Bài học Trình bày suy nghĩ về tình cảm của con người với quê hương thuộc sách Kết nối tri thức nhằm giúp các em nắm được các bước khi thực hành trình bày suy nghĩ của bản thân về những tình cảm đối với quê hương, đất nước. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Tóm tắt bài
1.1. Cách trình bày
a. Trước khi nói:
* Chuẩn bị nội dung nói:
- Viết ra giấy các ý chính của bài nói.
- Mục đích nói: Chia sẻ với người nghe suy nghĩ của em về tình cảm của con người với quê hương.
- Người nghe: thầy cô, bạn bè, người thân, những người quan tâm đến vấn đề được nói đến.
- Chuẩn bị tranh ảnh, bài hát… về quê hương để minh họa cho bài trình bày (nếu có).
* Tập luyện:
- Có thể tập luyện một mình, trước bạn bè hoặc người thân.
- Tiếp thu những nhận xét, góp ý để phần trình bày tốt hơn.
- Tập nói rõ ràng, điều chỉnh ngữ điệu phù hợp.
b. Trình bày bài nói:
- Khi trình bày bài nói, cần bám sát vào mục đích nói lên suy nghĩ của em về tình cảm gắn bó của con người với quê hương nói chung, có thể liên hệ với tình cảm của em.
- Để không bị bỏ sót ý quan trọng, thỉnh thoảng em có thể nhìn lướt các ý được ghi ra giấy.
- Chú ý kết hợp trình bày ý kiến với việc sử dụng tranh ảnh, bài hát… để tăng sức hấp dẫn cho bài nói. Có thể thu hút sự chú ý của người nghe bằng cách đặt câu hỏi gợi mở về tình cảm của mỗi người đối với quê hương. Trong khi nói có thể kết hợp ngâm thơ hoặc hát một hai đoạn về quê hương để bài nói thêm sinh động, hấp dẫn.
c. Sau khi nói:
- Người nghe:
- Bày tỏ sự đồng cảm với suy nghĩ, cảm xúc của người nói.
- Nêu câu hỏi về những điểm còn chưa thấy rõ hay có sự khác biệt trong suy nghĩ giữa người nói và người nghe về tình cảm gắn bó của con người với quê hương.
- Góp ý về cách trình bày (ngữ điệu, diễn đạt, sự tương tác…)
- Người nói:
- Lắng nghe và phản hồi ý kiến của người nghe.
- Giải thích những điều người nghe cần làm rõ, trao đổi lại những ý kiến khác biệt.
- Cảm ơn và tiếp thu những góp ý xác đáng.
1.2. Thực hành nói và nghe
(1) Mở đầu: Kính chào thầy cô và các bạn, sau đây tôi xin phép được trình bày về vấn đề… (nội dung vấn đề)
(2) Nội dung vấn đề: Tình yêu quê hương đất nước là tình cảm yêu mến và gắn bó sâu sắc, chân thành đối với những sự vật, con người thuộc về nơi chúng ta sinh ra và lớn lên. Biểu hiện của tình yêu quê hương đất nước được thể hiện từ quá khứ đến hiện tại
- Trong quá khứ:
- Các vị anh hùng lãnh đạo nhân dân chống lại kẻ thù xâm lược: Bà Trưng, Bà Triệu, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Lợi…
- Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ: Các chiến sĩ đã không ngại gian khổ hiểm nguy đã cầm súng đi chống giặc và giành lại độc lập cho đất nước. Những người ở hậu phương không ngừng tăng gia sản xuất để cung cấp lương thực thực phẩm cho tiền tuyến.
- Trong thời bình:
- Tình cảm với người thân trong gia đình.
- Tình làng nghĩa xóm.
- Sự gắn bó với làng quê nơi mình sinh ra (bờ tre, ngọn dừa, cánh đồng lúa chín...).
- Lòng tự hào dân tộc qua các áng thơ văn ngợi ca tinh thần ngoan cường của dân tộc.
- Các bảo tàng lưu giữ những kỷ vật khắc ghi chiến công của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc.
- Sự phấn đấu quên mình của mỗi cá nhân biết học tập, lao động để làm giàu đẹp thêm cho quê hương đất nước
- Không ngừng nỗ lực để góp phần đưa đất nước sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
- Những hoạt động nhằm hướng tới con đường Xã hội chủ nghĩa với mong muốn mang lại cuộc sống no đủ, đầm ấm cho nhân dân và sự phát triển bền vững.
- Sự bảo vệ, gìn giữ các nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc.
- Quyết tâm chiến đấu bảo vệ đất nước của mỗi con người trong những lúc gian nguy...
=> Biểu hiện của tình yêu quê hương đất nước vô cùng phong phú.
(3) Kết thúc vấn đề: Dưới đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe.
Bài tập minh họa
Bài tập: Em hãy trình bày suy nghĩ về tình cảm của con người với quê hương qua bài thơ Chuyện cổ nước mình của tác giả Lâm Thị Mỹ Dạ.
a. Hướng dẫn giải:
- Đọc kĩ lại bài thơ Chuyện cổ nước mình và nắm được nội dung chính.
- Thực hành trình bày suy nghĩ theo bố cục 3 phần: Mở đầu, nội dung chính, kết thúc.
b. Lời giải chi tiết:
(1) Mở đầu:
Bài thơ Truyện cổ nước mình của Lâm Thị Mỹ Dạ viết bằng thể thơ lục bát, âm điệu nhẹ nhàng, mang màu sắc ca dao, dân ca. Qua bài thơ tác giả ca ngợi truyện cổ của nước mình mang nhiều ý nghĩa sâu xa, chứa đựng bao bài học quý báu của ông cha truyền lại cho con cháu đời sau. Truyện cổ nước mình là những truyện cổ, do nhân dân ta sáng tạo ra qua hàng ngàn năm lịch sử, thể hiện tâm hồn Việt Nam, bản sắc nền văn hóa Việt Nam.
(2) Nội dung chính:
Tình thương người bao la mênh mông và triết lí về niềm tin "ở hiền gặp lành" là ý nghĩa sâu xa, là sự tuyệt vời của Truyện cổ nước mình khiến cho nhà thơ phải "yêu" và quý trọng:
Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm
Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì được phật tiên độ trì.
"Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo" là triết lí, là niềm tin của nhân dân ta gửi gắm trong truyện cổ. Câu thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ gợi nhớ trong lòng ta bao truyện cổ, bao hình ảnh, bao nhân vật. Anh trai cày hiền lành được Phật trao cho câu thần chú: "Khắc nhập! Khắc xuất" mà lấy được vợ đẹp con nhà giàu (Truyện Cây tre trăm đốt). Người em cần cù, trung hậu được con chim phượng hoàng đền đáp "ăn một quả trà cục vàng" mà trở nên giàu có hạnh phúc; trái lại người anh tham lam mà chết chìm xuống đáy biển (Truyện Cây khế). Thạch Sanh được Tiên "độ trì" mà trở nên võ nghệ cao cường, có lắm phép thần thông biến hóa, đã giết chết Trăn tinh, bắn chết Đại Bàng, có đàn thần để lui giặc, được làm phò mã, rồi được làm vua; trái lại Lý Thông gian tham, độc ác, quỷ quyệt bị sét đánh rồi hóa thành bọ hung...
Đúng như Lâm Thị Mỹ Dạ đã viết:
Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì được phật tiên độ trì.
Truyện cổ nước mình đã trở thành hành trang tinh thần, đem đến cho nhà thơ nhiều sức mạnh để vượt qua mọi thử thách "nắng mưa" trong cuộc đời, để đi tới mọi miền quê, mọi chân trời xa xôi đẹp đẽ:
Mang theo truyện cổ tôi đi
Nghe trong cuộc sông thầm thì tiếng xưa.
Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa
Con sông chảy có rặng dừa nghiêng soi.
Đọc Truyện cổ nước mình như được "nhận mật", như được gặp ông cha, khám phá được bao phẩm chất tốt đẹp của tổ tiên mình:
Chỉ còn truyện cổ thiết tha
Cho tôi nhận mặt ông cha của mình
Rất công bằng, rất thông minh
Vừa độ lượng, lại đa tình, đa mang.
Truyện cổ nước mình hàm chứa bao bài học quý báu, đó là bài học về đạo lí làm người: sống phải chân thật chân thành, phải chăm làm siêng năng, phải có trí tuệ đừng a dua. Tác giả gợi lên thật khéo truyện Tấm Cám, truyện Đẽo cày giữa đường, ...để nói về những bài học do ông cha gửi lại "đời sau" qua truyện cổ:
Thị thơm thị giấu người thơm
Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà
Đẽo cày theo ý người ta
Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì.
(3) Kết thúc:
Truyện cổ nước mình là một bài thơ hay, giản dị mà đậm đà. Bài thơ đã giúp mỗi tuổi thơ chúng ta yêu thêm truyện cổ của đất nước mình, dân tộc mình. Đọc bài thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ, chúng ta mới hiểu rõ vì sao nhân dân ta từ người trẻ đến người già, ai cũng yêu thích truyện cổ nước mình.
(Sưu tầm)
Lời kết
- Học xong bài này, các em cần nắm:
+ Nắm được các bước trình bày suy nghĩ về tình cảm của con người với quê hương.
+ Chuẩn bị được một bài thực hành nói trước tập thể về một vấn đề cụ thể.
+ Rèn luyện và nâng cao kĩ năng thực hành nói trước tập thể lớp học.
Soạn bài Trình bày suy nghĩ về tình cảm của con người với quê hương
Bài học Trình bày suy nghĩ về tình cảm của con người với quê hương nhằm giúp các em nắm được các bước khi trình bày suy nghĩ về tình cảm của bản thân đối với quê hương, đất nước. Để hiểu hơn về bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:
- Soạn bài Trình bày suy nghĩ về tình cảm của con người với quê hương
- Soạn bài Trình bày suy nghĩ về tình cảm của con người với quê hương tóm tắt
Hỏi đáp bài Trình bày suy nghĩ về tình cảm của con người với quê hương
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 6 HỌC247