OPTADS360
ATNETWORK
ATNETWORK
YOMEDIA
Banner-Video
IN_IMAGE

Qua bài thơ Vội Vàng (Xuân Diệu) , trình bày suy nghĩ của anh/chị về thời gian tuổi trẻ trong cuộc đời mỗi con người

  bởi trang lan 15/03/2022
ADMICRO/lession_isads=0

Câu trả lời (1)

  • Hoài Thanh viết "Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống dào dạt chưa từng có ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn tha thiết". Tất cả những nhận định ấy đều hoàn toàn ăn khớp với Vội vàng, một trong những tác phẩm hay nhất của Xuân Diệu giai đoạn trước Cách mạng tháng tám. Thế nhưng có phải người thi sĩ chỉ nông cạn, ham muốn hưởng thụ cho sung sướng cuộc đời đâu, mà ẩn sau những vần thơ nồng nàn tha thiết ấy là cả một hệ thống những triết lý nhân sinh sâu sắc về mùa xuân, về đời người, về tuổi trẻ, là đại diện cho một hồn thơ với tam quan sâu rộng và tinh tế. Điều ấy khiến người đọc thơ lần đầu thì bật cười vì thơ Xuân Diệu bốc đồng và hồn nhiên quá, nhưng đọc lần nữa mới vỡ lẽ ra rằng, Xuân Diệu quả thật là một hồn thơ phức tạp và tinh vi vô cùng, càng đọc thêm người ta mới lại càng thấm thía nỗi suy tư, nỗi khát khao luôn rực cháy trong lòng người.

    Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh từng nhận xét về Vội vàng và cả tập Thơ thơ những lời rất tâm huyết: "Đây là tiếng nói của một tâm hồn yêu đời, yêu sống đến cuồng nhiệt. Nhưng đằng sau những tình cảm ấy, có một quan niệm nhân sinh mới chưa thấy trong thơ ca truyền thống". Triết lý nhân sinh trong Vội vàng bắt nguồn từ bức tranh cuộc sống muôn màu muôn vẻ, là tổng hòa của hai yếu tố mùa xuân và tình yêu. Ông khởi đầu bức tranh ấy bằng những khao khát và ước muốn có phần táo bạo, ngông cuồng, dường như muốn khống chế cả thiên nhiên trong bốn câu thơ đầu.

    "Tôi muốn tắt nắng đi
    Cho màu đừng nhạt mất
    Tôi muốn buộc gió lại
    Cho hương đừng bay đi"

    Rồi sau đó mới lại bắt đầu diễn giải cho cái ước muốn khác người ấy bằng một bức tranh thiên nhiên mùa xuân căng tràn nhựa sống, lúc này đây người ta mới vỡ lẽ ra rằng hóa ra Xuân Diệu của bốn câu thơ trên chẳng hề khó hiểu, chỉ bởi rằng mùa xuân trong đôi mắt người thi sĩ đẹp quá, khiến ông phải ích kỷ "tắt nắng", "buộc gió" thậm chí muốn gói những cảm giác tuyệt vời ấy lại rồi giữ riêng mình thưởng thức cho thỏa tấm lòng khát khao.

    "Của ong bướm này đây tuần trăng mật;
    Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
    Này đây lá của cành tơ phơ phất;
    Của yến anh này đây khúc tình si.
    Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
    Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;
    Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;"

    Bức tranh mùa xuân hiện lên thông qua cảm nhận chủ quan của người thi sĩ có đầy đủ hương, sắc, và thanh âm, đó là cảnh ong bướm vờn nhau "tuần tháng mật", cảnh hoa thắm tươi điểm tô "đồng nội xanh rì", cảnh lá, cành mơn mởn phất phơ lả lướt, mềm mại, cùng với đó là thanh âm ngọt ngào của yến anh với "khúc tình si". Và quan trọng nhất mùa xuân không thể thiếu đi ánh nắng nhàn nhạt, ấm áp phủ lên trên tất thảy, đó là thứ ánh sáng lung linh, rớt trên rèm mi của người con gái, trong trẻo và nhẹ nhàng, đó là thứ ánh sáng tiếp thêm nhiệt huyết cho tâm hồn người thi sĩ, để nhà thơ thấy càng yêu thêm mùa xuân, yêu thêm cuộc đời. Đối với Xuân Diệu, mỗi một ngày là một niềm vui mới, chỉ cần được sống, được quyện mình với mùa xuân là đủ, chẳng khác nào có "thần Vui hằng gõ cửa" trái tim, thức tỉnh người thi sĩ mau ra tận hưởng cảnh sắc mùa xuân tuyệt đẹp. Có thế mới thấy rằng, quan niệm về cái đẹp của Xuân Diệu đến từ những thứ rất đỗi thân thuộc xung quanh mỗi chúng ta, chẳng cần phải bắt chước cổ nhân mơ ước đến chốn niết bàn cực lạc, vui vầy thú thanh tao, cao nhã, thoát khỏi chốn trần gian đầy ải mới là hạnh phúc. Mà đối với nhà thơ hạnh phúc thực sự phải tới từ chính cuộc sống thực tại, mà ở đó con người phải biết trân trọng, tìm kiếm và cảm nhận vẻ đẹp tiềm tàng trong mỗi một sự vật, sự việc xung quanh chúng ta. Bởi suy cho cùng ta mơ về chốn thần tiên quyến lữ, nhưng có bao giờ đạt mộng ước, cái còn lại chỉ là sự thất vọng, ảo não ê chề, vậy nên hạnh phúc vẫn là nên được xây dựng từ chính cuộc sống thực tại.

    Nhưng đối với Xuân Diệu mùa xuân không chỉ đơn giản có thế, mùa xuân mà thiếu đi chút hương vị của tình yêu thì bức tranh cuộc sống trong thơ ông đã không còn đúng nghĩa. Đó chính là nét đặc sắc và cũng là triết lý nhân sinh khác của riêng Xuân Diệu, mùa xuân và tình yêu là hai khái niệm song hành. Ta nhận thấy rằng, dẫu có vẻ như tác giả chỉ đang đơn thuần tả cảnh mùa xuân bằng một giọng thơ hào hứng, sôi nổi, bằng sự tinh tế của giác quan, nhưng ẩn sâu trong đó chính là vẻ đẹp của tình yêu. Ong bướm say đắm bên nhau, ngọt ngào như mật, tựa đôi tình lữ chìm trong khoảnh khắc tân hôn, hoa với cỏ nơi đồng nội cũng có thứ hạnh phúc êm đềm, lá với cành có thứ tình yêu phong tình, lãng mạn, yến với anh nên thơ với "khúc tình si" ngọt ngào, hạnh phúc, còn riêng người thi sĩ dành cho mình mối tương tư với người thiếu nữ dưới nắng xuân, tươi trẻ, dạt dào sức sống. Có thể thấy, cảnh vật mùa xuân chan chứa tình yêu và hồn người thi sĩ lại càng chẳng bao giờ thiếu vắng tình yêu, ngoài cảm xúc lứa đôi thì nổi bật nhất vẫn là tình yêu với thiên nhiên với cuộc sống một cách tha thiết, nồng nàn. Thậm chí có đôi phần mãnh liệt nên mới có liên tưởng thú vị "Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần", ngoài sự chuyển đổi cảm xúc từ giác quan, ta còn nhận thấy rằng Xuân Diệu đang so sánh mùa xuân với tình yêu, đang so sánh thiên nhiên với con người, mà đúng ra đó không phải là so sánh mà là sự kết hợp, tương quan chặt chẽ, là quan niệm của Xuân Diệu về mùa xuân, tình yêu và cuộc sống.

    Nếu mười câu thơ đầu chính là đại diện cho vẻ ngoài của của một hồn thơ sôi nổi, đắm say và yêu đời tha thiết, thì phần thơ tiếp theo lại chính là những gì sâu sắc nhất trong tâm hồn Xuân Diệu. Mà ở đó ta thấy được những triết lý nhân sinh, những dẫn luận đầy tinh tế về mùa xuân, cuộc đời và quy luật của tạo hóa. Xuân Diệu chuyển từ cảm xúc bề nổi sang cảm xúc suy tư cũng tựa như một bản nhạc có khúc cao trào nhất, rồi dần chậm rãi đủ để thấm sâu vào hồn người, và trong Vội vàng cái khoảnh khắc giao thoa ấy nằm gọn ở hai câu thơ.

    "Tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa
    Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân"

    Mạch thơ vốn đang vồn vã, yêu đời bỗng khựng lại, có thể nói dường như cả đoạn thơ sau là dùng để diễn giải cho một câu "Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân", có gì mà nhà thơ phải vội vàng đến thế, có gì mà khiến một kẻ đang sung sướng ngất ngây phải cắt đôi cái phần sung sướng ấy để "vội vàng một nửa"? Đó là bởi Xuân Diệu đã ngộ ra quy luật tàn nhẫn của tạo hóa.

    "Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
    Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
    Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
    Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
    Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
    Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
    Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại.
    Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
    Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;"

    Thiên nhiên, cụ thể là mùa xuân luôn có quy luật của mình đó là quy luật của thời gian, một năm 3 tháng mùa xuân, mỗi năm xuân đi rồi xuân đến, thế nhưng mùa xuân của con người nào có được như vậy. Y Vân viết rằng: "Anh ơi có bao nhiêu? 60 năm cuộc đời, 20 năm đầu, sung sướng không bao lâu, 20 năm sau, sầu vương cao vời vợi, 20 năm cuối là bao?", tính ra con người đâu có được bao nhiêu mùa xuân, tất cả thoáng qua trong chớp mắt, một kiếp người cuối cùng cũng trở thành cát bụi, không tái sinh, không tuần hoàn. Đó đã là quy luật không thể thay đổi của tạo hóa, không một ai có thể chống lại bước đi lạnh lùng, tuyến tính của thời gian, dù rằng nó quá tàn nhẫn và xót xa. Thế nên với Xuân Diệu cuộc đời ngắn ngủi chưa đầy trăm năm ấy chẳng thể nào khiến ông mãn nguyện, ông luôn có một nỗi ám ảnh sâu sắc với thời gian và luôn luôn luyến tiếc vô cùng cái khung cảnh nhân gian, luyến tiếc cuộc đời, đặc biệt là luyến tiếc mùa xuân theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Vậy còn lý do gì mà Xuân Diệu không vội vàng, không khao khát, không ích kỷ nắm giữ, tận hưởng cuộc đời khi còn có thể? Từ quy luật của thời gian của tạo hóa Xuân Diệu đã mở ra một triết lý nhân sinh mới mẻ cho riêng mình, điều ấy thể hiện rất rõ ràng trong những câu thơ cuối.

    "Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
    Ta muốn ôm
    Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
    Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
    Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
    Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
    Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
    Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
    Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
    - Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!"

    Quay lại với nhịp thơ dồn dập, vội vàng, Xuân Diệu ra sức thúc giục "Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm", đi để mà thưởng thức hết những gì tuyệt vời của cuộc sống trước khi mùa xuân tàn, trước khi cuộc đời tàn. Có thể thấy rằng đến đây sau khi đã nhận thức một cách rõ ràng quy luật tạo hóa thì cái khao khát tận hưởng cuộc sống, tình yêu cuộc sống của nhà thơ lại càng trở nên mãnh liệt, say đắm và nồng nàn, thậm chí là hoang dại với câu kết "Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi". Đó chính là cảm xúc thực của thi nhân, trước những thứ vô hình mà ta một lòng khát khao thì cái sự chiếm hữu lại càng tăng lên gấp bội, có lẽ rằng Xuân Diệu đang muốn thể hiện chủ quyền với mùa xuân hoặc đôi khi ông muốn nuốt "xuân hồng" vào bụng để vĩnh viễn được ở bên nó, tận hưởng cho thỏa thích cũng là điều có thể lý giải. Tóm lại rằng, triết lý nhân sinh của Xuân Diệu chỉ nằm vỏn vẹn trong mấy chữ: Hãy tận hưởng bằng tất cả tâm hồn và thể xác khi còn có thể!

    Xuân Diệu là một hồn thơ trẻ muôn đời, với sức sáng tạo mãnh liệt, dồi dào và bền bỉ ông đã đóng cho nền văn học Việt Nam những tác phẩm có giá trị nhân văn sâu sắc. Đặc biệt trong Vội vàng người ta thấy được những triết lý nhân sinh mới mẻ về cái đẹp, về thời gian, và về cuộc đời thật đáng trân trọng, xuất phát từ một hồn thơ với tầm nhân sinh quan, giá trị quan, thế giới quan toàn diện và tinh tế vô cùng. Phải nói rằng yêu thơ X Xuân Diệu, đọc thơ Xuân Diệu ta dường như thấy mình trẻ ra không biết bao nhiêu tuổi đời.

      bởi A La 16/03/2022
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
 

Các câu hỏi mới

NONE
OFF