OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
YOMEDIA
Banner-Video
IN_IMAGE

Đánh thức trầu - Ngữ văn 6 Tập 1 Chân trời sáng tạo


Bài thơ Đánh thức trầu kể về cuộc trò chuyện dễ thương của em bé với trầu. Qua đó, nói lên tình yêu thương người thân cùng với sự trân trọng, yêu mến thiên nhiên của em bé. Chúc các em sẽ có được một bài học thật hữu ích nhé!

ADSENSE/lession_isads=0
QUẢNG CÁO
 
 
 

Tóm tắt bài

1.1. Chuẩn bị đọc

a. Đôi nét về tác giả, tác phẩm:

* Tác giả:

- Trần Đăng Khoa (sinh năm 1958), quê ở Ðiền Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Thanh, Hải Dương.

- Trần Đăng Khoa được biết đến vai trò là một nhà thơ, nhà báo,biên tập viên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

- Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là một thần đồng thơ văn, lên tám tuổi đã có thơ được đăng báo.

- Năm 1968, khi mới chỉ mười tuổi, tập thơ đầu tay là “Từ góc sân nhà em” được NXB Kim Đồng cho xuất bản.

- Ông ba lần được tặng giải thưởng thơ của báo Thiếu niên tiền phong (các năm 1968, 1969, 1971), Giải nhất báo Văn nghệ (1982) và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2000).

- Một số tác phẩm tiêu biểu của ông:

  • Từ góc sân nhà em (thơ, 1968)
  • Góc sân và khoảng trời (thơ, 1968)
  • Thơ Trần Ðăng Khoa (tập 1, 1970)
  • Khúc hát người anh hùng (trường ca, 1974)
  • Trường ca Giông bão (trường ca, 1983)
  • Chân dung và đối thoại (tiểu luận phê bình, 1998)...

* Tác phẩm: Bài Đánh thức trầu được in trong tập thơ Góc sân và khoảng trời.

b. Đại ý:

Thể hiện tình yêu thương bà và mẹ, sự trân trọng và yêu mến thiên nhiên của em bé.

c. Bố cục: Tìm hiểu theo hai nội dung chính như sau:

- Lời hát của người bà.

- Lời hát của em bé.

1.2. Trải nghiệm cùng văn bản

a. Lời hát của người bà:

- Cách xưng hô: "tao - mày": sự thân thiết.

- "Mày làm chúa tao/Tao làm chúa mày": Sự cân bằng giữa con người với thiên nhiên, coi thiên nhiên như người bạn.

- "Tao không hái ngày/Thì tao hái đêm": Kinh nghiệm dân gian, hái trầu phải hái ban đêm, cho thấy sự trân trọng, nâng niu.

b. Lời hát của em bé:

- Tình cảm dành cho cây trầu:

  • Cách xưng hô "tao - mày": gần gũi, thân thiết.
  • Câu hỏi "Đã ngủ rồi hả trầu?" cùng với lời gọi "Trầu ơi, hãy tỉnh lại/Mở mắt xanh ra nào": gọi trầu dậy nhẹ nhàng, trân trọng.
  • Hỏi ý kiến của trầu "Lá nào muốn cho tao/Thì mày chìa ra nhé": đầy tôn trọng giống như một người bạn.
  • Lời hứa nhẹ nhàng "Tay tao hái rất nhẹ/Không làm mày đau đâu…", sự nâng niu, bảo vệ.
  • Bộc lộ mong muốn được hái trầu "Tao hái vài lá nhé" và hy vọng trầu sống mãi, tiếp tục phát triển: "Đừng lụi đi trầu ơi".

=> Thể hiện tình yêu thương, cũng như sự hòa hợp với thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên.

1.3. Tổng kết

- Về nội dung: Qua bài thơ Đánh thức trầu, Trần Đăng Khoa đã khắc họa cảnh em bé trò chuyện với trầu như một người bạn, mong được hái trầu cho bà và mẹ cũng như mong trầu sống mãi. Qua đó thể hiện tình yêu bà, yêu mẹ và yêu thiên nhiên, trân trọng thiên nhiên.

- Về nghệ thuật: Thể thơ 5 chữ kết hợp với các biện pháp tu từ: nhân hóa (trầu), câu hỏi tu từ, điệp từ,...

ADMICRO

Bài tập minh họa

Bài tập: Nêu cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Đã dậy chưa hả trầu?

Tao hái vài lá nhé

Cho bà và cho mẹ

Đừng lụi đi trầu ơi!

(Đánh thức trầu - Trần Đăng Khoa)

a. Hướng dẫn giải:

- Đọc kĩ lại đoạn thơ cần cảm nhận.

- Nắm bao quát được nội dung toàn bài Đánh thức trầu để dẫn dắt vào cảm nhận đoạn thơ trên.

b. Lời giải chi tiết:

Với quan niệm hồn nhiên của con trẻ, lại từng thuộc làu làu câu hát của bà khi muốn hái trầu đêm, Trần Đăng Khoa đã đánh thức trầu bằng một lối riêng - lối của những chú bé bạn bè đồng trang đồng lứa.

Câu hát của bà em là câu hát để hái trầu đêm của người lớn. Dù có quan hệ bình đẳng (người này là chúa của người kia và ngược lại) thì cái ý thức làm chúa để muốn hái lúc nào thì hái- vẫn là chủ yếu trong mối quan hệ ấy. Câu hát của bà như là chiếc cầu nối quá khứ vào hiện tại, làm rõ thêm mối quan hệ mới hồn nhiên và thật sự bình đẳng, mến thân của Trần Đăng Khoa với bạn Trầu. Muốn xin mấy lá trầu thì không thể không nói chuyện với chủ nhân. Cái anh bạn Trầu này xem chừng đã ngủ. Câu hỏi để đánh thức tuy không khẳng định nhưng thiên về ý biết chắc Trầu đã ngủ. Bởi thế nên mới không hỏi. "Đã ngủ chưa hả trầu" mà hỏi "đã ngủ rồi hả trầu" và sau đó còn nhắc lại "mày đã ngủ". Trong câu hỏi đó vừa thân mật lại vừa có một tí so sánh, một tí lí sự rất trẻ con: Đã ngủ rồi hả trầu? Tao đã đi ngủ đâu Mà trầu mày đã ngủ (Mày và tao cùng là trẻ con, cùng chơi ban ngày, vậy sao mày đi ngủ sớm thế)? Đánh thức bạn nhưng Trần Đăng Khoa chỉ dùng lời gọi nhẹ nhàng chứ không thò tay giật tóc, véo tay hay hét toáng vào tai. Cái việc đánh thức bạn, làm bạn dở giấc ngủ dẫu sao cũng là bất đắc dĩ, dẫu sao cũng là không hay nên cần phải giải thích, phải thanh minh để bạn thông cảm: Bà tao vừa đến đó Muốn xin mấy lá trầu Đã là bạn bè với nhau thì bà của Khoa cũng là bà của Trầu. Để cho bà vui lòng thì dù có bị đánh thức đột ngột, mắt có cay xè chắc Trầu cũng không nỡ giận, không nỡ trách. Có lẽ Trầu ngủ say quá, chú bé Trần Đăng Khoa lại phải gọi và nhắc lại yêu cầu: Trầu ơi hãy tỉnh lại Mở mắt xanh ra nào Lá nào muốn cho tao Thì mày chìa ra nhé Kèm theo đó là một lời hứa: Tay tao hái rất nhẹ Không làm mày đau đâu Bàn tay trẻ thơ "như hoa đầu cành. Hoa hồng hồng nụ cánh tròn ngón xinh" (Huy Cận). Bàn tay ấy sẽ nâng niu "chẳng làm đau một chiếc lá trên cành" (Tố Hữu). Sẽ hái vài lá trầu thôi. Đó là những lá bạn đồng ý cho, đã chìa ra sẵn: Đã dậy chưa hả trầu Phải đến ba lần đánh thức vì có thể bạn ngủ rất say mà cũng còn vì khi tỉnh rồi bạn vẫn có thể ngủ lại ngay. Bởi thế nên phải hỏi thêm một lần này nữa. Do một lẽ Khoa rất quý bà, thương mẹ. (Có không ít bạn ở tuổi này dễ vin vào lí do trẻ con, sợ tối, hãi ma để khước từ việc ra vườn một mình hái trầu trong đêm tối). Và Khoa cũng rất quí, rất thương trầu: Đừng lụi đi trầu ơi! Hái trầu đêm dễ làm trầu lụi. Vậy nên phải đánh thức, phải nói rõ lí do, phải hái rất nhẹ nhàng, và chỉ hái vài lá vừa đủ cho bà và cho mẹ.

Đừng lụi đi trầu ơi là mong ước, là nguyện cầu của Trần Đăng Khoa đối với trầu. Bài thơ một lần nữa cho thấy tâm hồn trắng trong như lụa của tuổi thơ trong tình bạn - dù là bạn với cỏ cây.

(Sưu tầm)

ADMICRO

Lời kết

- Học xong bài này, các em cần nắm:

+ Hiểu được nội dung, ý nghĩa bài Đánh thức trầu.

+ Có thái độ yêu thương, quan tâm những người thân yêu của mình và trân trọng thiên nhiên.

Soạn bài Đánh thức trầu

Bài học Đánh thức trầu thể hiện lời trò chuyện của em bé với trầu vô cùng đáng yêu và sinh động. Để hiểu hơn về bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:

Hỏi đáp Bài Đánh thức trầu Ngữ văn 6

Các em học sinh thân mến khi gặp những vấn đề khó khăn trong việc tìm hiểu bài học này, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

Một số bài văn mẫu về văn bản Đánh thức trầu

Tác phẩm Đánh thức trầu nhằm chuyển tải đến người đọc sự trân trọng, yêu mến thiên nhiên của em bé. Qua đó, các em có thái độ yêu mến thiên nhiên quanh mình hơn, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu về văn bản Đánh thức trầu dưới đây:

-- Mod Ngữ văn 6 HỌC247

NONE
OFF