OPTADS360
ATNETWORK
NONE
YOMEDIA
Banner-Video
IN_IMAGE

Giải Tiếng Việt 2 Bài 12: Vòng tay yêu thương SGK Cánh diều


Nội dung Bài 12: Vòng tay yêu thương bao gồm bài thơ Bà kể chuyện sẽ cho các em biết được bà là kể chuyện hay nhất, những câu chuyện của bà nhiều như một dòng chảy vô tận. Bài thơ cũng cho các em biết được là tình cảm gia đình giữa các thế hệ: bà – bố – con. Và bài đọc Sáng kiến của bé Hà sẽ giúp các em hiểu vì rất quan tâm, yêu thương ông bà mà bé Hà đã cố gắng học tập thật tốt, đem điểm 10 về tặng ông bà.

ADSENSE/lession_isads=0
QUẢNG CÁO
 
 
 

Tóm tắt lý thuyết

1.1. Chia sẻ

Mang tranh, ảnh ông bà (hoặc ảnh gia đình chụp chung với ông bà) đến lớp. Hãy giới thiệu về ông bà em với các bạn.

Gợi ý:

- Đó là ông bà nội hay ông bà ngoại của em?

- Ông bà sống riêng hay sống chung với gia đình em?

- Điều em thích nhất ở ông bà là gì?

Hướng dẫn trả lời:

 

Ví dụ:

Đây là ảnh ông bà nội của em. Hiện nay, ông bà đang sống cùng gia đình em. Ông bà đều rất hiền từ và vui tính. Hằng ngày, em thích chơi cờ với ông và nghe bà kể chuyện.

1.2. Bài đọc 1

Bà kể chuyện

Bố cặm cụi viết truyện
Viết cả đêm cả ngày
Cho trăm nghìn người đọc
Chắc là nhiều truyện hay.

Con muốn nghe bố kể
Sao bố cười cho qua?
Sao những lúc bố kể
Nghe không hay bằng bà?
 

- Con ơi, dễ hiểu thôi
Vì bà sinh ra bố
So với kho chuyện bà
Nghìn trang còn bé nhỏ.

Như sắng sớm, trăng chiều
Chuyện bà hồn nhiên đến
Như từ nguồn xa xưa
Dòng sông đi gặp biển.

Bố mong viết thế nào
Hay như bà kể chuyện.

Trần Lê Văn

1.2.1. Đọc hiểu

Câu 1: Bố của bạn nhỏ làm công việc gì?

Hướng dẫn trả lời:

Bố của bạn nhỏ viết truyện (nhà văn)

Câu 2: Bạn nhỏ thắc mắc điều gì?

Hướng dẫn trả lời:

Bạn nhỏ thắc mắc rằng: 

- Sao những lúc bạn nhỏ muốn nghe bố kể chuyện bố lại cười cho qua?

- Sao những lúc bố kể chuyện lại không hay bằng bà?

Câu 3: Theo lời bố, vì sao chuyện bà kể rất hay? Chọn ý đúng nhất:

a. Vì bà biết nhiều chuyện hơn bố

b. Vì bà kể chuyện rất tự nhiên

c. Vì cả hai lí do trên

Hướng dẫn trả lời:

Theo lời bố, bà kể chuyện rất hay vì:

- Vì bà biết nhiều chuyện hơn bố

- Vì bà kể chuyện rất tự nhiên

Chọn đáp án: c. Vì cả hai lí do trên

1.2.2. Luyện tập

Câu 1: Tìm thêm những từ ngữ phù hợp để nói về:

a. Những câu chuyện của bà M: thú vị

b. Kho chuyện của bà M: vô tận

c. Cách kể chuyện của bà M: tự nhiên

Hướng dẫn trả lời:

a. Những câu chuyện của bà: thú vị, hấp dẫn, lí thú, ý nghĩa, sâu sắc, nhẹ nhàng,...

b. Kho chuyện của bà: vô tận, đa dạng, phong phú,...

c. Cách kể chuyện của bà: tự nhiên, lôi cuốn, hấp dẫn,...

Câu 2: Đặt câu hỏi cho bộ phận in đậm:

a) Chuyện của bà rất hay.

b) Kho chuyện của bà rất phong phú.

c) Cách kể chuyện của bà rất tự nhiên.

Hướng dẫn trả lời:

a. Câu chuyện của bà thế nào?

b. Kho chuyện của bà thế nào?

c. Cách kể chuyện của bà thế nào?

1.3. Bài viết 1

Câu 1: Nghe viết

Ông và cháu

Ông vật thi với cháu

Keo nào ông cũng thua

Cháu vỗ tay hoan hô:

“Ông thua cháu, ông nhỉ!”

Bế cháu, ông thủ thỉ:

“Cháu khoẻ hơn ông nhiều!

Ông là buổi trời chiều

Cháu là ngày rạng sáng.”.

PHẠM CÚC

Câu 2: Chọn chữ hoặc dấu thành phù hợp với ô trống hoặc với tiếng in đậm:

a) Chữ ch hay tr?

Bà là kho cổ tích
Kể mãi mà không vơi
∎uyện thần tiên ∎ên ∎ời
∎uyện cỏ hoa dưới đất.

Ninh Đức Hậu

b) Dấu hỏi hay dấu ngã?

Thuơ nhỏ, nhưng đêm sáng trắng, chúng tôi trai chiếu ra sân, nằm ngắm trăng sao, mai mê nghe ông kể chuyện.

Hướng dẫn trả lời:

a) Chữ ch hay tr?

Bà là kho cổ tích

Kể mãi mà không vơi

Truyện thần tiên trên trời

Truyện cỏ hoa dưới đất.

b) Dấu hỏi hay dấu ngã?

Thuở nhỏ, những đêm sáng trắng, chúng tôi trải chiếu ra sân, nằm ngắm trăng sao, mải mê nghe ông kể chuyện.

Câu 3: Chọn tiếng trong ngoặc đơn phù hợp với ô trống:

a. (Chung, trung)

∎ thực

∎ thành

∎ sức

của ∎

b. (đổ, đỗ)

bãi ∎ xe

thi ∎

trời ∎ mưa

cây bị ∎

Hướng dẫn trả lời:

a. (Chung, trung)

trung thực

trung thành

chung sức

của chung

b. (đổ, đỗ)

bãi đỗ xe

thi đỗ

trời đổ mưa

cây bị đổ

Câu 4: Tập viết

a. Chữ viết hoa K

Hướng dẫn trả lời:

- Cấu tạo: gồm nét cong trái, móc ngược trái, móc phải, nét thắt và nét móc ngược phải.

- Cách viết:

+ Bước 1: Đặt bút trên ĐK ngang 3, trước ĐK dọc 2, viết nét cong trái, hơn lượn lên trước khi dừng dưới ĐK ngang 4, bên phải ĐK dọc 2.

+ Bước 2: Không nhấc bút, hơi lượn sang trái viết nét móc ngược trái theo ĐK dọc 2 khi chạm ĐK ngang 1 thì lượn cong lên rồi uốn vào trong, dừng bút bên trái ĐK dọc 2, dưới ĐK ngang 2, 3

+ Bước 3: Lia bút đến ĐK ngang 3, viết nét móc phải, đến khoảng giữa thân chữ thì lượn vào trong viết nét thắt cắt ngang qua nét bút ở bước 2, liền mạch viết tiếp nét móc ngược phải, dừng bút dưới ĐK ngang 2, bên phải ĐK dọc 3.

b. Viết ứng dụng: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm

1.4. Bài đọc 2

Sáng kiến của bé Hà

1. Ở lớp cũng như ở nhà, bé Hà được coi là một cây sáng kiến.

Một hôm, Hà hỏi bố:

- Bố ơi, sao không có ngày của ông bà, bố nhỉ?

Thấy bố ngạc nhiên, Hà bèn giải thích:

- Con đã có ngày 1 tháng 6. Bố là công nhân, có ngày 1 tháng 5. Mẹ có ngày 8 tháng 3. Còn ông bà thì chưa có ngày lễ nào cả.

Hai bố con bàn nhau lấy ngày lập đông hằng năm làm “ngày của ông bà”, vì khi trời bắt đầu rét, mọi người cần chăm lo cho sức khoẻ của các cụ già.

2. Ngày lập đông đến gần, Hà nghĩ mãi mà chưa biết nên chuẩn bị quà gì tặng ông bà.

Bố khẽ nói vào tai Hà điều gì đó. Hà ngả đầu vào vai bố:

- Con sẽ cố gắng, bố ạ.

3. Đến ngày lập đông, các cô, các chủ đều về chúc thọ ông bà.

Ông bà cảm động lắm. Bà bảo:

- Con cháu đông vui, hiếu thảo thế này, ông bà sẽ sống trăm tuổi.

Ông thì ôm lấy bé Hà, nói:

- Món quà ông thích nhất hôm nay là chùm điểm 10 của cháu đấy.

Theo HỒ PHƯƠNG

- Cây sáng kiến: người có nhiều sáng kiến.

- Ngày lập đông: ngày bắt đầu mùa đông.

- Ngày của ông bà: Từ năm 1991, ngày 1 tháng 10 hằng năm đã được lấy ngày Quốc tế Người cao tuổi.

- Chúc thọ: chúc mừng người già sống lâu.

1.4.1. Đọc hiểu

Câu 1: Bé Hà hỏi bố điều gì?

Hướng dẫn trả lời:

Bé Hà đã hỏi bố rằng: Bố ơi, Sao không có ngày của ông bà, bố nhỉ?

Câu 2: Vì sao bé Hà và bố chọn ngày lập đông làm “ngày của ông bà”?

Hướng dẫn trả lời:

Bé Hà và bố chọn ngày lập đông làm “ngày của ông bà” bởi vì khi trời bắt đầu rét, mọi người cần chăm lo cho sức khỏe của các cụ già.

Câu 3: Gần đến ngày lập đông, Hà còn băn khoăn chuyện gì?

Hướng dẫn trả lời:

Gần đến ngày lập đông, Hà còn băn khoăn chuyện tặng quà gì cho ông bà.

Câu 4: Món quà Hà tặng ông bà là gì?

Hướng dẫn trả lời:

Món quà Hà tặng ông bà là chùm điểm 10 của chính mình.

1.4.2. Luyện tập

Câu 1: Nói lời Hà chúc mừng ông bà và lời đáp của ông bà:

a) Nhân ngày của ông bà.

b) Nhân dịp năm mới.

M:

- Năm mới, cháu kính chúc ông bà luôn mạnh khoẻ ạ!

- Ông bà cảm ơn cháu.

Hướng dẫn trả lời:

a) Nhân ngày của ông bà.

- Hà: Ông bà ơi, cháu chúc mừng ông bà nhân ngày của ông bà. Cháu mong ông bà luôn mạnh khỏe và ở bên cạnh con cháu lâu thật lâu ạ!

- Ông bà: Cháu ngoan quá! Ông bà cảm ơn cháu nhé!

b) Nhân dịp năm mới.

- Hà: Năm mới đến, cháu xin kính chúc ông bà luôn mạnh khỏe và luôn cười vui vẻ ạ!

- Ông bà: Ông bà cảm ơn cháu nhé!

Câu 2: Nói lời ông bà khen Hà và lời đáp của Hà:

a) Khi Hà tham gia cuộc thi văn nghệ của trường.

b) Khi Hà được cô khen tiến bộ trong học tập.

Hướng dẫn trả lời:

a) Khi Hà tham gia cuộc thi văn nghệ của trường.

- Ông bà: Cháu gái của ông bà hát hay quá!

- Hà: Cháu cảm ơn ông bà ạ!

b) Khi Hà được cô khen tiến bộ trong học tập.

- Ông bà: Cháu của ông bà học hành có tiến bộ! Ông bà mừng lắm!

- Hà: Cháu sẽ cố gắng nhiều hơn nữa ạ!

1.5. Trao đổi

Câu 1: Nghe bài hát và trao đổi với bạn:

a. Tên bài hát là gì?

b. Tác giả bài hát là ai?

c. Nội dung bài hát:

- Bài hát là lời của ai nói về ai?

- Bà kể cho cháu nghe những chuyện gì?

- Tìm một hình ảnh đẹp nói lên cảm nghĩ của bạn nhỏ khi nghe bà kể chuyện.

d) Nhắc lại hoặc hát lại một câu em thích.

Hướng dẫn trả lời:

a. Tên bài hát là: Bà cháu

b. Tác giả của bài hát là Nguyễn Văn Hiên

c. Nội dung bài hát:

- Bài hát là lời của cháu nói về bà.

- Bà kể cho cháu nghe những câu chuyện ngày xưa: Thạch Sanh, cô Tấm,....

- Hình ảnh đẹp nói lên cảm nghĩ của bạn nhỏ khi nghe bà kể chuyện là: Cháu nằm nghe bà kể ngỡ vào giấc mộng mơ.

d. Một câu hát mà em thích là: Bà là vườn cổ tích, là bóng mát tuổi thơ.

Câu 2: Hát cho bạn nghe một bài hát khác về bà hoặc về ông.

Hướng dẫn trả lời:

Cháu yêu bà

Sáng tác: Xuân Giao

 

Bà ơi bà cháu yêu bà lắm,

Tóc bà trắng bà trắng như mây,

Cháu yêu bà cháu nắm bàn tay,

Khi cháu vâng lời cháu biết bà vui

1.6. Bài viết 2

Câu 1: Kể về ông (bà) của em.

Gợi ý:

- Ông (bà) em bao nhiêu tuổi?

- Hình dáng, tính tình của ông (bà) thế nào?

- Ông (bà) yêu em như thế nào?

- Em đã thể hiện tình cảm yêu thương ông (bà) thế nào?

Hướng dẫn trả lời:

- Bà em năm nay 75 tuổi

- Bà em có dáng đi chậm rãi, tóc bạc, làn ra nhăn nheo điểm những chấm đồi mồi.

- Bà em hiền từ, phúc hậu. Bà thường hay kể những câu chuyện xưa cho em nghe.

- Em rất yêu bà của em.

- Em thường trò chuyện với bà, cùng bà làm việc nhà. Em đấm lưng và xoa bóp cho bà mỗi khi bà mỏi mệt.

Câu 2: Dựa vào những điều vừa kể, em hãy viết 4 – 5 câu về ông (bà) của em.

Hướng dẫn trả lời:

         Trong gia đình em, người mà em yêu quý nhất là bà nội của em. Bà nội em năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi. Bà bước đi chậm rãi. Tóc bà đã bạc. Làn da điểm những chấm đồi mồi là dấu vết mà thời gian đã để lại. Bà em là một người vô cùng hiền từ và phúc hậu. Bà thường kể cho em nghe những câu chuyện xưa. Bà luôn quan tâm và chăm sóc cho em. Em rất yêu và thương bà. Em thường cùng bà làm việc nhà. Những lúc bà đau nhức, em sẽ đấm lưng và xoa bóp cho bà. Em mong bà luôn mạnh khỏe và sống thật lâu với con cháu.

VIDEO
YOMEDIA
Trắc nghiệm hay với App HOC247
YOMEDIA

Bài tập minh họa

Câu 1: Em hãy mang đến lớp một quyển sách, bài báo viết về ông bà.

Hướng dẫn trả lời:

Một số cuốn sách viết về ông bà như: Cậu bé Tích Chu, Bà ơi cháu rất muốn gặp bà,...

Câu 2: Giới thiệu sách, báo hoặc câu chuyện, bài thơ về ông bà với các bạn trong nhóm.

Hướng dẫn trả lời:

Cuốn sách mà tớ yêu thích là “Bà ơi, cháu rất muốn gặp bà!” của tác giả Gomi Taro. Sách do Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành. Sách viết về chuyện của Youchan và bà của mình. Hai bà cháu ở cách xa nhau, một ngày nào đó hai bà cháu rất nhớ nhau nên đã tìm đường tới gặp nhau. Sách có tranh ảnh minh họa nên tớ rất thích. Đọc xong tớ thấy mình thật may mắn vì luôn có bà ở ngay bên cạnh mình.

Câu 3: Tự đọc một bài hoặc một đoạn văn (truyện, thơ) em thích.

M:

Thỏ thẻ

Hôm nào ông có khách

Để cháu đun nước cho

Nhưng cái siêu nó to

Cháu nhờ ông xách nhé!

 

Cháu ra sân rút rạ

Ông phải ôm vào cơ

Ngọn lửa nó bùng to

Cháu nhờ ông dập bớt.

 

Khói nó chui ra bếp

Ông thổi hết khói đi

Ông cười xòa: “Thế thì

Lấy ai ngồi tiếp khách ?”

HOÀNG TÁ

- Thỏ thẻ: (nói) nhỏ, nhẹ nhàng, dễ thương.

- Siêu: ấm đun nước.

- Rạ: phần còn lại của thân cây lúa sau khi gặt, thường dùng để lợp nhà hoặc đun nấu.

Câu 4: Đọc lại (hoặc kể lại) cho các bạn nghe một truyện hoặc một đoạn truyện, một bài thơ, bài báo em vừa đọc.

Hướng dẫn trả lời:

Cậu bé Tích Chu

Ngày xưa, có một bạn tên là Tích Chu. Bố mẹ Tích Chu mất sớm, Tích Chu ở với bà.

Hàng ngày bà phải làm việc quần quật kiếm tiền nuôi Tích Chu, có thức gì ngon bà cũng dành cho Tích Chu. Ban đêm, khi Tích Chu ngủ thì bà thức quạt. Thấy bà thương Tích Chu, có người bảo:

– Bà ơi! Lòng bà thương Tích Chu cao hơn trời, rộng hơn biển. Lớn lên, Tích Chu sẽ không khi nào quên ơn bà.

Thế nhưng lớn lên, Tích Chu lại chẳng thương bà. Bà thì suốt ngày làm việc vất vả, còn Tích Chu suốt ngày rong chơi. Vì làm việc vất vả, ăn uống lại kham khổ nên bà bị ốm. Bà lên cơn sốt nhưng chẳng ai trông nom. Tích Chu mãi rong chơi với bạn bè, chẳng nghĩ gì đến bà đang ốm. Một buổi trưa, trời nóng nực, cơn sốt lên cao, bà khát nước quá liền gọi:

– Tích Chu ơi, cho bà ngụm nước. Bà khát khô cổ rồi!

Bà gọi một lần, hai lần…rồi ba lần nhưng vẫn không thấy Tích Chu đáp lại. Mãi sau Tích Chu thấy đói mới chạy về nhà kiếm cái ăn. Tích Chu ngạc nhiên hết sức thấy bà biến thành chim và vỗ cánh bay lên trời. Tích Chu hoảng quá kêu lên:

– Bà ơi! Bà đi đâu? Bà ở lại với cháu. Cháu sẽ mang nước cho bà, bà ơi!

– Cúc cu … cu! Cúc … cu cu! Chậm mất rồi cháu ạ, bà khát quá không thể chịu nổi phải hóa thành chim để bay đi kiếm nước. Bà đi đây, bà không về nữa đâu!

Nói rồi chim vỗ cánh bay đi. Tích Chu hoảng quá chạy theo bà, cứ nhằm theo hướng chim bay mà chạy. Cuối cùng Tích Chu gặp chim đang uống nước ở một dòng suối mát. Tích Chu gọi:

– Bà ơi! Bà trở về với cháu đi. Cháu sẽ đi lấy nước cho bà, cháu sẽ giúp đỡ bà, cháu sẽ không làm bà buồn nữa!

– Cúc …cu…cu, muộn quá rồi cháu ơi! Bà không trở lại được nữa đâu!

Nghe chim nói, Tích Chu òa khóc, Tích Chu thương bà và hối hận. Giữa lúc đó, có một bà tiên hiện ra, bà bảo Tích Chu:

– Nếu cháu muốn bà trở lại thành người thì cháu phải đi lấy nước suối Tiên cho bà cháu uống. Đường lên suối Tiên xa lắm, cháu có đi được không?

Nghe bà Tiên nói, Tích Chu mừng rỡ vô cùng, vội vàng hỏi đường đến suối Tiên, rồi chẳng một phút chần chừ, Tích Chu hăng hái đi ngay.

Trải qua nhiều ngày đêm lặn lội trên đường, vượt qua rất nhiều nguy hiểm, cuối cùng Tích Chu đã lấy được nước suối mang về cho bà uống. Được uống nước suối Tiên, bà Tích Chu trở lại thành người và về ở với Tích Chu.

Từ đấy, Tích Chu hết lòng yêu thương chăm sóc bà.

ADMICRO

Luyện tập

- Học xong bài này, các em cần nắm:

+ Đọc rõ ràng, rành mạch, lưu loát toàn bài Tập đọc.

+ Hiểu nội dung bài tập đọc sáng kiến của bé Hà, Bà kể chuyện

+ Biết và sử dụng dấu hỏi và dấu ngã, kể chuyện về ông bà

NONE
OFF