OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
YOMEDIA
Banner-Video
IN_IMAGE

Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học - Ngữ văn 8 Tập 1 Kết Nối Tri Thức


Ở bài học Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học thuộc sách Kết Nối Tri Thức do HỌC247 biên soạn dưới đây, các em sẽ được thực hành viết bài văn phân tích một bài thơ trào phúng, qua đó vừa củng cố kĩ năng đọc hiểu, tiếp nhận một bài thơ trào phúng, vừa tiếp tục phát triển kĩ năng phân tích một bài thơ mà em đã được rèn luyện ở Bài 2: Vẻ đẹp cổ điển. Mời các em cùng tham khảo

ADSENSE/lession_isads=0
QUẢNG CÁO
 
 
 

Tóm tắt bài

1.1. Yêu cầu viết văn nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật

- Giới thiệu tác giả và bài thơ

- Phân tích được nội dung trào phúng của bài thơ để làm rõ chủ đề.

- Chỉ ra được tác dụng của một số nét đặc sắc về nghệ thuật trào phúng được thể hiện trong bài thơ.

- Khẳng định được giá trị, ý nghĩa của bài thơ.

1.2. Cách viết văn nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật

1.2.1. Trước khi viết

a. Lựa chọn đề tài

- Liệt kê các bài thơ trào phúng mà em đã học hoặc đã đọc. Gợi ý:

+ Ông phỗng đá (Nguyễn Khuyến);

+ Năm mới chúc nhau (Trần Tế Xương);

- ...

- Chọn trong số đó một bài thơ em cảm nhận rõ nhất tiếng cười trào phúng để phân tích.

 

b. Tìm ý

Để tìm ý cho bài văn phân tích một bài thơ trào phúng, em cần thực hiện các bước sau:

- Xác định bố cục của bài thơ và nội dung chính của từng phần.

- Xác định đối tượng của tiếng cười trào phúng trong tác phẩm.

- Tìm hiểu các phương tiện nhà thơ sử dụng để gây cười như từ ngữ (đặc biệt là các từ tượng hình, từ tượng thanh, thành ngữ,…), biện pháp tu từ (so sánh, ẩn dụ, nói quá, điệp ngữ, đảo ngữ,…),…

- Tìm hiểu thông tin về tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm và những thông tin khác có liên quan để liên hệ, mở rộng khi phân tích.

 

 

c. Lập dàn ý

- Tổ chức, sắp xếp các ý đã tìm được ở trên thành một hệ thống chặt chẽ, hợp lý, gồm các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài.

- Riêng phần Thân bài có thể lập dàn ý theo một trong hai phương án: theo bố cục bài thơ hoặc theo hai phương diện nội dung và nghệ thuật.

Dàn ý

- Mở bài: Giới thiệu tác giả, tên bài thơ và hoàn cảnh ra đời (nếu có),…

- Thân bài: Tùy theo phương án lựa chọn, có thể trình bày phần Thân bài theo một hệ thống ý tương ứng.

Phương án 1: Phân tích theo bố cục bài thơ:

+ Ý 1: Câu thơ thứ … (nêu đối tượng của tiếng cười trào phúng, phân tích biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ để tạo ra tiếng cười trào phúng).

+ Ý 2: Câu thơ thứ … (nêu đối tượng của tiếng cười trào phúng, phân tích biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ để tạo ra tiếng cười trào phúng).

+ …

Phương án 2: Phân tích theo hai phương diện nội dung và nghệ thuật:

+ Ý 1: Phân tích nội dung bài thơ (chỉ rõ đối tượng trào phúng của bài thơ, phân tích rõ lý do khiến đối tượng đó bị phê phán,…)

+ Ý 2: Phân tích nét đặc sắc về nghệ thuật (hình ảnh, biện pháp tu từ,… đã được sử dụng để tạo ra tiếng cười)

+ …

- Kết bài: Khái quát ý nghĩa của tiếng cười trào phúng và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

1.2.2. Viết bài

- Triển khai các ý nhất quán theo phương án dàn ý đã chọn, tránh lẫn lộn giữa hai phương án. Việc triển khai nhất quán như vậy giúp cho bài viết được chặt chẽ và mạch lạc.

- Theo phương án 1: em hãy tham khảo cách triển khai mỗi ý theo trình tự sau: thuyết (thuyết minh, dẫn dắt để đảm bảo tính mạch lạc của bài viết) – dẫn (nêu dẫn chứng, câu thơ cần phân tích) – phân tích (nêu đối tượng của tiếng cười trào phúng, phân tích biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ để tạo ra tiếng cười trào phúng).

- Theo phương án 2: bài phân tích cần tách bạch rõ hai phần: phân tích nội dung và phân tích hình thức nghệ thuật nên tập trung vào biện pháp nghệ thuật đặc sắc nhất của bài thơ.

- Chú ý làm rõ những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật trào phúng của bài thơ, không sa vào tóm tắt nội dung.

1.2.3. Chỉnh sửa bài viết

Đọc lại bài viết, căn cứ vào yêu cầu phân tích một bài thơ trào phúng và dàn ý đã lập, rà soát các phần, các ý để chỉnh sửa. Việc chỉnh sửa có thể thực hiện theo một số gợi ý sau:

- Kiểm tra xem các ý đã được triển khai theo lô-gíc nhất quán chưa, nếu chưa thì phải điều chỉnh lại các ý cho phù hợp.

- Rà soát xem bài viết đã chú ý phân tích một số nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật trào phúng của bài thơ chưa. Nếu thiếu thì phải bổ sung.

- Đối chiếu quy mô và dung lượng thông tin giữa các ý. Ý nào trình bày quá dài hoặc quá nhiều thông tin thì cần rút gọn lại. Ngược lại, ý nào quá ngắn hoặc còn sơ sài thì cần bổ sung cho cân đối.

ADMICRO

Bài tập minh họa

Phân tích một bài thơ trào phúng mà em đã học.

 

Lời giải chi tiết

Phân tích bài Lễ xướng danh khoa thi Đinh Dậu

Trần Tế Xương cay nhất là chuyện thi cử. Tài giỏi như ông mà phải đến lần thi thứ tám mới đậu vét được cái tú tài. Mà Tú tài thời đó thì được tiếng là “ông Tú” nhưng chỉ được “làm quan tại gia”, “ăn lương vợ”. Nhưng không được thênh thênh trên đường hoạn lộ chưa hẳn đã là rủi, thì ông Tú Xương làm thơ, làm thi sĩ, thành thi hào! Bài thơ “Lễ xướng danh khoa thi Đinh Dậu” là một đòn trời giáng của Tú Xương vào chế độ thi cử mạt vận, hổ lốn, ô nhục của thời thực dân mới đặt chân cai trị đất nước ta.

Là sĩ tử, cũng là nạn nhân trong kì thi Hương năm Đinh Dậu (1897), tại Nam Định, Trần Tế Xương tận mắt chứng kiến sự suy đồi của Nho học, đau lòng trước nỗi ô nhục của tài tử văn nhân đất Bắc. Cho nên mở đầu bài thơ, tác giả đã phê phán sâu sắc nhà nước thực dân phong kiến thời bấy giờ:

“Nhà nước ba năm mở một khoa

Trường Nam thi lẫn với trường Hà”

Tác giả nói “nhà nước” một cách trang trọng như vậy nếu những việc làm của “nhà nước” mà tô't đẹp thì là ngợi ca, còn nếu nói đến những việc làm của “nhà nước” không ra gì thì là “hạ bệ”. Rõ ràng là Tú Xương đã “hạ bệ” cái “nhà nước” thực dân phong kiến đó bằng sự kiện “ba năm mở một khoa”. Dưới sự cai trị của “nhà nước” thực dân, đạo học (chữ Nho) đã mạt vận. “nhà nước” chỉ mở kì thi cầm chừng, hổ lốn, mất hết vẻ trang nghiêm của kỳ thi quốc gia: “Trường Nam thi lẫn với trường Hà”. Sợ mất an ninh ở Hà Nội, “nhà nước” thực dân đã lừa sĩ tử Hà Nội xuống Nam Định “thi lẫn” với sĩ tử trường Nam. Chỉ một từ “lẫn”, Tú Xương phơi bày cả sự đổ nát của kỳ thi quốc gia và phê phán “nhà nước” vô trách nhiệm.

Sang hai câu thực, sĩ tử và quan trường được nhà thơ Tú Xương biếm họa rất tài tình:

“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ

Ậm ọe quan trường miệng thét loa”

Tú Xương có biệt tài mà Nguyễn Công Hoan tôn như “thần thơ thánh chữ” là chỉ trong một chữ đã lột tả được thần thái của sự vật. Chỉ một từ “lôi thôi” được đảo ra phía trước, nhấn mạnh là hình ảnh của sĩ tử bị chìm trong sự nhếch nhác. Sĩ tử mà bút mực đâu không thấy, chỉ nổi bật lủng lẳng một cái lọ (vì đường xa, phải đeo theo lọ nước uống). Hàng ngàn “sĩ tử vai đeo lọ” thì lôi thôi thật, là bức tranh biếm họa để đời về anh học trò đi thi trong thời buổi thực dân nhố nhăng. Còn quan trường thì “ậm ọe” giọng như mửa. Sĩ tử thì đông vì dồn cả hai trường thi lại nên quan trường phải “thét loa” lại còn lên giọng đe nẹt sĩ tử nên thành ra “ậm ọe” tởm lợm thật đáng ghét. Thái độ trào lộng của nhà thơ thật rõ ràng. Đối với “sĩ tử”, Tú Xương thấy nhếch nhác đáng thương; đối với “quan trường”, Tú Xương khinh ghét ra mặt. Quan trường của một kì thi quốc gia bát nháo mà còn “ậm ọe” không biết nhục.

Tú Xương còn ghi lại một hiện tượng chưa từng thấy trong lịch sử thi cử của nước nhà là “khoa thi Đinh Dậu”, có cả Tây đầm nhốn nháo ở trường thi:

“Cờ cắm rợp trời quan sứ đến

Váy lê phết đất mụ đầm ra”

“Cờ cắm” hay “Lọng cắm”? Sách giáo khoa hiện hành chép là “Cờ cắm”, có chú thích là: có bản chép: “Lọng cắm”. Thơ Tú Xương gần với thơ ca dân gian, nhà thơ sáng tác không in ấn, không xuất bản, người đời nghe rồi ghi lại nên dễ “tam sao thất bản”. Trong những trường hợp có dị bản như thế này thì buộc người đọc, người nghiên cứu phải lựa chọn. Người soạn sách giáo khoa chọn “cờ cắm” để đối với “váy lê” ở câu dưới cho thật độc. “Cờ” mà đối với “váy” độc quá! Theo tôi, “lọng cắm” hay hơn:

“Lọng cắm rợp trời quan sứ đến”

Quan sứ (công sứ Nam Định Lơ Nooc Măng, đèn dự lễ xướng danh khoa thi Hương hẳn là phải có “lọng cắm rợp trời” mà “lọng cắm” thì mới “rợp trời”. Còn vế đối “Lọng cắm rợp trời” với “váy lê phết đất” cũng chỉnh quá, mà độc địa không kém. Lọng là cái che trên đầu “quan sứ” mà lại đôi với “váy” là cái che dưới mông “mụ đầm”! “Quan sứ” đến”, “mụ đầm ra”, chúng nó “đến”, nó “ra” như thế thì nhục quá, không chịu được, Tú Xương đã chơi một đòn trí mạng vào bọn Tây đầm thực dân nhốn nháo vào cái thời buổi nhố nhăng! Tú Xương ác khẩu trong cách đối chữ đôi câu, cái tôn nghiêm đem đọ với những cái không tiện hô đúng tên thật, ông lợm sự sông, ông cho lộn tùng phèo cả đi. Nghĩ về người quan văn người quan võ thời nhí nhố ấy, ông đem cái võng (võng điểu võng thắm) ra mà đối với cái khố dây (khố đỏ khố xanh). Tường thuật việc trường thi chữ nho có Tây đến ra bài, ông đem cái lọng quan sứ mà đối với cái váy mụ đầm, đem cái đít vịt bà đầm ra đối với cái đầu rồng một ông cử dốt đang lạy tạ mũ áo vua ban... (Nguyễn Tuân).

Kết thúc bài thơ, tác giả chuyển từ giọng điệu trào lộng sang giọng điệu trữ tình thâm trầm. Tú Xương đau lòng nhắn nhủ với “nhân tài đất Bắc”:

“Nhân tài đất Bắc nào ai đó
Ngoảnh cổ mà trông lại nước nhà”

Giọng trữ tình thấm thìa ấy như có sự cộng hưởng của giọng điệu trữ tình đầy nhiệt huyết của các nhà ái quốc đầu thế kỷ như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... Tất nhiên trong giọng điệu chung của những tấm lòng ái quốc ấy, ta vẫn nhận ra sắc thái riêng của Tú Xương. Khi thì xót xa thổn thức “Nhân tài đất Bắc nào ai đó”, khi thì kiêu bạc trịch thượng “Ngoảnh cổ mà trông lại nước nhà”. Không dễ gì mà hạ một chữ “ngoảnh cổ” như vậy đối với giới trí thức Bắc Hà. Phải có chân tài và quan trọng hơn nữa là phải có tấm lòng đối với đất nước, với dân tộc thì nhân tài đất Bắc mới tâm phục. Đúng là tâm sự yêu nước thổn thức của Tú Xương là vật bảo chứng cho những gì là lộng ngôn của nhà thơ:

“Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn
Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn”

(Đêm hè)

Dưới mắt Tú Xương, sự suy đồi của đạo học (chữ nho) là một hiện tượng của sự mất nước, của sự nô lệ. Với Tú Xương, nỗi nhục trong “Lễ xướng danh khoa thi Đinh Dậu” là nỗi nhục mất nước! “Theo tôi nghĩ, thơ là ảnh, là nhân ảnh, thơ cũng ở loại cụ thể hữu hình. Nhưng nó khác với cái cụ thể của văn. Cũng mọc lên từ cái đông tài liệu thực tế, nhưng từ một cái hữu hình nó thức dậy được những vô hình bao la, từ một cái điểm nhất định mà nó mở được ra một cái diện không gian, thời gian trong đó nhịp mãi lên một tấm lòng sứ điệp” (Nguyễn Tuân).

“Lễ xướng danh khoa thi Đinh Dậu” của Trần Tế Xương là “sử thi” về đời sống nhà nho lúc Tây sang. Đạo học suy đồi, thi cử bát nháo hố’ lốn, sĩ tử mất hết nhuệ khí, quan trường mất hết nhân cách. Bọn thực dân nghênh ngang đến trường thi là một nỗi ô nhục của nhân tài đất Bắc. Nỗi đau của nhà thơ đã làm thức tỉnh tầng lớp trí thức đương thời.

Nghệ thuật trào lộng và trữ tình của Tú Xương đều sâu sắc, thấm thía. Đối với sĩ tử, nhà thơ thương mà cười, đối với quan trường, nhà thơ căm ghét mà châm biếm, đối với bọn thực dân, nhà thơ căm thù mà đả kích, hạ nhục. Từ ngữ, hình ảnh, âm điệu, bút pháp của bài thơ bộc lộ tài hoa của một hồn thơ lỗi lạc. Đúng như lời ngợi ca của Yên Đổ:

“Kia ai chín suối xương không nát
Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn”.

ADMICRO

Lời kết

Học xong bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học, các em cần:

- Viết được bài văn phân tích một tác phẩm văn học.

- Nêu được chủ đề, dẫn ra và phân tích được tác dụng của một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật được dùng trong tác phẩm.

Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học Ngữ văn 8 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Bài học Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học sẽ giúp các em viết được bài văn phân tích một tác phẩm văn học, bao gồm: nêu được chủ đề, dẫn ra và phân tích được tác dụng của một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật được dùng trong tác phẩm. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn:

Hỏi đáp bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học Ngữ văn 8 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

-- Mod Ngữ văn 8 HỌC247

NONE
OFF