của văn bản trên?

A. Làm rõ mối quan hệ giữa các kỹ năng quan trọng của thế kỷ mới

B. Đề xuất một triết lý giáo dục cho nhà trường trong thế kỷ mới

C. Cảnh báo về sự xung đột giữa các ý tưởng, giữa các nền văn hóa

D. Đề xuất biện pháp giải quyết các vấn đề cấp bách trong xã hội

Thí sinh đọc văn bản và lựa chọn một phương án đúng theo yêu cầu từ câu 13 đến câu 20.

VÀO MẶT TRẬN LÚC MÙA VE ĐANG KÊU

    Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu

    Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ

    Trong những ba lô kia ai dám bảo là không có

    Một hai ba giọng hát chú ve kim?

 

    Vào mặt trận lúc giọng ve đang lên

    Hay tiếng gọi - lên đỉnh cao đánh giặc

    Đây mùa hạ lòng tôi sung sướng nhất

    Bao điểm chốt anh hùng, tôi nổ súng cùng ai.

 

    Vào mặt trận lúc giọng ve rất dài

    Như sông suối, như đoàn quân vô tận

    Da diết tiếng ve ngân chẳng tắt

    Tiếng ve bay theo chân bước trùng trùng.

 

    Vào mặt trận lúc giọng ve đang rung

    Chúng tôi sống tháng năm xao động lắm

    Truy kích địch có rất nhiều đêm trắng

    Nhiều đêm trong, tâm hồn cùng thức bên nhau.

 

    Ra mặt trận lúc giọng ve kêu mau

    Là khẩu lệnh khẩn trương vào trận cuối

    Những báng súng trong tay đều nóng hổi

    Những tim người đập theo tiếng ve kêu...

 

    Mùa khô ơi mùa khô thân yêu

    Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ

    Nhưng trong những ba lô kia, ai bảo là không có

    Một hai ba giọng hát chú ve kim?

(Hoàng Nhuận Cầm, in trong Xúc xắc mùa thu, Hò hẹn mãi

cuối cùng em cũng đến, NXB Hội Nhà văn, 2015,

 tr. 171-173)

Câu 13: Chủ thể trữ tình của bài thơ là ai?

A. Người lính trẻ

B. Đồng đội của người lính

C. Hòn bi lăn

D. Chú ve kim

Câu 14: Cụm từ nào dưới đây được lặp lại nhiều nhất trong bài thơ?

A. Điểm chốt anh hùng

B. Báng súng

C. Giọng ve

D. Ba lô

Câu 15: Hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường nào được sử dụng trong dòng thơ “Da diết tiếng ve ngân chẳng tắt”?

A. Sử dụng hình thức đảo ngữ

B. Tạo kết hợp từ trái logic

C. Cung cấp nét nghĩa mới cho từ

D. Bổ sung chức năng mới cho dấu câu

Câu 16: Cụm từ “tháng năm xao động” trong dòng thơ “Chúng tôi sống tháng năm xao động lắm” có ý nghĩa gì?

A. Chỉ khoảng thời gian tuổi thơ trong ký ức của chủ thể trữ tình

B. Chỉ khoảng thời gian đầy biến động của lịch sử đất nước

C. Chỉ khoảng thời gian tươi đẹp, nhiều hoài bão của tuổi trẻ

D. Chỉ khoảng thời gian đáng nhớ nhất trên con đường hành quân

Câu 17: Hình ảnh “hòn bi lăn” trong bài thơ có ý nghĩa gì?

A. Kỷ niệm tuổi thơ của người lính

B. Ký ức chiến tranh của người lính

C. Ước mơ thanh bình của người lính

D. Ý chí quyết tâm của người lính

Câu 18: Tác dụng của câu hỏi tu từ trong những dòng thơ dưới đây là gì?

                               Nhưng trong những ba lô kia, ai bảo là không có

                               Một hai ba giọng hát chú ve kim?

A. Thể hiện sự tiếc nuối kỷ niệm tuổi thơ

B. Thể hiện sự gắn bó với đồng đội

C. Thể hiện sự trân trọng kỷ niệm tuổi thơ

D. Thể hiện sự hồi tưởng về ký ức đời lính

Câu 19: Vai trò của chi tiết “giọng ve” trong việc thể hiện mạch cảm xúc của bài thơ là gì?

A. Là duyên cớ khơi gợi mạch cảm xúc của bài thơ

B. Tạo bước ngoặt trong mạch cảm xúc của bài thơ

C. Tạo sự thống nhất cho mạch cảm xúc của bài thơ

D. Tạo sự mơ hồ cho mạch cảm xúc của bài thơ

Câu 20: Chủ đề chính của bài thơ là gì?

A. Sự gắn bó của người lính với quê hương

B. Vẻ đẹp tâm hồn của người lính

C. Ký ức tuổi thơ thanh bình của người lính

D. Tinh thần dũng cảm của người lính

PHẦN II: NGHỊ LUẬN

Câu 1: Viết đoạn văn (khoảng 200 - 250 chữ) phân tích những trạng thái cảm xúc của chủ thể trữ tình trong bài thơ Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu (Hoàng Nhuận Cầm).

Câu 2: Viết bài luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/ chị về việc tự khẳng địnhbản thân của giới trẻ hiện nay.

--------------HẾT--------------

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

2. Đáp án tham khảo

PHẦN 1: ĐỌC -HIỂU

Câu hỏi

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

Đáp án

C

A

D

B

C

B

C

D

A

D

Câu hỏi

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

Đáp án

A

B

A

C

A

B

A

C

A

B

PHẦN 2: TỰ LUẬN

Câu 1: Viết đoạn văn (khoảng 200 - 250 chữ) phân tích những trạng thái cảm xúc của chủ thể trữ tình trong bài thơ Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu (Hoàng Nhuận Cầm).

Yêu cầu:

- Yêu cầu hình thức: viết đúng hình thức một đoạn văn, lùi vào đầu hàng và chấm cuối câu.

- Yêu cầu nội dung:

 + Viết đúng trọng tâm đề bài yêu cầu (phân tích những trạng thái cảm xúc của chủ thể trữ tình).

 + Nêu được các giá trị nội dung và nghệ thuật tiêu biểu.

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về văn bản Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu (Hoàng Nhuận Cầm) để viết đoạn văn.

Cách giải:

Thể hiện đầy đủ các nội dung:

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm: bài thơ Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu là bài thơ tiêu biểu của Hoàng Nhuận Cầm viết về đề tài chiến tranh.

* Phân tích trạng thái cảm xúc của chủ thể trữ tình:

- Nỗi nhớ quê hương, gia đình và tuổi thơ: mùa hè với “tiếng ve" kêu gọi lên hình ảnh quen thuộc của quê hương và những kỷ niệm thời niên thiếu.

- Tình yêu đất nước và lí tưởng chiến đấu: thể hiện qua các hình ảnh “truy kích giặc”, “súng nổ”, “báng súng nóng hổi”, “tim người” đập rộn ràng...

- Sự lạc quan và tinh thần lãng mạn: hình ảnh “mùa hè”, “tiếng ve kêu” và những ký ức tuổi trẻ không chỉ gợi lên nỗi nhớ mà còn thể hiện một tâm hồn yêu đời, yêu thiên nhiên.

- Nỗi buồn và sự lo lắng về tương lai: “nhiều đêm trắng” thức cùng đồng đội để nghĩ về tương lai, sự an nguy của bản thân, đồng đội và đất nước.

- Khát vọng hòa bình và cuộc sống hạnh phúc: dù phải đối mặt với hiểm nguy, họ vẫn nuôi hy vọng về một ngày mai tươi sáng.

* Phân tích nghệ thuật đặc sắc:

- Ngôn ngữ trữ tình và giàu hình ảnh: ngôn ngữ gần gũi, các hình ảnh thân quen “mùa ve kêu”, “tiếng ve”, “trăng”, “đất trời mùa hạ”.

Vân dụng thành công các biện pháp tu từ: ẩn dụ, điệp cấu trúc, so sánh, đảo ngữ, câu hỏi tu từ.

Giọng điệu lãng mạn và hào hùng: lãng mạn trong cách miêu tả thiên nhiên, ký ức tuổi thơ; hào hùng trong tinh thần quyết tâm, ý chí chiến đấu của người lính.

Đậm tính nhạc: nhịp điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển, giống như tiếng ve kêu râm ran giữa mùa hè.

=> Tất cả những yếu tố này đã tạo nên một bài thơ vừa giàu chất trữ tình, vừa mạnh mẽ, phản ánh chân thực và đầy cảm xúc những tâm trạng của người lính trong bối cảnh chiến tranh.

Câu 2: Viết bài luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/ chị về việc tự khẳng định bản thân của giới trẻ hiện nay.

Yêu cầu:

- Yêu cầu hình thức: viết đúng hình thức một bài văn khoảng 600 chữ.

- Yêu cầu nội dung: viết đúng trọng tâm đề bài yêu cầu (bày tỏ ý kiến về việc tự khẳng định bản thân của giới trẻ hiện nay).

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội

Cách giải:

1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận: Tự khẳng định bản thân của giới trẻ hiện nay

2. Thân bài:

a. Giải thích vấn đề

- Khẳng định mình là phát huy cao nhất năng lực, in dấu ấn cá nhân trong không gian cũng như trong thời gian, cụ thể là trong môi trường và lĩnh vực hoạt động của riêng mình.

- Ở các thời đại và xã hội khác nhau, việc tự khẳng định mình của con người vươn theo những tiêu chuẩn và lý tưởng không giống nhau.

b. Bàn luận vấn đề:

- Trong thời đại ngày nay, việc giới trẻ tự khẳng định mình mang một ý nghĩa đặc biệt, nhất là trong thời đại công nghệ số ngày càng phát triển.

- Khẳng định bản thân là biết đặt kế hoạch rèn luyện để có được những phẩm chất xứng đáng, đáp ứng tốt những yêu cầu của lĩnh vực hoạt động mà mình tham gia, có thể chiếm được lòng tin và sự tôn trọng của mọi người.

- Muốn đạt được sự khẳng định ấy, phải phụ thuộc vào chính năng lực của mình. Bởi thế, rèn luyện năng lực, bồi đắp năng lực cá nhân là con đường tự khẳng định mình phù hợp và đúng đắn.

- Khi khẳng định bản thân là khi chúng ta thực sự thúc đẩy sự phát triển bền vững của cuộc sống, của xã hội. Sự khẳng định mình bước đầu không nhất thiết phải gắn liền với những kế hoạch đầy tham vọng. Nó có thể được bắt đầu từ những việc làm nhỏ trên tinh thần trung thực và hiệu quả.

- Ý nghĩa của việc tự khẳng định bản thân:

+ Tạo nên giá trị của mình với những người xung quanh, được tôn trọng trong một tập thể nhất định.

+ Bài học về tự khẳng định bản thân.

+ Định vị được chính mình, thấu hiểu bản thân.

+ Tạo ra được những lợi ích cho chính bản thân mình cũng như những người xung quanh.

+ Tự tin vào chính mình là cách để mở ra những cánh cửa lớn hơn cho tương lai.

- Tuy nhiên, sự áp lực trước nhiều chiều hướng phát triển khác nhau của cuộc sống, sự suy giảm lòng tin vào lý tưởng của bản thân cũng là những nguyên nhân quan trọng khiến ý thức tự khẳng định mình của mỗi cá nhân có những biểu hiện lệch lạc

c. Bài học nhận thức và hành động:

- Về nhận thức:

+ Không ngừng vươn lên tự khẳng định mình, nhất là trong khó khăn, thử thách.

- Về hành động:

 + Đặt ra kế hoạch cụ thể, từng bước hoàn thiện bản thân.

 + Đặt ra các mục tiêu cụ thể trong cuộc sống và không ngừng nỗ lực vươn lên hoàn thành nó.

3. Kết bài:

- Khẳng định lại ý kiến: Biết tự khẳng định mình là một đòi hỏi bức thiết đối với mỗi con người.

- Liên hệ bản thân.

 

Trên đây là toàn bộ nội dung Đề minh hoạ ĐGNL 2025 môn Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.Chúc các em học tập tốt!

VIDEO
YOMEDIA
Trắc nghiệm hay với App HOC247
YOMEDIA
NONE

ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
OFF