OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
UREKA
Banner-Video
IN_IMAGE

Phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

  bởi Thu Hang 10/06/2020
ADSENSE/lession_isads=0
QUẢNG CÁO
 

Câu trả lời (2)

  • Trong nền văn học Việt Nam, Nguyễn Tuân được biết đến với quan niệm thẩm mỹ trân trọng, đề cao cái đẹp, khám phá cái khác thường và xây dựng các hình tượng nhân vật mang đậm nét tài hoa nghệ sĩ. Phong cách nghệ thuật độc đáo của ông đã được thể hiện rõ thông qua tác phẩm “Chữ người tử tù”. Đây là thiên truyện ngắn kết tinh những giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc, trong đó cảnh cho chữ “xưa nay chưa từng có” diễn ra chốn ngục tù tăm tối đã ẩn chứa những ý niệm sâu sắc về sự chiến thắng của cái đẹp trước cái xấu, cái ác.

    Trong truyện ngắn “Chữ người tử tù”, cảnh tượng cho chữ được diễn ra vào cuối tác phẩm và diễn ra trong hoàn cảnh trước khi Huấn Cao bị dẫn ra pháp trường. Cảm động trước tấm lòng biệt nhỡn liên tài qua lời kể của thầy thơ lại, Huấn Cao đã đồng ý với ước nguyện của viên quản ngục, tạo nên một cảnh tượng độc đáo “xưa nay chưa từng có” diễn ra chốn ngục tù. Trong không gian đêm khuya vắng lặng, chỉ còn “văng vẳng tiếng mõ chòi canh”, dưới ánh sáng đỏ rực của bó đuốc tẩm dầu, nơi buồng giam chật hẹp và ẩm ướt,  Huấn Cao - người tử tù “cổ đeo gông, ch”khúm núm”, thầy thơ lại “run run bưng chậu mực”. Tác giả Nguyễn Tuân đã vận dụng thành công thủ pháp đối lập để tái hiện thành công cảnh cho chữ mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.

    Trong hệ hình văn hóa thời trung đại, chơi chữ là một thú vui tao nhã, những nét chữ uốn lượn tung hoành còn thể hiện rõ phẩm chất, tài năng của bậc quân tử, đấng anh hùng. Bởi vậy, thú vui này thường gắn liền với những bối cảnh thanh tao như chốn viện sảnh, thư phòng, trà thất. Tuy nhiên, cảnh tượng cho chữ diễn ra trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” lại được khắc họa trong một bối cảnh hoàn toàn đối lập. Đó là buồng giam chật hẹp nơi tỉnh Sơn với sự tăm tối, chật hẹp, ẩm ướt, “tường đầy mạng nhện”, “đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. Thời gian diễn ra cảnh cho chữ trong đêm khuya trước khi Huấn Cao bị dẫn ra pháp trường đã tô đậm hơn nữa bối cảnh độc đáo của cảnh tượng này.

    Không chỉ đặc biệt ở bối cảnh không gian và thời gian, cảnh cho chữ còn là “cảnh tượng xưa nay chưa từng có” bởi sự đảo lộn vị thế giữa người cho chữ và người nhận chữ. Huấn Cao - người cho chữ vốn là kẻ tử tù “đường bệ ung dung” phác họa những nét chữ thể hiện hoài bão, lí tưởng, còn viên quản ngục- người nhận chữ là đại diện cho quyền lực lại “khúm núm sợ sệt”. Giữa những phút giây đó, không còn tồn tại mối quan hệ xã hội giữa người tử tù và quản ngục, thơ lại, mà chỉ còn người nghệ sĩ tài hoa đang tạo ra cái đẹp - những nét chữ uốn lượn trước đôi mắt và sự kính phục của những tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” và yêu cái đẹp. Những dòng chữ tươi tắn uốn lượn trên tấm lụa trắng hương thơm của thoi mực đã chiến thắng, lấn át sự lạnh lẽo, ẩm ướt chốn ngục tù tăm tối. Người tử tù vươn lên làm chủ, còn những người vốn có quyền uy tối cao tại buồng giam lại gọi Huấn Cao bằng danh xưng “Ngài”,  “xin bãi lĩnh”, “xin lĩnh ý” đầy tôn kính và thái độ nhún nhường, khép nép cùng hành động cúi đầu, vái lạy trước tù nhân. Với cảnh tượng cho chữ độc đáo, chốn ngục tù đã trở thành nơi tri ngộ, gặp gỡ của những con người yêu và say mê cái đẹp. Không chỉ dừng lại ở đó, cảnh tượng cho chữ còn  thể hiện những ý niệm sâu xa ẩn chứa trong lời khuyên của Huấn Cao dành cho viên quản ngục: “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn, nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người... Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi”. Lời khuyên của Huấn Cao đã thể hiện quan điểm thẩm mỹ và thái độ của ông về nghệ thuật và cuộc sống con người.

    Thông qua việc tái hiện cảnh tượng cho chữ “xưa nay chưa từng có”, tác giả Nguyễn Tuân đã gửi gắm những ý niệm ẩn dụ về tư tưởng và quan điểm nghệ thuật. Trước hết, sự thay đổi vị thế giữa các nhân vật đã khẳng định sự chiến thắng của cái đẹp trước những điều tầm thường, sự xấu xa, độc ác. Đồng thời, qua đó, vẻ đẹp của nhân vật đã được khắc họa rõ nét hơn. Hình tượng nhân vật Huấn Cao đã hiện lên chân thực, sinh động với phẩm chất, tài năng, khí phách hiên ngang, phi thường; còn bức chân dung viên quản ngục - “thanh âm trong trẻo chen giữa bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ” được tô đậm hơn nữa ở tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” và hướng về cái đẹp. Đặc biệt, lời khuyên của Huấn Cao dành cho viên quản ngục còn thể hiện quan điểm thẩm mỹ của Nguyễn Tuân: “cái đẹp gắn liền với cái thiện”, sự thiên lương, trong sáng không thể tồn tại trong môi trường của cái xấu, cái ác. 

    Như vậy, bằng bút pháp lãng mạn, tác giả Nguyễn Tuân đã tái hiện thành công cảnh cho chữ diễn ra chốn ngục tù để thể hiện những giá trị tư tưởng sâu sắc. Đoạn văn còn thể hiện tài năng của nhà văn trong việc vận dụng thủ pháp tương phản, đối lập kết hợp ngôn ngữ giàu chất tạo hình, điêu luyện để tạo nên “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có” về sự chiến thắng của cái đẹp.

      bởi Lê Thánh Tông 11/06/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • Nguyễn Tuân được sinh ra trong 1 gia đình nhà nho khi Hán học đã tàn, thơ văn của ông luôn viết về cái đẹp, ông dành cả cuộc đời của mình để đi săn tìm cái đẹp. Ông có những đóng góp không nhỏ cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Tác phẩm " Chữ người tử tù " được in trong tập " Vang bóng một thời " đánh dấu tài năng của Nguyễn Tuân trước cách mạng tháng Tám và được coi như là 1 văn phẩm đạt gần đến độ hoàn mĩ. Ở cuối truyện, cảnh cho chữ là cảnh được tác giả tập trung miêu tả, tô đâm vẻ đẹp lãng mạn của người anh hùng Huấn Cao, qua đó khẳng định được sự chiến thắng của thiên lương, của ánh sáng trước bóng tối và cái xấu. Có thể nói, cảnh cho chữ là cảnh tượng đắt giá nhất, cảnh mà xưa này chưa từng có.

    Truyện ngắn được xây dựng dựa trên mối quan hệ giữa 2 nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục, cả 2 đều là nhân vật của chủ nghĩa lãng mạn, vượt lên hoàn cảnh, không chịu sự chi phối của hoàn cảnh. Huấn Cao là người nghệ sĩ tài hoa, với nghệ thuật viết thư pháp, nét chữ ông trở thành niềm khao khát của biết bao nhiêu con người có thú chơi chữ. Và quản ngục là 1 trong số đó, sở nguyện lớn nhất của quản ngục là có được đôi câu chữ của Huấn Cao treo trong nhà, Ở đây, người nghệ sĩ gặp kẻ tri âm trong 1 hoàn cảnh bất thường : Người có nét chữ huyền thoại kia lại là người tử tù, còn người có thú chơi chữ tao nhã kia lại là 1 viên quản ngục. Chuyện xin chữ tưởng như khó có thể xảy ra bởi cả cuộc đời ông mới chỉ cho chữ có 3 người. Liệu Huấn Cao có thể cho chữ cho kẻ tiểu lại như quan nhục chăng? Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra, điều không thể đã trở thành có thể, chính nhờ sở thích cao quý, tấm lòng quý trọng người tài của quản ngục đã khiến Huấn Cao phải xúc động. Ông đã dành đêm cuối cùng của mình tại nhà giam tỉnh Sơn để cho chữ quản ngục, ông cho chữ không phải là dể phô trương tài năng mà là để tạ 1 tấm lòng.

    Cảnh ông Huấn cho chữ trong nhà giam được khắc họa bằng chi tiết gây ấn tượng, cảm hứng mãnh liệt trước cảnh tượng cho chữ xưa nay khó có đã khiến Nguyễn Tuân say sưa sáng tạo bằng các ngôn từ sắc xảo, bút pháp dựng người, dựng cảnh đạt tới độ điêu luyện. Cảnh cho chữ được diễn ra vào buổi đêm, đêm cuối cùng của ông Huân tại nhà ngục. Địa điểm cho chữ là ngay trong buồng giam chật hẹp với mạng nhện đầy tường, trên đất bừa bãi phân chuột phân gián Trong không khí trang nghiêm 3 nhân vật hiện lên trong 3 tư thế khác nhau : Huấn Cao thì cổ đeo gong,còn chân vướng xiềng nhưng vẫn ung dung vẽ dậm to từng nét chữ , viên quản ngục thì đang khúm núm cất những đồng tiền kẽm để đánh dấu từng ô chữ, còn thầy thơ lại thì đang run run bê lấy chậu mực . Tuy là khác nhau về tư thế, về địa vị về con người nhưng họ đều có điểm chung là biết thưởng thức và trân trọng cái đẹp Những nét chứ của con người chuẩn bị đi vào cõi chết mà không hề ngả nghiêng siêu vẹo mà " vuông, tươi tắn nói lên hoài bão tung hoành của 1 đời con người ". Những nét chữ như phượng múa rồng bay thể hiện được tài năng của ông Huấn. Không chỉ vậy, với thái độ ung dung, tràn trề cảm hứng sáng tạo, ông còn tinh tế cảm nhận được mùi mực thơm ngát thể hiện được khí phách hiên ngang, không sợ cái chết của ông Huấn. Nếu không có tinh thần tự do, không có sức mạnh thì chắc chắn sẽ không có được phong độ ấy. Khi viết chữ xong, ông buồn bã đỡ quản ngục đứng thẳng dậy, ông buồn không phải vì ngày mai mình sẽ bị giải ra pháp trường mà ông buồn vì người như quản ngục lại phải.... Ông còn khuyên quản ngục thật chân thành hãy tìm về nhà quê mà ở, xong rồi hãy nghĩ tới chuyện chơi chữ, ở đây khó lòng giữ được thiên lương cho lành vững . Lời khuyên đặt ra yêu cầu đối với người thưởng thức : Phải có tâm hồn đẹp mới có thể cảm nhận được hết cái đẹp, phải có 1 môi trường tốt để cái đẹp được bảo vệ và giữ gìn. Như vậy, Huấn cao chuẩn bị đi vào cõi chết mà vẫn nghĩ tới sự sống của cái đẹp, cái đẹp không thể ở chung với cái xấu. Ông cho chữ quản ngục là để tạ 1 tấm lòng, để chia sẻ với 1 tri kỉ và để nâng đỡ 1 thiên lương

    Có thể nói, cảnh cho chữ diễn ra nơi tù ngục nhưng cũng rất xúc động và thiêng liêng. Quản ngục nghe xong lời khuyên của ông Huấn, ông chắp tay nói 1 câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào " Kẻ mê muội này xin bái lĩnh ". Qua thái độ kính cẩn của quản ngục, người đọc có thể thấy được thái độ trân trọng đặc biệt đối với người tài và cái đẹp, cái đẹp có khả năng cảm hóa con người, đưa những con người đang lầm đường lạc lối trở về con đường trong sáng. Trong đoạn văn tác giả sử dụng thành công thủ pháp đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, giữa mùi thơm với mùi ô uế, bẩn thỉu, Ánh sáng ở đây không chỉ là ánh sáng của bó đuốc mà còn là ánh sáng của cái đẹp, mùi thơm ở đây không chỉ là mùi thơm của chậu mực mà còn là mùi thơm tỏa ra từ nhân cách con người. Bóng tối không thể che lấp được màu trắng của tấm vải, không thể che được ngọn đuốc đang cháy rừng rực và mùi mực tàu thơm ngát

    Có thể khẳng định cảnh ông Huấn cho chữ là cảnh " xưa nay chưa từng có " vì hú chơi chữ là 1 thú chơi tao nhã thanh cao, người có tài viết chữ đẹp mà đạt tới trình độ viết thư pháo không có nhiều, người thưởng thức cũng phải là người có vốn văn hóa nhất định. Bình thường cảnh cho chữ thường được diễn ra nơi sảnh đường thoáng mát, thanh cao để người nghệ sĩ có thể thoải mái mà sáng tạo nhưng Huấn Cao lại cho chữ trong nhà ngục, nơi bóng tối ngự trị, nơi cái ác lên ngôi. Nhưng có lẽ, vì ánh sáng kia qua đẹp nên đã che lấp bóng tối, bóng tối ở đây càng làm tô đậm hơn nét đẹp của ánh sáng. Bình thường quản ngục là đại diện cho pháp luật ở chốn lao tù, là người của triều đình ở thế bề trên vậy mà trong cảnh này Huấn Cao lại ung dung trong tư thế làm chủ, kẻ có chức năng đi giáo dục người khác lại bị giáo dục lại. Như vậy, Nguyễn Tuân đã làm 1 cuộc đảo lộn trất tự xã hội để cho thấy, ở cảnh này, không con người tử tù, cũng không còn quản ngục, gong xiềng bị vô hiệu hóa, chỉ còn người nghệ sĩ đang sáng tạo cái đẹp và người thưởng thức, sủng kính cái đẹp

    Qua truyện ngắn " Chữ người tử tù " người đọc có thể dễ dàng thấy được quan niệm thẩm mĩ của Nguyễn Tuân : cái đẹp gắn với cái thiện và cái tài phải đi liền với cái tâm. Cảnh cho chữ cũng khơi gợi cho con người phải biết trân trọng các giá trị của văn hóa truyền thống, phải biết giữ gìn các truyền thống đang bị mai một dần kia.

      bởi Hoa Hong 11/06/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
 

Các câu hỏi mới

NONE
OFF