OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
YOMEDIA
Banner-Video
IN_IMAGE

Viết bài nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học - Ngữ văn 11 Tập 1 Cánh Diều


Trong phần Viết của chủ đề Bài 3: Truyện, HỌC 247 xin giới thiệu đến các em nội dung bài giảng Viết bài nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học thuộc sách Cánh diều dưới đây. Với nội dung bài giảng chi tiết cùng bài tập minh hoạ cụ thể sẽ giúp các em viết được bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học cụ thể. Mời các em cùng tham khảo

ADSENSE/lession_isads=0
QUẢNG CÁO
 
 
 

Tóm tắt bài

1.1. Kiểu bài

1.1.1. Khái niệm

- Nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học là dạng bài đòi hỏi các em phải có kiến thức cả về văn học và đời sống, cả kĩ năng phân tích văn học và kĩ năng phân tích, đánh giá một vấn đề xã hội. Đề bài thường xuất phát từ một vấn đề xã hội giàu ý nghĩa có trong một tác phẩm văn học để yêu cầu học sinh bàn bạc mở rộng.

- Ví dụ:

+ Từ bài thơ Tôi yêu em (Puskin), hãy bàn về một phẩm chất cần có của con người trong tình yêu đôi lứa.

+ Từ truyện Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân), em hãy suy nghĩ về mối quan hệ giữa cái “tài” và cái “tâm”, giữa cái “đẹp” và cái “thiện”.

1.1.2. Yêu cầu

- Phân tích đề bài và xác định vấn đề có ý nghĩa đặt ra trong văn bản.

- Đọc kĩ văn bản văn học được nêu trong đề.

- Tìm ý và lập dàn ý cho bài viết. Cần nêu được ít nhất hai ý lớn:

+ (1) Giới thiệu và phân tích vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học.

+ (2) Bàn luận về vấn đề xã hội đó trong đời sống.

+ Trong hai ý trên, ý (2) là trọng tâm của bài viết. Vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học ở ý (1) chỉ là đề tài để người viết bàn bạc, trao đổi, mở rộng, nâng cao ở ý (2).

- Thể hiện rõ thái độ, tình cảm khi bàn luận về vấn đề đã nêu. Vận dụng được kiến thức và những trải nghiệm của cá nhân người viết.

1.2. Cách viết bài nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học

1.2.1. Thực hành viết

a. Chuẩn bị:

- Đọc kĩ đề bài, xác định vấn đề cần bàn luận, các thao tác lập luận cần sử dụng, phạm vi dẫn chứng.

- Đọc lại truyện Chí Phèo (Nam Cao), tìm hiểu mối quan hệ giữa các nhân vật trong truyện, đặc biệt là mối quan hệ giữa Chí Phèo và thị Nở, thấy được vai trò của thị Nở đối với quá trình thức tỉnh của Chí Phèo.

- Đọc thêm sách, báo và các nguồn tư liệu khác, kết hợp với quan sát và trải nghiệm để thấy được những biểu hiện và sức mạnh của tình yêu thương giữa con người với con người; ghi chép lại những thông tin cần thiết.

 

b. Tìm ý và lập dàn ý:

* Tìm ý:

Tiến hành tìm ý cho bài viết theo suy luận từ khái quát đến cụ thể bằng những gợi dẫn như sơ đồ sau:

* Lập dàn ý:

Lập dàn ý cho bài viết bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý đã tìm được theo bố cục ba phần:

 

c. Viết:

- Viết bài văn theo dàn ý đã lập.

- Chú ý diễn đạt chặt chẽ, có cảm xúc; dùng từ ngữ chính xác và viết đúng chính tả, ngữ pháp;…

 

d. Kiểm tra và chỉnh sửa:

- Đọc lại bài văn đã viết, đối chiếu với các yêu cầu đã nêu ở mỗi bước (chuẩn bị, tìm ý và lập dàn ý) để:

+ Kiểm tra về nội dung và hình thức của bài đã viết.

+ Nhận biết các lỗi còn mắc phải và cách chỉnh sửa.

+ Tự đánh giá kết quả viết.

- Về nội dung kiểm tra, chỉnh sửa.

 

e. Người viết và người đọc giả định, cách xưng hô trong bài viết:

- Khi viết bài văn nghị luận, em cần hình dung mình là ai (người viết giả định) và viết cho ai đọc (người đọc giả định). Bên cạnh vị trí một người học, cần phải tạo ra bài viết theo yêu cầu của thầy, cô giáo mà còn có thể “đóng vai” một người nào đó để viết (như nhà báo, luật sư, nhà khoa học,…) và hướng tới một đối tượng người đọc mà em hình dung, tưởng tượng (bạn bè, thầy cô, các bậc phụ huynh, quan tòa, hiệu trưởng, nguyên thủ quốc gia,…)

- Cần xác định người viết giả định và người đọc giả định vì các đối tượng giả định ấy chi phối việc xác định nội dung, cách triển khai và sử dụng ngôn ngữ, nhất là cách xưng hô của em trong bài viết.

- Từ vị trí của người viết và người đọc giả định, em sẽ lựa chọn cách xưng hô cũng như thể hiện giọng điệu cho phù hợp. Một số cặp đại từ xưng hô thường được sử dụng là: tôi – bạn/ các bạn, tôi – ông/ bà, tôi – quý ngài, tôi – ngài,… Việc sử dụng các từ ngữ xưng hô này sẽ góp phần tạo nên tính đối thoại và màu sắc biểu cảm cho bài viết.

ADMICRO

Bài tập minh họa

Từ truyện Chí Phèo (Nam Cao), em hãy bàn về sức mạnh của tình yêu thương giữa con người với con người.

 

Phương pháp giải:

Gợi nhớ kiến thức về tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, phân tích bình luận về vấn đề: sức mạnh của tình yêu thương giữa con người với con người.

 

Lời giải chi tiết:

Tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao từ xưa và nay vẫn được xem là một truyện ngắn tiêu biểu, xuất sắc của văn học sáng tác theo khuynh hướng hiện thực phê phán, thể hiện tài năng nghệ thuật của Nam Cao. Cũng từ sáng tác này, chúng ta còn được chứng kiến một điều kì diệu trong cuộc sống, sức mạnh của tình yêu giữa con người với con người.

Đọc những đoạn đầu tiên của tác phẩm, người đọc khó có thể hình dung được sẽ có kế nhân vật chính của truyện – một con người bao nhiêu năm đắm mình trong men rượu, một con quỷ dữ của làng Vũ Đại lại có thể thức tỉnh cả phần và linh hồn nhờ vào tình yêu chớm nở. Khó hình dung hơn nữa khi Chí lại được đánh thức bởi mụ đàn bà xấu ma chê qủy hờn, một người ba mươi tuổi mà chưa trót đời. Và không thể tin nổi khi chính người đàn bà xấu xí ấy lại mang trong mình lòng tốt bình thường mà cả làng Vũ Đại không ai khác có được. Bát cháo hành nóng hổi với những cử chỉ của thị Nở đã đánh thức trong Chí phần “người” lương thiện bị vùi lấp lâu nay. Con người ấy mới hôm qua còn đi uống rượu say, chửi cả làng, chửi cả đứa sinh ra, rạch mặt ăn vạ, la làng khắp xòm mà lại có thể tỉnh táo nhận ra được những điều đơn giản, nhịp sống thường ngày, có thể khóc, có thể sống dậy những cảm xúc tê dại bấy lâu nay, có thể yêu và khao khát, mong muốn được trở lại cuộc sống lương thiện, mơ về một gia đình hạnh phúc. Điều đáng nói hơn, đánh thức Chí không phải là sức mạnh của quyền lực từ bá Kiến, cũng không phải là sức mạnh được mang đến từ những người dân làng Vũ Đại mà là lòng yêu thương ngây thơ, thuần phác trong con người thị Nở.

Từ câu chuyện thức tỉnh của Chí Phèo, có thể thấy tình yêu thương giữa người với người là sức mạnh có khả năng cảm hoá, giáo dục con người một cách nhanh chóng, mạnh mẽ. Trong thực tế cuộc sống, nhiều lần chúng ta đã bắt gặp sức mạnh đó, ở người thầy hết lòng yêu thương học trò, dù đó là đứa học trò ngỗ ngược, ở người cảnh sát trại giam luôn cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ các phạm nhân cải tạo. Tình cảm yêu thương chân thành đã lay động và kêu gọi thức tỉnh phần lương tri bị vùi khuất phía sau bao tội lỗi, cứu vớt bao con người khỏi sa xuống vực thẳm đau thương. Tình yêu thương đưa thế giới này thoát khỏi bao thảm họa diệt chủng, ươm lại trong con người niềm tin vào tương lai tươi sáng. . . .

Có nhiều cách để giành lại hạnh phúc, công bằng cho con người nhưng nếu yêu thương có thể hàn gắn mọi đau thương, xoá mờ mọi tội lỗi thì tại sao chúng ta không nhân nó lên trong mọi trái tim, không phát huy sức mạnh của nó? Cũng như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết rằng:

Có gì đẹp trên đời hơn thế?

Người yêu người, sống để yêu nhau

Tồn tại và ngày càng phát triển – đó là quy luật của sự sống. Để phát triển, trong cuộc chiến giữa chính và tà, những thế lực phi nghĩa sẽ phải đầu hàng trước sức mạnh chính nghĩa. Nhấn con người chìm đắm trong khổ đau là bóng tối, cái ác. Vậy thì kéo con người lên khỏi bờ vực, đưa con người ra ánh sáng, lương thiện phải là tình yêu thương. Như vậy, sự tồn tại của tình yêu thương, sức mạnh của tình yêu giữa con người với con người là tất yếu, là vô địch. Chúng ta có quyền tin vào sự trường tồn mãi mãi của sức mạnh này.

Có thể thấy tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao không lý tưởng hóa tình yêu bằng sự lãng mạn, thơ mộng và thi vị mà ông tập trung ngòi bút vào miêu tả tình yêu rất đỗi chân thực. Cũng chính nhờ ngòi bút ấy, mà ta thấy được sức mạnh của tình yêu được thể hiện theo một cách khác, một tình yêu lên một bậc cao mới ý nghĩa hơn, cao thượng hơn và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ hơn. Tình yêu ấy không những làm cho Chí Phèo – Thị Nở bừng tỉnh giữa cuộc đời đầy mê muội mà còn làm cho người đọc có cái nhìn mới tình yêu. Rằng tình yêu rất cao đẹp nhưng luôn đi liền với thực tế hiện tại. Tình yêu và cuộc sống phải hài hòa với nhau mới có thể tạo thành một tình yêu viên mãn và trọn vẹn.

ADMICRO

Lời kết

Học xong bài Viết bài nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học, các em cần nắm:

- Viết được bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học cụ thể.

- Biết thông cảm, sẻ chia với những số phận khốn khổ, những tình cảnh éo le, bất hạnh sống nhân ái, khoan dung; trận trong ước mơ và cái đẹp;..

Soạn bài Viết bài nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học - Ngữ văn 11 Tập 1 Cánh Diều

Bài học Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí sẽ giúp các em hình thành kĩ năng viết được bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học cụ thể. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn:

  • Soạn văn đầy đủ Viết bài NL về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học
  • Soạn văn tóm tắt Viết bài NL về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học

Hỏi đáp bài Viết bài nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học - Ngữ văn 11 Tập 1 Cánh Diều

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

-- Mod Ngữ văn 11 HỌC247

NONE
OFF