OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
YOMEDIA
Banner-Video
IN_IMAGE

Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật - Ngữ văn 11 Tập 1 Cánh Diều


Ở phần Viết của Bài 2: Thơ văn Nguyễn Du, HỌC247 xin giới thiệu đến các em nội dung bài giảng Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật thuộc sách Cánh diều dưới đây. Với nội dung bài soạn chi tiết cùng bài tập minh họa cụ thể sẽ giúp các em biết viết văn bản nghị luận và biết thuyết trình, giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật tự chọn (điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, hội hoạ,...). Mời các em cùng tham khảo. Chúc các em có nhiều kiến thức bổ ích!

ADSENSE/lession_isads=0
QUẢNG CÁO
 
 
 

Tóm tắt bài

1.1. Kiểu bài

1.1.1. Khái niệm

Nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật là phân tích, bình luận một tác phẩm văn học hoặc một vở kịch, bộ phim, bài hát, bức tranh, pho tượng,…Bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật thường nêu lên những cảm nhận, suy nghĩ về nội dung và hình thức, những ưu điểm, hạn chế của tác phẩm nghệ thuật. Từ đó, người viết nhận xét, đánh giá về tác phẩm được bàn luận.

1.1.2. Yêu cầu

- Tìm hiểu kĩ về tác phẩm nghệ thuật được phân tích (đặc điểm thể loại, tác giả, hoàn cảnh sáng tác, bối cảnh thời đại,…)

- Nắm được những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm thông qua một số chi tiết cụ thể.

- Nêu được nhận xét cá nhân về thành công và hạn chế của tác phẩm.

- Thực hiện các bước theo quy trình tạo lập văn bản.

1.2. Cách viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật

1.2.1. Thực hành viết

a. Chuẩn bị:

- Xác định bộ phim (vở kịch, bài hát) mà em sẽ phân tích.

- Tìm hiểu đề văn để xác định các yêu cầu cơ bản trước khi viết:

+ Trọng tâm cần làm rõ: vẻ đẹp nội dung, hình thức của bộ phim (vở kịch, bài hát).

+ Kiểu văn bản chính: phân tích một tác phẩm nghệ thuật (bộ phim, vở kịch hay bài hát).

+ Phạm vi dẫn chứng: nội dung của bộ phim (vở kịch, bài hát) đã chọn.

 

b. Tìm ý và lập dàn ý:

* Tìm ý: Tìm ý cho bài viết theo cách suy luận từ khái quát đến cụ thể theo sơ đồ sau:

 

* Lập dàn ý: Lập dàn ý cho bài viết bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần:

 

c. Viết:

Viết bài văn gồm ba phần lớn theo dàn ý trên. Trong khi viết, các em cần chú ý:

- Mở bài: Nêu vấn đề (luận đề).

- Thân bài:

+ Gồm các đoạn văn, nêu các ý lớn (luận điểm) làm sáng tỏ cho luận đề.

+ Các luận cứ (a, b, c,…) trong mỗi đoạn làm rõ cho luận điểm.

- Kết bài: Tổng hợp các ý đã nêu.

 

d. Kiểm tra và chỉnh sửa:

Đọc lại bài văn đã viết, đối chiếu với các yêu cầu đã nêu ở mỗi bước (chuẩn bị, tìm ý và lập dàn ý) để:

- Kiểm tra về nội dung và hình thức của bài đã viết.

- Nhận biết các lỗi còn mắc phải và cách chỉnh sửa.

- Tự đánh giá kết quả viết.

1.2.2. Rèn luyện kĩ năng viết

- Câu văn suy lí lô gích và câu văn có hình ảnh trong văn nghị luận.

- Văn nghị luận nói chung là loại văn của tư duy suy luận lô gích giàu sức thuyết phục. Tuy nhiên, văn nghị luận cũng cần phải hấp dẫn, lôi cuốn bằng hình ảnh, từ ngữ có sức biểu cảm cao.

- Bài văn nghị luận hay là bài văn vừa giàu sức thuyết phục, vừa giàu hình ảnh, cảm xúc.

- Biện pháp cơ bản nhất để tạo nên bài viết có hình ảnh là người viết dùng phép so sánh, liên hệ, đối chiếu.

ADMICRO

Bài tập minh họa

Phân tích đoạn trích sau trong "Truyện Kiều" (Nguyễn Du):

“Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,

Nghĩ mình mình lại thương mình xót xa.

Khi sao phong gấm rủ là,

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.

Mặt sao dày gió dạn sương.

Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?

Mặc người mưa Sở mây Tần,

Những mình nào biết có xuân là gì.

Đài phen gió tựa hoa kề,

Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thân.

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ

Đài phen nét vẽ câu thơ,

Cung đàn trong nguyệt, nước cờ dưới hoa.

Vui là vui gượng kẻo là,

Ai tri âm đó mặn mà với ai?”

(Theo ĐÀO DUY ANH, Từ điển "Truyện Kiều", sách đã dẫn)

 

Phương pháp giải:

Đọc kĩ lại các bước để viết, chọn một trong ba đề và viết bài.

 

Lời giải chi tiết:

Trong dòng chảy văn học trung đại, mỗi nhà văn, nhà thơ đều góp phần làm nên diện mạo của nền văn học Việt Nam qua nhiều tác phẩm xuất sắc thuộc nhiều thể loại khác nhau. Và khi nhắc đến Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, bạn đọc mọi thế hệ không thể không nhắc tới tác phẩm “Truyện Kiều”. Đọc những trang Kiều, người đọc như thấm thía nỗi đau mà Kiều phải chịu đựng nhưng ẩn sau đó chính là vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của nàng. Có thể nói, đoạn trích “Nỗi thương mình”, là một minh chứng tiêu biểu cho điều đó. 

Trước tình cảnh đầy trớ trêu nơi chốn lầu xanh, trong Thúy Kiều luôn hiện lên bao nỗi niềm đau đớn, xót thương cho thân phận, cuộc đời của mình.

Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,

Giật mình mình lại thương mình xót xa.

Câu thơ “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh” đã mở ra thời gian ban đêm, khi những cuộc vui đã tàn, đó là thời điểm hiếm hoi Kiều được sống là chính mình, đối diện với chính mình cùng bao nỗi niềm, suy tư, trăn trở. Trong chính khoảnh khắc ít ỏi ấy, Kiều “giật mình” bởi sự bàng hoàng, thảng thốt trước thực tại cuộc sống của mình. Để rồi, sau cái giật mình ấy chính là nỗi thương mình, xót xa cho chính bản thân mình và nỗi thương mình, sự xót xa ấy của Kiều xét đến cùng chính là sự tự ý thức về nhân cách của Thúy Kiều. Trong nỗi niềm xót xa, sự cô đơn đến tột cùng ấy, Thúy Kiều đã đi tìm nguyên nhân để lí giải chúng.

Khi sao phong gấm rủ là,

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.

Mặt sao dày gió dạn sương

Thân sao bướm chán ong chường bấy thân.

Nghệ thuật đối đã được tác giả sử dụng thành công thông qua việc sử dụng hàng loạt các hình ảnh đối lập nhau, giữa một bên là “phong gấm rủ là” gợi những tháng ngày quá khứ êm đềm, hạnh phúc với một bên là những hình ảnh “tan tác”, “hoa giữa đường”, “dày gió dạn sương”, “bướm chán ong chường” để gợi lên hiện tại phũ phàng, bị chà đạp, vùi dập. Thể hiện sự đối lập giữa quá khứ với hiện tại, tác giả Nguyễn Du đã tô đậm cuộc sống cùng tâm trạng ê chề, nhục nhã, chán chường của Thúy Kiều trong hoàn cảnh đầy trớ trêu. Thêm vào đó, với việc sử dụng hàng loạt từ để hỏi “khi sao”, “giờ sao”, “mặt sao”, “thân sao” đã tạo nên giọng điệu chất vấn, Thúy Kiều như đang tự hỏi, tự dằn vặt chính bản thân mình. Trong nỗi niềm chua xót, đầy giày vò ấy, Thúy kiều đã nhận thức rõ sự đối lập đau xót và chua chát giữa ta và người.

Mặc người mưa Sở mây Tần

Những mình nào biết có xuân là gì.

Không chỉ đối lập giữa cuộc sống ở quá khứ và hiện tại, mà giờ đây, trong Thúy Kiều còn hiện hữu rõ nét sự đối lập giữa cảnh vật bên ngoài với nỗi niềm tân trạng của chính mình. Bi kịch ấy của Thúy Kiều được thể hiện rõ nét trong những tám câu thơ cuối của đoạn trích. 

Đòi phen gió tựa hoa kề

Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu.

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?

Đòi phen nét vẽ câu thơ,

Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa

Vui là vui gượng kẻo là

Ai tri âm đó mặn mà với ai?

Cuộc sống nơi chốn lầu xanh ở khung cảnh bên ngoài với đầy đủ những nét thanh cao, tao nhã, phong lưu được tác giả tái hiện lại thông qua các hình ảnh giàu sức gợi “gió tựa hoa kề”, “tuyết ngậm”, “trăng thâu”, “nét vẽ”, “câu thơ”, “cung cầm”, “nước cờ”. Nhưng ẩn sâu bên trong đó là bản chất phũ phàng và đầy xót xa, đầy tủi nhục và nhơ nhớp. Và bởi vậy, cảnh vật ở nơi đây đối với Thúy Kiều chính là một sự giả tạo và nàng không thể tìm thấy bầu bạn, không thể tìm thấy tri âm và nàng thờ ơ với mọi thứ xung quanh mình. Đặc biệt, với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, tác giả Nguyễn Du đã cho thấy tâm trạng của Thúy Kiều khi sống ở nơi đây, đó chính là sự gượng gạo, tự thương, tự xót xa cho số phận của chính mình. Đặc biệt, tâm trạng đau đớn như xé lòng của Kiều được thể hiện qua việc sử dụng hàng loạt các câu hỏi tu từ.

Tóm lại, qua các câu thơ cùng với việc sử dụng thành công nghệ thuật đối cùng những hình ảnh giàu sức gợi đã thể hiện một cách rõ nét và sâu sắc nỗi niềm tâm trạng, sự xót thương số phận của Thúy Kiều. Đồng thời, ẩn sau đó người đọc cũng cảm nhận được vẻ đẹp nhân cách của nàng, dẫu có chìm trong chốn dung tục tầm thường nhưng vẫn giữ được một tâm hồn thanh khiết, không bị sa đà trong lối sống trụy lạc, hoang đường.

ADMICRO

Lời kết

Học xong bài Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật, các em cần nắm:

- Biết viết văn bản nghị luận và biết thuyết trình, giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật tự chọn (điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, hội hoạ,...).

- Tự hào về Nguyễn Du và có ý thức phát huy di sản văn học của đại thi hào dân tộc.

Soạn bài Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật - Ngữ văn 11 Tập 1 Cánh Diều

Bài học Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật sẽ giúp các em hình thành kĩ năng viết văn bản nghị luận và biết thuyết trình, giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật tự chọn (điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, hội hoạ,...). Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn:

  • Soạn văn đầy đủ Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật
  • Soạn văn tóm tắt Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật

Hỏi đáp bài Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật - Ngữ văn 11 Tập 1 Cánh Diều

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

-- Mod Ngữ văn 11 HỌC247

NONE
OFF