OPTADS360
AANETWORK
LAVA
YOMEDIA

Ebook Hướng dẫn ôn tập Triết học Mác-lênin - ĐH Khoa Học Huế

22/05/2019 637 KB 1125 lượt xem 27 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2019/20190522/810515042884_20190522_110236.pdf?r=9438
ADSENSE/
QUẢNG CÁO
 
Banner-Video

Hoc247.net chia sẽ đến các bạn Ebook Hướng dẫn ôn tập Triết học Mác-lênin, đây là tài liệu giúp cho người học nắm được một cách có hệ thống những nguyên lý cơ bản của Triết học Mác-Lênin và những quan điểm của Đảng ta vận dụng vào cách mạng Việt Nam. Mời các bạn cùng tham khảo!

 

 
 

HƯỚNG DẪN ÔN TẬP TRIẾT HỌC MÁC-LÊNIN - ĐH KHOA HỌC HUẾ


Câu 1: Triết học là gì? Phân tích vấn đề cơ bản của triết học? 
Khái niệm triết học: 

  • “Triết” theo nguyên chữ Hán có nghĩa là trí (bao gồm sự hiểu biết sâu rộng về vũ trụ và nhân sinh), theo chữ Hy Lạp là “yêu mến sự thông thái”. Khái niệm “triết học” có những biến đổi nhất định trong lịch sử, nhưng lúc nào cũng bao hàm: yếu tố nhận thức (sự hiểu biết về vũ trụ, về con người và sự giải thích bằng hệ thống tư duy) và yếu tố nhận định (đánh giá về đạo lý để con người có thái độ và hành động). 
  • Theo quan điểm mácxít, triết học là một trong những hình thái ý thức xã hội; là học thuyết về những nguyên tắc chung nhất của tồn tại, của nhận thức và của thái độ con người đối với thế giới; là khoa học về những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy. 
  • Đặc điểm nổi bật của triết học là cách nhìn chung về thế giới, là sự nghiên cứu thế giới xét như một chỉnh thể, cho nên tri thức triết học trước hết là những tri thức phổ quát. Từ cách xem xét đó, triết học có vai trò giải thích bản chất, nguyên nhân và những quy luật phát triển của thế giới; vừa có vai trò vạch ra con đường, những phương tiện để nhận thức và cải tạo thế giới. 
  • Triết học chỉ xuất hiện khi có hai điều kiện: Về mặt nhận thức, triết học xuất hiện khi năng lực tư duy trừu tượng của con người đạt đến trình độ nhất định, cho phép họ tổng kết và khái quát những tri thức riêng lẻ thành hệ thống quan niệm, quan điểm chung. Về mặt xã hội, triết học xuất hiện khi sản xuất vật chất của loài người phát triển đến trình độ làm nảy sinh quá trình phân công lao động trí óc và lao động chân tay; nhưng quá trình phân công lao động này trong thực tế chỉ diễn ra khi lịch sử nhân loại bước vào giai đoạn có phân chia giai cấp. 

Vấn đề cơ bản của triết học 

Theo Ăngghen, vấn đề cơ bản của triết học là vấn đề về mối quan hệ giữa tồn tại và tư duy, hay là vấn đề về mối quan hệ giữa vật chất và ý thức. Vấn đề này có hai mặt: 

Mặt thứ nhất, đó là vấn đề giữa ý thức và vật chất, cái nào có trước? cái nào quyết định cái  nào? Tùy theo cách giải quyết vấn đề này mà triết học chia thành hai trào lưu chính: chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm. 

  • Chủ nghĩa duy vật cho rằng bản chất của thế giới là vật chất, nên vật chất có trước, tồn tại độc lập với ý thức và quyết định ý thức; còn ý thức là thuộc tính, là sự phản ánh vật chất. Chủ nghĩa duy vật trải qua nhiều giai đoạn phát triển với năm hình thức lịch sử cơ bản: duy vật cổ đại (mộc mạc, chất phác), duy vật tầm thường thế kỷ V-XV, duy vật cơ học máy  móc thế kỷ XVII-XVIII, duy vật siêu  hình thế kỷ XIX và duy vật mác-xít (biện chứng). 
  • Chủ nghĩa duy tâm cho rằng ý thức (tinh thần) là bản chất của thế giới, nên ý thức là cái có trước và quyết định vật chất; còn vật chất là cái có sau, là sự “biểu hiện” của ý thức. Chủ nghĩa duy tâm có hai hình thức cơ bản: duy tâm chủ quan (coi ý thức là bản chất của thế giới, nhưng đó là ý thức của con người nằm trong con người) và duy tâm khách quan (cũng coi ý thức là bản chất của thế giới, nhưng đó là một thực thể tinh thần tồn tại bên ngoài con người và độc lập với con người). 
  • Nguồn gốc của chủ nghĩa duy vật: là sự phát triển của tri thức, của khoa học; là lợi ích và cuộc đấu tranh của các giai cấp, các lực lượng xã hội tiến bộ, cách mạng ở mỗi giai đoạn phát triển của lich sử. Nguồn gốc của chủ nghĩa duy tâm: là sự tuyệt đối hóa một hình thức hay một giai đoạn của quá trình nhận thức dẫn đến tách  nhận thức và ý thức khỏi thế giới hiện thực khách quan; thông thường là lợi ích và sự phản kháng của các giai cấp, các lực lượng bảo thủ trước tiến bộ xã hội. 

Mặt thứ hai, là vấn đề về khả năng nhận thức của con người. 

  • Toàn bộ các nhà triết học duy vật và đa số những nhà triết học duy tâm đều thừa nhận rằng thế giới có thể nhận thức được. Nhưng các nhà duy vật cho rằng, nhận thức là sự phản ánh thế giới vật chất khách quan trong bộ óc con người. Còn các nhà duy tâm thì cho rằng, nhận thức chỉ là sự ý thức về bản chất ý thức. 
  • Trả lời vấn đề này còn có những nhà triết học theo nguyên tắc bất khả tri (không thể biết). Những người này xuất phát từ việc tuyệt đối hóa tính tương đối của tri thức dẫn đến phủ nhận khả năng nhận thức của con người. 
  • Bên cạnh những nhà triết học nhất nguyên (duy vật và duy tâm) giải thích thế giới từ một bản nguyên, hoặc vật chất hoặc tinh thần, còn có những nhà triết học nhị nguyên luận. Nhị nguyên luận cho rằng thế giới được sinh ra từ hai bản nguyên độc lập với nhau, bản nguyên vật chất sinh ra các hiện tượng vật chất, bản nguyên tinh thần sinh  ra các hiện tượng tinh thần. Nhị nguyên luận thể hiện lập trường dung hòa giữa duy vật và duy tâm, đó chỉ là khuynh hướng nhỏ trong lịch sử triết học và trong cuộc đấu tranh triết học nó càng trở nên gần với chủ nghĩa duy tâm.

Câu 2: Phân tích sự đối lập giữa phương pháp siêu hình và phương pháp biện chứng 

  • Phương pháp triết học là phương pháp nhận thức thế giới nói chung, là hệ thống những nguyên tắc dùng để nghiên cứu thế giới xét như một chỉnh thể. Trong lịch sử triết học có hai phương pháp cơ bản đối lập nhau: phương pháp siêu hình và phương pháp biện chứng.  
  • Thuật ngữ “siêu hình” (metaphysics), đầu tiên được Aristote dùng để chỉ bộ phận quan trọng nhất trong hệ thống triết học của mình. Theo đó, nó được hiểu là học thuyết về những gì vượt ra ngoài giới hạn của “kinh nghiệm”, về những đối tượng đằng sau các sự vật hữu hình. Vì vậy, cho đến thời Phục hưng người ta vẫn coi siêu hình học đồng nghĩa với triết học. Đến thế kỷ XVII-XVIII, sự phát triển của khoa học tự nhiên đòi hỏi phải phân chia giới tự nhiên thành những lĩnh vực riêng biệt để nghiên cứu. Chính cách nghiên cứu ấy đã đem lại cho các  nhà khoa học một thói quen, xét sự vật và quá trình trong trạng thái cô lập ở ngoài mối liên hệ, vận động và phát triển của chúng. Khi cách xem xét này được các nhà duy vật đưa vào triết học thì nó đã tạo ra phương pháp siêu hình. Như vậy, thuật ngữ “phương pháp siêu hình” được dùng để chỉ phương pháp triết học đặc trưng cho chủ nghĩa duy vật thế kỷ XVII-XVIII. Phương pháp siêu hình là cách xem xét thế giới trong sự cô lập tác biệt lẫn nhau hoặc không vận động, hoặc không phát triển, hoặc vận động và phát triển theo chu kỳ khép kín.
  • Thuật ngữ “biện chứng” (dialectics), đầu tiên được Platon dùng để chỉ một nghệ thuật trong tranh luận, theo đó nó được hiểu là những thủ đoạn biện bác chủ quan. Tuy vậy ở thời cổ đại đã có những tư tưởng biện chứng khách quan (triết học Hêraclít), nhưng vẫn còn mang tính tự phát và chưa trở thành hệ thống. Đến thế kỷ XVIII, những tư tưởng biện chứng được phục hồi và được xây dựng thành hệ thống, đặc biệt là ở trong các học thuyết của những nhà triết học duy tâm cổ điển Đức. Từ lúc này những tư tưởng biện chứng mới hợp thành một phương pháp triết học đối lập với phương pháp siêu hình. Đến giữa thế kỷ XIX, khái quát hiện thực xã hội, tổng kết những thành quả lý luận và khoa học, Mác và Ăngghen xây dựng lại phương pháp biện chứng trên lập trường duy vật đã sáng tạo ra phương pháp biện chứng mácxít. Phương pháp biện chứng là cách xem xét thế giới trong mối liên hệ phổ biến quy định ràng buộc nhau và luôn vận động và luôn phát triển. 
  • Sự đối lập giữa phương pháp siêu hình và phương pháp biện chứng diễn ra trong cách giải quyết mọi vấn đề triết học, song có thể khái quát ở những nội dung chính sau đây: 
    • Thứ nhất: Phương pháp siêu hình xem xét thế giới trong trạng thái cô lập của các sự vật hiện tượng; cái này được xét tách rời cái kia mà không thừa nhận rằng giữa chúng có sự ràng buộc lẫn nhau. Vì vậy phương pháp siêu hình chỉ nhìn thấy tính cá biệt mà không nắm được mối liên hệ, thấy được sự khác biệt mà không nắm được sự thống nhất giữa các sự vật hiện tượng; chỉ thấy cái bộ phận, cái đơn nhất, cái riêng mà không nắm được cái toàn thể, cái phổ biến, cái  chung. Trái lại, phương pháp biện chứng xem xét thế giới trong mối liên hệ, ràng buộc giữa các yếu tố của nó và với cái khác. Vì vậy, phương pháp biện chứng nhìn nhận sự vật toàn diện hơn, thấy được cả sự khác biệt và sự thống nhất giữa các sự vật, hiện tượng, nắm được cả cải bộ phận và cái toàn thể, cái đơn nhất và cái phổ biến, cái riêng và cái chung. 
    • Thứ hai: Phương pháp siêu hình xem xét thế giới trong trạng thái tĩnh; sự vật hiện tượng chỉ được xét như cái gì ổn định nằm ngoài sự vận động và phát triển của chúng. Cách xem xét này cho phép phương pháp siêu hình nắm được tính xác định và ổn định của sự vật, hiện tượng, nhưng mặt khác cũng dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng: đó là quan điểm phủ nhận sự vận động, phát triển của thế giới; là quan điểm cho rằng thế giới có sự tăng giảm về lượng, sự lặp lại, mà không có sự chuyển hóa về chất, không có sự xuất hiện cái mới thay thế cái cũ, cái lạc hậu. 
  • Vì vậy phương pháp siêu hình không thể vạch ra được bản chất thật sự của mọi sự vật, hiện tượng; không vạch ra được nguồn gốc, động lực, quy luật và xu hướng vận động phát triển của chúng. Trái lại, phương pháp biện chứng xem xét thế giới trong trạng thái vận động, chuyển hóa không ngừng; sự vật, hiện tượng nào cũng được xét như một quá trình, trong sự tự vận động, tự phát triển của nó. Thừa nhận sự phát triển, phương pháp biện chứng cho rằng: không chỉ có sự tăng giảm về lượng mà còn có sự phát triển về chất; có sự ra đời của cái mới thông qua phủ định cái cũ; nguồn gốc, động lực của mọi sự phát triển là cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập của sự vật, hiện tượng. Nhờ cách xem xét ấy, phương pháp biện chứng, vạch ra được bản chất đích thực của sự vật, hiện tượng; nắm bắt được nguồn gốc và động lực bên trong của mọi sự vận động, phát triển.  
  • Vì vậy, Lênin nhận xét rằng chỉ có quan điểm biện chứng về sự phát triển là sâu sắc, sinh động và chỉ có phép biện chứng mới là chìa khóa để nghiên cứu sự phát triển. 
  • Tuy nhiên, không được tuyệt đối hóa phép biện chứng mà phủ nhận vai trò của phép siêu hình. Trong thực tế, có những mối liên hệ, có những mặt, có những lúc đặc biệt lại rất cần đến phép siêu hình.

Câu 3: Trình bày những tiền đề ra đời của triết học Mác-Lênin 

Tiền đề kinh tế-xã hội 

  • Triết học Mác ra đời vào những năm 40 của thế kỷ XIX, thời kỳ mà chủ nghĩa tư bản đã trở thành hệ thống kinh tế thống trị ở các nước Tây Âu và giai cấp vô sản đã bước lên vũ đài lịch sử như một lực lượng chính trị độc lập. 
  • Mác nhận xét rằng, đến thế kỷ XIX chủ nghĩa tư bản đã trở thành một cơ thể hoàn chỉnh, làm bộc lộ đầy đủ các mâu thuẫn trong bản chất của nó. Trước hết là mâu thuẫn gay gắt giữa lực lượng sản xuất có tính chất xã hội với quan hệ sản xuất có tính chất tư hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, mâu thuẫn này biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn xung đột giữa lao động với tư bản, giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản cùng với các mâu thuẫn của nó, đã tạo ra một cơ sở hiện thực cho những phân tích và khái quát lý luận trong học thuyết của Mác và Ăngghen. 
  • Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản cùng với các mâu thuẫn của nó kéo theo sự phát triển của phong trào công nhân. Đến cuối thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX, phong trào công nhân ở các nước Tây Âu đã có bước phát triển mới về số lượng và chất lượng. Sự tập trung tư bản cùng với sự hình thành những trung tâm công nghiệp lớn thu hút công nhân thành lực lượng đông đảo, mâu thuẫn giữa lao động và tư bản trở nên gay gắt làm xuất hiện những cuộc đấu tranh chính trị ngày càng có tổ chức và tự giác. Các cuộc khởi nghĩa của công nhân ở Xilêdi (Đức), ở Liông và Pari (Pháp), phong trào Hiến chương (Anh) vào những năm 30-40 chứng minh rằng: giai cấp công nhân trở thành lực lượng quyết định các quá trình kinh tế-xã hội-chính trị của thời đại và bước lên vũ đài lịch sử như một lực lượng chính trị độc lập. Phong trào công nhân thời kỳ này làm bộc lộ sai lầm của quan niệm tư sản về sự hân hoan chung giữa lao động và tư sản, tạo nên những thay đổi căn bản trong quan niệm về lịch sử của Mác và Ăngghen; mặt khác, nó đề ra nhu cầu giải thích về những thực tế của cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản về sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản về tổ chức, con đường và phương tiện cách mạng của giai cấp vô sản. Chủ nghĩa Mác ra đời đã đáp ứng những đòi hỏi này. 
  •   Những phân tích và khái quát lý luận về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và phong trào công nhân vào nửa đầu thế kỷ XIX là một bộ phận quan trọng trong học thuyết của Mác và Ăngghen. Vì vậy, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và phong trào công nhân thời kỳ đó là những điều kiện kinh tế-xã hội cho sự ra đời của triết học. 

Tiền đề lý luận

  • Sự ra đời của triết học Mác trước hết có kế thừa những thành quả của triết học cổ điển Đức. Mác và Ăngghen luôn thừa nhận rằng trong sự phát triển trí tuệ của mình, hai ông đã chịu ơn nhiều nhà triết học Đức, trong đó nổi bật là Hêghen và Phoiơbắc. 
  • Công lao to lớn của Hêghen là ở chỗ: Ông đã phê phán những hạn chế cơ bản của phương pháp siêu hình, đã xây dựng phép biện chứng thành hệ thống và xem nó là phương pháp luận đúng đắn của mọi nhận thức khoa học. Nhưng Mác và Ăngghen cũng chỉ ra rằng, triết học Hêghen có những hạn chế lớn, đó là sự giải thích duy tâm về hiện thực; là sự biện hộ cho những thực tế lịch sử lỗi thời, cho tôn giáo; là triết học tự biện, trừu tượng, xa rời hiện thực và thực tiễn. Cho  nên  khi sáng lập triết học của mình Mác và Ăngghen đã không kế thừa toàn bộ triết học Hê-ghen mà chỉ kế thừa hạt nhân hợp lý, đó là phép biện chứng, đồng thời cải tạo và xây dựng lại phép biện chứng trên lập trường duy vật. 
  • Đánh giá về Phoiơbắc, Mác và Ăngghen cho rằng chính nhờ đọc được các tác phẩm của ông mà họ đã cương quyết đoạn tuyệt với triết học Hêghen. Công lao của Phoiơbắc là ở sự phê phán quyết liệt chủ nghĩa duy tâm-tôn  giáo (nhất là phê phán Hê-ghen), là sự khẳng định cương quyết tính đúng đắn của các nguyên lý duy vật, là việc giải thích trên lập trường duy vật bản chất con người, bản chất tôn giáo và đề cao chủ nghĩa nhân đạo. Nhưng Phoiơbắc cũng có những hạn chế lớn, đó là phương pháp tư duy siêu hình, (khi  phê  phán  Hêghen, ông đã không thấy được phép biện chứng là hạt nhân hợp lý nên đã bác bỏ và chuyển sang quan điểm siêu hình); quan điểm trực quan, trừu tượng, phi lịch sử về bản chất con người, duy tâm trong lĩnh vực xã hội. Vì vậy khi sáng lập ra triết học của mình, Mác và Ăngghen cũng không kế thừa toàn bộ triết học Phoiơbắc mà chỉ kế thừa hạt nhân cơ bản đúng đắn đó là nguyên lý duy vật, đồng thời cải tạo và xây dựng lại chủ nghĩa duy vật dựa trên quan điểm biện chứng. 
  • Sự ra đời triết học Mác không chỉ do ảnh hưởng của triết học Hêghen và triết học Phoiơbắc. Mác và Ăngghen khi tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản đã rút ra những tài liệu thực tiễn phong phú cho những kết luận duy vật-biện chứng của mình. Ngoài ra, việc hai ông đi sâu nghiên cứu kinh tế-chính trị học cổ điển và chủ nghĩa xã hội không tưởng phê phán, đã góp phần không nhỏ cho sự hình thành và hoàn thiện thế giới quan triết học của mình.

Tiền đề khoa học tự nhiên

  • Sự ra đời triết học Mác còn được chuẩn bị bởi những thành quả của khoa học tự nhiên. Những thành quả của khoa học tự nhiên từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX làm bộc lộ những hạn chế của phương pháp tư duy siêu hình, ngày càng chứng minh tính đúng đắn của các nguyên lý duy vật và biện chứng. 
  • Phát hiện bằng thực nghiệm của Maye (được Lômônôxốp công bố) về sự bảo toàn vật chất và vận động, lý luận của Cantơ về sự hình thành thái dương hệ đã góp phần khẳng định quan điểm biện chứng về lịch sử vũ trụ và giới tự nhiên: mặt khác đả phá quan niệm duy tâm, tôn giáo siêu hình về thế giới. 
  • Từ những năm 30 đến 50 của thế kỷ XIX, khoa học tự nhiên đã có những thành tựu to lớn. Thời kỳ này có ba phát minh vĩ đại đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh chống quan điểm siêu hình và chuẩn bị cho sự ra đời của chủ nghĩa duy vật biện chứng. 
  • Vào những năm 40 của thế kỷ XIX phát minh ra quy luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng. Quy luật này chứng minh rằng: lực cơ học, nhiệt, ánh sáng, điện, từ các quá trình hóa học, nghĩa là các hình thức khác nhau của vận động vật chất không tách rời nhau, mà liên hệ và chuyển hóa lẫn nhau nên không hề mất đi. Nó chứng minh rằng không có sự sinh ra và mất đi của năng lượng, mà chỉ có sự chuyển hóa năng lượng từ dạng này sang dạng khác. Như vậy quy luật này là cơ sở khoa học tự nhiên cho quan điểm biện chứng về thế giới. Vào những năm 30 của thế kỷ XIX, khoa học tự nhiên đã phát minh ra học thuyết cấu tạo tế bào của cơ thể sống. Học thuyết này bác bỏ quan niệm siêu hình về sự khác biệt tuyệt đối giữa thực vật và động vật. Ngược lại, nó khẳng định sự thống nhất về nguồn gốc và hình thái giữa thực vật và động vật, giải thích quá trình phát triển của chúng, đặt cơ sở cho quan điểm duy vật biện chứng về sự phát triển của toàn hệ sinh học. 
  • Phát minh lớn thứ ba là học thuyết tiến hóa của sinh giới ra đời vào những năm 50 của thế kỷ XIX. Học thuyết tiến hóa chứng minh rằng sinh giới không phải là bất biến mà thường xuyên biến đổi, nằm trong quá trình tiến hóa không ngừng của giới tự nhiên. Nó khẳng định sự tiến hóa của sinh giới diễn ra theo con đường chọn lọc tự nhiên và chọn lọc nhân tạo. Lênin đánh giá rằng thuyết tiến hóa đánh dấu sự cáo chung của quan niệm siêu hình về tính bất biến của các loài và quan niệm về nguồn gốc thần thánh của sinh giới đem lại cơ sở thật sự khoa học cho sinh học. Mác và Ăngghen xác nhận rằng thuyết tiến hóa đem lại cái cơ sở lịch sử tự nhiên cho học thuyết của hai ông, đã đập tan thần học trong học thuyết về sự phát triển của thực vật và động vật; rằng trước đó chưa hề có một sự chứng minh nào thành công to lớn như thế về sự phát triển lịch sử trong giới tự nhiên. 
  • Như vậy, những thành tựu của khoa học tự nhiên nửa đầu thế kỷ XIX cũng là tiền đề cho các quan điểm duy vật và biện chứng về thế giới của Mác và Ăngghen.

{-- Xem đầy đủ nội dung tại Xem online hoặc Tải về--}

Trên đây là trích dẫn một phần Ebook Hướng dẫn ôn tập Triết học Mác-lênin - ĐH Khoa Học Huế, để xem đầy đủ nội dung đề thi và đáp án chi tiết các em vui lòng đăng nhập website hoc247.net chọn Xem online hoặc Tải về máy tính. Chúc các em học tốt và thực hành hiệu quả!

 

ADMICRO
NONE

Tư liệu nổi bật tuần


ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
OFF