OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
YOMEDIA

Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 trường THPT Ngọc Xuân

21/05/2021 1.29 MB 392 lượt xem 1 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2021/20210521/997860743456_20210521_135624.pdf?r=54
ADSENSE/
QUẢNG CÁO
 
Banner-Video

HOC247 xin cung cấp đến các em học sinh nội dung tài liệu Bộ 3 đề thi thử THPT QG năm 2021 môn Ngữ văn Trường THPT Ngọc Xuân được sưu tầm và tổng hợp với các câu hỏi từ dễ đến khó sẽ giúp các em ôn luyện kiến thức thật hiệu quả. Mời các em cùng theo dõi.

 

 
 

TRƯỜNG THPT NGỌC XUÂN

ĐỀ THI THỬ THPT QG

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Chúng tôi không mệt đâu

Nhưng cỏ sắc mà ấm quá!

 

Tuổi hai mươi thằng em tôi sững sờ một cánh chim mảnh như nét vẽ

Nhiều đổi thay như một thoáng mây

Khi chúng tôi nằm nó vẫn ngồi nguyên đó

Ngậm im lìm một cọng cỏ may…

 

Những dấu chân lùi lại phía sau

Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất

Mười tám hai mươi sắc như cỏ

Dày như cỏ

Yêu mến và mãnh liệt như cỏ

Cơn gió lạ một chiều không rõ rệt

Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất

Nơi đó nhất định mùa xuân sẽ bùng lên

Hơn một điều bất chợt

 

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?

 

Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em…

(Trích trường ca Những người đi tới biển – Thanh Thảo)

Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích trên.

Câu 2. Tìm và phân tích hiệu quả của 01 biện pháp tu từ được sử dụng trong các câu thơ sau:

Mười tám hai mươi sắc như cỏ

Dày như cỏ

Yêu mến và mãnh liệt như cỏ.

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về các câu thơ sau:

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?

Câu 4. Đoạn thơ gợi lên những vẻ đẹp nào của hình tượng người lính trong những năm chống Mĩ?

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1:

Từ nội dung ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của lối sống có trách nhiệm.

Câu 2:

Trình bày cảm nhận của anh/chị về nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu (Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016). Từ đó liên hệ với nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (Kịch Vũ Như Tô – Nguyễn Huy Tưởng, Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016) để thấy được những phẩm chất cần có của người nghệ sĩ.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Thể thơ: tự do

Câu 2:

- Biện pháp nghệ thuật: so sánh, điệp cấu trúc

+ So sánh: ( Mười tám hai mươi sắc như cỏ; dày như cỏ; yếu mềm và mãnh liệt như cỏ)

+ Điệp cấu trúc: như cỏ         

- Tác dụng:

+ Giúp người đọc dễ hình dung những đặc điểm nổi bật của tuổi 20: kiên cường, mạnh mẽ, đoàn kết, lãng mạn, nhiệt huyết,...

+ Thái độ ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp của những người lính thời kì đó.

Câu 3:

- Những tuổi hai mươi: cách nói về tuổi trẻ nói chung, là khoảng thời gian thanh xuân quý giá chứ không phải nói về năm 20 tuổi một cách cụ thể); "ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc". Nếu ai cũng ích kỉ, hẹp hòi, chăm lo cuộc sống của riêng mình, không có trách nhiệm với Tổ quốc thì Tổ quốc sao có thể tồn tại?

- Nội dung câu thơ: Nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi công dân (đặc biệt là thế hệ trẻ) trong cuộc kháng chiến chống Mĩ: Tự nguyện, sẵn sàng hi sinh tuổi trẻ của mình để bảo vệ non sông đất nước.

Câu 4:

- Vẻ đẹp của hình tượng người lính trong những năm chống Mĩ: kiên cường, mạnh mẽ, đoàn kết, lãng mạn, nhiệt huyết,...

II. LÀM VĂN

Câu 1:

* Giới thiệu vấn đề

* Giải thích vấn đề

- "Sống có trách nhiệm" là gì? Sống có trách nhiệm là làm tròn nghĩa vụ bổn phận với xã hội, trường lớp, gia đình và bản thân... dám làm, dám chịu trách nhiệm về những hành động của bản thân. Bổn phận là học sinh, là những tinh hoa tương lai của đất nước. Chúng ta phải có trách nhiệm với bản trách nhiệm với gia đình, những người xung quanh và có trách nhiệm trong quá trình học tập.

* Bàn luận vấn đề

- Biểu hiện lối sống có trách nhiệm:

+ Với xã hội: làm tròn trách nhiệm công dân, sống có ích, biết cống hiến cho cộng đồng, xã hội.

+ Với gia đình: sống có trách nhiệm với gia đình, yêu thương kính trọng cha mẹ, giúp đỡ, chăm sóc anhem.

+ Với bản thân: sống lành mạnh, không ngừng nỗ lực phấn đấu để rèn luyện và tự hoàn thiện bản thân

- Ý nghĩa lối sống có trách nhiệm:

+ Sống có trách nhiệm sẽ hoàn thành được mọi công việc nhiệm vụ được giao.

+ Luôn được mọi người tin tưởng, yêu mến.

+ Người sống có trách nhiệm còn dễ dàng vươn đến thành công trong công việc và cuộc sống

---(Để xem tiếp đáp án những câu hỏi còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC – HIỂU

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:

Theo kết quả khảo sát gần đây của Trung tâm hỗ trợ và tư vấn tâm lí (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), có đến 65,4% sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành mình học; 50,8% không biết học xong sẽ làm việc gì và nơi nào muốn tuyển dụng họ. Khi được hỏi về mức độ thỏa mãn với nghề đã chọn, có đến 75,6% sinh viên cho biết họ ít thỏa mãn với sự lựa chọn của mình, “vào học rồi mới biết mình không hợp”; 32,4% sinh viên muốn được thi lại vào năm sau… Kết quả này cho thấy có nhiều bạn trẻ không chọn đúng nghề như mong muốn.

Những sai lầm chủ quan trong việc lựa chọn ngành học thường bắt đầu từ quan niệm mang nặng tính thực dụng: ngành này có dễ xin việc làm, có thu nhập cao, có được làm việc ở thành phố không?

Sai lầm có thể đến với người chọn nghề theo truyền thống gia đình, theo sự thành đạt của người thân, theo sự rủ rê của bạn bè… mà không quan tâm đến sự phù hợp của nghề đối với năng lực, nguyện vọng bản thân. Thậm chí, nhiều thí sinh không tự chọn ngành, chọn nghề để đăng kí thi đại học mà người lựa chọn, người làm hồ sơ chính là bố mẹ của thí sính.

Ngoài ra, một sai lầm phổ biến nữa là chọn nghề hời hợt theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”. Nhiều học sinh đến năm lớp 12 vẫn chưa tìm hiểu và chưa quyết định chọn nghề. Bởi vậy… có khá nhiều thí sinh nộp 4, 5 bộ hồ sơ thậm chí có người đã nộp 9 – 13 bộ để “chống trượt”.

Việc chọn sai nghề khiến bản thân khó phát huy được năng lực; giảm năng suất và hiệu quả lao động, từ đó dẫn tới tâm lí chán nản, thất vọng, thiếu tự tin, mất dần động lực làm việc.

Lúc ấy, nếu muốn bắt đầu với nghề khác thì phải chịu tốn kém, mất thời gian học nghề mới … Đối với xã hội, có nhiều cá nhân lựa chọn sai nghề sẽ gây lãng phí cho công tác đào tạo và đào tạo lại, năng suất lao động không cao, nảy sinh nhiều xáo trộn cho hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức (có nhiều người bỏ nghề, chuyển nghề)

(Trích ¾ sinh viên chọn nhầm ngành học, Nhã Anh, theo Petrotimes, 16/4/2013)

Câu 1: Nội dung chính của đoạn trích trên là gì?

Câu 2: Đoạn trích trên sử dụng phương thức biểu đạt nào? 

Câu 3: Anh/chị có đồng tình với quan điểm : Việc chọn sai nghề khiến bản thân khó phát huy được năng lực; giảm năng suất và hiệu quả lao động, từ đó dẫn tới tâm lí chán nản, thất vọng, thiếu tự tin, mất dần động lực làm việc không? Vì sao?

Câu 4: Trong khoảng 5 – 7 dòng hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT – Cần tiết hay không?

II. LÀM VĂN

Câu 1:

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm anh/chị về việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.

Câu 2:

Phân tích làm nổi bật hình tượng con Sông Đà qua sự cảm nhận của Nguyễn Tuân trong đoạn trích tác phẩm “Người lái đò Sông Đà” (theo SGK Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục, 2014).

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

I. ĐOC HIỂU

Câu 1:

- Nội dung chính của đoạn trích trên: Sinh viên với việc lựa chọn nghề.

Câu 2:

- Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.

Câu 3:

Quan điểm "Việc chọn sai nghề khiến bản thân khó phát huy được năng lực, giảm năng suất và hiệu quả lao động, từ đó dẫn tới tâm lí chán nản, thất vọng, thiếu tự tin, mất dần động lực làm việc" nêu lên tác hại của việc chọn sai nghề, nhầm ngành của sinh viên. Học sinh có thể đồng tình hoặc phản đối, (hoặc vừa đồng tình vừa phản đối) quan điểm này.

- Nếu đồng tình, có thể lập luận theo hướng: Chọn sai nghề, nhầm ngành có nghĩa là người học đã không chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, nguyện vọng và sở thích của mình, do đó, khi làm nghề sẽ không phát huy được khả năng, không có nhiệt tình làm việc, thiếu tự tin, khó vươn lên đỉnh cao trong nghề, giảm năng suất và hiệu quả lao động.

- Nếu phản đối, có thể lập luận theo hướng: Học sinh phổ thông trung học chưa có nhiều kinh nghiệm sống, vốn hiểu biết xã hội còn hạn chế, chưa được tư vấn nhiều về chọn nghề, vì thế rất dễ chọn sai nghề/nhầm ngành. Chỉ khi biết mình chọn sai nghề/nhầm ngành, người học mới nhận ra đâu là năng lực, sở trường, sở thích thật sự của mình, do đó sẽ tìm được một ngành/nghề khác phù hợp hơn. Từ việc biết mình chọn sai nghề/nhầm ngành, người học sẽ biết rút ra cho mình những kinh nghiệm bổ ích trong việc chọn ngành nghề. Hơn nữa, cuộc sống và xã hội luôn thay đổi, một người có thể sẽ phải thay đồi nhiều lần ngành nghề cho phù hợp hơn với sự phát triển của bản thân và xã hội.

Học sinh cũng có thể lập luận theo hướng khác nhưng phải chặt chẽ, hợp lí.

Nếu học sinh vừa đồng tình vừa phản đối thì cũng có thể kết hợp cả hai hướng lập luận trên hoặc theo hướng khác nhưng phải chặt chẽ, hợp lí, không trái với đạo đức và pháp luật.

Câu 4:

Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT là điều cần thiết. Bởi:

- Việc định hướng nghề nghiệp giúp các bạn có thể hiểu nghề nghiệp là gì? Có cái nhìn tổng thể về việc lựa chọn nghề nghiệp quan trọng như thế nào với mỗi người.

- Việc định hướng nghề nghiệp giúp các em tìm được nghề nghiệp phù hợp với năng lực và phát huy được sở trường của mình.

- Tuy nhiên, sự phù hợp chỉ là một nửa của câu chuyện chọn nghề. Ngoài sự phù hợp, người ta còn cần phải yêu thích và say mê với công việc.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Mới đây, các giáo sư tâm lí học ở Trường Đại học York và Toronto (Canađa) đã tìm ra những bằng chứng để chứng minh rằng: Đọc sách văn học thực sự giúp con người trở nên thông minh và tốt hơn

Những nghiên cứu của các giáo sư đã cho thấy những người thường xuyên đọc sách văn học thường có khả năng thấu cảm, cảm thông và nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ. Ngược lại, những cá nhân có khả năng thấu cảm tốt cũng thường lựa chọn sách văn học để đọc.

Sau khi đã tìm thấy mối quan hệ hai chiều ở đối tượng độc giả là người lớn, các nhà nghiên cứu tiếp tục tiến hành với trẻ nhỏ và nhận thấy những điều thú vị, rằng những trẻ đọc được nhiều sách truyện thường có cách ứng xử ôn hòa, thân thiện hơn, thậm chí trở thành đứa trẻ được yêu mến nhất trong nhóm bạn.

Đọc một “nội dung sâu sắc” khác với cách đọc “mì ăn liền” của chúng ta khi lượt qua các trang mạng. Hiện tại, việc thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học là ngày càng hiếm thấy trong đời sống đương đại.

Theo các nhà tâm lí học, việc chú tâm đọc một nội dung sâu sắc có tầm quan trọng đối với mỗi cá nhân giống như việc người ta cần bảo tồn những công trình lịch sử hay tác phẩm nghệ thuật quý giá. Việc thiếu đi thói quen đọc nghiêm túc sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ và cảm xúc của những thế hệ “sống trên mạng”.

(Trích Đọc sách văn học giúp chúng ta thông minh hơn?)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên?

Câu 2. Theo tác giả, những người thường xuyên đọc sách văn học có khả năng gì?

Câu 3. Dựa vào đoạn trích, anh/chị hãy giải thích ý kiến “Việc thiếu đi thói quen đọc nghiêm túc sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ và cảm xúc của những thế hệ “sống trên mạng””.

Câu 4: Từ đoạn trích anh/chị rút ra 02 bài học cho bản thân?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Dựa vào đoạn trích phần Đọc hiểu, viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm của anh/chị về ý kiến: Hiện tại, việc thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học là ngày càng hiếm thấy trong đời sống đương đại.

Câu 2 ( 5.0 điểm)

“Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong người êm ái, lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải. Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa xói vào hai con  mắt còn cay sè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp…”

(Trích Vợ nhặt - Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập môt, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr. 30)

Cảm nhận của anh/chị về tâm trạng của nhận vật Tràng trong đoạn trích trên. Liên hệ với tâm trạng nhân vật Chí Phèo vào buổi sáng sau khi gặp Thị Nở (Truyện Chí Phèo, Nam Cao, Ngữ văn 11, tập 1, NXB Giáo dục 2008) để bình luận ngắn gọn về tư tưởng nhân đạo của mỗi nhà văn.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2: Những người thường xuyên đọc sách văn học thường có khả  năng thấu cảm, cảm thông và  nhìn  nhận sự việc từ  nhiều góc độ.  Ngược  lại,  những  cá  nhân  có  khả  năng  thấu  cảm tốt cũng thường lựa chọn sách văn học để đọc.

Câu 3: Nếu không đọc nghiêm túc, tức không “thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học” hoặc “chú tâm đọc một nội dung sâu sắc”, người ta sẽ không thể có “khả năng thấu hiểu, cảm thông và nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ”.

Việc đọc “mì ăn liền” của chúng ta khi lướt qua các trang mạng” hiện nay  gây ảnh hưởng đến sự  phát triển trí tuệ  và  cảm xúc  của chúng ta.

Câu 4: Có thể rút ra bài học cho bản thân, nhưng phải hợp lí thuyết phục.

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1:

Yêu cầu về hình thức:

- Viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ

- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu…

- Hiểu đúng yêu cầu của đề, có kĩ năng viết đoạn văn nghị luận.

Yêu cầu về nội dung:  Có thể làm theo hướng sau:

- Đồng tình với ý kiến trên:

+ Thói quen đọc sách, nhất là sách văn học, đang bị mai một bởi  sự phát triển như vũ bão của các phương tiện nghe nhìn có kết nối mạng internet; thay vì cầm sách, người ta thường đọc trên máy tính, máy tính bảng, điện thoại...

+ Hơn nữa, do nhịp sống hiện đại, người ta có xu hướng đọc những tác phẩm ngắn hoặc đọc lướt nội dung của văn bản để nắm ý chính. Đây là hiện tượng “mì ăn liền”. Cách đọc này không thể giúp người ta có khả năng “thấu hiểu, cảm thông và nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ”.

- Không đồng tình với ý kiến trên:

+ Trên thực tế chúng ta thấy những tác phẩm văn học có giá trị được in thành sách vẫn có sức hấp dẫn lớn đối với nhiều người, thu hút sự chú ý của nhiều độc giả. Harry Potter là một ví dụ.

+ Không phải tất cả mọi người đều quay lưng với văn học, nhiều người vẫn “thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học”.

- Vừa đồng tình vừa phản đối ý kiến: Kết hợp hai cách viết trên.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Ngọc Xuân. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

ADMICRO
NONE
OFF