Bài học Viết một bài văn kể lại một trải nghiệm của em dưới đây nhằm giúp các em rèn luyện và nâng cao kĩ năng viết một bài văn kể lại trải nghiệm đáng nhớ của mình, có thể là: Một lần đi tình nguyện, đi tham quan,... Hy vọng tài liệu dưới đây có thể giúp ích cho các em học sinh lớp 6 trong việc chuẩn bị bài khi phải tiếp cận với một bộ sách mới - Kết nối tri thức.
1.1. Yêu cầu đối với bài văn kể lại một trải nghiệm
1.2. Phân tích bài viết tham khảo
1.3. Thực hành viết theo các bước
4. Soạn bài Viết một bài văn kể lại một trải nghiệm của em
5. Hỏi đáp bài Viết một bài văn kể lại một trải nghiệm của em Ngữ văn 6
6. Văn mẫu bài Viết một bài văn kể lại một trải nghiệm của em Ngữ văn 6
Tóm tắt bài
1.1. Yêu cầu đối với bài văn kể lại một trải nghiệm
- Được kể từ người kể chuyện ngôi thứ nhất.
- Giới thiệu được trải nghiệm đáng nhớ.
- Tập trung vào sự việc đã được xảy ra.
- Thể hiện được cảm xúc của người viết trước sự việc được kể.
1.2. Phân tích bài viết tham khảo
- Văn bản Người bạn nhỏ:
+ Bài văn được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ nhất (xưng tôi).
+ Nội dung: kể về kỉ niệm với một người bạn nhỏ (mèo Mun).
+ Các nhân vật : mẹ, nhân vật tôi (lớp 5), em Bông (lớp 3), chú mèo mun, …
+ Giới thiệu câu chuyện: Đoạn đầu đã giới thiệu "trải nghiệm cùng người bạn nhỏ ấy là câu chuyện đáng nhớ với cả 3 mẹ con tôi".
+ Tập trung vào sự việc đã xảy ra: Các sự việc:
- Sự việc 1: Ngôi nhà mới của ba mẹ con rất xinh xắn nhưng có nhiều chuột.
- Sự ciệc 2: Bà ngoại gửi cho ba mẹ con một con mèo mun.
- Sự việc 3: Ngôi nhà nhỏ đã thay đổi từ khi có Mun.
- Sự việc 4: Một buổi chiều, Mun đã bị mất tích.
+ Cảm xúc của người viết trước sự việc được kể: buồn, khóc, chẳng ai quên được Mun,…
1.3. Thực hành viết theo các bước
a. Trước khi viết:
* Lựa chọn đề tài:
- Nghĩ về những sự việc quan trọng đã xảy ra với em. Liệt kê ra giấy các sự việc đáng nhớ.
- Có thể tham khảo một vài ý tưởng sau đây:
- Một trải nghiệm vui vẻ, hạnh phúc (một lần kết bạn, chuyến đi có ý nghĩa, bữa tiệc sinh nhật, một thành tích hay chiến thắng, một lần em giúp đỡ người khác hay được người khác giúp đỡ…)
- Một trải nghiệm buồn, tiếc nuối (chia tay một người bạn, hiểu lầm một người, một lần mắc lỗi…)
- Một trải nghiệm khiến em thay đổi, tự hoàn thiện minh (một hành trình khám phá, một lần thất bại…)
* Tìm ý:
- Sau khi đã lựa chọn được trải nghiệm có thể chia sẻ, hãy tìm ý cho bài viết bằng trả lời các câu hỏi sau:
- Câu chuyện xảy ra khi nào? Ở đâu?
- Những ai có liên quan đến câu chuyện? Họ đã nói và làm gì?
- Điều gì đã xảy ra?
- Vì sao câu chuyện lại xảy ra như vậy?
- Em có cảm xúc gì khi câu chuyện diễn ra và khi kể lại câu chuyện?
* Lập dàn ý:
- Mở bài: Giới thiệu về câu chuyện sẽ được kể.
- Thân bài: Kể lại diễn biến của câu chuyện
- Giới thiệu thời gian, không gian xảy ra câu chuyện và những nhân vật có liên quan.
- Kể lại các sự việc trong câu chuyện.
- Kết bài: Kết thúc của câu chuyện và cảm xúc của người viết.
b. Viết bài:
- Khi viết bài cần lưu ý:
- Nhất quán ngôi kể.
- Sử dụng các yếu tố của truyện như cốt truyện, nhân vật…
c. Chỉnh sửa bài viết:
Rà soát, chỉnh sửa bài viết theo những gợi ý trong bảng sau:
Yêu cầu |
Gợi ý chỉnh sửa |
Giới thiệu được trải nghiệm. |
Nếu chưa giới thiệu được trải nghiệm, hãy viết một hoặc vài câu giới thiệu câu chuyện em định kể. |
Sử dụng nhất quán từ ngữ xưng hô. |
Đánh dấu những từ ngữ chỉ người kể chuyện trong bài viết. Nếu chưa nhất quán, cần sửa lại. |
Tập trung vào sự việc đã xảy ra. |
Bổ sung các thông tin cần thiết để người đọc hiểu được câu chuyện (nếu còn thiếu); lược bớt các chi tiết thừa, dài dòng. |
Thể hiện cảm xúc trước sự việc được kể. |
Đánh dấu những từ ngữ thể hiện cảm xúc trước sự việc được kể. Nếu chưa có hoặc chưa đủ thì cần bổ sung. |
Bảo đảm yêu cầu về chính tả và diễn đạt. |
Rà soát lỗi chính tả và diễn đạt (dùng từ, đặt câu,...). Chỉnh sửa nếu phát hiện có lỗi. |
Bài tập minh họa
Bài tập: Trong văn bản Bài học đường đời đầu tiên, nhân vật Dế Mèn đã kể lại một kỷ niệm đáng nhớ của mình. Trước cái chết của Dế Choắt do trò đùa ngỗ nghịch của mình gây ra, Dế Mèn đã hối hận, biết rút ra bài học đường đời đầu tiên. Còn em, em có sẵn sàng kể về một trải nghiệm của bản thân không? Hãy viết một bài văn ngắn kể lại nhé!
a. Hướng dẫn giải:
- Bài văn phải được viết theo các bước đã được quy định từ trước.
- Khi viết cần nắm được những yêu cầu đối với bài văn kể lại một trải nghiệm của bản thân.
b. Lời giải chi tiết:
Tôi là một đứa trẻ ham chơi nên đã từng gây ra nhiều lỗi lầm. Câu chuyện xảy ra khi tôi còn học lớp 5, nhưng là một trải nghiệm mà bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi.
Vì là con trai nên tôi rất mê chơi game. Hôm đó là buổi tối thứ năm. Tôi đang ngồi học bài nhưng lại suy nghĩ về trận đấu lúc chiều. Càng nghĩ, tôi càng cảm thấy không phục vì đã thua Hoàng - cậu bạn cùng lớp mới chơi game chưa được bao lâu nhưng đã đánh thắng mình. Bởi vậy, tôi quyết tâm phải luyện tập thêm để phục thù. Nghĩ vậy, tôi liền thu dọn sách vở rồi xuống nhà. Thấy mẹ đang ở trong bếp, tôi nói với mẹ:
- Mẹ ơi, con có bài tập khó quá không làm được. Con mang sang nhà Tuấn nhờ bạn giải giúp nhé?
Mẹ đồng ý và dặn tôi về sớm vì bố sắp đi làm về. Tôi chỉ vâng dạ cho có rồi nhảy lên xe đạp đi luôn. Nhưng tôi không sang nhà Tuấn mà đến quán điện tử gần trường. Ngồi vào bàn, tôi cảm thấy phấn chấn lạ lùng, mải chơi đến quên cả thời gian. Bỗng có một bàn tay đập vào vai tôi:
- Muộn quá rồi, về cho bác còn đóng cửa!
Bác chủ nhà nhắc nhở rồi chỉ tay lên đồng hồ. Mười một giờ ba mươi phút. Tôi nhanh chóng trả tiền cho bác chủ quán rồi dắt xe ra về. Vừa đạp xe, tôi vừa nghĩ sẽ giải thích cho bố mẹ như thế nào. Chắc chắn bố mẹ sẽ rất tức giận. Bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng xe máy quen thuộc đang tới gần, một giọng nói nghiêm nghị vang lên:
- Đức, con đã đi đâu mà giờ mới về nhà?
Hai đầu gối bủn rủn, tôi đứng như trời trồng, miệng lắp bắp:
- Bố… bố… đi tìm con ạ?
- Đúng vậy! Mẹ nói là con đến nhà Tuấn nhờ bạn giảng bài, nhưng bố sang nhà bạn thì không thấy con ở đó nên đã đi tìm.
- Con… con…
- Thôi, muộn rồi, mau về nhà đi con!
Tôi đi bên cạnh bố mà lòng cảm thấy thật có lỗi. Khi bước vào nhà, tôi thấy mẹ vẫn đang ngồi chờ ở phòng khách. Tôi chỉ biết im lặng chờ đợi những câu mắng của bố. Nhưng không, tôi chỉ nghe thấy mẹ hỏi:
- Đức, con đi đâu mà giờ này mới về? Đã ăn cơm chưa?
Khi nghe mẹ nói vậy, tôi òa khóc. Tôi liền xin lỗi bố mẹ, rồi thành thật kể lại mọi chuyện. Bố liền nói với tôi:
- Tuổi trẻ thường hiếu thắng, thích hơn thua với bạn bè. Đó không phải là điều gì sai trái. Nhưng việc con nói dối mẹ để đi chơi là điều không đúng. Việc chơi game, bố mẹ không phản đối nhưng nếu con chơi quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe, hay việc học tập. Bố mong con ý thức được điều đó.
Tôi nhìn bố, ánh mắt nghiêm nghị của bố nhìn tôi. Tôi đã nhận ra sai làm của mình. Tôi liền hứa với bố mẹ sẽ không tái phạm cũng như cố gắng học hành chăm chỉ hơn. Cũng nhờ có trải nghiệm này, mà tôi nhận ra tình yêu thương lớn lao mà bố mẹ dành cho mình.
(Sưu tầm)
Lời kết
- Học xong bài này, các em cần nắm:
+ Nắm được yêu cầu cần thiết khi viết một bài văn kể lại một trải nghiệm của em.
+ Thực hành viết được một bài văn kể lại một trải nghiệm của em theo các bước đã được đặt ra từ trước.
Soạn bài Viết một bài văn kể lại một trải nghiệm của em
Bài học Viết một bài văn kể lại một trải nghiệm của em nhằm giúp các em nắm được các bước cần thiết khi viết một bài văn kể lại trải nghiệm đáng nhớ của chính mình. Để hiểu hơn về bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:
- Soạn bài Viết một bài văn kể lại một trải nghiệm của em
- Soạn bài Viết một bài văn kể lại một trải nghiệm của em tóm tắt
Hỏi đáp bài Viết một bài văn kể lại một trải nghiệm của em Ngữ văn 6
Khi có vấn đề khó hiểu trong bài học này cần giải đáp, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
Một số văn mẫu bài Viết một bài văn kể lại một trải nghiệm của em Ngữ văn 6
Để rèn luyện kĩ năng viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em trang 28, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:
-- Mod Ngữ văn 6 HỌC247