OPTADS360
ATNETWORK
RANDOM
ON
YOMEDIA
Banner-Video
IN_IMAGE

Người tham gia giao thông phải đi như thế nào cho đúng qui tắc giao thông?

hãy cho biết người tham gia giao thông phải đi như thế nào cho đúng qui tắc giao thông

  bởi Trịnh Lan Trinh 25/09/2018
AMBIENT-ADSENSE/lession_isads=0
QUẢNG CÁO
 

Câu trả lời (1)

  • QUY TẮC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

    Điều 9. Quy tắc chung

    1. Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.

    2. Xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn.

    Điều 10. Hệ thống báo hiệu đường bộ

    1. Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, hàng rào chắn.

    2. Hiệu lệnh của cảnh sát điều khiển giao thông:

    a) Tay giơ thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông phải dừng lại;

    b) Hai tay hoặc một tay giang ngang để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía trước và ở phía sau người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía bên phải và bên trái người điều khiển được đi thẳng và rẽ phải;

    c) Tay phải giơ về phía trước để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía sau và bên phải người điều khiển phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía trước người điều khiển được rẽ phải; người tham gia giao thông ở phía bên trái người điều khiển được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phải đi sau lưng người điều khiển giao thông.

    3. Đèn tín hiệu giao thông có ba mầu, ý nghĩa từng mầu như sau:

    a) Tín hiệu xanh là được đi;

    b) Tín hiệu đỏ là cấm đi;

    c) Tín hiệu vàng là báo hiệu sự thay đổi tín hiệu. Khi đèn vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp;

    d) Tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng cần chú ý.

    4. Biển báo hiệu đường bộ gồm 5 nhóm, ý nghĩa từng nhóm như sau:

    a) Biển báo cấm để biểu thị các điều cấm;

    b) Biển báo nguy hiểm để cảnh báo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra;

    c) Biển hiệu lệnh để báo các hiệu lệnh phải thi hành;

    d) Biển chỉ dẫn để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần biết;

    đ) Biển phụ để thuyết minh bổ sung các loại biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn.

    5. Vạch kẻ đường là vạch chỉ sự phân chia làn đường, vị trí hoặc hướng đi, vị trí dừng lại.

    6. Cọc tiêu hoặc tường bảo vệ được đặt ở mép các đoạn đường nguy hiểm để hướng dẫn cho người tham gia giao thông biết phạm vi an toàn của nền đường và hướng đi của đường.

    7. Hàng rào chắn được đặt ở nơi nền đường bị thắt hẹp, ở đầu cầu, đầu cống, ở đầu các đoạn đường cấm, đường cụt không cho xe, người qua lại hoặc đặt ở những nơi cần điều khiển, kiểm soát sự đi lại.

    8. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về báo hiệu đường bộ.

    Điều 11. Chấp hành báo hiệu đường bộ

    1. Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.

    2. Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

    3. Tại nơi có biển báo hiệu cố định lại có báo hiệu tạm thời thì người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành hiệu lệnh của báo hiệu tạm thời.

    Điều 12. Tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe

    1. Người lái xe phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường.

    Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải quy định cụ thể tốc độ của xe cơ giới và việc đặt biển báo tốc độ.

    2. Người lái xe phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo "Cự ly tối thiểu giữa hai xe" phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo.

    Điều 13. Sử dụng làn đường

    1. Trên đường có nhiều làn đường cho xe chạy cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người lái xe phải cho xe chạy trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.

    2. Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới đi trên làn đường bên trái.

    3. Các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ có tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.

    Điều 14. Vượt xe

    1. Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.

    2. Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.

    3. Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.

    4. Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải:

    a) Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái;

    b) Khi xe điện đang chạy giữa đường;

    c) Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.

    5. Cấm vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây:

    a) Không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này;

    b) Trên cầu hẹp có một làn xe;

    c) Dưới gầm cầu vượt, đường vòng, đầu dốc và các vị trí khác có tầm nhìn hạn chế;

    d) Nơi đường giao nhau, đường bộ giao cắt đường sắt;

    đ) Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;

    e) Xe ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.

    Điều 15. Chuyển hướng xe

    1. Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.

    2. Trong khi chuyển hướng, người lái xe phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.

    3. Trong khu dân cư, người lái xe chỉ được quay đầu xe ở nơi đường giao nhau và nơi có biển báo cho phép quay đầu xe.

    4. Cấm quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, trong hầm đường bộ, tại nơi đường bộ giao cắt đường sắt, đường hẹp, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất.

    Điều 16. Lùi xe

    1. Khi lùi xe, người điều khiển phương tiện phải quan sát phía sau, có tín hiệu cần thiết và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi.

    2. Cấm lùi xe ở khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, đường bộ giao cắt đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất, trong hầm đường bộ.

    Điều 17. Tránh xe đi ngược chiều

    1. Trên đường không phân chia thành hai chiều xe chạy riêng biệt, hai xe đi ngược chiều tránh nhau, người điều khiển phải giảm tốc độ và cho xe đi về bên phải theo chiều xe chạy của mình.

    2. Các trường hợp nhường đường khi tránh nhau:

    a) Nơi đường hẹp chỉ đủ cho một xe chạy và có chỗ tránh xe thì xe nào ở gần chỗ tránh hơn phải vào vị trí tránh, nhường đường cho xe kia đi;

    b) Xe xuống dốc phải nhường đường cho xe đang lên dốc;

    c) Xe nào có chướng ngại vật phía trước phải nhường đường cho xe kia đi.

    3. Ban đêm, xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau phải chuyển từ đèn chiếu xa sang đèn chiếu gần.

    Điều 18. Dừng xe, đỗ xe trên đường ngoài đô thị

    1. Khi dừng xe, đỗ xe trên đường ngoài đô thị, người điều khiển phương tiện phải thực hiện các quy định sau đây:

    a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;

    b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;

    c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì người điều khiển xe phải cho xe dừng, đỗ tại các vị trí đó;

    d) Sau khi đỗ xe, người điều khiển chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn, nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy, phải đặt ngay báo hiệu để người điều khiển phương tiện khác biết;

    đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;

    e) Xe cơ giới khi dừng, người lái xe không được rời khỏi vị trí lái;

    g) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.

    2. Cấm dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:

    a) Bên trái đường một chiều;

    b) Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;

    c) Trên cầu, gầm cầu vượt;

    d) Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;

    đ) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

    e) Nơi đường giao nhau;

    g) Nơi dừng của xe buýt;

    h) Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;

    i) Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;

    k) Trong phạm vi an toàn của đường sắt;

    l) Che khuất các biển báo hiệu đường bộ.

    Điều 19. Dừng xe, đỗ xe trên đường trong đô thị

    Khi dừng xe, đỗ xe trên đường trong đô thị, người điều khiển phương tiện phải tuân theo quy định tại Điều 18 của Luật này và các quy định sau đây:

    1. Phải cho xe dừng, đỗ sát hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét;

    2. Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.

    Điều 20. Quyền ưu tiên của một số xe

    1. Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự :

    a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

    b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp;

    c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

    d) Xe hộ đê, xe đang làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai hoặc tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

    đ) Đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;

    e) Đoàn xe tang;

    g) Các xe khác theo quy định của pháp luật.

    2. Xe quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này đi làm nhiệm vụ khẩn cấp phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

    Chính phủ quy định cụ thể tín hiệu của xe ưu tiên.

    3. Khi có tín hiệu của xe ưu tiên, mọi người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Cấm các hành vi gây cản trở xe ưu tiên.

    Điều 21. Qua phà, qua cầu phao

    1. Khi đến bến phà, cầu phao, các xe phải xếp hàng trật tự, đúng nơi quy định, không làm cản trở giao thông.

    2. Khi xuống phà, đang ở trên phà và khi lên bến, mọi người phải xuống xe, trừ người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, người bệnh, người già yếu và người tàn tật.

    3. Các loại xe cơ giới phải xuống phà trước, xe thô sơ, người xuống phà sau; khi lên bến, người lên trước, các phương tiện giao thông lên sau theo hướng dẫn của người điều khiển giao thông.

    4. Thứ tự ưu tiên qua phà, qua cầu phao:

    a) Các xe ưu tiên quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này;

    b) Xe chở thư báo;

    c) Xe chở thực phẩm tươi sống;

    d) Xe chở khách công cộng.

    Trong trường hợp các xe cùng loại ưu tiên đến bến phà, cầu phao thì xe nào đến trước được qua trước.

    Điều 22. Nhường đường tại nơi đường giao nhau

    Khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo quy định sau đây:

    1. Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải;

    2. Tại nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi bên trái;

    3. Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.

    Điều 23. Đi trên đoạn đường bộ giao cắt đường sắt

    1. Tại nơi đường bộ giao cắt đường sắt có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu màu đỏ đã bật sáng, có tiếng chuông báo hiệu, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại phía phần đường của mình và cách rào chắn một khoảng cách an toàn; khi đèn tín hiệu đã tắt, rào chắn mở hết, tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.

    2. Tại nơi đường bộ giao cắt đường sắt chỉ có đèn tín hiệu hoặc chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu mầu đỏ đã bật sáng hoặc có tiếng chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng ngay lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất; khi đèn tín hiệu đã tắt hoặc chuông báo hiệu đã ngừng mới được đi qua.

    3. Tại nơi đường bộ giao cắt đường sắt không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải quan sát cả hai phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện đường sắt đang đi tới mới được đi qua, nếu thấy có phương tiện đường sắt đang đi tới thì phải dừng lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất và chỉ khi phương tiện đường sắt đã đi qua mới được đi.

    4. Khi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng ngay tại nơi đường bộ giao cắt đường sắt và trong phạm vi an toàn đường sắt thì người điều khiển phương tiện phải bằng mọi cách nhanh nhất đặt báo hiệu trên đường sắt cách tối thiểu 500 mét về hai phía để báo cho người điều khiển phương tiện đường sắt và tìm cách báo cho người quản lý đường sắt, nhà ga nơi gần nhất, đồng thời phải bằng mọi biện pháp nhanh chóng đưa phương tiện ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt.

    5. Những người có mặt tại nơi phương tiện tham gia giao thông bị hư hỏng trên đoạn đường bộ giao cắt đường sắt có trách nhiệm giúp đỡ người điều khiển đưa phương tiện ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt.

    Điều 24. Giao thông trên đường cao tốc

    1. Người lái xe trên đường cao tốc ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông quy định tại Luật này còn phải thực hiện các quy định sau đây:

    a) Khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, chỉ khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào các làn đường của đường cao tốc;

    b) Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang các làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc;

    c) Không được cho xe chạy ở phần lề đường;

    d) Không được quay đầu xe, lùi xe;

    đ) Không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo, sơn kẻ trên mặt đường.

    2. Người lái xe phải cho xe chạy cách nhau một khoảng cách an toàn. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định khoảng cách an toàn giữa các xe đang chạy trên đường.

    3. Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để các lái xe khác biết.

    Điều 25. Giao thông trong hầm đường bộ

    Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong hầm đường bộ ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông quy định tại Luật này còn phải thực hiện các quy định sau đây:

    1. Xe cơ giới phải bật đèn ngay cả khi đường hầm sáng, xe thô sơ phải có đèn hoặc vật phát sáng báo hiệu;

    2. Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở những nơi quy định;

    3. Không được quay đầu xe, lùi xe.

    Điều 26. Bảo đảm tải trọng và khổ giới hạn của đường bộ

    1. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.

    2. Trong trường hợp đặc biệt, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của đường bộ, xe bánh xích gây hư hại mặt đường có thể được lưu hành trên đường nhưng phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp giấy phép và phải thực hiện các biện pháp bắt buộc để bảo vệ cầu đường, bảo đảm an toàn giao thông.

    3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải công bố tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; quy định về tổ chức, hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ và việc cấp giấy phép cho xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của đường bộ, xe bánh xích gây hư hại mặt đường.

    Điều 27. Xe kéo xe và xe kéo rơ moóc

    1. Một xe ô tô chỉ được kéo theo một xe khác khi xe này không tự chạy được và phải bảo đảm các quy định sau đây:

    a) Xe được kéo phải có người điều khiển và hệ thống lái của xe đó phải còn hiệu lực;

    b) Việc nối xe kéo với xe được kéo phải bảo đảm chắc chắn, an toàn; trường hợp hệ thống hãm của xe được kéo không còn hiệu lực thì xe kéo nhau phải nối bằng thanh nối cứng;

    c) Phía trước của xe kéo và phía sau của xe được kéo phải có biển báo hiệu.

    2. Xe kéo rơ moóc phải có tổng trọng lượng lớn hơn tổng trọng lượng của rơ moóc hoặc phải có hệ thống hãm có hiệu lực cho rơ moóc.

    3. Cấm các hành vi sau đây:

    a) Xe kéo rơ moóc, xe sơ mi rơ moóc kéo theo rơ moóc hoặc xe khác;

    b) Chở người trên xe được kéo;

    c) Xe ô tô kéo theo xe thô sơ, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy hoặc kéo lê vật trên đường.

    Điều 28. Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy

    1. Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở tối đa một người lớn và một trẻ em; trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu hoặc áp giải người phạm tội thì được chở hai người lớn.

    2. Việc đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy do Chính phủ quy định.

    3. Cấm người đang điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy có các hành vi sau đây:

    a) Đi xe dàn hàng ngang;

    b) Đi xe lạng lách, đánh võng;

    c) Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;

    d) Sử dụng ô, điện thoại di động;

    đ) Sử dụng xe để kéo, đẩy các xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh;

    e) Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh;

    g) Sử dụng xe không có bộ phận giảm thanh và làm ô nhiễm môi trường;

    h) Các hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.

    4. Cấm người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy có các hành vi sau đây:

    a) Mang, vác vật cồng kềnh;

    b) Sử dụng ô;

    c) Bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác;

    d) Đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái;

    đ) Các hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông

    Điều 29. Người điều khiển và người ngồi trên xe đạp, người điều khiển xe thô sơ khác

    1. Người điều khiển xe đạp khi tham gia giao thông phải thực hiện các quy định tại khoản 1, các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 3 Điều 28 của Luật này; người ngồi trên xe đạp khi tham gia giao thông phải thực hiện các quy định tại khoản 4 Điều 28 của Luật này.

    2. Người điều khiển xe thô sơ khác phải cho xe đi hàng một, nơi có phần đường dành cho xe thô sơ thì phải đi đúng phần đường quy định; khi đi ban đêm phải có báo hiệu ở phía trước và phía sau xe.

    3. Hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển.

    Điều 30. Người đi bộ

    1. Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.

    2. Nơi không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ thì khi qua đường người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới để qua đường an toàn, nhường đường cho các phương tiện giao thông đang đi trên đường và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.

    3. Nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ qua đường thì người đi bộ phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn và qua đường đúng các vị trí đó.

    4. Trên đường có dải phân cách, người đi bộ không được vượt qua dải phân cách.

    5. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt.

    Điều 31. Người tàn tật, người già yếu tham gia giao thông

    1. Người tàn tật sử dụng xe lăn không có động cơ được đi trên hè phố và nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ.

    2. Người khiếm thị khi đi trên đường bộ phải có người dắt hoặc có công cụ để báo hiệu cho người khác nhận biết đó là người khiếm thị.

    3. Mọi người có trách nhiệm giúp đỡ người tàn tật, người già yếu khi đi qua đường.

    Điều 32. Người điều khiển, dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ

    1. Người điều khiển, dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và phải bảo đảm vệ sinh trên đường; trong trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được cho đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn.

    2. Cấm điều khiển, dẫn dắt súc vật đi vào phần đường xe cơ giới.

    Điều 33. Các hoạt động khác trên đường bộ

    1. Việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ phải thực hiện theo quy định của Chính phủ.

    2. Việc đặt biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ phải được cơ quản quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản.

    3. Cấm các hành vi sau đây:

    a) Họp chợ trên đường bộ;

    b) Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ;

    c) Thả rông súc vật trên đường bộ;

    d) Để trái phép vật liệu, phế thải; phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông sản và các vật khác trên đường bộ;

    đ) Đặt các biển quảng cáo trên đất của đường bộ;

    e) Che khuất biển báo, đèn tín hiệu giao thông.

    Điều 34. Sử dụng đường phố đô thị

    1. Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông; trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời vào mục đích khác do Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.

    2. Cấm các hành vi sau đây:

    a) Đổ rác hoặc phế thải ra đường phố không đúng nơi quy định;

    b) Xây, đặt bục, bệ trái phép trên đường phố;

    c) Tự ý tháo mở nắp cống trên đường phố;

    d) Các hành vi khác gây cản trở giao thông.

    Điều 35. Tổ chức giao thông và điều khiển giao thông

    1. Tổ chức giao thông gồm các nội dung sau đây:

    a) Phân làn, phân luồng, phân tuyến và quy định thời gian đi lại cho người và các loại phương tiện tham gia giao thông;

    b) Quy định các đoạn đường cấm đi, đường đi một chiều, nơi cấm dừng, cấm đỗ, cấm quay đầu xe; lắp đặt báo hiệu đường bộ;

    c) Thông báo khi có sự thay đổi về việc phân luồng, phân tuyến, thời gian đi lại tạm thời hoặc lâu dài; thực hiện các biện pháp ứng cứu khi có sự cố xảy ra và các biện pháp khác về đi lại trên đường bộ để bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn.

    2. Trách nhiệm về việc tổ chức giao thông :

    a) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên hệ thống quốc lộ;

    b) ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông đường bộ và đường đô thị thuộc phạm vi quản lý.

    3. Trách nhiệm điều khiển giao thông của cảnh sát giao thông:

    a) Chỉ huy, điều khiển giao thông trên đường; hướng dẫn, bắt buộc người tham gia giao thông chấp hành quy tắc giao thông;

    b) Khi có tình huống đột xuất gây ách tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng xe, đỗ xe.

    Điều 36. Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông

    1. Người lái xe và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn phải có trách nhiệm:

    a) Dừng ngay xe lại; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

    b) ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người lái xe cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc trường hợp vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;

    c) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan công an.

    2. Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn phải có trách nhiệm:

    a) Bảo vệ hiện trường;

    b) Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn;

    c) Báo tin ngay cho cơ quan công an hoặc ủy ban nhân dân nơi gần nhất;

    d) Bảo vệ tài sản của người bị nạn;

    đ) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan công an.

    3. Người lái xe khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe ưu tiên, xe của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao không bắt buộc phải thực hiện quy định tại khoản này.

    4. Cơ quan công an khi nhận được tin về vụ tai nạn có trách nhiệm nhanh chóng cử người tới hiện trường để điều tra vụ tai nạn, phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ và ủy ban nhân dân địa phương bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

    5. ủy ban nhân dân nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm kịp thời thông báo cho cơ quan công an đến giải quyết vụ tai nạn; tổ chức cứu chữa, giúp đỡ người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của người bị nạn; trường hợp có người chết, sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã hoàn tất các công việc theo quy định của pháp luật và đồng ý cho chôn cất, nếu người chết không rõ tung tích, không có thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất thì ủy ban nhân dân có trách nhiệm tổ chức chôn cất.

    6. Cấm các hành vi xâm phạm đến tính mạng, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn.

      bởi Trần Quân 25/09/2018
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
 

Các câu hỏi mới

NONE
OFF