OPTADS360
ATNETWORK
ATNETWORK
YOMEDIA

Lập dàn ý so sánh hai đoạn thơ trong Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử và Tây Tiến - Quang Dũng

22/05/2018 444.39 KB 14179 lượt xem 37 tải về
Banner-Video
https://m.hoc247.net/docview/viewfile/1.1.114/web/?f=https://m.hoc247.net/tulieu/2018/20180522/759315504150_20180522_104534.pdf?r=7209
ADMICRO/
Banner-Video

Hàn Mặc Tử và Quang Dũng là hai thi nhân tài hoa trên thi đàn Văn học. Với bút pháp trữ tình lãng mạn cả hai nhà thơ đã cùng đồng điệu tâm hồn trước thiên cảnh sông nước quê hương. Hai bức trên thiên nhiên đẹp đẽ ấy đã được hai nhà thơ vẽ nên trong hai khổ thơ của hai bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ Tây Tiến. Vậy hai khổ thơ ấy có gì giống và khác nhau, lí giải về sự khác nhau đó như thế nào mời các em cùng HỌC247 tìm hiểu thông qua dàn ý tóm tắt sau. Ngoài ra, để củng cố lại toàn bộ bài học, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Đây thôn Vĩ Dạ.

 

 
 

Đề bài: Lập dàn ý so sánh hai đoạn thơ trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử và đoạn thơ trong bài thơ Tây Tiến  - Quang Dũng

 

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

             (Tây Tiến - Quang Dũng)

Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

            (Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)

 

A. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý

B. DÀN BÀI CHI TIẾT

1. Mở bài

  • Giới thiệu hai tác giả
    • Quang Dũng (1921 – 1988), tên thật là Bùi Đình Diệm, quê ở huyện Đan Phượng nay thuộc Hà Nội, là một người tài hoa và đa tài.
    • Hàn Mặc Tử (1912 – 1940), tên thật là Nguyễn Trọng Trí, quê ở Quảng Bình, là một nhà thơ thuộc phong trào Thơ mới 1932- 1940.
  • Hai bài thơ
    • Tây Tiến được in trong tập Mây đầu ô và được Quang Dũng sáng tác tại Phù Lưu Chanh, 1948 khi ông rời binh đoàn Tây Tiến.
    • Đây thôn Vĩ Dạ được in trong tập Thơ điên.
  • Hai đoạn thơ
    • Đoạn trích bài thơ Tây Tiến thuộc khổ thơ thứ 6 trong bài thơ.
    • Đoạn trích bải thơ Đây thôn Vĩ Dạ thuộc khổ thứ 2 trong bài thơ.

2. Thân bài

  • Ý khái quát: một vài nét về tác giả, tác phẩm và vị trí đoạn thơ cần phân tích
  • Phân tích, cảm nhận từng đoạn thơ:
    • Đoạn thơ trong bài thơ Tây Tiến là cảnh sông nước miền Tây hoang sơ, thơ mộng, trữ tình.
      • Giữa khói sương của hoài niệm, Quang Dũng nhớ về một “chiều sương ấy” – khoảng thời gian chưa xác định rõ ràng nhưng dường như đã khắc sâu thành nỗi niềm thương nhớ trong tâm trí nhà thơ.
      • Quá khứ vọng về là những hình ảnh mờ mờ ảo ảo, lung linh huyễn hoặc: “hồn lau nẻo bến bờ”, “dáng người trên độc mộc” và “hoa đong đưa”.
      • Cảnh vật hiện lên: dù rất mong manh mơ hồ nhưng lại giàu sức gợi, rất thơ, rất thi sĩ, đậm chất lãng mạn của người lính Hà Thành: "Có thấy hồn lau nẻo bến bờ / Có nhớ dáng người trên độc mộc".
      • Câu hỏi tu từ: “có thấy”, “có nhớ” dồn dập như gọi về biết bao kỉ niệm của một thời đã xa.
      • Nhân hóa: hình ảnh cây lau tưởng chừng như vô tri vô giác cũng mang hồn. Cách nhân hóa có thần đã khiến cho thiên nhiên trở nên đa tình và lãng mạn hơn.
      • Hình ảnh con người thấp thoáng trở về trong hồi ức của nhà thơ. Dáng ngồi “độc mộc” tạo nên hai cách hiểu: đó là vẻ đẹp riêng của con người Tây Bắc hay cũng là tư thế của những chiến sĩ Tây Tiến đang phải đối mặt với thách thức của thiên nhiên dữ dội? Dù hiểu theo cách nào, dáng người trong thơ Quang Dũng cũng luôn khảm sâu trong tâm trí nhà thơ, luôn hiên ngang kiêu hùng mà uyển chuyển, tài hoa và khéo léo.
      • "Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa": Hình ảnh đắt nhất: đóa hoa giữa dòng là hội tụ của cái nhìn đa tình vốn có trong tâm hồn người lính Hà Thành trẻ tuổi và vẻ thơ mộng của cảnh sắc nơi đây.
        • Hình ảnh “hoa đong đưa” khi đang “trôi dòng nước lũ” là hình ảnh không thể có trong thực tại nhưng lại rất hợp lí khi đặt giữa mạch cảm hứng trữ tình của bài thơ.
        • Bằng bút pháp lãng mạn và biện pháp nhân hóa, tác giả đã vẽ nên nét vẽ thần tình, thâu tóm trọn vẹn vẻ đẹp của Tây Bắc, gửi gắm vào đó cả nỗi niềm thương luôn cháy bỏng trong trái tim ông.
        • Bút pháp lãng mạn hào hoa, phép nhân hóa thần tình, cách dùng điệp từ khéo léo đã quyện hòa với nỗi nhớ chưa bao giờ nguôi ngoai trong sâu thẳm tâm trí nhà thơ về đồng đội và thiên nhiên miền Tây Tổ quốc, tất cả tạo nên điểm sáng lấp lánh của tâm hồn một người chiến sĩ thiết tha với Tây Tiến, với quê hương.
    • Đoạn thơ trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là khung cảnh sông nước xứ Huế qua cảm nhận của cái tôi trữ tình đầy tâm trạng.
      • Khổ thơ thứ nhất nói về cảnh vật thôn Vĩ khi “nắng mới lên”… Ở khổ thơ thứ hai, Hàn Mặc Tử nhớ về miền sông nước mênh mang, bao la, một không gian nghệ thuật đầy thương nhớ và lưu luyến. Có gió nhưng “gió theo lối gió”, cũng có mây nhưng “mây đường mây”. Mây gió đôi đường đôi ngả: "Gió theo lối gió mây đường mây"
      • Cách ngắt nhịp 4/3, với hai vế tiểu đối, gợi ta một không gian gió, mây chia lìa, như một nghịch cảnh đầy ám ảnh.
      • Chữ “gió” và “mây” được điệp lại hai lần trong mỗi vế tiểu đối đã gợi nên một bầu trời thoáng đãng, mênh mông.
      • Không có một bóng người xuất hiện trước cảnh gió mây ấy. Mà chỉ có “Dòng nước buồn hiu, hoa bắp lay”. Cảnh vật mang theo bao nỗi niềm. Sông Hương lững lờ trôi xuôi êm đềm, trong tâm tưởng thi nhân đã biến thành “dòng nước buồn thiu” càng gợi thêm sự mơ hồ, xa vắng.
      • Hai câu thơ 14 chữ với bốn thi liệu (gió, mây, dòng nước, hoa bắp) đã hội tụ hồn vía cảnh sắc thôn Vĩ. Ngoại cảnh thì chia lìa, buồn lặng lẽ biểu hiện một tâm cảnh: thấm thía nỗi buồn xa vắng, cô đơn.
      • Hai câu thơ tiếp theo: "Thuyền ai đậu bến sông trăng đó / Có chở trăng về kịp tối nay?"
        • Chữ “đó” cuối câu 3 bắt vần với chữ “có” đầu câu 4, âm điệu vần thơ cất lên như một tiếng khẽ hỏi thầm “có chở trăng về kịp tối nay?”
        • “Thuyền ai” phiếm chỉ gợi lên bao ngỡ ngàng, bâng khuâng, tưởng như quen mà lạ, gần đó mà xa xôi.
        • Cả hai câu thơ của Hàn Mặc Tử, câu nào cũng có trăng. Ánh trăng tỏa xuống dòng sông, con thuyền và bến đò. Con thuyền không chở người mà chỉ chở trăng, chở những cách xa và mong đợi sau nhiều năm tháng.
        • Sau cảnh gió, mây, là con thuyền, bến đợi và sông trăng: cảnh mộng ảo gợi nên nỗi niềm, tâm trạng cô đơn, mong nhớ đối với cảnh và người xứ Huế.
    • Nét tương đồng và khác biệt:
      • Tương đồng:
        • Cả hai đoạn thơ đều là sự cảm nhận của cái tôi trữ tình về khung cảnh sông nước quê hương.
        • Chính cái tôi lãng mạn chắp cánh cho cảnh vật thêm thơ mộng, huyền ảo, lung linh.
        • Cả hai đoạn thơ đều cho thấy nét bút tài hoa của hai thi sĩ.
      • Khác biệt:
        • Đoạn thơ trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ mang màu sắc tâm trạng chia li, mong nhớ khắc khoải.
        • Đoạn thơ trong bài thơ Tây Tiến mang nỗi nhớ da diết về thiên nhiên miền Tây, về kỉ niệm kháng chiến.
    • Lí giải sự tương đồng và khác biệt
      • Cả Quang Dũng và Hàn Mặc Tử đều là những hồn thơ lãng mạn, tài hoa.
      • Mỗi nhà thơ đều mang một cảm xúc riêng khi đứng trước khung cảnh sông nước.
      • Hoàn cảnh sáng tác: cảnh ngộ riêng của mỗi nhà thơ và hoàn cảnh thời đại để lại dấu ấn trong cảm xúc và hình ảnh thơ của mỗi nhà thơ.

3. Kết bài

  • Hai đoạn thơ thể hiện cho vẻ đẹp tâm hồn của hai nhà thơ ở hai thời cuộc, hai cảnh ngộ khác nhau.
  • Hai đoạn thơ kết tinh tài năng nghệ thuật của Hàn Mặc Tử và Quang Dũng.

Bên cạnh dàn ý cho đề bài So sánh hai đoạn thơ trong Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử và đoạn thơ trong Tây Tiến - Quang Dũng, các em có thể tìm đọc một số bài văn mẫu có liên quan đến bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử như:

----Mod Ngữ Văn biên soạn và tổng hợp----

VIDEO
YOMEDIA
Trắc nghiệm hay với App HOC247
YOMEDIA
NONE
OFF