Với bài giảng Viết bài văn kể về một kỉ niệm của bản thân Ngữ văn lớp 6 sách Cánh diều dưới đây đã được Học247 biên soạn và tổng hợp nhằm giúp các em nắm được các bước thực hành nói trước lớp về một kỉ niệm đáng nhớ của chính mình. Chúc các em có được bài thực hành nói trước tập thể lớp học thật tốt nhé!
Tóm tắt bài
1.1. Định hướng
- Để kể về một kỉ niệm, các em cần lưu ý:
- Xác định kỉ niệm mình sẽ kể.
- Xây dựng dàn ý cho bài kể miệng.
- Phân biệt cách nói miệng (văn nói) và cách viết (văn viết).
1.2. Thực hành
Thực hành nói và nghe: Kể về một kỉ niệm sâu sắc của em với thầy cô, bạn bè khi học ở trường tiểu học.
a. Chuẩn bị:
- Xem lại bài viết kể về một kỉ niệm sâu sắc của em với thầy cô, bạn bè… ở phần Viết.
- Dự kiến phương tiện hỗ trợ (tranh, ảnh, video…) cho việc kể (nếu có).
b. Tìm ý và lập dàn ý:
- Tìm ý dựa vào mục a nêu trên, đặt ra và trả lời các câu hỏi như:
- Em nhớ và định kể lại kỉ niệm gì?
- Câu chuyện xảy ra như thế nào?
- Vì sao kỉ niệm ấy sâu sắc, đáng nhớ?
- Lập dàn ý bằng cách dựa vào các ý đã tìm được, sắp xếp theo ba phần:
(1) Mở bài: Nêu khái quát về kỉ niệm em định kể.
(2) Thân bài
- Nêu địa điểm và thời gian xảy ra câu chuyện, các nhân vật liên quan.
- Kể lại diễn biến câu chuyện từ bắt đầu đến kết thúc, chú ý các sự việc, hành động, ngôn ngữ… đặc sắc đáng nhớ.
- Nêu điều làm em nhớ hay vui buồn, xúc động.
(3) Kết bài
- Nêu cảm nghĩ của em về kỉ niệm hoặc bài học rút ra từ kỉ niệm đó.
- Nói lên mong ước từ kỉ niệm ấy.
c. Nói và nghe:
- Dựa vào dàn ý để kể về kỉ niệm của bản thân.
- Lưu ý: Kể theo trình tự thời gian, tập trung vào sự việc quan trọng, cần sử dụng kết hợp với ngôn ngữ hình thể…
d. Kiểm tra và chỉnh sửa:
- Người nói: Xem lại nội dung bài nói đã đầy đủ chưa, còn thiếu nội dung nào, có mắc lỗi về cách kể không…
- Người nghe: Nắm được nội dung kỉ niệm mà người kể đã trình bày, tránh mắc lỗi khi nghe.
Gợi ý bài nói:
- Mở đầu: Kính chào các thầy cô và các bạn, sau đây tôi sẽ kể lại một kỉ niệm đáng nhớ nhất của mình dưới mái trường tiểu học. Đó là buổi lễ khai giảng năm lớp năm.
- Nội dung:
Mỗi buổi lễ khai giảng đều vô cùng ý nghĩa đối với học sinh. Nhưng tôi cảm thấy ấn tượng nhất với ngày khai trường vào năm học lớp 5.
Đây là năm học cuối cùng của tôi dưới mái trường tiểu học thân yêu này. Buổi lễ khai giảng bắt đầu vào đúng bảy giờ ba mươi phút. Mở đầu là các tiết mục văn nghệ chào mừng lễ khai giảng. Sau đó là phần diễu hành của các em học sinh lớp một. Khi nhìn thấy khuôn mặt bỡ ngỡ của các em, tôi lại nhớ đến hình ảnh của mình trước đây.
Sau khi tiến hành lễ chào cờ, tất cả các học sinh được yêu cầu ổn định trật tự để nghe lời phát biểu của cô hiệu trưởng. Giọng cô trầm ấm mà trang nghiêm, khiến cho tôi cảm thấy rất xúc động. Những lời dặn dò của cô hiệu trưởng về một năm học mới bổ ích khiến tôi có thêm động lực để cố gắng. Buổi lễ kết thúc bằng hồi trống chào mừng năm học mới. Đó là một hồi trống trang nghiêm nhất, vang vọng nhất mà tôi từng nghe; nó vang lên trong không khí im phăng phắc, nghiêm trang và hồi hộp. Vậy là năm học cuối cùng của tôi dưới mái trường tiểu học thân yêu đã bắt đầu.
Sau khi kết thúc buổi lễ, chúng tôi ra về trong niềm hân hoan. Khi nhắc về những kỉ niệm ngày khai trường, trong lòng tôi lại nhớ đến những câu văn trong tác phẩm “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh mà tôi đã từng đọc: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường”.
- Kết thúc: Cảm ơn thầy cô và các bạn học sinh đã chú ý lắng nghe bài trình bày của tôi.
Bài tập minh họa
Bài tập: Hãy sắp xếp các ý kiến sau đây sao cho hợp lí về bước kiểm tra và chỉnh sửa đối với người nói và người nghe trong một bài thực hành nói và nghe: Kể về một kỉ niệm của bản thân.
(1) Tránh mắc các lỗi khi kể mà người nói đã mắc.
(2) Đã nắm được nội dung người nói kể chưa?
(3) Xem lại nội dung nói đã đầy đủ chưa?
(4) Cần bổ sung, cần chỉnh sửa nội dung nào không?
(5) Có mắc lỗi gì về cách kể không?
- Người nói:
+ ...
- Người nghe:
+ ...
a. Hướng dẫn giải:
- Xem lại lý thuyết phần thực hành nói và nghe: Kể về một kỉ niệm của bản thân.
- Sắp xếp các ý kiến phù hợp về bước kiểm tra và chỉnh sửa đối với người nói và người nghe.
b. Lời giải chi tiết:
- Người nói:
(3) Xem lại nội dung nói đã đầy đủ chưa?
(4) Cần bổ sung, cần chỉnh sửa nội dung nào không?
(5) Có mắc lỗi gì về cách kể không?
- Người nghe:
(1) Tránh mắc các lỗi khi kể mà người nói đã mắc.
(2) Đã nắm được nội dung người nói kể chưa?
Lời kết
- Học xong bài này, các em cần nắm:
+ Viết được bài thực hành nói: Kể về một kỉ niệm của bản thân hay và sáng tạo nhất.
+ Rèn luyện và nâng cao kĩ năng nói trước tập thể lớp học.
Soạn bài Kể về một kỉ niệm của bản thân
Bài Kể về một kỉ niệm của bản thân nhằm giúp các em biết cách đứng trước tập thể lớp học chia sẻ về kỉ niệm mà bản thân ấn tượng nhất. Để tìm hiểu bài học này chi tiết hơn, các em có thể tham khảo bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:
Hỏi đáp bài Kể về một kỉ niệm của bản thân Ngữ văn 6
Nếu nội dung bài học có phần khó hiểu các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ giúp các em giải đáp cụ thể.
-- Mod Ngữ văn 6 HỌC247