OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
YOMEDIA
Banner-Video
IN_IMAGE

Bức tranh phố huyện và tâm trạng nhân vật Liên qua ngòi bút Thạch Lam trong truyện ngắn Hai đứa trẻ

  bởi thanh hằng 11/06/2020
ADSENSE/lession_isads=0
QUẢNG CÁO
 

Câu trả lời (2)

  • Thạch Lam là cây bút trưởng thành trong nhóm Tự lực văn đoàn với phong cách sáng tác không thể lẫn lộn với bất cứ nhà văn nào. Những trang viết của ông nhẹ nhàng, sâu lắng, man mác và dìu dặt. Đó như là những lời tâm tình thủ thỉ nhưng lại có sức ám ảnh đối với người đọc. Những câu chuyện ông kể thường không có cốt truyện, bởi mọi thứ được viết bởi một chất liệu nhẹ và sâu nhất. "Hai đứa trẻ" là một câu chuyện như vậy. Truyện ngắn này đã vẽ lên bức tranh phố huyện nghèo với những mảnh đời nghèo khó, cơ cực trong xã hội.

    Thạch Lam luôn khiến cho người đọc nhận ra được sự tinh tế trong tâm hồn, trong những câu văn. Sự nhẹ nhàng đã làm nên nét độc đáo trong văn của Thạch Lam. "Hai đưa trẻ" là câu chuyện xoay quanh cuộc sống của An và Liên tại phố huyện nghèo với những công việc nhàn nhạt được lặp đi lặp lại hằng ngày. CŨng qua hai nhân vật này, tác giả muốn gửi gắm đến người đọc nhiều thông điệp về cuộc sống, về những khó khăn mà con người đã trải qua.

    Chất liệu làm nền cho câu chuyện chính là khung cảnh phố huyện nghèo luôn chấp chới, ẩn hiện trong mỗi trang viết. Có lẽ chính bức tranh là gợi nên cảm hứng để Thạch Lam bày tỏ cảm xúc của mình. Và có phải đây chính là phố huyện nghèo Cẩm Giàng - nơi mà ông đã sinh ra và lớn lên.

    Khung cảnh phố huyện nghèo hiện lên ở những câu văn đầu tiên "Tiếng trống thu không trên cái chợ của huyện nhỏ, từng tiếng một vang xa để gọi buổi chiều...". Một tiếng trống vang lên trong một buổi chiều sắp tàn, và có lẽ cảnh vật và con người đang đắm chìm vào trong trạng thái lơ đãng. Tại sao tác giả lại lựa chọn một buổi chiều mùa thu để làm cảm hứng vẽ lên bức tranh phố huyện? Là bơi mùa thu luôn gợi buồn, gợi nhớ, gợi nhiều xúc cảm nhất. Hình ảnh hai đứa trẻ xuất hiện với những công việc thường ngày "thắp đèn" rồi "đóng quan" và ngắm nhìn đoàn tàu chạy từ Hà Nội trở về, vụt sáng lên và rồi lại rơi vào hụt hẫng.

    Hình ảnh phố huyện buổi chiều tà được tác giả phác họa qua những chi tiết "Chợ họp giữa phố vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và bã mía. Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá khiến chị em Liên tường là mùi riêng của đất, của quê hương này. Một vài người bán hàng về muộn đang thu xếp hàng hóa, đòn gánh đã xỏ sẵn vào quang rồi, họ còn đứng nói chuyện với nhau ít câu". Đó chính là khung cảnh của khu phố nghèo lúc ngày đã tàn, một sự héo úa, tàn phai và cả sự tiêu điều hiu quạnh hiện lên trước mắt người đọc. Có lẽ đây chính là hiện thực thời bấy giờ ở miền bắc nước ta. Mọi thứ dường như chông chênh, không điểm nhấn, không sức hút và dường như không có sự sống. Tất cả chỉ là những điều bình dị, gần gũi nhưng lại phảng phất nghèo đói.

    Những câu văn mềm mại, mượt mà diễn tả một không gian đìu hiu, vắng lặng ở phố nghèo. Trên cái nền u ám đó xuất hiện bóng dáng những đứa trẻ nghèo "Mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất lại tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh trem hay bất cứ cái gì có thể dùng được. Liên động lòng nhưng chính chị cũng không có tiền mà cho chúng". Một bức tranh thêm ảm đảm hơn khi những con người nghèo khổ xuất hiện, dường như đã nhân đôi cái nghèo, cái khốn khó của mảnh đất này. Và người đọc thấy toát lên vẻ đẹp tâm hồn của Liên,thánh thiện và cao cả.

    Trong bức tranh làng quê nghèo ấy còn có rất nhiều số phận khác nữa, tất cả đã tạo nên sự hỗn độn của phố huyện buổi chiều tàn. Đó là hình ảnh mẹ con chị Tí dọn hàng nhưng "chả kiếm được bao nhiêu". Hay chính là hình ảnh của chị em Liên từ khi dọn về phố nghèo này, hai chị em bán hàng giúp cho mẹ trên một gian hàng bé thuê lại của người khác, một tấm phên nứa dán giấy nhật trình.

    Những con người lẳng lặng, những con người cần mẫn lặng nhìn cái nghèo đói diễn ra trước mắt nhưng cũng không thể làm gì được.

    Xen lẫn những con người nghèo khổ vật chất còn là hình ảnh bà cụ Thị bị điên vẫn thường hay mua rượu tại cửa hàng nhà liên. Hình ảnh bà cụ thi "ngửa cổ uống một hơi sạch, đặt 3 xu vào tay liên và lảo đảo bước đi" khiến người đọc chạnh lòng về một khiếp người, một đời người dật dờ, không bến đỗ.

    Giữa chốn phố huyện này, dường như ai cũng mong ngóng một chuyến tàu từ Hà Nội chạy về đây mang theo sự ồn ào, huyên náo và tấp nập hơn nữa. Có lẽ chuyến tàu có ý nghĩa to lớn đối với những phận người nơi mảnh đất này. Bởi "con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua"/ Đó có thể là thế giới có sự phồn hoa ngày xưa của hai chị em Liên, có cuộc sống sung túc và bình an hơn.

    Chuyên tàu có lẽ chính là ước mơ, là khát vọng được vươn ra ánh sáng của những con người tại phố huyện nghèo này.

    "Hai đứa trẻ" là một câu chuyện nhẹ nhàng, không có tình huống gay cấn những lại khiến cho người đọc thấy ám ảnh về những mảnh đời, mảnh đất nghèo nàn những năm đất nước ta còn chìm trong bom đạn.

      bởi Nhật Duy 11/06/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • BỨC TRANH PHỐ HUYỆN TRONG TÁC PHẨM HAI ĐỨA TRẺ  

           Giữa bộn bề phồn tạp buổi chợ phiên văn chương, giữa náo nhiệt đông đúc của gian hàng lãng mạn, Thạch Lam được xem như một khách hàng đặc biệt. Con người của Tự lực văn đoàn ấy đã không đưa ta tới những chân trời phiêu du, mộng tưởng của những tình yêu, khát vọng thường thấy trong trời lãng mạn mà dắt ta đi vào giữa cõi đời ta đáng sống. Con người dịu dàng nhân ái ấy đã nguyện gắn ngòi bút của mình với những kiếp người đau khổ, vẫn luôn trân trọng sự sống bình yên chốn phố huyện nghèo để rồi khắc họa bức tranh ấy vào những trang văn của mình trong tác phẩm Hai đứa trẻ.

            Thạch Lam tuy là thành viên trong Tự lực văn đoàn nhưng tư tưởng thẩm mĩ lại theo một hướng riêng. Ông đã hướng ngòi bút của mình về phía những người nghèo khổ với tấm lòng trắc ẩn chân thành. Thế giới nhân vật của Thạch Lam thật nhỏ bé và tội nghiệp. Trong đêm tối mênh mông của ga xép quạnh quẽ, các nhân vật hiện ra như những mảnh đời nhỏ bé, âm thầm. Các nhân vật yên lặng nhiều hơn cử động, nghĩ nhiều hơn nói. Họ tựa hồ như cái bóng âm thầm trong bóng đêm rộng lớn vô cùng, trong cái bóng đêm của kiếp người, trong cái bóng tối lờ mờ của những ngọn đèn không đủ sáng.Truyện ngắn của Thạch Lam không có cốt truyện mà chủ yếu khai thác thế giới nội tâm của nhân vật với những xúc cảm mong manh, mơ hồ trong cuộc sống thường ngày. Mỗi truyện như một bài thơ trữ tình đượm buồn, giọng điệu điềm đạm nhưng chứa biết bao tình cảm yêu mến chân thành và sự nhạy cảm của tác giả trước những biến thái của cảnh vật và lòng người. Đó chính là nét đặc biệt có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở nơi đâykhiến ta vương vấn . “Hai đứa trẻ” là truyện ngắn thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật trữ tình lãng mạn độc đáo của Thạch Lam. Toàn bộ câu truyện diễn ra như một thước phim chậm rãi về một phố huyện nghèo xung quanh chị em Liên vào một buổi chiều tối mùa hè. Không có thắt nút, không có mở nút nhưng truyện ngắn dễ dàng đi vào tâm trí người đọc bởi một nỗi buồn sâu lắng mà rất đẹp - vẻ đẹp của một cuộc sống bình thường được Thạch Lam khám phá ra.

             Có lẽ, buổi chiều luôn là khoảnh khắcmà khiến con người ta dễ mang nhiều niềm cảm xúc buồn bâng khuâng, man mác.Bởi buổi chiều luôn tĩnh lặng, êm đềm như thế, buổi chiều luôn là thời gian của sum vầy, là thời gian con người được nghỉ ngơi sau một ngày dài lê thê, mệt mỏi.Bởi thế, với những câu đầu của tác phẩm , Thach Lam đã vẽ ra bức tranh buổi chiều ở phố huyện để làm cho chúng ta cảm giác được sự buồn bã và tẻ nhạt đầu tiên ở phố huyên ngay đoạn mở đầu tác phẩm. Hoàn cảnh buổi chiều nơi phố huyện bắt đầu với “tiếng trống thu không… từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều”, tiếng trống thu là tiếng trống đánh dấu sự khép lại của ngày dài, từng hồi tiếng một buông ra nghe thật thảm thiết não nề, đượm buồn. Tiếng trống thu như đang thúc giục gọi buổi chiều man mác,điểm nhịp cho cuộc sống nặng nề trôi. Một không gian yên tĩnh đến nỗi tác giả còn có thể nghe được cả tiếng muỗi vo ve. Và phía xa xa tiếng ếch nhái văng vẳng từ ngoài đồng xa vọng lại. Phía trước nhà là tiếng chõng cũ nát kêu cót két, tàn tạ. Cả đất trời như chan chứa một khoảng không tĩnh mịch, êm ả đượm chút buồn, thê lương đến ảm đạm. Một loạt các âm thanh động cộng hưởng với nhau cũng không có sức để khuấy động mà lại gợi ra một không gian tĩnh lặng, vắng vẻ đến nao lòng. Bút pháp tài tình lấy động tả tĩnh của Thạch Lam thật khiến lòng người rung động.Cái độc đáo của Thạch Lam ở chỗ ông chẳng cần dùng những nét vẽ cao xa mà chỉ cần phẩy tay vấy hồn cho những cảnh đơn sơ, mộc mạc cũng đã khiến nó trở lên thật tuyệt tác. Bên cạnh những âm thanh đặc trưng nhà văn còn đan xen thêm những đường nét, hình ảnh và màu sắc chân thực của bức tranh phố huyện lúc trời chiều. Đó là “Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”. Mặt trời đang dần nghiêng bóng về phía tây, những ánh nắng không còn chói chang, sức sống nhữ buổi trưa nữa mà đã chuyển dần sang màu đỏ rực, lóe lên lần cuối trước khi lụi tàn. Dấu hiệu của sự lụi tàn đang chập chững buông xuống, bóng tối đang xâm lấn vào từng thớ đất, thớ trời.Những “dãy tre làng trước mặt đen lại cắt hình rõ rệt trên nền trời” khiến cho sự ảm đạo bao trùm lên cảnh vật khi bóng tối dần bủa vây xung quanh. Với nhịp điệu chậm, bằng cảm hứng lãng mạn, tinh tế Thạch Lam đã gợi lên bức tranh thiên nhiên thôn dã đẹp, êm đềm ,thơ mộng mang hồn quê Việt Nam.

             Hoàng hôn buông, chợ họp giữa phố vãn từ lâu, chỉ còn thấp thoáng vài bóng người bán hàng về muộn đang thu xếp hàng hóa. Rồi những ngườiấy ra về, chỉ còn bãi chợ lặng ngắt, trống trơ. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị,… và một mùi ẩm mốc rất đặc trưng của phiên chợ nghèo. Chợ là nơi biểu hiện sức sống của một làng quê, biểu hiện thuần phong mĩ tục của làng quê. Người ở nông thôn thường trông chờ vào ngày chợ phiên đông vui, tấp nập. Thạch Lam đã chọn ngày chợ phiên để nói cái xác xơ, tiêu điều của phố huyện. Mặc dù không tả buổi chợ phiên nhưng ông đã tả những phế phẩm còn lại của buổi chợ, đó cũng là cách biểu hiện sức sống đầy hay vơi của phố huyện. Mấy đứa trẻ lom khom đi đi lại lại tìm tòi, nhặt nhạnh thanh tre, thanh nứa hay bất cứ thứ gì có thể dùng được của những người bán hàng còn để lại. Kiếp sống của những đứa trẻ nhặt rác sao lầm lũi, cơ cực, vô vọng đến vậy. Cảnh chợ quê, chợ huyện vốn đã nghèo xơ xác, tiêu điều nay lại càng tiêu điều, xác xơ hơn. Cảnh vật trong truyện của Thạch Lam thật khiến ta nhớ đến những câu thơ trong “Tràng Giang” của Huy Cận:

    Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu

    Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

          Trong bức tranh cảnh sinh hoạt nổi bật lên với hình ảnh của những kiếp người tàn. Tại sao lại gọi là kiếp người tàn ? Bởi cuộc đời những con người ấy là chuỗi dài những cơ cực, khổ đau, họ bị cuộc sống nghèo nàn bủa vây, đeo đuổi. Không phải những người nông dân bị rượt đuổi bởi sưu cao thuế nặng, đồng tiền bát gạo như trong sáng tác của Ngô Tất Tố, Nam Cao. Không phải những ông quan Tây học, cô gái thôn quê sống an nhàn dưới nếp khói lam chiều như trong sáng tác của Nhất Linh, Hoàng Đạo. Phận người mà Thạch Lam quan tâm là những kiếp người bé mọn vô danh, sống lụi tàn trong một xã hội đen tối mịt mùng. Thạch Lam đã viết về họ bằng tất cả niềm ai hoài cảm thương rung lên từ “chân cảm” của mình. Bắt đầu từ những đứa trẻ con nhà nghèo ở khu bên chợ, rồi đến mẹ con chị Tí loay hoay, mệt nhọc với gánh hàng mà cũng chả kiếm được bao nhiêu; là bà cụ Thi với tiếng cười ám ảnh, chua chát và đầy ngao ngán. Phải chăng vì cuộc đời bà đã quá khổ, đã nếm trải đủ đắng cay, đã khóc quá nhiều đến nỗi nước mắt đã cạn, giờ đây chỉ biết lấy tiếng cười than thay cho nỗi lòng xót thương, rồi đến cả chị em Liên còn bé nhưng đã phải đối mặt với sức lo cơm áo gạo tiền, vốn cái tuổi được ăn chơi học hành nhưng các em đã phải phụ mẹ bán hàng kiếm tiền trang trải cho cuộc sống, cả mẹ Liên cơ cực gồng gánh cả gia đình.Bức tranh sinh hoạt càng khiến cho phố huyện lúc nhá nhem thêm tàn phai, héo úa, số phận con người hiện lên thật nhỏ bé, rẻ rúm và đáng thương. Đây chính là thực tại miền Bắc nước ta một thời.

         Màn đêm dần buông xuống là lúc phố huyện đang dần chìm sâu trong bóng đêm tăm tối, mênh mông. Cảnh đêm tối ấy như gợi lên cho người đọc được sắc màu, màu của bóng tối như bao chùm lên tất cả nơi phố huyện này “tối hết cả con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa”. Cái bóng tối đáng sợ ấy như ám ảnh con người nơi đây, nó thống trị tất cả từ con người đến cuộc sống. Ánh sáng không phải không có, nhưng nó chỉ là ánh sáng từ ngọn đèn chị Tí, bếp lửa của Bác Siêu, quầng sáng, vệt sáng, hệt sáng của đom đóm, ngôi sao lấp lánh. Những thứ ánh sáng ấy chỉ là ánh sáng nhỏ bé ,yếu ớt  không đủ sức để xé tan màn đêm mà như càng làm cho bóng tối trở nên mênh mông hơn, tối tăm hơn.

        Cuộc sống của những người dân nơi đây chỉ là những chuỗi ngày tẻ nhạt, đơn điệu, lặp đi lặp lại như cỗ máy được lập trình sẵn giống như thơ Huy Cận từng viết:

    “Quanh quẩn mãi với vài ba dáng điệu

    Tới hay lui vẫn chừng ấy mặt người

    Vì quá thân nên quá đỗi buồn cười

    Môi nhắc lại chỉ có ngần ấy chuyện”

    Niềm vui duy nhất để khuây khỏa nỗi hắt hiu chỉ là đêm nào những người dân phố huyện và chị em Liên cũng mỏi mắt cố gắng chờ đợi một chuyến tàu đi qua “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”.Chuyến tàu mang đến một thế giới khác ánh sáng xa lạ “ ngọn lửa xanh biếc “ , “ các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường “ ,âm thanh náo nức “ tiếng xe rít mạnh vào ghi “, tiếng ồn ào của khách.Chuyến tàu ấy mang theo một thứ ánh sáng duy nhất như con thoi xuyên thủng màn đêm dù chỉ trong chốc lát cũng đủ xua tan sự tối tăm ảm đạm nơi phố huyện.

          Bức tranh của phố huyện mà Thạch Lam vẽ lên thật chân thực.Thiên nhiên bao bọc truyện với nhiều trạng thái phong phú. Tác giả còn chú ý khắc họa được cảm giác mơ hồ về giờ khắc của ngày tàn, về vũ trụ thăm thẳm bao la rất gần gũi với những tứ thơ lãng mạn “mang mang thiên cổ sầu“. Nét hòa đồng với thiên nhiên một cách dịu dàng của làng quê Bắc Bộ là một nét cảm giác rất quen thuộc và gần gũi mang sắc thái dân tộc .Đặc biệt tác giả còn sử dụng mô típ bóng tối.. Bóng tối bao trùm cảnh vật và con người, bóng tối như một ám ảnh, như một sự hăm dọa, như một quái vật đè nặng lên cảnh vật và con người. Tác giả nhắc đến bóng tối nhiều lần bằng những hình ảnh và ngôn từ  khác nhau “buổi chiều hòn than sắp tàn”, “mặt đen lại”, “chiều, chiều rồi”, “bóng tối ngập đầy”, “bước của buổi chiều”, “ngày tàn”.

       “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, lẩn khuất khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở những chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật để cho người đọc trông nhìn và thưởng thức”.Thạch Lam không đơn giản chỉ vẽ lên trước mắt một bức tranh phố huyện bình thường mà tác giả đã vẽ lên bức tranh chân thực mang cho mỗi người một cảm xúc thật bâng khuâng, chiêm nghiệm.Bức tranh phố huyện trong tác phẩm Hai đứa trẻ đã đưa chúng ta đến những chân trời của thiên nhiên làng quê bình dị, mộc mạc, mang cốt cách Việt Nam.

     

          

      bởi Châu Mai 07/01/2021
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
 

Các câu hỏi mới

NONE
OFF