OPTADS360
ATNETWORK
ATNETWORK
YOMEDIA
Banner-Video
IN_IMAGE

Trước sự khủng hoảng bế tắc về đường lối cứu nước, trong 20 năm đầu thế kỷ XX của phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta đã diễn ra quá trình tìm kiếm con đường cứu nước mới. Bằng sự hiểu biết của mình, anh (chị) hãy làm sáng tỏ: a. Chủ trương cứu nước của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh? b. Con đường đi tìm chân lý của Nguyễn Ái Quốc có những điểm gì khác với con đường đi của những người đi trước? c. Vị trí, ý nghĩa của con đường cứu nước mà Nguyễn Ái Quốc đã chọn đối với tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam.

  bởi Kim Ngan 25/07/2021
ADMICRO/lession_isads=0

Câu trả lời (1)

  • a) Chủ trương cứu nước của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.
    – Đến cuối thế kỷ XIX trong khi các nước tư bản phương Tây chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa thì ở các nước phương Đông chậm tiến tư tưởng dân chủ tư sản mới bắt đầu phát triển và tác động mạnh đến các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Điều này được thể hiện rõ rệt ở cuộc duy tân Nhật Bản
    (1868), Trung Quốc (1898) với đỉnh cao là cuộc cách mạng Tân Hợi (1911). Trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản qua các tân thư, tân văn Trung Quốc dội vào Việt Nam. Các học thuyết về nhân đạo dân quyền của các nhà phát ngôn của giai cấp tư sản pháp lúc chủ nghĩa tư bản Pháp đang lên thông qua sách báo Pháp cũng được truyền bá vào Việt Nam. Gương tự cường của Nhật Bản, đặc biệt là chiến thắng của Nhật đối với Nga trong cuộc chiến tranh Nga – Nhật (1904 – 1905) đã ảnh hưởng đến phong trào cách mạng và tình hình tư tưởng Việt Nam đầu thế kỷ XX.

    – Trong khi các trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản tràn vào Việt Nam thì ở nước ta thực dân Pháp đang tiến hành đợt khai thác thuộc địa lần thứ nhất, tạo ra cơ sở vật chất cho sự tiếp thu tư tưởng mới đồng thời làm cho mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc Pháp vốn đã sâu sắc lại càng sâu sắc thêm.
    – Trước sự thất bại của phong trào Cần vương, cách mạng nước ta rơi vào tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước, các sĩ phu yêu nước mong muốn tìm kiếm một con đường cứu nước mới và họ đã nhanh chóng tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản được truyền bá vào Việt Nam.

    – Tất cả các yếu tố trên đây đã làm nảy sinh trào lưu dân tộc chủ nghĩa, mang nội dung tư tưởng mới. Quan niệm ái quốc trung quân theo ý thức hệ phong kiến được thay thế bằng chủ nghĩa quốc gia dân tộc, gắn liền khái niệm nước với dân. Cuộc đấu tranh chống đế quốc gắn liền với cuộc đấu tranh đòi dân
    chủ, dân quyền, phát triển đất nước theo con đường tư bản chủ nghĩa, xây dựng một nước Việt Nam mới theo hình ảnh các nước văn minh trên thế giới.

    + Trong khi thống nhất với nhau về mục tiêu, những người chủ xướng lại có sự phân hoá về biện pháp cứu nước với hai xu hướng chính: cải cách ôn hoà với đại diên tiêu biểu là Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu với xu hướng cách mạng bạo động. Hai xu hướng này song song tồn tại và không đối lập với nhau một cách tuyệt đối, chúng đan xen, hoà lẫn vào nhau, tạo điều kiện cho nhau phát triển. Trong hoàn cảnh lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX, thì xu hướng bạo động là duy nhất đúng và xu hướng cải cách cũng có những tác dụng nhất định.
    – Phan Bội Châu chủ trương muốn chống pháp thắng lợi không thể đi theo con đường cũ, phải xây dựng phong trào toàn quốc, phải tìm kiếm cách thức hoạt động mới. Ông chủ trương vận động đông đảo quần chúng trong cả nước, tranh thủ sự viện trợ của nước ngoài, tổ chức bạo động đánh đổ thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc, xây dựng nên một chế độ chế độ chính trị dựa vào dân (lúc đầu ông chủ trương nền quân chủ lập hiến, sau chuyển sang tư tưởng cộng hoà) với việc thành lập Duy Tân hội, phát động phong
    trào Đông du, tổ chức Việt Nam Quang phục hội.
    + Trong chủ trương của mình, Phan Bội Châu cũng chưa đặt ra mục tiêu lật đổ chế độ phong kiến nhưng ông đả kích bọn quan lại phong kiến thối nát. Ông hô hào cải cách dân chủ, góp phần truyền bá, mở trường dạy học, phát triển công thương…

    + Mặt hạn chế của Phan Bội Châu là mơ hồ về chính trị, muốn dựa vào đế quốc này, đánh đổ đế quốc kia để giải phóng dân tộc. Mặt khác Phan Bội Châu cũng chưa thấy được động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam là công, nông. Có thể nói trước khi xuất hiện Nguyễn Ái Quốc trên vũ đài chính trị Việt Nam, thì Phan Bội Châu là lãnh tụ tiêu biểu nhất của cách mạng Việt Nam. Mặc dù chủ trương có hạn chế nhưng ông có tư tưởng dân chủ sớm nhất ở Việt Nam đồng thời có công khơi dậy dân quyền của Việt Nam.
    – Phan Chu Trinh gương cao ngọn cờ dân chủ, cải cách xã hội, chủ trương cứu nước bằng phương pháp nâng cao dân trí, dân quyền dựa vào pháp đánh đổ vua quan phong kiến hủ bại, coi đó như là một điều kiện tiên quyết để giành độc lập. Ông lên án kịch liệt chế độ vua quan, phản đối đấu tranh vũ trang và cầu viện nước ngoài. Chịu ảnh hưởng tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh nhiều phong trào cải cách xã hội lúc đó đã nổi lên ở Bắc kỳ, Trung kỳ như việc thành lập Đông kinh nghĩa thục, phong trào Duy tân với hệ quả trực tiếp của nó là phong trào chống sưu thuế năm 1908 ở Trung kỳ.

    + Tư tưởng của Phan Châu Trinh thể hiện một tinh thần dân tộc yêu nước sâu sắc nhưng chủ trương cải cách, dựa vào thực dân Pháp cứu nước của ông có phần không hợp thời thế.
    – Như vậy, đến đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa yêu nước chuyển thành chủ nghĩa dân tộc gắn liền với tư tưởng dân chủ. Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đều là thủ lĩnh xuất sắc cùng đứng trong phong trào dân tộc dân chủ này. Điều khác nhau là trong khi Phan Bội Châu nhấn mạnh vấn đề giải phóng dân tộc, cho đó là điều kiện tiến hành các cuộc cải cách dân chủ, thì phan Chu Trinh lại nhấn mạnh vấn đề cải cách dân chủ, cho đó là điều kiện để giải phóng dân tộc. Tuy có sự khác nhau như vậy giữa Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh nhưng nhân dân Việt Nam với lòng yêu nước thiết tha không phân biệt bạo động hay cải cách đều hưởng ứng chủ trương của hai ông, tạo nên một phong trào dân tộc dân chủ mạnh mẽ đầu thế kỷ XX, đánh dấu một bước chuyển biến mới của phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta.
    Nhưng cuối cùng thất bại, phong trào giải phóng dân tộc rơi vào cuộc khủng hoảng về đường lối cứu
    nước.

    b) Con đường đi tìm chân lý cứu nước của Nguyễn Ái Quốc.
    – Tiếp nhận sâu sắc truyền thống yêu nước của dân tộc, được sự giáo dục tốt đẹp của gia đình, Nguyễn Sinh Cung sớm có lòng yêu thương đồng bào nghèo khổ và tinh thần yêu nước.
    – Tuy tiếp thu truyền thống dân tộc, tinh thần yêu nước, song Nguyễn Sinh Cung sớm nhận thấy không thể đi theo con đường cứu nước theo ý thức hệ phong kiến, tư sản được. Điều mà Nguyễn Sinh Cung sớm nhận thức được và nó dẫn người đi đúng hướng là nguồn gốc những đau khổ và áp bức dân tộc là ở ngay tại chính quốc, ở nước đế quốc đang thống trị mình. Mùa hè năm 1911, Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc sang phương Tây tìm con đường cứu nước. Đó là sự kiện mới chưa hề có trong lịch sử nước ta, vốn theo con đường truyền thống đi sang phương Đông. Việc xuất dương đã được nhiều thế hệ cha anh lớp trước thực hiện song chỉ để cầu viện, chuẩn bị lực lượng kéo về nước, hoặc đào tạo cán bộ để về chỉ đạo, phát động phong trào đấu tranh trong nước. mục đích chủ yếu của các chuyến xuất dương trước đó
    nhằm tổ chức tập hợp lực lượng nhưng chưa có ai đặt vấn đề và chủ trương sang phương Tây tìm đường cứu nước như Nguyễn Tất Thành.

    – Quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, trải qua cuộc hành trình đến nhiều nước thuộc địa, phụ thuộc, tư bản đế quốc, hoà mình vào phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân các nước. Từ lòng yêu thương đồng bào Nguyễn Ái Quốc mở rộng đến sự đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ trên khắp thế gian và có cùng một kẻ thù chung. ở Người, nảy sinh ý thức về sự cần thiết phải đoàn kết những người bị áp bức để đấu tranh cho nguyện vọng, quyền lợi chung. Chính cuộc hành trình này cũng rèn luyện Người trở thành một công dân có đầy đủ phẩm chất, tư tưởng, tâm lý xã hội của giai cấp vô sản và đây là một trong những cơ sở để Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản, người chiến sĩ quốc tế.
    – Do xuất phát từ mục đích đi ra nước ngoài “xem nước Pháp và các nước khác làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào” chứ không theo một con đường định sẵn, nên Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành nghiên cứu cách mạng Anh, Mỹ, Pháp và cho rằng những cuộc cách mạng này đều không đến nơi đến chốn vì không giải phóng được nhân dân lao động khỏi mọi áp bức bóc lột.

     

    – Thực tiễn trong gần 10 năm đi tìm đường cứu nước, nhất là khi đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc thuộc địa” của Lênin (1920) tìm thấy con đường giải phóng dân tộc, nâng cao nhận thức của Nguyễn Ái Quốc về con đường giải phóng dân tộc của mình cũng như của các dân tộc bị áp bức khác vì nó phù hợp và đáp ứng những tình cảm, suy nghĩ, những hoài bão ấp ủ từ lâu ở Người nay trở thành hiện thực.

    c) Phân tích ý nghĩa lịch sử của Nguyễn Ái Quốc tìm thấy con đường cứu nước chân chính cho dân tộc.
    – Đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống đến với chủ nghĩa Mác- Lênin theo con đường cách mạng vô sản. Đây là công lao to lớn đầu tiên của Người đã gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân ta đi theo con đường mà chính người đã trải qua: từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác- Lênin. Đó là con đường giải phóng duy nhất mà cách mạng tháng Mười đã mở ra cho nhân dân lao động và tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

    – Mở đường giải quyết khủng hoảng về đường lối cứu nước giải phóng dân tộc Việt Nam, tạo ra một trong ba nhân tố cấu thành Đảng cộng sản Việt Nam (chủ nghĩa Mác- Lênin), nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
    – Theo con đường cứu nước mà Nguyễn Ái Quốc đã chọn, từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời đến nay đã căn cứ vào điều kiện cụ thể của nước ta và tình hình thế giới để đề ra đường lối đúng đắn, kịp thời và đã đưa dân tộc ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác: cách mạng tháng Tám, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đại thắng mùa xuân 1975. Ngày nay dân tộc việt Nam vẫn tiếp tục đi theo con đường mà Nguyễn Ái Quốc đã chọn để xây dựng đất nước Việt Nam trở thành một quốc gia: dân giàu,
    nước mạnh, xã hội công bằng văn minh.

      bởi thu thủy 26/07/2021
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
 

Các câu hỏi mới

NONE
OFF