OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
YOMEDIA
Banner-Video
IN_IMAGE

“Đẩy lùi kẻ địch từng bước, giành thắng lợi từng bước cho cách mạng, tiến lên đánh bại hẳn kẻ địch, giành thắng lợi hoàn toàn, đó là một qui luật đấu tranh cách mạng” (Lê Duẩn).

Qua từng bước phát triển và thắng lợi của cách mạng miền Nam và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta (từ tháng 7/1954 đến tháng 5/1975, anh (chị) hãy chứng minh nhận định trên?

  bởi Việt Long 21/01/2021
ADSENSE/lession_isads=0
QUẢNG CÁO
 

Câu trả lời (1)

  • -Âm mưu của Mỹ đối với cách mạng Việt Nam : sau khi thất bại trong âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh xâm lược Đông Dương, đế quốc Mỹ ra sức phá hoại Hiệp định Geneve, hòng chia căt lâu dài đất nước ta, biến nước ta thành thuộc địa kiểu mới, một căn cứ quân sự làm bàn đạp để tấn công miền Bắc, ngăn chặn làn sóng cách mạng giải phóng dân tộc và xã hội chủ nghĩa đang lan rộng ở Đông Nam Á.

    -Âm mưu đó là một bộ phận trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.

    -Để thực hiện âm mưu đó, từ năm 1954 đến 1975 chúng đã liên tiếp thực hiện các chiến lược chiến tranh và thủ đoạn thâm độc, ngoan cố bám lấy miền Nam Việt  Nam để duy trì chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở đây.

    -Cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ là cuộc đấu tranh giữa hai lực lượng :  một bên là dân tộc Việt Nam, đất không rộng, người không đông, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, chống lại một bên là đế quốc Mỹ, một đế quốc mạnh nhất trong thời đại n gày nay.

    -Vì thế cuộc đấu tranh này diễn ra vô cùng gay go, lâu dài, gian khổ.

    -Để đi đến thắng lợi cuối cùng, nhân dân ta đã phải kiên trì đấu tranh, liên tiếp đánh bại từng bước một những âm mưu thủ đoạn xâm lược của kẻ thù để đi đến thắng lợi cuối cùng.

    -Đó là bước phát triển tất yếu, có tính chất qui luật của cách mạng Việt Nam

    1.Nhân dân miền Nam đấu tranh đòi thi hành hiệp định Genève, chống chế độ độc tài Mỹ – Diệm (1954 – 1960).

    Sau hiệp định Genève, đế quốc Mỹ đã dựng lên ở miền Nam nước ta chế độ độc tài phát xít Ngô Đình Diệm, làm công cụ cho chính sách xâm lược của chúng, chia cắt lâu dài đất nước ta.

    Chúng dùng nhãn hiệu “độc lập” giả hiệu, hệ thống “cố vấn Mỹ” và chiêu bài “viện trợ” để biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ.

    Chúng đã tiến hành chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”, đàn áp cực kì dã man tàn tạo, hòng tiêu diệt tận gốc rễ phong trào  cách mạng ở miền Nam.

    Chúng định khuất phục nhân dân ta bằng hình thức “chiến tranh một phía”.

    Trong thời kì này nhân dân ta đã tiến hành cuộc đấu tranh chính trị rộng lớn, mạnh mẽ, đòi thi hành Hiệp định Genève, Hiệp thương tổng tuyển cử nước nhà, chống các trò hề “trưng cầu dân ý” , bầu cử “quốc hội” của chúng, đòi các quyền tự do dân chủ.

    Nổi bật nhất, quyết liệt nhất là cuộc đấu tranh chống chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” và khủng bố của địch để bảo vệ cơ sở và phong trào cách mạng ở miền Nam.

    Qua thời kì đấu tranh rất quyết liệt này, mặc dù gặp nhiều khó khăn tổn thất, nhưng cách mạng miền Nam vẫn đứng vững.

    Đối với địch, đây là thất bại cơ bản về chính trị.

    Thắng lợi của nhân dân ta thời kì này cũng là thắng lợi về chính trị vì đã giữ vững được phong trào, duy trì được cơ sở và lực lượng cách mạng, tích lũy được nhiều kinh nghiệm tổ chức và đấu tranh phong phú, cán bộ và quần chúng được rèn luyện thử thách.

    Đó là cơ sở để đưa cách  mạng tiến lên thành cao trào nhảy vọt sau này.

    Bước nhảy vọt đó được mở đầu bằng phong trào “Đồng khởi” vĩ đại từ 1959 – 1960, đưa cách mạng chuyển sang thế tiến công liên tục, phá vỡ từng mảng hệ thống chính quyền địch.

    Vùng giải phóng, chính quyền cách mạng, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và lực lượng vũ trang nhân dân ra đời đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam.

    Như vậy, chính sách thực dân kiểu mới với thủ đoạn dùng bộ máy thống trị đàn áp kết hợp cùng quân đội Sài Gòn làm cuộc chiến tranh một phía của Mỹ đã bị nhân dân miền Nam đánh bại.

    2.Nhân dân Miền Nam đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ (1960 – 1965).

    Không khuất phục nổi nhân dân miền Nam, Mỹ mở rộng can thiệp bằng vũ trang, gây nên cuộc “chiến tranh đặc biệt” với nội dung: dùng quân ngụy dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ và trang thiết bị chiến tranh của Mỹ để đàn áp cách mạng miền Nam.

    Mỹ còn dùng miền Nam làm nơi thí nghiệm hình thức chiến tranh xâm lược này để đàn áp phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

    Thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, chúng đã đề ra kế hoạch Staley – Taylor hòng bình định miền Nam trong vòng 18 tháng và sau đó tiến công xa xâm lược miền Bắc.

    Biện pháp chính của kế hoạch trên là tăng cường lực lượng cho quân ngụy và lấy ngụy quân làm lực lượng chủ yếu trong chiến tranh và thực hiện “quốc sách” dồn dập lập “ấp chiến lược” hòng cô lập lực lượng cách mạng để tiêu diệt.

    Từ sau phong trào Đồng khởi thắng lợi, nhân dân miền Nam đã phát triển thế tiến công cách mạng của mình.

    Từ khởi nghĩa từng phần tiến lên thành cuộc chiến tranh du kích toàn dân toàn diện lan rộng khắp miền Nam, kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang trên cả 3 miền chiến lược (rừng núi, nông thôn đồng bằng, đô thị), phá vỡ liên tiếp từng mảng chính quyền địch, đập tan phần lớn âm mưu “Ap chiến lược” của chúng.

    Tháng 11/1963 chúng phải lật đổ Ngô Đình Diệm và đưa kế hoạch Johnson – Mc Namara thay thế kế hoạch Staley – Taylor đã bị phá sản để tăng cường chiến tranh hơn nữa.

    Sau một loạt thất bại quân sự liên tiếp cuối năm 1964 đầu năm 1965 (Bình Giã, Ba Gia...), cùng với cuộc đấu tranh chính trị sôi nổi khắp nông thôn va thành thị làm rung chuyển mạnh mẽ tận sào huyệt địch, đế quốc Mỹ đứng trước tình hình vô cùng khốn đốn : quân đội và chính quyền Sài Gòn có nguy cơ tan rã hoàn toàn.

    Như vậy là nhân dân miền Nam đã đánh bại về cơ bản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ được triển khai ở mức cao nhất vào đầu năm 1965.

    Đây là thất bại có ý nghĩa chiến lược lần thứ hai của đế quốc Mỹ và cũng là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược lần thứ hai của cách mạng miền Nam , chuẩn bị điều kiện để tiến lên đánh bại hình thức chiến tranh mới cao hơn của chúng.

    3.Nhân dân Việt Nam đánh bại “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và chiến tranh phá hoại lần thứ nhất ở miền Bắc của đế quốc Mỹ (1965 – 1968).

    Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ đã liều lĩnh tiến hành cuộc “chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân vào miền Nam và gây ra chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ở miền Bắc.

    Dựa vào lực lượng chủ yếu là quân Mỹ và dùng quân đội Sài Gòn làm lực lượng hỗ trợ để tiến hành chiến tranh, “chiến tranh cục bộ” là hình thức phát triển cao của chiến tranh thực dân kiểu mới.

    Với lực lượng quân sự và phương tiện vật chất rất to lớn, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “hai gọng kìm” (“tìm diệt” và “bình định”) hòng tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng, giành lại quyền chủ động đã mất, mở rộng và ổn định hậu phương của chúng, tranh giành nhân dân nhất là nông dân.

    Chúng đã liên tiếp mở hai cuộc phản công chiến lược rất lớn, mùa khô 1965 -1966 và 1966 -1967, nhằm xoay chuyển tình thế, giành thắng lợi.

    Gây ra cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, chúng nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm lung lay quyết tâm chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

    Chiến tranh đã lan rộng ra cả hai miền Nam – Bắc.

    Chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người Việt Nam yêu nước.

    Đáp lại lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch “không có gì quý hơn độc lập tự do”, nhân dân ta đã nêu cao quyết tâm đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào.

    Miền Bắc là hậu phương lớn, miền Nam là tiền tuyến lớn của cách mạng cả nước. Cả nước sôi sục khí thế chống Mỹ cứu nước.

    Nhân dân miền Nam đã liên tiếp đánh bại hai cuộc phản công mùa khô của địch.

    Những thắng lợi to lớn về quân sự, chính trị đã mở ra cho quân dân ta thời cơ thực hiện một quyết tâm chiến lược táo bạo và đúng lúc. Đó là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 đánh vào tất cả các thành phố, thị xã, các cơ quan đầu não của địch, buộc chúng phải chuyển từ phản côngsang phòng ngự.

    Quân dân miền Bắc trừng trị đích đáng những hành động phiêu lưu quân sự của địch và giành được những thắng lợi giòn giã :

    -Giao thông vận tải vẫn thông suốt.

    -Miền Bắc vẫn không ngừng chi viện đắc lực cho miền Nam.

    -Chủ nghĩa xã hội vẫn tiếp tục được xây dựng và phát triên ngày càng vững chắc.

    -Quyết tâm chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta ngày càng cao.

    “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ bị phá sản giữa lúc chúng còn nửa triệu quân viễn chinh, quân đồng minh và gần một triệu quân đội Sài gòn ở miền Nam.

    Cùng với thất bại trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đây là thất bại có ý nghĩa chiến lược lần thứ 3 của đế quốc Mỹ và là thắng lợi có ỹ nghĩa chiến lược lần thứ 3 của nhân dân ta.

    Thất bại trên đã buộc đế quốc Mỹ phải lùi bước : chấm dứt vô điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc và ngồi nói chuyện chính thức với ta tại hội nghị bốn bên ở Paris.

    4.Nhân dân Việt Nam đánh bại chiến lược”Việt Nam hoá chiến tranh” ở miền Nam và chiến tranh phá hoại lần 2 ở miền Bắc của đế quốc Mỹ (1969 – 1973).

    Mặc dầu thua đã rõ ràng, đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục chiến tranh xâm lược bằng chiến lược chiến tranh mới – “Việt Nam hóa chiến tranh” để lừa bịp dư luận Mỹ và nhân dân thế giới.

    Thực chất là “dùng người Việt đánh người Việt”, trút gánh nặng chiến tranh lên đầu nhân dân vùng tạm chiếm, thực hiện chiến tranh với công thức “chủ lực quân đội Sài Gòn + hỏa lực tối đa của Mỹ”.

    Chúng đã tiến hành những cuộc hành quân càn quét lớn, mở rộng chiến tranh sang Campuchia và Lào, chống phá cách mạng toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá.

    Sau khi dập tan các cuộc hành quân sang Lào, Campuchia, và nhiều nơi khác của địch, tháng 3/1972 quân dân ta đã chủ động mở cuộc tiến công chiến lược cùng một lúc đánh vào một loạt tuyến phòng ngự của địch, đẩy địch vào tình thế tan vỡ từng mảng lớn.

    Hoảng sợ, tháng 4/1972, Mỹ vội vã tiến hành một cuộc chiến tranh phá hoại lần 2 ở miền Bắc với qui mô ác liệt và tàn bạo gấp bội lần trước.

    Tháng 12/1972 đế quốc Mỹ đã lật lọng, bất ngờ dùng một lực lượng không quân rất lớn mở cuộc tập kích chiến lược ồ ạt đánh vào Hà Nội, Hà Phòng và nhiều nơi khác.

    Đây là mức thang cao nhất, tàn bạo nhất của chúng hòng khuất phục nhân dân ta.

    Nhân dân tâ đã tiến hành một trận “Điện Biên Phủ trên không”, làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại lần 2 của chúng.

    Thất bại của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và cuộc chiến tranh phá hoại này là thất bại có ý nghĩa chiến lược lần 4 của đế quốc Mỹ và là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược lần thứ tư của nhân dân ta.

    Thất bại này đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về Việt Nam, công nhân các quyền dân tộc cơ bản và quyền tự quyết của nhân dân ta và rút quân về Mỹ, quân đồng minh về nước.

    Với thắng lợi này chúng ta đã “đánh cho Mỹ cút”, chuẩn bị điều kiện để tiến lên “đánh cho ngụy nhào”.

    5.Nhân dân Việt Nam đấu tranh chống Mỹ phá hoại Hiệp định Paris và đi đến giành thắng lợi hoàn toàn 1973 – 1975).

    Mặc dầu phải rút quân ra khỏi miền Nam, đế quốc Mỹ vẫn không từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta.

    Chúng dẫn duy trì hàng vạn cố vấn quân sự, tăng cường viện trợ tiền bạc, vũ khí cho bọn tay sai, phá hoại Hiệp định Paris, tiếp tục thi hành sách bạo lực phản  cách mạng ở miền Nam.

    Không có con đường nào khác, nhân dân miền Nam kiên trì nắm vững tư tưởng bạo lực cách mạng, tiến công địch trên cả 3 mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao, giáng cho chúng những đòn chí mạng, đẩy chúng vào tình trạng suy yếu, bị động.

    Khi điều kiện đã cho phép, quân dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975.

    Sau 55 ngày chiến đấu vô cùng anh dũng, thần tốc, táo bạo, liên tiếp với 3 chiến dịch lớn mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân dân ta đã hoàn toàn đập tan quân đội chính quyền Sài Gòn, xóa bỏ bộ máy thống trị thực dân mới của Mỹ, quân đội Sài Gòn, làm phá sản triệt để chính sách xâm lược và bán nước của chúng, giành độc lập, thống nhất trọn vẹn, đưa cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

    6.Kết luận

    Trải qua hơn 20 năm đấu trnah gian khổ và anh dũng, nhân dân ta đã phải đương đầu với kẻ thù hung hãn nhất, đã đánh bại liên tiếp hết chiến tranh này đến chiến lược chiến tranh khác : “Chiến tranh một phía”, “chiến tranh đặc biệt”,”chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” và hai lần chiến tranh phá hoại miền Bắc.

    Đó là cả quá trình “đẩy lùi kẻ địch từng bước, giành thắng lợi từng bước cho cách mạng” để cuối cùng “tiến lên đánh bại hẳn kẻ thù, giành thắng lợi hoàn toàn”.

    Lịch sử chứng tỏ rằng, dù kẻ thù rất ngoan cố và liều lĩnh, nhưng nếu có tinh thần kiên quyết tiến công triệt để và có phương pháp cách mạng đúng đắn, nhất định sẽ đi đến thắng lợi cuối cùng.

    Ngày nay, mặc dầu còn nhiều khó khăn gian khổ, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta nhất định sẽ xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, tiến lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

      bởi thi trang 21/01/2021
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
 

Các câu hỏi mới

NONE
OFF