OPTADS360
AANETWORK
LAVA
YOMEDIA
Banner-Video
IN_IMAGE

Hướng dẫn soạn Đây thôn vĩ dạ

Hướng dẫn soạn bài thơ "Đây thôn vĩ dạ" của Hàn Mạc Tử

  bởi Duy Quang 06/09/2018
ADSENSE/lession_isads=0
QUẢNG CÁO
 

Câu trả lời (1)

  • I. Tác giả - Tác phẩm

    1. Tác giả

    Hàn Mặc Tử (1912 - 1940) tên khai sinh là Nguyễn Trọng Trí, người làng Lệ Mĩ, tổng Võ Xá, huyện Phong Lộc, tỉnh Đồng Hới (nay là Quảng Bình). Ông sinh ra trong một gia đình viên chức ngheo theo đạo Thiên Chúa. Cha mất sớm, ông sống với mẹ ở Quy Nhơn.

    Học xong, Hàn Mặc Tử làm công chức cho sở đạc điền Bình Định rồi vào Sài Gòn làm báo. Đến năm 1936, mắc bệnh phong, ông về hẳn Quy Nhơn chữa bệnh rồi sau đó mất tại trại phong Quy Hòa năm 1940. Tuy cuộc đời có nhiều bi thương nhưng Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất trong phong trào Thơ mới.

    2. Tác phẩm

    Xuất xứ của bài thơ Đây thôn vĩ dạ khá đặc biệt. Khoảng giữa những năm 1932-1933, Hàn Mặc Tử làm nhân viên Sở đạc điền Bình Định. Thi sĩ có thầm yêu Hoàng Thị Kim Cúc quê ở Vĩ Dạ nhưng sống ở Quy Nhơn. Ít lâu sau Hàn Mặc Tử vào Sài Gòn làm báo, khi mắc bệnh phong, trở lại Quy Nhơn thì Kim Cúc đã theo cha về quê nhà. Nhà thơ đã nhờ một người bạn có việc ra Huế mang tập Gái quê tặng Cúc. Nhận được sách, Kim Cúc đã gửi cho Hàn Mặc Tử một bức tranh phong cảnh Huế có hình người chèo đò trên sông Hương với lời hỏi thăm hỏi chúc thi sĩ mau bình phục. Sau đó, khoảng năm 1939, Kim Cúc nhận được bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ do Hàn Mặc Tử tặng kèm theo mấy dòng cảm tạ chân thành.

    Như vậy, có thể nói, bức tranh phong cảnh và những lời hỏi thăm của Kim Cúc đã gợi cảm hứng để Hàn Mặc tử viết Đây thôn Vĩ Dạ, thể hiện tình yêu thầm kín của mình, tâm trạng của mình trong hoàn cảnh éo le, bất hạnh. Tuy nhiên, cần hiểu rằng đây chỉ là một dyên cớ để nhà thơ bày tỏ tình yêu tha thiết với thiên nhiên, với cuộc sống, với đất nước và con người.

    II. Trả lời câu hỏi

    1. Câu thơ mở đầu "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?" là câu hỏi mà thực ra là lời trách móc nhẹ nhàng và cũng là lời mời gọi tha thiết của cô gái thôn Vĩ với nhà thơ. Thực ra câu hỏi vọng lên từ phương trời xa xôi ấy đã là duyên cớ để khơi dậy trong tâm hồn nhà thơ bao kỉ niệm sâu sắc, bao hình ảnh đẹp đẽ, đáng yêu về xứ Huế, trước hết là về Vĩ Dạ, nơi có người mà nhà thơ thương mến.

    Câu thơ "Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên" như phác qua cái nhìn từ xa tới, chưa đến Vĩ Dạ nhưng đã thấy hàng cau thẳng tắp, cao vút, vượt lên trên những tán cây khác, những tàu lá cau lấp lánh ánh sáng mặt trời buổi sớm mai. Câu thơ có 7 chữ mà có tới 2 chữ nắng, tưởng như Hàn Mặc Tử đã gợi đúng cái đặc trưng của nắng miền trung: nắng chiều và nắng rực rỡ ngay từ lúc bình minh.

    Câu thơ "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc" lại là cái nhìn thật gần của người như đang đi trong những khu vườn tươi đẹp của thôn Vĩ. Từ mướt gợi sự tươi non, sạch sẽ, láng bóng của từng chiếc là dưới ánh mặt trời. Trong khi đó, hình ảnh so sánh xanh như ngọc gợi hình dung về những tán cây xanh mướt, mượt mà được ánh nắng mặt trời rực rỡ buổi sơm mai chiếu xuyên qua ánh lên màu xanh trong suốt như màu ngọc.

    Trong ba câu đầu, con người chưa xuất hiện. Đến câu thơ thứ tư, sự xuất hiện ấy cũng không trọn vẹn. Nó ngượng ngùng, e ấp "Lá trúc che ngang mặt chữ điền". Một sự xuất hiện kín đáo rất đúng với bản tính của con người  đất Huế, bởi chỉ có thể thấy thấp thoáng sau những chiếc lá trúc là khuôn mặt chữ điền, khuôn mặt của người ngay thẳng, cương trực, phúc hậu theo quan niệm của người xưa. Nếu ta hiểu câu thơ đầu là lời của người con gái Huế thì ở câu này hẳn nhân vật trữ tình có lẽ là chủ nhân của "vườn ai". Thế nhưng nếu câu đầu là lời của tác giả thì cũng có thể hiểu đây là hình ảnh của người thi sĩ đang rất khổ đau.

    2. Hàn Mặc Tử chuyển mạch thơ sang khổ thứ hai một cách khá đột ngột bằng những hình ảnh ấn tượng. Ở khổ thơ này tâm trí Hàn Mặc Tử hướng về sông Hương với hai nét tiêu biểu cho xứ Huế là êm đềm và thơ mộng. Nhưng không chỉ có vậy, câu thơ còn ẩn sâu trong đó là biết bao cảm xúc, suy tư của nhà thơ.

    Trong hai câu đầu, sông Hương hiện lên với vẻ êm đềm, hợp với nhịp điệu khoan thai của xứ Huế. Tuy nhiên, có vẻ như sự êm đềm chỉ ở cái hình thức bên ngoài, bởi câu thơ đã tàng ẩn một sự chia lìa, tan tác "gió theo lối gió, mây đường mây". Sự chia lìa đã diễn ra ngay trong cả những thứ vốn không thể chia lìa được. Động từ lay thật gợi buồn, buồn đến hiu hắt vây.

    Hai câu thơ sau là hai chiều cảm xúc: tâm hồn nhà thơ có buồn , có cô đơn nhưng vẫn chan chứa tình yêu con người và thiên nhiên xứ Huế. Cảnh thực mà cứ như ảo, vì dòng sông không còn là dòng sông của sóng nước nữa mà là dòng sông sánh sáng, lấp lánh ánh trăng vàng. Cũng vì thế, con thuyền vốn có thể có thực trên sông đã trở thành một hình ảnh của mộng tưởng. Nó đậu trên bến sông trăng để chở trăng về một nơi nào đó trong mơ. Chữ kịp hé mở cho ta một mặc cảm: mặc cảm về một hiện tại ngắn ngủi, hé mở cho ta thấy chủ thể đang cố chạy đua với thời gian.

    3. Ở hai khổ thơ trên, Hàn Mặc Tử hướng đến thiên nhiên xứ Huế để mà tâm sự. Trong khổ thơ cuối này, nhà thơ trực tiếp tâm sự với người xứ Huế. Câu thơ mở đầu khổ như nhấn mạnh thêm nỗi xót xa "Mơ khách đường xa, khách đường xa" như lời thầm tâm sự của nhà thơ với chính mình trước lời mời của cô gái thôn Vĩ, có lẽ nhà thơ mãi chỉ là người khách quá xa xôi, hơn thế chỉ là người khách trong mơ mà thôi.

    Câu thơ cuối mang chút hoài nghi mà lại chan chứa niềm thiết tha với cuộc đời "Ai biết tình ai có đậm đà?". Đại từ phiếm chỉ "ai" mở ra hai lớp nghĩa của câu thơ dù hiểu theo theo nghĩa nào thì câu thơ cũng chỉ làm tăng thêm nỗi cô đơn, trống vắng trong một tâm hồn tha thiết yêu thương con người và cuộc đời.

    4. Về tứ thơ và bút pháp của bài thơ

    - Tứ thơ là ý chính, ý lớn bao quát bài thơ, là điểm tựa cho sự vận động của cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng toàn bài thơ. Ở bài thơ này, tứ thơ bất đầu với cảnh đẹp thôn Vĩ bên dàng sông Hương, từ đó khơi gợi liên tưởng thực - ảo và mở ra bao nhiêu nỗi niềm cảm xúc suy tư về cảnh và người xứ Huế với phấp phỏng những mặc cảm, uẩn khúc, niềm hy vọng và niềm tin yêu.

    - Bút pháp của nhà thơ sử dụng trong bài thơ này kết hợp hài hòa điệu tả thực, tượng trưng, lãng mạn và trữ tình. Cảnh đẹp xứ Huế đậm nét tả thực mà lại có tính chất tượng trưng. Sự mơ mộng làm tăng thêm sắc thái lãng mạn, chân thực của cảm xúc làm đậm thêm chất trữ tình.

      bởi Triệu Khắc 06/09/2018
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
 

Các câu hỏi mới

NONE
OFF