OPTADS360
AANETWORK
AMBIENT
YOMEDIA
Banner-Video
IN_IMAGE

Phân tích tâm trạng cô bé Liên đêm đêm thức đợi xem chuyến tàu đi qua phố huyện trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

  bởi Trần Phương Khanh 11/06/2020
ADSENSE/lession_isads=0
QUẢNG CÁO
 

Câu trả lời (1)

  • Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, nếu như Nguyễn Tuân được biết đến là nhà văn miệt mài đi tìm cái đẹp khác biệt, phi thường với phong cách tài hoa, uyên bác thì Thạch Lam lại khám phá những điều tưởng chừng như nhỏ bé và rất đỗi đời thường, bình dị trong cuộc sống của con người. Điều này được thể hiện rõ thông qua tác phẩm “Hai đứa trẻ”. Đây là truyện ngắn thể hiện rõ phong cách nghệ thuật của nhà văn Thạch Lam. Trong thiên truyện mang âm hưởng man mác buồn thấm đẫm âm hưởng trữ tình, tác giả Thạch Lam đã miêu tả thành công tâm trạng của cô bé Liên đêm đêm thức đợi chuyến tàu đi qua phố huyện.

    Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” là mẩu chuyện xoay quanh cuộc sống  sinh hoạt thường nhật của hai chị em Liên và An. Ở mỗi phân đoạn của thiên truyện, ngòi bút tinh tế của Thạch Lam đều lách sâu vào tâm trạng của nhân vật để miêu tả những cảm xúc tưởng chừng như rất đỗi giản đơn, đặc biệt là tâm trạng của Liên khi thức đợi xem chuyến tàu đi qua phố huyện. Đối với Liên và An, hình ảnh chuyến tàu đi qua phố huyện chính là ánh sáng đẹp nhất chất chứa những niềm hi vọng nhỏ nhoi về một thế giới khác. Giữa ánh sáng le lói trong màn đêm dày đặc bao trùm phố huyện, dù buồn ngủ nhưng An và Liên vẫn cố thức đợi những chuyến tàu. Bởi vậy, khi nghe thấy thanh âm tiếng còi tàu từ xa vọng lại, trong lòng Liên đã háo hức mong chờ và ngóng đợi. Khi đoàn tàu tiến lại gần hơn, Liên cuống quýt gọi em dậy với sự giục giã như sợ hãi khi để vụt mất một điều đáng quý và đáng trân trọng. Như vậy, hai chị em Liên mong chờ chuyến tàu qua phố huyện để gửi gắm những ước mơ, hi vọng chất chứa trong tâm hồn để thỏa mãn đời sống tinh thần.

    Khi con tàu rầm rộ đi đến với những luồng sáng mới mẻ, Liên nắm tay em để ngắm nhìn đoàn tàu vụt qua. Dù đoàn tàu đến và đi nhanh chóng chỉ trong thoáng chốc nhưng đủ để Liên quan sát và chiêm ngưỡng “các toa đèn sáng trưng, chiếu cả xuống đường”. Liên xúc động “lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo”. Như vậy, khi ngắm nhìn những đoàn tàu vụt qua phố huyện, Liên như được sống trong một thế giới mới tươi đẹp và sôi động hơn. Liên ngắm nhìn những luồng sáng rực rỡ mà con tàu đem đến, khác hẳn với ánh đèn dầu tù mù leo lét của quán hàng nước nhà chị Tí và ngọn lửa của bác Siêu. Con tàu còn đem đến những âm thanh náo nhiệt của dòng người tấp nập, huyên náo cùng tiếng bánh xe lăn trên ray tàu xua đi không khí tĩnh lặng man mác buồn nơi phố huyện nghèo. 

    Khi “chiếc tàu đi vào đêm tối, để lại những đốm than đỏ bay trên đường sắt”, hai chị em vẫn dõi theo “cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa mãi rồi khuất sau rặng tre” như muốn níu lại khoảnh khắc bừng sáng mà con tàu đem đến khi qua phố huyện. Và sau đó, hai chị em nhanh chóng quay trở về hiện thực với nỗi buồn man mác. Dù con tàu đến và đi chỉ trong thoáng chốc nhưng đủ thắp lên những niềm hi vọng nhỏ bé trong tâm hồn Liên.

    Như vậy, cảnh Liên đợi con tàu đi qua phố huyện đã thể hiện rõ giá trị nhân đạo và hiện thực của thiên truyện ngắn “Hai đứa trẻ”. Qua hình ảnh đoàn tàu, tác giả Thạch Lam đã gián tiếp tô đậm bức tranh cuộc sống tẻ nhạt, đơn điệu mang tính tuần hoàn, tù túng nơi phố huyện nghèo. Đồng thời, những ánh sáng rực rỡ và thanh âm đông đúc vụt qua mà con tàu đem đến còn có ý nghĩa đem cuộc sống ồn ào, tấp nập nơi thị thành về nơi phố huyện. Con tàu đối với Liên là một niềm say mê bởi nó thắp lên trong Liên hi vọng về tương lai mới, đồng thời đánh thức cuộc sống quá khứ tốt đẹp. Chuyến tàu chợt đến chợt đi còn giúp Liên nhận thức rõ hơn về cuộc sống của phủ đầy bóng tối của người dân nơi phố huyện. Đồng thời, chúng ta có thể thấy được niềm đồng cảm, xót thương của nhà văn đối với những con người sống kiếp lay lắt, tàn tạ, quẩn quanh bế tắc.

    Qua dòng tâm trạng của Liên khi thức đợi chuyến tàu đi qua phố huyện, chúng ta có thể thấy được biệt tài khai phá những điều bình dị, đời thường của nhà văn Thạch Lam. Chất tự sự đã chuyển hóa thành chất trữ tình với phong vị man mác buồn để tạo nên một thiên truyện ngắn đầy chất thơ.

      bởi Nguyễn Thị An 11/06/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
 

Các câu hỏi mới

NONE
OFF