OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
YOMEDIA
Banner-Video
IN_IMAGE

Củng cố, mở rộng Bài 7 - Ngữ văn 11 Tập 2 Kết Nối Tri Thức


Trong nội dung Bài 7: Ghi chép và tưởng tượng trong kí, các em đã được tìm hiểu về yếu tố tự sự và hư cấu trong thể loại kí, cách viết, tranh luận và thảo luận về một vấn đề xã hội cụ thể. Nội dung bài giảng Củng cố, mở rộng Bài 7 thuộc sách Kết Nối Tri Thức do HỌC247 biên soạn và tổng hợp dưới đây sẽ giúp các em hệ thống hóa kiến thức đã học một cách rõ ràng, cô đọng. Mời các em cùng tham khảo:

ADSENSE/lession_isads=0
QUẢNG CÁO
 
 
 

Tóm tắt bài

1.1. Ôn lại đặc trưng của thể kí

1.1.1. Khái niệm

- Kí là tên gọi một nhóm các thể/tiểu loại tác phẩm văn xuôi phi hư cấu có khả năng dung hợp các phương thức tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thông tin, nhằm tái hiện những trạng thái đời sống đang được xã hội quan tâm và bộc lộ trực tiếp những cảm nghĩ của tác giả.

- Tuỳ vào mục đích, sự bộc lộ cái tôi tác giả và cách thức tổ chức các phương tiện biểu đạt mà tác phẩm kí được gọi là tuỳ bút, tản văn, phóng sự hay là kí sự, truyện kí, hồi kí, nhật kí, du kí,...

1.1.2. Tự sự và trữ tình trong tuỳ bút, tản văn

Trong tuỳ bút, tản văn, yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình luôn có sự kết hợp linh hoạt, tuỳ vào ý tưởng trung tâm được triển khai, đối tượng của sự quan sát, chiêm nghiệm và đặc điểm phong cách nghệ thuật của người viết.

- Tuỳ bút là tiểu loại kí có tính tự do cao, có bố cục linh hoạt, thường nghiêng hẳn về tính trữ tình với điểm tựa là cái tôi của tác giả. Người viết sẽ tuỳ cảnh, tuỳ việc, tuỳ theo cảm hứng mà trình bày, nhận xét, đánh giá, suy tưởng,... Nếu có miêu tả, kể chuyện thì đó cũng chỉ là cái cớ để giãi bày cảm xúc, suy tư trữ tình.

- Tản văn là một tiểu loại kí thường sử dụng đồng thời cả yếu tố tự sự và trữ tình, có thể còn kết hợp nghị luận, miêu tả,... nhằm gợi lên những bức tranh đời sống đưa lại nhiều rung cảm thẩm mĩ. Cái tôi của tác giả luôn hiện diện rõ nét, nhưng việc triển khai những liên hệ, suy tưởng phần nào được tiết chế so với tuỳ bút.

1.1.3. Phi hư cấu và hư cấu trong truyện kí

- Truyện kí là một dạng truyện kể về người thật, việc thật. Tôn trọng sự thật đời sống, đảm bảo tính xác thực của toàn bộ sự việc được kể là đòi hỏi quan trọng hàng đầu đối với các sáng tác thuộc thể loại này. Vì điều đó, truyện kí được xếp vào loại văn học phi hư cấu.

- Tuy nhiên, yếu tố hư cấu vẫn luôn hiện diện trong truyện kí (dù được sử dụng một cách tiết chế), thể hiện ở sự sáng tạo riêng của người viết khi xử lí, tổ chức tư liệu và lựa chọn giọng điệu, ngôn ngữ trần thuật thích hợp. Yếu tố hư cấu còn được thể hiện qua cách người viết hình dung, miêu tả tâm trạng, cảm xúc của nhân vật.

Xem chi tiết kí:

Ai đã đặt tên cho dòng sông - Hoàng Phủ Ngọc Tường

“Và tôi vẫn muốn mẹ…” - Svetlana Alexievich

Cà Mau quê xứ - Trần Tuấn

1.2. Ôn lại cách viết văn bản thuyết minh về một hiện tượng xã hội

- Nêu rõ hiện tượng xã hội được thuyết minh và cung cấp một số thông tin cơ bản giúp người đọc hình dung bước đầu về hiện tượng.

- Làm sáng tỏ nguyên nhân của hiện tượng, tác động tích cực hoặc tiêu cực của hiện tượng đối với đời sống.

- Nêu được giải pháp phát huy hiện tượng tích cực hoặc khắc phục hiện tượng tiêu cực.

- Rút ra ý nghĩa của việc thuyết minh hiện tượng hoặc tác dụng của các giải pháp được đề xuất.

- Sử dụng kết hợp trong văn bản thuyết minh một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm hoặc nghị luận.

1.3. Ôn tập cách thảo luận, tranh luận về một vấn đề trong đời sống

- Xác định được vấn đề cần thảo luận, tranh luận.

- Đưa ra được ý kiến, quan điểm của cá nhân khi tham gia thảo luận về vấn đề.

- Biết tranh luận với các ý kiến, quan điểm khác để bảo vệ ý kiến, quan điểm của mình.

- Tôn trọng người đối thoại, có tinh thần cầu thị, lắng nghe; biết chấp nhận những ý kiến, quan điểm hợp lí, xác đáng.

ADMICRO

Bài tập minh họa

Chọn ba văn bản thuộc các thể loại tùy bút, tản văn, truyện kí,... mà bạn yêu thích; đọc, chỉ ra và phân tích những nét đặc sắc về nghệ thuật của từng văn bản. 

 

Lời giải chi tiết:

Văn bản “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”

Đoạn trích trên đã được tác giả sử dụng linh hoạt các biện pháp nghệ thuật để làm nổi bật nên một hình ảnh sông Hương mang theo hồn của xứ Huế mà tiêu biểu trong đó là:

- Nghệ thuật sử dụng hình ảnh, từ ngữ tinh tế: tác giả đã kết hợp linh hoạt, sáng tạo chất khoa học và chất văn học. Sử dụng cả nhưng câu văn miêu tả khách quan về dòng sông và cả những câu văn thể hiện rõ cái chất văn học lãng mạn trữ tình của tác giả. Ngôn ngữ hài hòa, độc đáo, mới mẻ là một trong những yếu tố chính tạo nên thành công của tác phẩm.

- Sử dụng linh hoạt các biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa, ẩn dụ…: trong suốt quá trình miêu tả của mình, tác giả luôn kết hợp linh hoạt các biện pháp tu từ không chỉ làm nổi bật nên một hình ảnh dòng sông thay đổi trạng thái một cách uyển chuyển mà nó còn thể hiện rõ tình cảm, cảm xúc, sự yêu mến của tác giả đối với dòng sông mang đậm chất trữ tình, sử thi này.

- Sức liên tưởng phong phú, vốn hiểu biết phong phú về nhiều lĩnh vực: không chỉ am hiểu về lĩnh vực địa lý, dòng sông Hương thơ mộng ấy còn được nhân cách hóa như một người đồng chí, một đối tượng trữ tình của những người chiến sĩ, các nhà thơ từ xưa đến nay. Từ đó không chỉ giúp ta thấy được vốn hiểu biết sâu rộng của tác giả mà nó còn làm nổi bật lên sự gắn bó lâu dài của dòng sông Hương với người dân xứ Huế nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

ADMICRO

Lời kết

Học xong bài Củng cố, mở rộng Bài 7, các em cần:

- Nhận biết và phân tích được sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình trong tuỳ bút, tản văn; giữa hư cấu và phi hư cấu trong truyện kí.

Vận dụng được kinh nghiệm đọc, trải nghiệm về cuộc sống và hiểu biết về lịch sử văn học Việt Nam để nhận xét, đánh giá văn bản văn học.

Hiểu được hiện tượng phá vỡ những quy tắc ngôn ngữ thông thường, vận dụng vào việc tìm hiểu ngôn ngữ trong văn bản nghệ thuật.

Viết được bài thuyết minh về một hiện tượng xã hội đáng quan tâm, có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như: miêu tả, tự sự biểu cảm, nghị luận.

Biết thảo luận, tranh luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi.

Biết yêu mến cảnh quan thiên nhiên, các sắc màu văn hoá của đất nước; thấu hiểu và cảm thông với con người ở những cảnh ngộ khác nhau.

Soạn bài Củng cố, mở rộng Bài 7 Ngữ văn 11 tập 2 Kết Nối Tri Thức

Bài học Củng cố, mở rộng Bài 7: Ghi chép và tưởng tượng trong kí, sẽ giúp các em ôn tập kiến thức đã học về yếu tố tự sự và hư cấu trong thể loại kí, cách viết, tranh luận và thảo luận về một vấn đề xã hội cụ thể. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn:

  • Soạn bài chi tiết Củng cố, mở rộng Bài 7

Hỏi đáp bài Củng cố, mở rộng Bài 7 Ngữ văn 11 tập 2 Kết Nối Tri Thức

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

-- Mod Ngữ văn 11 HỌC247

NONE
OFF