Bộ sách Ngữ văn 6 - Cánh diều đã gây cho các em học sinh những bỡ ngỡ, khó khăn nhất định khi tiếp cận bộ sách này. Thấu hiểu được điều đó, Học247 xin gửi đến các em tài liệu Bộ 5 đề thi Học kì 1 môn Ngữ văn 6 Cánh diều năm 2022-2023 có đáp án Trường THCS Nguyễn Tri Phương dưới đây. Hy vọng rằng tài liệu này sẽ giúp các em có sự chuẩn bị cho kì thi Học kì 1 sắp tới thật tốt. Chúc các em có kết quả học tập tốt!
TRƯỜNG THCS NGUYỄN TRI PHƯƠNG |
ĐỀ THI HỌC KÌ 1 MÔN: NGỮ VĂN 6 CÁNH DIỀU NĂM HỌC: 2022-2023 (Thời gian làm bài: 90 phút) |
ĐỀ SỐ 1
I. Đọc - hiểu (5,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:
MẸ
Lặng rồi cả tiếng con ve
Con ve cũng mệt vì hè nắng oi
Nhà em vẫn tiếng ạ ời
Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru
Lời ru có gió mùa thu
Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về
Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.
(Trần Quốc Minh)
Câu 1 (0,5 điểm) Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào? Phương thức biểu đạt chính là gì?
Câu 2 (0,5 điểm) Ghi lại các 5 từ ghép có trong bài thơ trên?
Câu 3 (0,5 điểm) Bài thơ trên thể hiện tình cảm gì? (Trả lời khoảng 2 dòng).
Câu 4 (1,0 điểm) Hai câu thơ “Những ngôi sao thức ngoài kia/Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con ” sử dụng phép tu từ nào? Tác dụng của phép tu từ đó?
Câu 5 (1 điểm) Em hiểu câu thơ “ Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.” như thế nào?
Câu 6 (1,5 điểm) Nêu suy nghĩ của em về tình mẹ đối với mỗi người? (Trả lời khoảng 3 - 4 dòng).
II. Tập làm văn (5,0 điểm)
Chắc hẳn trong quãng thời gian là học sinh Tiểu học, các em đã có những kỉ niệm không thể nào quên với một thầy cô nào đó. Em hãy kể lại một kỉ niệm đáng nhớ, có ý nghĩa nhất với thầy cô em từng học thời Tiểu học.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
I. Đọc - hiểu
Câu 1
- Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ lục bát.
- Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm
Câu 2
Ghi lại các 5 từ ghép: con ve, mùa thu, ngôi sao, ngọn gió, lời ru….
Câu 3
Bài thơ giản dị, xây dựng dựa trên việc sử dụng các thủ pháp nghệ thuật đã thể hiện tình mẫu tử rất thiêng liêng. Không những thế bài thơ này còn chất chứa nỗi vất vả của mẹ khi sinh thành và nuôi nấng con thành lời. Chính lời ru của mẹ cứ thế nhẹ nhàng và âu yếm thẩm thấu vào tâm hồn non nớt của con.
Câu 4
- Hai câu thơ “Những ngôi sao thức ngoài kia/Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con ” sử dụng phép tu từ nhân hóa và so sánh. - Tác dụng thể hiện tình yêu thương con sâu sắc của người mẹ. So với những ngôi sao trên bầu trời cao, sự hi sinh của mẹ còn vĩ đại hơn nhiều. Mẹ là người đã không quản gian nan, khó nhọc, không quản thức trắng đêm thâu để quạt mát cho con ngủ. Với mẹ con là tất cả, là nguồn sống cả đời của mẹ.
Câu 5
- Câu thơ “ Mẹ là ngọn gió của con suốt đời” sử dụng phép so sánh. Tình cảm của mẹ con luôn thiêng liêng, dịu êm và bền vừng nhất. Đi suốt một đời, tình mẹ ngọt ngào mãi bên con, nâng bước con đi. Câu thơ khẳng định một cánh thấm thía tình mẹ bao la, vĩnh hằng nhất.
- Lưu ý: HS có thể trình bày cách khác nhưng hợp lí vẫn tính điểm
Câu 6
- Tình mẫu tử chính là tình cảm thiêng liêng vô giá, một thứ tình cảm cao quý bởi đó chính là mối quan hệ gắn bó ruột thịt giữa mẹ và con cái. “Mẫu” chính là mẹ và “tử” có nghĩa là con. Bởi vậy, tình mẫu tử chính là sự quan tâm, sự săn sóc và yêu thương vô hạn của người mẹ dành cho con. Vì cuộc sống an nhiên của người con mà mẹ chấp nhận hi sinh vô điều kiện. Sự thành công và hạnh phúc của con chính là niềm mong ước lớn lao của người mẹ. Cũng bởi thế mà tình mẹ được ví von như biển Thái Bình dạt dào, như dòng suối hiền bao la chảy mãi…
- Lưu ý: HS có thể trình bày cách khác nhưng hợp lí vẫn tính điểm
II. Tập làm văn
* Yêu cầu về hình thức
- Đảm bảo cấu trúc của một bài văn: có đầy đủ mở bài, thân bài, kết bài.
- Trình bày sạch sẽ, khoa học.
- Không mắc lỗi diễn đạt.
- Không viết sai chính tả.
* Yêu cầu về nội dung
- Xác định đúng đối tượng và triển khai đúng vấn đề: kỉ niệm về một người thầy (cô) giáo cũ.
- Kể theo ngôi thứ nhất: tôi, em,…
- Có thể trình bày theo hướng sau:
a. Mở bài
- Giới thiệu về người thầy (cô) của em, từng dạy em lớp mấy?
- Ấn tượng sâu đậm và tình cảm của em về thầy (cô) đó.
b. Thân bài
- Đó là chuyện gì? Xảy ra khi nào? Những ai có liên quan đến câu chuyện?
- Diễn biến của câu chuyện: em, người thầy (cô) và mọi người trong câu chuyện đã nói gì và làm gì? Điều gì xảy ra? Theo thứ tự thế nào? Vì sao chuyện lại xảy ra như vậy?
- Cảm xúc, tâm trạng, tình cảm của em, của thầy (cô) giáo cũ như thế nào khi câu chuyện diễn ra và khi kể lại câu chuyện?
---(Để xem tiếp đáp án phần Tập làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 2
I. Đọc - hiểu (5,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
“… Dẹp giặc tan, Gióng đến chân núi Sóc, cởi áo sắt để lại, rồi cả người lẫn ngựa bay lên trời. Gióng ra đời đã phi thường thì ra đi cũng phi thường. Nhân dân trân trọng, yêu mến, muốn giữ mãi hình ảnh người anh hùng, nên đã để cho nhân vật trở về với cõi vô biên bất tử, để nhân vật sống mãi. Đó là phần thưởng cao nhất, đẹp nhất trao tặng người anh hùng. Hình tượng Gióng đã được bất tử hoá. Bay lên trời, Gióng hoá rồi. Gióng là non nước, đất trời, là mọi người Văn Lang, Gióng sống mãi.
Chiến công của Gióng còn để lại cho quê hương, xứ sở nhiều chứng tích địa danh, sản vật,... Đó là dấu vết ngựa sắt phun ra lửa làm nên màu tre đằng ngà vàng óng, dấu chân ngựa thành những ao hồ chi chít. Nhân dân còn kể chỗ nào Gióng bắt đầu xuất quân; chỗ nào đoàn trẻ chăn trâu, người thợ rèn đi theo Gióng; chỗ nào Gióng nhổ bụi tre khổng lồ. Hội Gióng hằng năm cũng dựng lại cảnh không khí dân làng nuôi Gióng, bức tranh Gióng ra trận. Tất cả những chứng tích ấy như những viện bảo tàng thiên nhiên, bảo tàng lịch sử, bảo tàng văn hoá về Gióng, như muốn minh chứng rằng câu chuyện có thật, làm mọi người tin vào truyền thống giữ nước của dân tộc.
(SGK Cánh Diều – Ngữ văn 6 – Trang 82)
Câu 1 (0,5 điểm) Đoạn trích trên thuộc văn bản nào, của ai?
Câu 2 (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 3 (0,5 điểm) Trong đoạn trích, “phần thưởng cao nhất, đẹp nhất” mà nhân dân trao tặng cho Gióng là gì?
Câu 4 (1,0 điểm) Chép lại câu văn có sử dụng dấu chấm phẩy. Nêu công dụng của dấu chấm phẩy được sử dụng trong câu văn đó.
Câu 5 (1,5 điểm) Từ nội dung của đoạn trích, em hãy viết một đoạn văn (6-10 dòng) bàn về hình tượng Thánh Gióng, trong đó có sử dụng thành ngữ “độc nhất vô nhị”.
Câu 6 (1,0 điểm) Truyền thống quý báu nào của dân tộc được nhắc đến trong đoạn trích? Là học sinh, em cần phải làm gì để gìn giữ và phát huy truyền thống đó.
II. Tập làm văn (5,0 điểm)
Tuổi thơ là quãng thời gian đẹp đẽ và êm đềm nhất đối với chúng ta. Tuổi thơ ấu lưu giữ biết bao kỉ niệm, có vui, có buồn nhưng sẽ giúp ta khôn lớn, trưởng thành hơn. Em hãy kể lại một kỉ niệm khiến em nhớ mãi không quên.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. Đọc - hiểu (5,0 điểm)
Câu 1
- Văn bản: Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước.
- Tác giả: Bùi Mạnh Nhị.
Câu 2
- Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
Câu 3
Trong đoạn trích, “phần thưởng cao nhất, đẹp nhất” mà nhân dân trao tặng cho Gióng là: sự trân trọng, yêu mến, muốn giữ mãi hình ảnh người anh hùng Gióng, để cho nhân vật trở về với cõi vô biên bất tử, để nhân vật sống mãi.
Câu 4
- Câu văn có sử dụng dấu chấm phẩy: Nhân dân còn kể chỗ nào Gióng bắt đầu xuất quân; chỗ nào đoàn trẻ chăn trâu, người thợ rèn đi theo Gióng; chỗ nào Gióng nhổ bụi tre khổng lồ.
- Công dụng của dấu chấm phẩy: dùng để đánh dáu ranh giới giữa các bộ phận trong một phép liệt kê phức tạp.
Câu 5
* Hs viết đoạn văn về hình tượng Thánh Gióng (6-10 dòng), có sử dụng thành ngữ “độc nhất vô nhị”. Gv chấm trân trọng suy nghĩ, ý tưởng của học sinh và có thể dựa trên những gợi ý sau:
- Thánh Gióng là tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước, là “độc nhất vô nhị” trong lòng nhân dân ta.
- Sức mạnh của Gióng không chỉ tượng trưng cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết mà còn là sức mạnh của sự kết hợp giữa con người và thiên nhiên, bằng cả vũ khí thô sơ (tre) và hiện đại (roi sắt).
- Xây dựng hình tượng Thánh Gióng còn thể hiện ước mơ hòa bình của nhân dân ta về người anh hùng cứu quốc chống giặc ngoại xâm.
Câu 6
- Truyền thống quý báu của dân tộc: “truyền thống giữ nước”
- Hs trả lời là: truyền thống yêu nước, truyền thống đánh giặc cứu nước, … đều cho điểm tối đa 0,5 điểm.
- Hs liên hệ cần phải làm để gìn giữ và phát huy truyền thống giữ nước. Gv chấm trân trọng suy nghĩ, ý tưởng của học sinh và có thể dựa trên những gợi ý sau:
+ Chăm chỉ học tập, rèn luyện để sau này trở thành công dân có ích, cống hiến vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.
+ Tuyên truyền, phát huy truyền thống yêu nước trong tập thể lớp, nhà trường, cộng đồng,…
+ Nhớ ơn các vua Hùng, các vị anh hùng dân tộc, các liệt sĩ, thương bệnh binh,…
0,5
II. Tập làm văn
*Yêu cầu về hình thức
- Đảm bảo cấu trúc của một bài văn: có đầy đủ mở bài, thân bài, kết bài.
- Trình bày sạch sẽ, khoa học.
- Không mắc lỗi diễn đạt.
- Không viết sai chính tả.
* Yêu cầu về nội dung
- Xác định đúng đối tượng và triển khai đúng vấn đề: kỉ niệm khó quên của em
- Kể theo ngôi thứ nhất: tôi, em,…
- Có thể trình bày theo hướng sau:
a. Mở bài
- Giới thiệu về kỉ niệm đáng nhớ em định kể
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 3
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (6 ĐIỂM)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
BUỔI ĐẦU TIÊN HỌC TRƯỜNG YÊN PHỤ
Tôi chỉ có tội ham chơi chứ học không đến nỗi dốt lắm, vì cha tôi dạy tôi chữ Nho rồi chữ Quốc ngữ chung với vài đứa em họ tôi và con một người bạn của mẹ tôi. Chúng đều hơn tôi hai, ba tuổi mà học kém tôi.
Học như vậy được khoảng hai năm, rồi cha tôi nhờ một thầy kí có bằng Tiểu học Pháp Việt dạy vần Tây cho tôi. Đầu năm Canh Thân (1920), cha tôi xin cho tôi được vào học lớp dự bị Trường Yên Phụ. Lúc đó, vào giữa năm học, chắc tôi không được chính thức ghi tên vô sổ.
Buổi học đầu tiên của tôi nhằm ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch. Cha tôi dậy sớm, sắp xếp bút mực, thước kẻ, sách vở vào cái cặp da nhỏ (một xa xỉ phẩm thời đó) rồi khăn áo chỉnh tề, thuê một chiếc xe kéo bánh sắt (chưa có bánh cao su) để đưa tôi tới trường ở dưới chân đê Yên Phụ, cách nhà tôi hai cây số, dắt tôi lại chào thầy Hà Ngọc Chử, gởi gắm tôi với thầy. Ngày nay, đọc lại hai trang đầu bài Tựa cuốn Thế hệ ngày mai, trong đó, tôi chép lại một buổi học đầu tiên của tôi và buổi học đầu tiên của con tôi ngoài hai chục năm sau vẫn còn bùi ngùi: tình cha tôi đối với tôi, và tình vợ chồng tôi đối với con tôi, sự săn sóc của chúng tôi đối với con y như nhau, hai thế hệ một tấm lòng, một tinh thần.
Tôi còn thấy rõ nét mặt của cha tôi, của thầy Chử, cảnh sân trường, cảnh lớp học, tưởng đâu như việc mới xảy ra tháng trước, thế mà đã sáu chục năm qua rồi. Bài Tựa đó đã làm cảm động nhiều độc giả, có người định lựa cho vào một tập Văn tuyển.
Hôm đó, cả sáng lẫn chiều, cha tôi đưa tôi tới trường, rồi đợi tan học lại đưa tôi về. Nhưng chỉ ngày hôm sau, cha tôi kiếm được một bạn học cùng lớp với tôi, lớn hơn tôi một, hai tuổi, nhà ở Hàng Mắm gần nhà tôi, và nhờ em đó hễ đi học thì rẽ vào nhà tôi, đón tôi cùng đi. Từ đó, người khỏi phải đưa tôi nữa, và mỗi ngày tôi với bạn đi đi về về bốn lượt, từ nhà tôi tới trường, từ trường về nhà. Mùa hè để tránh nắng, chúng tôi theo bờ đê Nhị Hà, qua phố Hàng Nâu, Ô Quan Chưởng gần cầu Đu-me (Doumer) (cầu Long Biên), bến Nứa để hưởng hương thơm ngào ngạt của vài cây đuôi chồn (loại lilas) ở khỏi dốc Hàng Than, lá mùa xuân xanh như ngọc thạch, mùa đông đỏ như lá bàng. Mùa đông để tránh gió bấc từ sông thổi vào, chúng tôi theo con đường ở phía trong, xa hơn, qua phố Hàng Đường, Hàng Than, sau nhà máy nước, nhà máy thuốc lá. Có lẽ, nhờ đi bộ như vậy, mỗi ngày tám cây số, luôn năm, sáu năm trời nên thân thể cứng cáp, mặc dầu thiếu ăn thiếu mặc.
(Theo Nguyễn Hiến Lê)
I. Trắc nghiệm (3 điểm)
Khoanh tròn vào chữ cái trước câu trả lời em cho là đúng, mỗi đáp án đúng được 0,5 điểm.
Câu 1: Văn bản trên thuộc thể loại gì?
A. Hồi kí
B. Du kí
C. Truyện ngắn
D. Tiểu thuyết
Câu 2: Nội dung chính của văn bản trên được thể hiện rõ ở phần nào?
A. Câu mở đầu văn bản
B. Câu cuối văn bản
C. Tiêu đề (nhan đề) của văn bản
D. Câu mở đầu các đoạn văn
Câu 3: Dòng nào dưới đây ghi đúng tính chất thể loại của văn bản này?
A. Ghi lại những sự việc có thực mà tác giả đã trải qua
B. Ghi lại những sự việc trọng đại đã xảy ra trong quá khứ
C. Ghi lại những câu chuyện của các danh nhân nổi tiếng
D. Ghi lại những lời giáo huấn, răn đe
Câu 4: Tính chất xác thực của văn bản trên thể hiện ở chi tiết nào sau đây?
A. Bài Tựa đó đã làm cảm động nhiều độc giả
B. Hôm đó, cả sáng lẫn chiều, cha tôi đưa tôi tới trường, rồi đợi tan học lại đưa tôi về.
C. Chúng tôi theo bờ đê Nhị Hà, qua phố Hàng Nâu, Ô Quan Chưởng…
D. Cha tôi dậy sớm, sắp xếp bút mực, thước kẻ, sách vở vào cái cặp da nhỏ.
Câu 5: Dòng nào chứa cảm xúc của người viết:
A. Buổi học đầu tiên của chúng tôi nhằm ngày 7 tháng Giêng Âm lịch
B. Lúc đó vào giữa năm học, chắc tôi không được ghi tên chính thức vào sổ
C…. thế mà đã sáu chục năm qua rồi!
D. … cha tôi tới đón tôi ở trường, rồi đợi tan học lại đưa tôi về.
Câu 6: Câu nào sau đây khái quát đúng ý nghĩa của văn bản trên?
A. Sự quan tâm của người cha tới việc học hành của con cái là hết sức quan trọng, đặc biệt là buổi học đầu tiên
B. Sự quan tâm của bạn bè cùng thế hệ là hết sức quan trọng, đặc biệt là buổi học đầu tiên
C. Sự quan tâm của thầy cô giáo với học trò là hết sức quan trọng, đặc biệt là buổi học đầu tiên
D. Sự quan tâm của nhà trường đối với học trò là hết sức quan trọng, đặc biệt là buổi học đầu tiên.
II. Tự luận (3 điểm)
Câu 7 (1,5 điểm): Trong câu: “Cha tôi dạy sớm… để đưa tôi tới trường ở dưới chân đê Yên Phụ”, từ “chân” được hiểu theo nghĩa nào? Từ “chân” là một từ đa nghĩa, em hãy đặt câu với từ “chân” có nghĩa khác với nghĩa trên và giải thích rõ nghĩa.
Câu 8 (1,5 điểm): Văn bản được kể theo ngôi thứ mấy? Nêu tác dụng của ngôi kể đó?
PHẦN II. VIẾT (4 ĐIỂM)
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
(Ca dao)
Viết đoạn văn khoảng 10 câu phát biểu cảm nghĩ của em về bài ca dao trên. Trong đoạn văn sử dụng câu có vị ngữ là cụm từ. Gạch chân và xác định phần trung tâm và thành tố phụ của cụm từ đó.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)
Phần trắc nghiệm: 3,0 điểm. Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm
Câu 1. A
Câu 2. C
Câu 3. A
Câu 4. C
Câu 5. C
Câu 6. A
Phần tự luận: 3,0 điểm
Câu 7
- Nghĩa của “chân” trong từ “chân đê”: phần dưới cùng của một số vật, tiếp giáp và bám chặt vào mặt nền.
- HS đặt câu đúng ngữ pháp, nội dung hợp lí.
- Giải nghĩa từ “chân” chính xác. Ví dụ:
+ bộ phận dưới cùng của cơ thể người hay động vật, dùng để đi, đứng, chạy, nhảy, …
+ bộ phận dưới cùng của một số đồ dùng, có tác dụng đỡ cho các bộ phận khác
Câu 8
- Văn bản được kể theo ngôi thứ nhất.
- Tác dụng của ngôi kể thứ nhất:
+ Giúp tác giả dễ dàng ghi lại những cảm xúc, tâm trạng, quan sát, … mà chính tác giả đã trải qua trong buổi học đầu tiên…
+ Câu chuyện được kể giản dị, chân thực – gây xúc động cho người đọc.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 4
PHẦN I: ĐỌC – HIỂU (6 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
MẸ
Lặng rồi cả tiếng con ve
Con ve cũng mệt vì hè nắng oi
Nhà em vẫn tiếng ạ ời
Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru
Lời ru có gió mùa thu
Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về
Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.
(Trần Quốc Minh)
Trả lời câu hỏi bằng cách khoanh tròn vào đáp án đúng nhất.
Câu 1: Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?
A. Ngũ ngôn
B. Lục bát
C. Song thất lục bát
D. Tự do
Câu 2: Phương thức biểu đạt chính của bài thơ là gì?
A. Tự sự
B. Miêu tả
C. Biểu cảm
D. Nghị luận
Câu 3: Những âm thanh nào được tác giả nhắc tới trong bài thơ?
A. Tiếng ve, tiếng nhạc, tiếng hát.
B. Tiếng ve, tiếng võng, tiếng ru à ời
C. Tiếng gió, tiếng ve, tiếng võng …
D. Tiếng quạt, tiếng võng, tiếng ve ...
Câu 4: Dòng nào nêu đúng nội dung của bài thơ trên?
A. Thời tiết nắng nóng khiến cho những chú ve cũng cảm thấy mệt mỏi.
B. Nỗi vất vả cực nhọc của mẹ khi nuôi con và tình yêu vô bờ bến mẹ dành cho con
C. Bạn nhỏ biết làm những việc vừa sức để giúp mẹ.
D. Bài thơ nói về việc mẹ hát ru và quạt cho con ngủ.
Câu 5: Tác giả sử dụng biện pháp tu từ nào trong câu thơ: Những ngôi sao thức ngoài kia/ Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con?
A. Ẩn dụ, nhân hóa
B. So sánh, điệp ngữ.
C. So sánh, nhân hóa
D. Ẩn dụ, điệp ngữ.
Câu 6: Dãy từ nào sau đây là từ ghép?
A. Con ve, tiếng võng, ngọn gió, lời ru
B. Con ve, nắng oi, ạ ời, ngoài kia, gió về.
C. Con ve, tiếng võng, lặng rồi, ạ ời ...
D. Con ve, bàn tay, ạ ời, kẽo cà.
Câu 7: Theo em từ “giấc tròn” trong bài thơ có nghĩa là gì?
A. Con ngủ ngon giấc
B. Con ngủ mơ thấy trái đất tròn
C. Không chỉ là giấc ngủ mà còn là cả cuộc đời con.
D. Giấc ngủ của con rất tròn đầy.
Câu 8: Văn bản thể hiện tâm tư, tình cảm gì của tác giả đối với người mẹ?
A. Nỗi nhớ thương người mẹ hiền đã mất.
B. Lòng biết ơn, trân trọng với người mẹ tảo tần lam lũ.
C. Tình yêu thương của người con (nhân vật trữ tình) với mẹ.
D. Cả 3 đáp án trên.
PHẦN II: TẬP LÀM VĂN (4,0 điểm)
Bài thơ Mẹ (Trần Quốc Minh) gợi cho ta nhớ tới những vất vả cực nhọc và tình yêu thương của mẹ dành cho chúng ta. Em hãy chia sẻ một kỉ niệm sấu sắc nhất của mình với mẹ bằng một bài văn.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4
Phần I
1. B
2. C
3. B
4. B
5. C
6. A
7. C
8. D
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 5
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Biện pháp tu từ nhân hóa được tác giả sử dụng trong câu thơ “Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa”. Cái nón ấy khi xưa mẹ đội ra đồng làm mọi công việc của một nhà nông (nón mê xưa đứng), nay đã sờn cũ, hỏng vành vẫn được mẹ dùng để đậy chum tương, cái chum thấp, dáng khum khum, được đội chiếc nón lên trên, trong buổi trời òa mưa rơi nhìn như dáng người ngồi (nay ngồi dầm mưa). Hành động “đứng”, “ngồi dầm mưa” trong phép nhân hóa đã khiến cho hình ảnh chiếc nón mê trở nên chân thực, sinh động, mà còn như hiện ra bóng dáng lam lũ, vất vả, nhọc nhằn, tảo tần suốt bốn mùa mưa nắng của mẹ. Nhờ cách diễn đạt này, tác giả đã thể hiện được tình cảm yêu thương, gắn bó với mẹ và mái nhà của mẹ.
(Theo Sách giáo viên Ngữ văn 6, Tập I – Cánh Diều)
Câu 1 ( 0.5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích.
Câu 2 (1.5 điểm) Để làm rõ cái hay của câu thơ “Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa”, tác giả đã tập trung phân tích biện pháp nghệ thuật nào.? Có tác dụng gì?
Câu 3 ( 1.0 điểm) Xác định nội dung chính của đoạn trích.
PHẦN II: TẬP LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm):
Viết đoạn văn (Khoảng 5- 7 câu) thể hiện cảm nghĩ của em về nhà văn Nguyên Hồng, trong đó có sử dụng thành ngữ.
Câu 2 (5,0 điểm):
Kể về một kỉ niệm của bản thân .
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5
Phần I: Đọc – hiểu (3.0 điểm)
Câu 1
Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích: Nghị luận
Câu 2
- Để làm rõ cái hay của câu thơ “Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa”, tác giả đã tập trung phân tích biện pháp nghệ thuật: Nhân hóa
- Tác dụng: đã khiến cho hình ảnh chiếc nón mê không chỉ trở nên chân thực, sinh động, mà còn như hiện ra bóng dáng lam lũ, vất vả, nhọc nhằn, tảo tần suốt bốn mùa mưa nắng của mẹ.
Câu 3
Xác định nội dung chính của đoạn trích: Phân tích vẻ đẹp của câu thơ “Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa”(Trích bài thơ À ơi tay mẹ - Bình Nguyên)
Phần II (7.0 điểm)
Câu 1 ( 2 điểm)
HS viết đoạn đảm bảo theo chuẩn kiế thức kĩ năng sau:
a. Kĩ năng:
- Hình thức đoạn văn.
- PTBĐ chính: Biểu cảm
- Đảm bảo từ 5-7 câu, đánh số câu.
- Trình bày sạch đẹp, không mắc lỗi chính tả, lỗi diễn đạt.
b. Kiến thức:
* Mở đoạn: Giới thiệu và nêu cảm nhận khái quát về nhà văn Nguyên Hồng.
* Thân đoạn:
- Trình bày cảm nhận về tác giả Nguyên Hồng trên cơ sở nội dung các văn bản đã học
+ Nguyên Hồng là người có tính nhạy cảm.
+ Lí do Nguyên Hồng có tính nhạy cảm.
+ Hoàn cảnh sống lam lũ của Nguyên Hồng -> tình thương yêu, cảm thông của Nguyên Hồng với người lao động tạo nên “chất dân nghèo, chất lao động” rất riêng trong phong cách sống và sáng tác của ông.
* Kết đoạn: Khẳng định tình cảm của mình với nhà văn Nguyên Hồng.
- Sử dụng một thành ngữ, gạch chân.
Câu 2.
2.1. Yêu cầu chung
- Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để kể lại truyện.
- Đảm bảo thể thức văn bản, tính liên kết, diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
- Sử dụng ngôi kể thứ ba để kể chuyện.
2.2. Yêu cầu cụ thể
a. Đảm bảo về hình thức của bài văn tự sự.
- Hình thức: đảm bảo 1 bài văn, viết đúng thể loại tự sự. Bài văn đảm bảo 3 phần, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc; dùng từ, đặt câu tốt; đảm bảo sự liên kết...
b. Xác định đúng vấn đề
- Kể lại được các sự việc trong truyện theo thể loại Hồi kí hoặc Du kí
c. Yêu câù về nội dung: 4,0 đ
* Mở bài:
- Dẫn dắt, giới thiệu kỉ niệm: kỉ niệm gì? gắn liền với ai? ở đâu?
- Nêu ấn tượng chung về kỉ niệm: nhớ mãi, không quên,…
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi HK1 môn Ngữ văn 6 Cánh diều năm 2022-2023 Trường THCS Nguyễn Tri Phương. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !
Tài liệu liên quan
Tư liệu nổi bật tuần
-
Đề thi minh họa môn Hóa học tốt nghiệp THPT năm 2025
22/10/2024520 -
Đề thi minh họa môn Tin học tốt nghiệp THPT năm 2025
22/10/2024171 -
Đề thi minh họa môn Toán tốt nghiệp THPT năm 2025
22/10/2024246 - Xem thêm