Bài học Thực hành Tiếng Việt (Trang 118) thuộc sách Kết nối tri thức nhằm giúp các em học sinh lớp 6 bước đầu nhận diện và nêu được công dụng của dấu ngoặc kép. Hy vọng bài học này sẽ hữu ích với các em. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Tóm tắt bài
1.1. Khái quát về dấu ngoặc kép
- Dấu ngoặc kép (") còn được gọi là dấu trích dẫn, là một loại dấu câu được sử dụng theo cặp gồm hai dấu nháy đơn (') đứng liền kề nhau và thường được hiểu chung là một dấu duy nhất (") trong các hệ thống chữ viết khác nhau để đánh dấu bắt đầu và kết thúc của phần trích dẫn lời nói trực tiếp, câu nói được trích dẫn hoặc cụm từ đặc biệt. Cặp dấu này thường bao gồm một dấu ngoặc kép mở và dấu ngoặc kép đóng khi trích dẫn tương ứng bắt đầu và kết thúc câu trích dẫn.
1.2. Nhận biết công dụng dấu ngoặc kép
- Đọc câu sau và chú ý cách dùng dấu ngoặc kép: Cộng đồng én thoải mái sống “cuộc đời của chúng”, không may mảy để ý đến sự hiện diện của nhóm du khách.
- Trong câu trên, tác giả đã dùng từ “cuộc đời” vốn thường dùng cho con người để nói về loài én. Từ cuộc đời ở đây được hiểu theo nghĩa đặc biệt: loài én cũng có đời sống như con người.
Bài tập minh họa
Bài tập: Dấu ngoặc kép trong những đoạn trích sau dùng để làm gì?
a. Thánh Găng-đi có một phương châm: “Chinh phục được mọi người ai cũng cho là khó, nhưng tạo được tình thương, lòng nhân đạo, sự thông cảm giữa con người với con người lại càng khó hơn”.
(Theo Lâm Ngữ Đường, Tinh hoa xử thế)
b. Nhìn từ xa, cầu Long Biên như một dải lụa uốn lượn vắt ngang sông Hồng, nhưng thực ra “dải lụa” ấy nặng tới 17 nghìn tấn!
(Thúy Lan, Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử)
c. Tre với người như thế đã mấy nghìn năm. Một thế kỉ “văn minh”, “khai hóa” của thực dân cũng không làm ra được một tấc sắt. Tre vẫn phải còn vất vả mãi với người.
(Thép mới, Cây tre Việt Nam)
d. Hàng loạt vở kịch như “Tay người đàn bà”, “Giác ngộ”. “Bên kia sông Đuống”,… ra đời.
(Ngữ văn 7, tập hai)
Hướng dẫn giải:
- Xem lại kĩ lý thuyết về nhận biết công dụng của dấu ngoặc kép để giải bài tập này.
- Đọc kĩ những ngữ liệu trên và chỉ ra công dụng cụ thể của dấu ngoặc kép.
Lời giải chi tiết:
a. Lời dẫn trực tiếp (một câu nói của thánh Găng-đi).
b. Từ ngữ được hiểu theo một nghĩa đặc biệt: dùng từ ngữ “dải lụa” để chỉ chiếc cầu (ẩn dụ)
c. Từ ngữ có hàm ý mỉa mai. Dùng lại chính những từ ngữ mà thực dân Pháp thường dùng khi nói về sự cai trị của chúng đối với nước ta: khai hóa văn minh cho một dân tộc lạc hậu với hàm ý mỉa mai. Ở đây cũng có xem dấu ngoặc kép trong đoạn trích được dùng để đánh dấu từ ngữ dẫn trực tiếp.
d. Tên của các vở kịch.
Lời kết
- Học xong bài này, các em cần nắm:
+ Nhận biết về công dụng của dấu ngoặc kép trong một văn bản cụ thể.
+ Trau dồi thêm kiến thức tiếng Việt cho bản thân.
Soạn bài Thực hành Tiếng Việt (Trang 118)
Bài học Thực hành Tiếng Việt (Trang 118) nhằm giúp các em dễ dàng hơn khi tiến hành nhận diện và nêu công dụng dấu ngoặc kép trong một văn bản cụ thể. Các em có thể tham khảo thêm bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:
Hỏi đáp bài Thực hành Tiếng Việt (Trang 118) Ngữ văn 6
Khi có vấn đề khó hiểu trong bài học này cần giải đáp, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 6 HỌC247