OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
YOMEDIA
Banner-Video
IN_IMAGE

Trình bày ý kiến đánh giá, bình luận về một vấn đề xã hội - Ngữ văn 11 Tập 1 Chân Trời Sáng Tạo


Nội dung bài giảng Trình bày ý kiến đánh giá, bình luận về một vấn đề xã hội thuộc sách Chân Trời Sáng Tạo do HỌC247 biên soạn và tổng hợp dưới đây sẽ giúp các em biết trình bày ý kiến đánh giá, bình luận một vấn đề xã hội và sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ với các phương tiện phi ngôn ngữ một cách đa dạng. Đồng thời hình thành ý thức trong việc học tập, rèn luyện và xác định các mục tiêu phấn đấu cho tương lai. Mời các em cùng tham khảo

ADSENSE/lession_isads=0
QUẢNG CÁO
 
 
 

Tóm tắt bài

1.1. Yêu cầu

- Kết cấu bài có ba phần rõ ràng.

- Nêu và phân tích, đánh giá các ý kiến trái ngược.

- Sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ với các phương tiện phi ngôn ngữ một cách đa dạng.

1.2. Cách làm

1.2.1. Chuẩn bị nói

* Xác định đề tài:

Đề tài: Bài viết của bạn được lựa chọn để tham gia buổi tọa đàm Những góc nhìn cuộc sống, trình bày ý kiến, quan điểm của học sinh về các vấn đề xã hội. Từ bài viết Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội, bạn hãy chuẩn bị nội dung bài nói để tham gia buổi tọa đàm.

 

* Xác định mục đích nói, đối tượng người nghe, không gian và thời gian nói:

- Mục đích nói chính là để thuyết phục người nghe về quan điểm của bạn trước một vấn đề xã hội.

- Đối tượng người nghe của bạn có thể là thầy cô, các bạn học sinh, ban chủ nhiệm câu lạc bộ, các khách mời...

- Không gian và thời gian nói: Bạn cần tìm hiểu xem buổi toạ đàm diễn ra trong không gian nào (hội trường, trước sân trường, trong phòng học...), thời gian trình bày bài nói là bao lâu? Từ đó, bạn chọn cách trình bày phù hợp: gần gũi, thân thiện hay trang trọng,

 

* Tìm ý và lập dàn ý

- Đảm bảo kết cấu bài nói có ba phần rõ ràng: mở đầu, nội dung chính, kết thúc.

- Lựa chọn những luận điểm trọng tâm mà bạn tâm đắc nhất để trình bày. Tóm tắt hệ thống luận điểm dưới dạng sơ đồ để chủ động khi trình bày, giúp người nghe dễ dàng theo dõi nội dung.

- Sắp xếp, chỉnh sửa các lí lẽ, bằng chứng cho phù hợp với thời gian nói.

- Dự kiến các ý kiến trái chiều và chuẩn bị những phản hồi của bản thân.

- Chuẩn bị các phương tiện phi ngôn ngữ (hình ảnh, âm thanh, video clip...) hỗ trợ và dự tính cách khai thác các phương tiện ấy sao cho hiệu quả. Có thể phối hợp đa dạng phương tiện phi ngôn ngữ để bài nói trực quan, hấp dẫn hơn.

1.2.2. Trình bày bài nói

Khi trình bày, bạn nên dựa vào phần tóm tắt luận điểm đã chuẩn bị từ trước, kết nối bài nói với các phương tiện phi ngôn ngữ, chú ý tương tác với người nghe.

1.2.3. Trao đổi, đánh giá

- Khi trao đổi với người nghe, bạn nên có thái độ cầu thị, nghiêm túc lắng nghe và ghi chép các ý kiến; lựa chọn một số câu hỏi, ý kiến quan trọng để phản hồi trong thời gian cho phép.

- Trong bước đánh giá, bạn sẽ có hai vai trò: người trình bày và người nghe. Trong vai trò người trình bày, bạn tự đánh giá bài nói của mình; trong vai trò người nghe, bạn đánh giá phần trình bày của thành viên khác trong lớp dựa vào bảng kiểm dưới đây:

ADMICRO

Bài tập minh họa

Bài viết của bạn được lựa chọn để tham gia buổi tọa đàm Những góc nhìn cuộc sống, trình bày ý kiến, quan điểm của học sinh về các vấn đề xã hội. Từ bài viết Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội, bạn hãy chuẩn bị nội dung bài nói để tham gia buổi tọa đàm.

 

Phương pháp giải:

- Xác định mục đích, đối tượng người nghe, không gian và thời gian nói.

- Sau đó tìm ý và lập dàn ý và hoàn thành bài nói.

 

Lời giải chi tiết:

Bài nói mẫu bàn về Ứng xử trên mạng Xã hội

Cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật với hàng loạt phát minh vĩ đại đã đưa nhân loại bước tới kỉ nguyên mới "internet of things". Mọi thứ đều được mạng internet kết nối và truyền tải. Vậy, các bạn hiểu như thế nào là "ứng xử trên không gian mạng"? Trước hết, chúng ta cần phải giải nghĩa ứng xử là gì. Ứng xử là việc con người trao đổi, tương tác với nhau trong cuộc sống. Như vậy, ứng xử trên không gian mạng có sự thay đổi môi trường giao tiếp. Thay vì trò chuyện trực tiếp "mặt đối mặt" thông thường, chúng ta có thể liên lạc, nói chuyện thông qua internet. Ngoài ra, việc bày tỏ thái độ, suy nghĩ của mình trước các luồng tin, sự việc được đăng tải trên internet cũng là một phần nhỏ trong ứng xử trên mạng.

Quay trở về thế kỉ XX, báo giấy là phương tiện cập nhật và lan truyền tin tức hiệu quả nhất. Tuy nhiên, thời thế đổi thay, hiện nay, con người thường tiếp nhận thông tin từ mạng Internet. Nơi này không chỉ cung cấp nguồn tin mà còn gắn kết tất cả gần nhau. Chỉ cần một click chuột hay một cái chạm nhẹ, chúng ta dễ dàng trò chuyện, trao đổi vấn đề nào đó. Đặc biệt, cuộc sống xô bồ, bon chen làm con người trở nên bận rộn. Họ cảm thấy tương tác, giao tiếp trên mạng xã hội là phương thức đơn giản và thuận tiện nhất. Không cần ra ngoài gặp mặt, chẳng phải bon chen đông đúc, sẵn chiếc điện thoại thông minh trên tay, họ vẫn biết đến mọi chuyện bên ngoài xã hội. Việc liên lạc với người thân, bạn bè được tiến hành thông qua ứng dụng nhắn tin như: Zalo, Skype,... Từ đây, Internet giống như không gian sống thứ hai của con người với sự tham gia đông đảo ở nhiều độ tuổi. Ngày ngày, các sự kiện xảy ra trong đời sống sẽ được đăng tải lên mạng xã hội, tạo thành chủ đề bàn tán.

Rất nhiều bài viết gắn mác "hot", mang tính giật gân thu hút hàng trăm, hàng nghìn lượt xem, chia sẻ và bình luận. Các cư dân trong không gian mạng từ xa lạ đến thân quen đều hào hứng bàn tán, bày tỏ suy nghĩ. Tuy nhiên, "chín người mười ý", mỗi người đều có cái nhìn, cách đánh giá hoàn toàn khác nhau. Chính bởi vậy, trong quá trình tranh luận, một vài người bất đồng quan điểm thường buông lời xúc phạm, chửi rủa bằng ngôn từ tục tĩu, thiếu văn minh. Họ sẵn sàng "cào bàn phím", viết ra những lời lẽ thô thiển nhằm mục đích thắng được đối phương. Số khác thì lan truyền các thông tin, sự kiện không đúng sự thật để câu view, câu like. Điều này vừa gây hoang mang dư luận, vừa làm ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người khác. Hay với các vụ việc nóng hổi, họ còn lợi dụng sức nóng rồi lôi kéo, kích động người khác công kích, tấn công cá nhân hay tổ chức nào đó.

Có nhiều nguyên nhân gây nên những hành vi tiêu cực trên đây. Trước hết, ta phải nói đến cái tôi quá cao của một số người. Khi tham gia thảo luận, các cá nhân ấy luôn cho rằng mình đúng, không chịu lắng nghe, thấu hiểu người khác mà thường bảo thủ và cố chấp. Lúc nào họ cũng tỏ vẻ "ánh mắt cao hơn cái đầu", thượng đẳng, hống hách, chẳng coi ai ra gì. Tiếp đến, việc ứng xử yếu kém trên mạng còn bắt nguồn từ các trường hợp không tỉnh táo khi phân biệt tin thật, giả. Họ dễ dàng bị người khác lôi kéo, lợi dụng làm việc xấu. Như vậy, tất cả nguyên do đều bắt nguồn từ chính chúng ta - những người đang và sẽ tiếp tục sử dụng mạng xã hội, Internet.

Để không gian mạng trở nên "trong lành", thân thiện, mỗi người cần tự ý thức được lời lẽ, phát ngôn của mình. Đứng trước vấn đề nào đó, thay vì kích động, chúng ta nên có cái nhìn tường tận, suy nghĩ cẩn thận. Khi tham gia thảo luận, chúng ta hãy bày tỏ quan điểm bằng sự thiện chí và dựa trên cơ sở tôn trọng người khác. Mỗi người nên học cách sử dụng Internet, mạng xã hội sao cho thông minh, tỉnh táo. Đừng để bản thân trở thành những "con rối" bị kẻ khác giật dây, điều khiển.

Ứng xử trên không gian mạng giống như sợi dây vô hình, kết nối con người với nhau gần hơn. Bởi vậy, để nơi đây mãi văn minh, thân thiện, tất cả phải cùng chung tay giữ gìn các giá trị tốt đẹp, loại bỏ và khai trừ những hành xử yếu kém, lệch lạc.

ADMICRO

Lời kết

Học xong bài Trình bày ý kiến đánh giá, bình luận về một vấn đề xã hội, các em cần:

- Biết trình bày ý kiến đánh giá, bình luận một vấn đề xã hội.

- Biết sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ với các phương tiện phi ngôn ngữ một cách đa dạng.

- Có ý thức trong việc học tập, rèn luyện để phát triển bản thân, quan tâm và xác định các mục tiêu phấn đấu cho tương lai.

Soạn bài Trình bày ý kiến đánh giá, bình luận về một vấn đề xã hội - Ngữ văn 11 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo

Bài học Trình bày ý kiến đánh giá, bình luận về một vấn đề xã hội sẽ giúp các em biết trình bày ý kiến đánh giá, bình luận một vấn đề xã hội: kết cấu bài có ba phần rõ ràng; có nêu và phân tích, đánh giá các ý kiến trái ngược; sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ với các phương tiện phi ngôn ngữ một cách đa dạng. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn:

Hỏi đáp bài Trình bày ý kiến đánh giá, bình luận về một vấn đề xã hội - Ngữ văn 11 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

-- Mod Ngữ văn 11 HỌC247

NONE
OFF